TÙNG CHÂU: võ sĩ, robot hay nghệ sĩ?

25 Tháng Hai, 2009 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

Tùng Châu phụ hoạ dương cầm cho Khánh Hà trong chương trình video Paris By Night 75

 

Không biết anh mà tình cờ gặp, hầu như  không ai ngờ đó là một nghệ sĩ. Ngược lại, anh trông tựa như một… võ sĩ với mái tóc cắt ngắn, thân hình đô con, rắn chắc và một gương mặt đầy nghị lực. Cũng vì vậy Thế Sơn đã gọi đùa Tùng Châu là Mike Tyson, một võ sĩ quyền anh quốc tế hạng nặng. Nói Tùng Châu là một võ sĩ cũng không sai khi anh vẫn đều đặn tập võ sau khi đã mang đệ tam đẳng về môn Tai Kwon Do mà anh từng theo học từ Việt Nam trước năm 75.

 

Nhưng nếu gọi anh là một “robot” cũng đúng khi anh luôn luôn bề bộn với công việc trong vai trò giám đốc âm nhạc của trung tâm Thuý Nga. Nhưng “robot” Tùng Châu không vì thế mà tỏ ra rối loạn, mất trật tự và bừa bộn trong công việc. Trái lại nhờ có được một ý thức tổ chức cao nên những công việc của anh được sắp đặt một cách qui củ, ngăn nắp mặc dù anh làm việc không ngừng nghỉ suốt bẩy ngày trong tuần!

 

Nhưng trong giới sinh hoạt nghệ thuật hiện nay, cái tên Tùng Châu của anh là một cái tên nổi bật trong vai trò một nhạc sĩ, đặc biệt trong nghệ thuật soạn hoà âm. Do khả năng cộng với một đầu óc sáng tạo, Tùng Châu có thể được coi như linh hồn về mặt âm nhạc đối với những chương trình video “Paris By Night” cũng như những sản phẩm audio của trung tâm anh cộng tác từ gần 10 năm qua. 

 

Không ai có thể ngờ, tổng số nhạc phẩm do anh soạn hoà âm đã lên tới con số khoảng 10 ngàn bài!  Con số khổng lồ đó, ngoài trung tâm Thúy Nga, còn bao gồm những nhạc phẩm được anh hoà âm từ khi còn ở Việt Nam, thời gian ở Úc Châu và tại Hoa Kỳ cho những trung tâm nhạc khác.

 

Cách đây khoảng 5, 6 năm theo Tùng Châu cho biết có đến 90% nhạc phẩm đã được anh hoà âm cho những sản phẩm của trung tâm Thuý Nga.  Nhưng sau đó càng ngày công việc càng dồn dập nên đã có thêm một số nhạc sĩ khác phụ giúp anh trong việc này. Những khoảng thời gian anh bận rộn hơn cả là thời gian sửa soạn cho những chương trình thu hình “Paris By Night”, trung bình đòi hỏi một tháng rưỡi trước khi hoàn tất.

 

Chỉ trên mặt video, với khoảng 4, 5 chương trình trong một năm, Tùng Châu đã phải bỏ ra nhiều công sức để có được sự hoàn hảo trên phương diện nghệ thuật. Thêm vào đó việc thực hiện phần audio cho những sản phẩm của Thuý Nga với khoảng 20 ca sĩ trong việc thực hiện hàng chục CD trong một năm, đã đòi hỏi thời gian làm việc của anh kéo dài mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya.

 

Trước mức độ đó, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu anh còn cảm thấy thú vị trong công việc hay chỉ làm như một cái máy, Tùng Châu cho biết  “hơi khó trả lời. Nếu nói là thú vị  thì cũng không đúng, mà làm như một cái máy cũng không đúng. Đúng hơn cả là  một cái máy biết thú vị!”

 

Cái máy biết thú vị Tùng Châu giải thích thêm “vì có nhiều người phải chờ cái hứng nó tới, còn em thì bắt cái hứng nó phải tới với em. Em đi tìm cái hứng.  Mà cái hứng khi em gọi là nó phải tới”.

 

Sự kiện này đã giúp cho Tùng Châu phối hợp một cách rất hài hoà giữa cảm xúc của một người nghệ sĩ với sự thực tế trong công việc. Do đó,  mặc dù bị gò bó trong sự đòi hỏi của thời hạn, nhưng anh vẫn tìm được cái hứng trong sự gò bó đó. Hơn nữa cách làm việc của Tùng Châu không giống như đa số đồng nghiệp của anh thường thường làm việc về đêm là giờ trong giới thường gọi là “linh”. Nhưng với Tùng Châu, “giờ nào muốn linh là nó linh”.

