Đôi giòng với Trường Kỳ: người bạn của TiVi Tuần-san

25 Tháng Ba, 2009 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Nguyễn Hồng Anh, chủ bút TiVi Tuần-san

 

Anh đãi gia đình chúng tôi bữa cơm tối tại nhà hàng Kiều Anh ở Montreal. Từ trái: Mạc Văn Đức, Trường Kỳ và vợ chồng tác giả

 

Sau khi đưa tin anh qua đời lên internet và báo tuần, người viết vẫn chưa biết khi nào sẽ có một bài viết về anh như một lời tiễn biệt, bởi vì vẫn còn quá ngỡ ngàng, xúc động và thương tiếc. Cứ nghĩ tới cuối tuần này, sẽ không còn liên lạc qua lại với anh. Lại nghĩ đến tuần tới độc giả của báo TiVi Tuần-san sẽ không còn có bài của anh để đọc. Vĩnh viễn không còn bài mới của anh. Cả một sự hụt hẫng.

 

Ngỡ ngàng, xúc động và thương tiếc một người mà người viết đã nghe danh hơn bốn thập niên, cộng tác và thăm hỏi hơn một thập niên, nhưng mới gặp mặt lần đầu tiên cách đây chỉ nửa năm, khi người viết đưa cả gia đình đi một vòng hơn nửa trái đất để vừa vui chơi, vừa ghé thăm anh.

 

Không còn anh, như mất đi một người thân.

 

Người viết đã hẹn sẽ gặp lại anh khi anh dự tính qua Melbourne để thăm thú đất nước phúc địa này vì anh chưa bao giờ đặt chân tới xứ Miệt Dưới, dù anh đã chu du nhiều nơi.

 

Anh báo sẽ qua Melbourne vào khoảng ngày 12 tháng 2 và sẽ ở lại Úc chừng 2 tuần lễ. Anh gởi trước bài cho 4 tuần lễ.

 

Nhưng vào cuối tháng, khi thấy anh không gởi thêm bài viết hàng tuần, liên lạc thì được anh cho biết anh và vợ đã mua vé từ Việt Nam bay sang Úc vào ngày 5 tháng 2,  dự trù không báo trước để chúng tôi ra đón, thay vào đó sẽ đi taxi tới thẳng tòa soạn làm cho gia đình chúng tôi ngạc nhiên. Nhưng vài ngày trước đó mẹ vợ lại trở bệnh và kéo dài nên hai vợ chồng phải nán lại Việt Nam, vì thế phải đổi vé, hủy chuyến đi Melbourne.

 

Anh nói nhất định sẽ sắp xếp qua Melbourne một chuyến và sẽ báo cho chúng tôi hay.

 

Trong một năm qua chị Thu Huyền, vợ anh, hầu như ở Việt Nam để chăm sóc bà cụ vì không biết cụ đi lúc nào. Anh đã hai lần về Việt Nam để ở cạnh bà mẹ vợ. Tôi thường nói với nhà tôi mẹ vợ anh có phước vì có con và rể như thế. Anh nói không biết anh sẽ còn về Việt Nam bao nhiêu lần để ở bênh cạnh bà cụ trong giờ phút cuối của cụ bởi không biết cụ sẽ ra đi lúc nào.

 

* * *

 

Trở về Montreal vào ngày 27 tháng 2, Trường Kỳ lại không kịp viết bài cho TiVi Tuần-san. Độc giả đã không có bài của anh trong hai tuần lễ. Kinh nghiệm có một hai tuần lễ anh đi xa và không gởi bài kịp khiến độc giả điện thoại hỏi, lần này tôi cẩn thận cáo lỗi với bạn đọc.

 

Anh Trường Kỳ nói trở về Montreal lần này anh sẽ viết bút ký chuyến đi Sài Gòn vừa rồi để thay đổi không khí. Tôi tán đồng vì cũng rất thích những bài bút ký của anh, nhất là những bài về ăn uống.

 

Nhưng mấy tuần lễ vừa qua, anh nói lấy làm lạ vì sao không thấy có hứng nên bảo tôi cứ đợi thêm một vài tuần nữa xem sao, tạm thời đăng các bài về nghệ sĩ. Triệu chứng gì đây?

 

Sáng Thứ Hai, khoảng gần 10 giờ sáng khi tới tòa soạn làm việc, mở máy computer ra để check các email, tôi nhận được một email của một người tên là Duy Khiêm từ Asia Forum báo cho biết Trường Kỳ đã qua đời.

