Lowy Institute cảnh cáo về căng thẳng ở Biển Đông trong lúc chính phủ Úc cho tái xét chiến lược phòng thủ

28 Tháng Sáu, 2011 | Tin nước Úc









Chiến hạm HMAS Sydney. Photo courtesy: LSPH Damian Pawlenko/RAN


 


 


Viện chính sách quốc tế Lowy Institute vừa qua đã đưa ra một báo cáo cảnh cáo rằng những căng thẳng ở Biển Đông có thể đưa các cường quốc trong khu vực và Mỹ tới xung đột.


 


Theo báo cáo của tác giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs, “Các tuyến đường biển ở châu Á – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương đang ngày càng trở nên chật chội hơn, nóng bỏng hơn và có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Không quân và hải quân đang được tăng cường giữa lúc cán cân sức nặng chiến lược kinh tế đang có sự thay đổi”.


 


Cuộc nghiên cứu về các cường quốc và an ninh hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương được công bố giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị ra mắt tàu sân bay đầu tiên dự trù trong tuần này, một hành động gây lo lắng trong khu vực về sự phát triển quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.


 


Đầu tuần này , Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết phàn nàn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm vào các tàu của Việt Nam và Philippines tại Biển Đông.


 


Hai tác giả Medcalf và Heinrichs cho hay các cuộc tuần tra hàng hải và giám sát xâm nhập diễn ra ngày càng nhiều, cùng với chủ nghĩa dân tộc và những tranh chấp về tài nguyên, tất cả những điều này khiến việc quản lý tranh cãi về chủ quyền biển trở nên khó khăn hơn.


 


Trong khi đó, Úc  sẽ bố trí các tàu chiến và máy bay tới vùng biển tây bắc để bảo vệ ngành khí đốt và dầu mỏ đang phát triển của nước này cũng như đối phó với tiềm lực quân sự gia tăng của các quốc gia trong vành đai Ấn Độ Dương, nhất là Trung Quốc.


 


Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith nói bản  tái xét dự kiến sẽ được đưa ra vào năm tới, đang đề xuất bố trí các tàu tấn công lưỡng cư, các máy bay chiến đấu Joint Strike và các binh sĩ tới bờ biển phía tây và phía bắc của  Úc.


 


Bờ biển Tây Úc  và Vùng lãnh thổ phía Bắc là nơi có các dự án dầu và khí đốt trị giá nhiều tỷ USD và cũng nằm gần nhất với Trung Quốc và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vùng này lại chỉ có một căn cứ quân sự lớn, đặt tại thành phố Perth.


 


Bộ quốc phòng Úc chủ yếu hoạt động ở khu vực tây nam đất nước, với một căn cứ quan trọng ở Sydney và các khu đồn trú quân sự lớn tại Sydney, Brisbane, Townsville và Darwin.


Việc bố trí các lực lượng hầu như không thay đổi kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.


 


Bộ trưởng Smith bác bỏ việc tái xét này nhắm đáp trả lại sự bành trướng của Trung Cộng.


Tuy nhiên, cựu tư lệnh Lục quân, Trung tướng Peter Leahy nói ông không nghĩ vậy, cho rằng sự tái xét lớn nhất từ thời chiến tranh Việt Nam đến nay là do hoàn cảnh địa lý và chiến lược cũng như sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc và mưu đồ của họ.


 


Tướng Leahy hiện là giáo sư tại học viên an ninh quốc gia thuộc Đại học Canberra nói bạch thư quốc phòng năm 2009 nói về sự “bao vây” Trung Quốc và sự tái xét chiến lược quốc phòng này là một phần của sự báo vây đó.


 


“Đây là thời điểm thích hợp để đánh giá cấu trúc lực lượng, vì các nhân tố an ninh và chiến lược của thời đại mới”, ông Smith nói.


 


(Theo Dân Trí)