Tin vui và… tin vui! Suốt năm qua, mỗi ngày căn nhà của bạn (ở Melbourne) tăng… $766 nhưng lãi suất tháng này vẫn không tăng!

 

 

Một căn nhà đang xây ở vùng Kew, Melbourne:  Nhà ở vùng này trung bình $1,380,000 nhưng một căn nhà đang xây như trong hình (3-4 phòng ngủ trên miếng đất khoảng 500 mét vuông), nghe nói giá  tới… $3 triệu Úc kim.  Ảnh Thụy Văn

 

Khác với dự đoán của các chuyên gia kinh tế tài chánh, Ngân hàng Trữ kim Úc họp định kỳ vào ngày Thứ Ba đầu tháng này để cứu xét tình hình tiền tệ, kinh tế tài chánh đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính thức ở mức 3.75%.

Vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Trữ kim Úc đã liên tiếp tăng lãi suất trong ba tháng. Đầu năm nay, do mại lực tiêu thụ tăng, tỉ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục, lạm phát tăng nên hầu như mọi người đều tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất  tối thiểu thêm 0.25%.

 

Một trong những lý do mà Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Glen Stevens đưa ra là trong thời gian qua các ngân hàng (tư) đã tăng lãi suất cao hơn lãi suất chính thức.

 

Đó là tin vui đầu năm cho những người vay tiền mua nhà.

 

Có tin vui khác là trong năm qua người mua nhà (hay đầu tư) ngồi vậy mà hưởng lợi do giá nhà tăng.

 

TVTS Online trích đăng bài viết của tác giả Thụy Văn đã đăng trên báo in TVTS số 1244 vào ngày 27.1.2010 để bạn đọc bốn phương biết tình hình địa ốc ở Melbourne và Úc Châu.

 

* * *

 

Khoảng năm 1998 khi Thụy Văn tôi viết về địa ốc, nói về chuyện mua nhà cửa ở các khu đang phát triển như Southbank, bến cảng Docklands và những vùng nghỉ mát như Phillip Island, giá nhà trung bình ở Melbourne lúc đó là $196,000. Qua một con giáp, giá nhà ở Melbourne bây giờ đã tăng lên tới… $540,500.

 

Ngày đó Thụy Văn tôi thường nói đùa “nếu không có hai căn nhà thì không phải là người tị nạn” để nói lên sự chịu thương chịu khó của những người Việt khi đến định cư ở xứ phúc địa này.

 

Từ không có một xu dính túi, nhiều người đã chóng tậu được căn nhà đầu tiên. Rồi có những người mua được căn nhà thứ hai để cho thuê. Và không hiếm người đã có căn nhà thứ ba, thứ tư…

 

Hầu như tất cả đều thấm nhuần lời dạy của ông bà mình: an cư lạc nghiệp.

 

Cứ nhìn trên 100 cái quảng cáo nhà cho thuê, phòng cho thuê hay share phòng đăng hàng tuần trên các trang rao vặt của TiVi Tuần-san thì sẽ thấy Thụy Văn tôi nói không sai hay không quá đáng.

 

Nếu ngày đó bạn mua được hai căn nhà thì nay có phải đã trở thành phó triệu phú? Còn nếu đã hết nợ ngân hàng thì đương nhiên là triệu phú.

 

Tuần qua, Viện Địa ốc Victoria REIV đã cho công bố kết quả giá nhà của 3 tháng tính đến tháng 12 năm 2009. Trong quý này, giá nhà ở Melbourne đã tăng với một con số kỷ lục là $70,500  làm cho những người hiện làm chủ một căn nhà trung bình cứ ngồi chơi… mà đếm tiền, mỗi ngày kiếm được $766 đô la, tương đương lương của một công nhân trong một tuần lễ.

 

Đây là lần đầu tiên giá nhà trung bình ở Melbourne đã vượt qua ngưỡng cửa nửa triệu đô la.

 

Thật vậy, dữ kiện của viện địa ốc REIV cho thấy giá nhà trung bình trong quý vừa qua tăng 15%, từ $470,000  lên tới $540,500 một căn.

 

Tỉ lệ gia tăng tương đương với cùng thời gian 10 năm trước. Nhà trong quý tháng 12 của năm 2000 tăng 14.9%.

 

Ngoại ô đứng đầu tăng giá trong 3 tháng của quý cuối năm qua là Burwood với 23.1% nâng giá nhà từ $658,000 lên $810,000.

 

Những vùng ở miền đông như Ringwood, Lilydale và Mt Evelyn đều có giá nhà tăng trên 14% trong khi những nhà ở vùng miền nam như Bentleigh, Cheltenham và Keysborough đều nằm trong danh sách TOP 10 với tỷ lệ tăng trên 13.3%.

 

TOP 10 ngoại ô tăng giá trong 3 tháng:

1. Burwood $810,000 tăng 23.1%

2. Ringwood $521,750 tăng 16.2%


3. Mt Evelyn $391,250 tăng 16.1%


4. Brunswick $724,250 tăng 15.2%


5. Lilydale $470,000 tăng 14.6%


6. Bentleigh $842,000 tăng 14.6%


7. Cheltenham $640,000 tăng 13.3%


8. Keysborough $453,000 tăng 13.3%


9. Footscray $602,500 tăng12.9%


10. Balwyn $1,451,000 tăng 12.8%


Ông Enzo Raimondo, giám đốc viện địa ốc REIV cho rằng giá nhà tăng là do một sự kết hợp tốt hơn cả ước mong giữa các điều kiện kinh tế và sự gia tăng dân số và cũng vì thế đã tạo áp lực lên giá cả địa ốc ở thành phố Melbourne.