 

Duy Khiêm nói vì biết Trường Kỳ là một cộng tác viên lâu năm của TVTS nên báo tin cho chúng tôi biết. Email này còn cho biết Trường Kỳ đi Toronto làm phóng sự và ngủ lại trong nhà người bạn tên Minh với số điện thoại của anh này.

 

Tôi bàng hoàng và tự hỏi đây có phải là trò đùa của ai đó không. Tôi kể chuyện với nhà tôi và vợ tôi hỏi có phải hôm nay là ngày “Cá Tháng Tư” không. Tôi cho nhà tôi biết còn hơn cả tuần nữa mới tới cái ngày để thiên hạ đùa giỡn đó.

 

Vợ tôi bảo tôi gọi qua nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam bạn thân của anh Trường Kỳ ở Virginia, Hoa Kỳ, hỏi hư thực như thế nào. Tôi lên phòng làm việc, thay vì gọi cho anh Nam, quyết định gọi tận gốc để biết, tức gọi điện thoại lưu động của anh Trường Kỳ.

 

Tôi vẫn còn bán tín bán nghi với cái email của Duy Khiêm mà tôi chưa quen dù biết rằng khi người ta cho cái điện thoại của anh Minh nào đó ở Toronto thì không còn là chuyện đùa nữa.

 

Tôi không muốn tin đó là sự thật và tôi vẫn cầu mong người trả lời bên kia sẽ là Trường Kỳ và sẽ không giận dù có bị thiên hạ chọc ghẹo vào buổi sáng đầu tuần, cái ngày bận bịu nhất trong tuần của tôi vì phải chuẩn bị cho báo đi in trong buổi chiều.

 

Nhưng giọng nói bên kia đường dây là của một phụ nữ. Tôi quá thất vọng với sự thật này, bèn hỏi bâng quơ “Dạ thưa đây có phải là điện thoại của anh Trường Kỳ không?” Khi được xác nhận, tôi hỏi thêm “Thưa có phải anh Trường Kỳ…” rồi bỏ lửng. Người phụ nữ nói “… anh Trường Kỳ đã mất”.

 

Tôi chưa gặp mặt vợ anh Trường Kỳ và chưa có dịp nói chuyện, nhưng biết đấy không phải là chị Trường Kỳ. Người này cho biết là em vợ của anh Trường Kỳ.

 

Người phụ nữ nói chị Trường Kỳ đang bận tiếp khách nên tôi chỉ xin gởi lời chia buồn.  Khoảng một giờ sau, tôi lại gọi để xin phép được đăng tin buồn này lên báo TVTS vì báo sắp lên khuôn để phát hành vào ngày Thứ Tư.

 

Sau đó tôi gọi điện thoại cho anh Minh ở Montreal, người chứng kiến những giây phút cuối cùng của anh Trường Kỳ và một phần câu chuyện đã được loan trên TVTS Online hôm Thứ Hai (ngày giờ Úc) và báo in TVTS phát hàng trong ngày Thứ Tư.

 

* * *

 

Người ta thường cho rằng người nghệ sĩ sống bừa bãi như không ngăn nắp và hẹn hò không đúng giờ. Trường Kỳ là một nghệ sĩ nhưng đâu vào đó. Viết bài hàng tuần cho TVTS, anh luôn đưa bài đúng giờ hoặc gởi trước. Đi xa như Việt Nam, Thái Lan, anh chuẩn bị trước bốn, năm bài. Đi gần như California, anh gởi trước bài cho hai tuần lễ.

 

Mỗi khi gởi bài, anh luôn nhắn xin trả lời cho biết đã nhận được email chưa. Đó là lý do tôi hay nhân viên tòa soạn hàng tuần đều có liên lạc với anh.

 

Trước khi đi du lịch Montreal, tôi bắt đầu trò chuyện, hỏi thăm anh qua điện thoại nhiều lần. Trở về Melbourne, anh nói thỉnh thoảng gọi điện thoại cho nhau, nên tôi bắt đầu có liên hệ nhiều hơn. Mối liên hệ đó còn trải dài qua con cái chúng tôi vì bác Trường Kỳ “dễ thương”, đã cho mấy đứa mặc sức sử dụng mấy cái máy computer trong nhà bác.

 

Sự ngăn nắp đó còn được thấy trong nhà của anh mặc dù anh ở một mình, vợ đang còn ở Việt Nam. Những buổi hẹn hò đi ăn, đón đưa chúng tôi tới Montreal, anh rất đúng giờ.