 

Ông Raimondo nói mỗi tuần dân số Melbourne tăng thêm 1,700 người nhưng tiếc thay việc xây cất thêm nhà cửa đã không đáp ứng được áp lực gia cư của thị trường.

 

Theo ông giám đốc REIV điều này thể hiện sự tăng trưởng của nhà cửa nằm trong khoảng giá từ $500,000 đến $900,000.

 

Sau một thời gian bị trì trệ với cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu, những khu vốn có giá nay đã trở lại với thời vàng son thủa nào. Hawthorn East là nơi giá nhà tăng cao nhất trong một năm tính đến tháng 12 năm 2009,  nhảy từ $810,000 lên $1,252,500.

 

TOP 10 ngoại ô tăng giá trong 12 tháng:

 

1. Hawthorn East $1,252,500 tăng 54.6%


2. Balwyn $1,451,000 tăng 51.8%


3. Brighton East $1,242,500 tăng 42.8%


4. Camberwell $1,339,000 tăng 36.6%


5. Ringwood $521,750 tăng 35.5%


6. Kew $1,380,000 tăng 35.2%


7. Footscray $602,500 tăng 34.4%


8. Wheelers Hill $691,262 tăng 32.9%


9. Brunswick $724,250 tăng 31.7%


10. Mt Martha $564,000 tăng 31.2%

 

Nhưng Toorak vẫn là ngoại ô nhà cửa đắt nhất Melbourne với mỗi căn trung bình $2.68 triệu đô la, theo sau là Brighton ($1.66 triệu) và Canterbury ($1.64 triệu).

 

Những vùng có giá nhà dễ chịu nhất nằm ở những ngoại ô xa. Những nơi mà nhà trung bình vẫn còn dưới $300,000 là Melton ($239,750) tiếp theo Werribee ($275,000) và Wyndham Vale ($283,000).

 

Giá cả của các apartment, unit cũng tăng trong quý vừa qua, trung bình tăng 7.6% hay tăng $31,000  lên tới $441,000.

 

Năm 1998, một căn nhà trung bình là $196,000.

 

Năm 2009, một căn trung bình $540,500.

 

Năm 2020, một căn trung bình sẽ bao nhiêu?

 

Trên  $1 triệu đô la!

 

Các chuyên  gia địa ốc tiên đoán trong vòng 10 năm sau giá nhà trung bình sẽ là $1,166,344.

 

Trong khi đó, chuyên gia địa ốc và tác giả sách làm thế nào để làm giàu là Michael Yardney cho rằng với khuynh hướng gia tăng hiện nay, nhà cửa sẽ lên tới $1.5 triệu. Ông Yardney tiên đoán hiện tượng này sẽ xảy ra tại những thủ phủ trên khắp nước Úc, do sự bùng nổ địa ốc tiếp diễn.

 

Cách đây một năm, ở đâu người ta cũng đều nói đến chuyện bong bóng vỡ trong lãnh vực địa ốc. Ở Mỹ, nhiều người tán gia bại sản hay bị ngân hàng xiết nhà vì không đủ khả năng trả nợ. Nhà mất giá.

 

Tại Úc, giá nhà cửa cũng khựng một thời gian ngắn hoặc tăng không đáng kể. Nhưng chỉ một năm sau ngày thị trường chứng khoán Nữu Ước bị sụp, thế giới thất điên bát đảo, thị trường địa ốc ở Úc nói chung và ở Melbourne nói riêng tiếp tục bùng nổ một cách đáng ngạc nhiên.

 

Người ta nói về phép lạ ở Úc, bởi Úc là nước tây phương duy nhất không bị hay ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà chẳng hề hấn gì.

 

Lý do? Bởi nhờ sự quản trị kinh tế của chính phủ và các ngân hàng.

 

Lúc này phải khen Thủ tướng Kevin Rudd một phát. Một người chưa bao giờ nắm một chức vụ kinh tế tài chánh quan trọng trước khi làm thủ tướng, nhưng ông Rudd đã dám đánh một ván bài bằng cách tung ra hàng chục tỉ bạc để kích thích nền kinh tế, kích thích sự mua sắm, tạo sự tin tưởng của thị trường cung cầu.

 

Khác với các ngân hàng ở Âu Mỹ, ngân hàng Úc làm ăn tương đối cẩn thận hơn để không bị phá sản, lại được chính phủ Rudd cam kết bảo đảm nên thị trường tài chánh của Úc an tâm trước các biến động diễn ra dồn dập trên thế giới.

 

Nhờ các “phép mầu” đó mà địa ốc ở Úc tiếp tục bùng nổ.

 

Nhưng với việc giá nhà tiếp tục tăng, tỉ lệ nhân dụng cao, hầu như Ngân hàng Trữ kim Úc sẽ tìm cách hãm cái đà bộc phát đang đe dọa lạm phát hiện nay. Và vì thế, người ta tin rằng vào đầu tháng tới, sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất tiếp theo ba đợt tăng lãi xuất liên tiếp vào cuối năm ngoái.

 

Những bạn nào đã có nhà hay có hai ba căn, dù đang phải trả góp cũng chẳng đáng lo so với trị giá căn nhà cứ mỗi ngày mỗi tăng.

 

Chỉ tội nghiệp cho giới trẻ, những người sắp mua căn nhà đầu tiên vì Giấc Mơ Úc (Australian Dream) càng ngày càng xa tầm tay hay chậm thực hiện.