 

Hình như anh chỉ có “bừa bãi” ở một lãnh vực là ăn uống, vì không chịu kiêng cử. Độc giả TVTS chắc đã nghe nói về cái sự “mê” ăn uống của anh trong các bài viết về ẩm thực. Tôi nói với anh tôi cũng là người thích ăn và thích uống, coi đó là một trong những cái thú của cuộc đời. Tôi hứa với anh khi qua Melbourne, sẽ giới thiệu với anh những chai rượu vang hàng đầu của nước Úc.

 

Nhưng rồi khi biết được rằng anh đang bị bệnh tiểu đường, và thấy tôi lo ngại làm sao anh có thể uống nhiều, uống cho đã thì anh nói không sao, vì có thuốc chữa trị thì sẽ đâu vào đó, cứ uống thuốc và uống bia. Trong những ngày ở Montreal, có ba đêm gia đình chúng tôi đi ăn với anh, tôi thấy anh uống bia như chúng tôi, chẳng có vẻ gì là một người đang bị bệnh, cần phải kiêng cử.

 

Tôi có tỏ ý lo ngại về tình trạng sức khỏe của anh với nhà tôi, nhưng rồi cũng cho rằng con người đều có số mạng nên sống mà cứ lo sợ, không hưởng thụ thì cuộc đời mất hứng thú.

 

Sau này tôi mới biết rằng anh Trường Kỳ còn bị hai bệnh cũng đáng ngại nữa là cholesterol và áp huyết cao. Với nhiều bệnh hoạn như thế mà anh vẫn yêu đời, làm việc đi lại nhiều và ăn uống nhiều. Cũng lạ.

 

Anh Trường Kỳ làm cho chúng tôi thấy gần gũi với anh nhiều hơn, bởi một tháng trước chuyến du lịch Bắc Mỹ, anh đã liên lạc với bạn bè hay người quen biết ở các thành phố chúng tôi sẽ đến để giúp chúng tôi có chỗ trọ rẻ vì chúng tôi đi nguyên cả gia đình 5 người lớn.

 

Mặc dù anh không làm được như ý nhưng qua việc anh mất thì giờ để lo chuyện bao đồng này, tôi thấy nơi anh là một con người tốt bụng. Nhà tôi nói với tôi anh quen biết quá nhiều người và nếu ai quen anh cũng lo như vậy thì làm sao lo cho xuể.

 

* * *

 

Tôi không nhớ rõ anh Trường Kỳ đã cộng tác với TVTS bao lâu rồi, nhưng chắc chắn phải  trên một thập niên. Đọc bài của anh, dù là viết về nghệ sĩ và cuộc đời của họ, người ta thấy ngòi bút của anh thật đôn hậu. Có lẽ nhờ vậy mà anh tiếp cận được với mọi người trong giới này.

 

Với kinh nghiệm của hơn 4 thập niên viết về nghệ sĩ cộng thêm khả năng và sự thích thú trong công việc đã làm cho anh trở thành một cây bút văn nghệ nổi bật nhất trong làng báo Việt Nam hải ngoại. Anh viết rất nhanh, rất khỏe. Anh đến tận nơi, tìm tận người để có những bài viết giúp cho những tài năng trẻ có dịp phát triển. Để độc giả có những bài sáng tạo, bản gốc và độc đáo.

 

Mất anh, các tài năng trẻ mất đi một đòn bẩy, dàn phóng đưa họ lên. Thiếu anh, nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ ở Mỹ và Gia Nã Đại sẽ thiếu một người cộng tác. Không còn anh, báo TiVi Tuần-san không còn mục Nghệ Sĩ và Đời Sống,  những bài du ký, những bài tổng kết văn nghệ cuối năm…

 

Gia đình chúng tôi chờ sẵn để đón anh tại Melbourne như anh đã đón chúng tôi tại Montreal.

 

Ngày trước, anh nói đi Úc xa quá. Xa nhưng có thể đi được.

 

Hôm nay, bước chân giang hồ đã vĩnh viễn dừng lại tại Montreal, tại nghĩa trang mà chúng tôi đã có dịp cùng người bạn thân Mạc Văn Đức của anh đến thăm cách đây 6 tháng.

 

Đã đành rồi ai cũng sẽ qua cửa ải này. Nhưng trời bắt con người hiền lành và có tài đi quá sớm. Quá bất ngờ. Nhưng tôi tự an ủi vì  ít ra cũng đã được gặp anh một lần.

 

Người viết xin thay mặt cho gia đình, các độc giả TVTS yêu mến anh, cầu chúc anh an giấc nghìn thu.

 

Melbourne 26.3.2009