 

Tất cả những gì tay nhạc sĩ hoà âm năm nay 40 tuổi này (ghi chú: bài này được TK viết cách đây hơn 4 năm) thực hiện được đều dựa trên căn bản năng khiếu cộng với kết quả sau một thời gian dài theo học âm nhạc cũng như được may mắn cộng tác với nhiều nhạc sĩ thuộc bậc đàn anh từ khi còn rất trẻ. 

 

Tùng Châu bắt đầu theo học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Sài Gòn từ năm 1971, khi mới được 7 tuổi và đã theo đuổi gần như đầy đủ các môn học như piano, nhạc pháp chuyên môn, vv… Sau năm 75, phân khoa anh theo học bị giải tán, nên để tránh việc phải ra khỏi trường, anh đã ghi danh theo học đàn mandoline!…

 

Mãi cho đến năm 1988, Tùng Châu mới rời khỏi trường Quốc Gia Âm Nhạc sau khi lĩnh hội được nhiều kiến thức qua các bộ môn âm nhạc, cùng một lúc anh tốt nghiệp trung học phổ thông với chương trình văn hoá từ trường này.  Trước đó anh là một học sinh tiểu học trường Taberd và sau này anh  bước lên đại học với môn Lý Luận Sáng Tác.

 

Từ trước năm 75, Tùng Châu khi còn là một học sinh tiểu học đã có cơ hội quen biết với hai nhạc sĩ nổi tiếng Lê Hựu Hà và Quốc Dũng.  Nhờ lúc đó đã có chút  ít căn bản về nhạc nên  anh đã thu nhận được một cách dễ dàng những kinh nghiệm từ  những nhạc sĩ này, trong thời kỳ nhạc trẻ Việt Nam đang phát triển mạnh mẻ.

 

Với một số môn học trong trường nhạc mà trước đó anh cho là vô ích, không mấy thực tế.  Nhưng khi trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, Tùng Châu mới thật sự nhận biết được vai trò hữu ích của những môn này, như anh nói: “Hồi học trong trường mình thấy  học ba cái đồ quỷ đó làm cái gì. Nhưng sau khi  ra ngoài và ngay cả bây giờ  những môn học trong trường nhạc về chức năng nhạc cụ, hay nhạc sử đông phương, nhạc  sử tây phương hoặc  bất cứ cái gì bây giờ em thấy nó really help  em”.

 

Ngoài Quốc Dũng và Lê Hựu Hà, Tùng Châu còn may mắn cộng tác với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác, một thời nổi tiếng tại các vũ trường Sài Gòn và còn tiếp tục hoạt động sau năm 75 tại các tụ điểm ca nhạc.

 

Nhờ vậy anh đã học hỏi được thêm rất nhiều kinh nghiệm: “Em hân hạnh được làm việc với nhiều người nổi tiếng, trước anh Quốc Dũng còn có những người như ông Lê Vũ tức ông “Chấn Baccara”. Rồi em làm với anh Cao Phi Long. Đại khái là  mấy người nổi tiếng. Em học những cái style  của những người đó. Mà hồi xưa em không nghĩ mình sẽ theo những cái styles này.  Hồi xưa coi như mình bị học, bị thực hành những cái đó mà thành ra nó nhiễm vô đầu lúc nào không biết!?”.

 

Qua những nhạc sĩ vừa được Tùng Châu nhắc tới cùng với những thể điệu họ thường trình bầy, Tùng Châu đã trở nên quen thuộc với những loại nhạc thịnh hành tại các vũ trường, trong khi còn đang miệt mài với nhạc cổ điển tại trường nhạc. Những Mambo, Salsa, Samba, Tango hay Rumba, vv… đã trở thành rất hữu ích cho công việc hiện tại của anh được thể hiện qua những sản phẩm video và audio của trung tâm Thuý Nga.

 

Tùng Châu tự nhận mình trước đó thuộc loại “ngựa non háu đá”, nên đã không thú vị gì lắm với những điệu nhạc gọi là “già” này. Khi những tụ điểm ca nhạc Sài Gòn được phép hoạt động trở lại  vào khoảng 1982, một lần nữa Tùng Châu –khi đó mới là một cậu thanh niên 18 tuổi – được mời thay thế cho người nhạc sĩ đàn anh của mình là Quốc Dũng để gia nhập ban nhạc trình diễn thường xuyên tại tụ điểm “126”, ngay tại ngã sáu Lê Văn Duyệt cùng với những nhạc sĩ nhiều tuổi và già tay nghề hơn anh rất nhiều.

 

Liên tiếp trong 4 năm, Tùng Châu là nhạc sĩ sử dụng guitar cho ban nhạc tại tụ điểm ca nhạc đầu tiên của Sài Gòn này, mặc dù trước đó theo học piano. Sau đó, anh về hợp tác với ban nhạc của Quốc Dũng trong suốt 5 năm trong vai trò nhạc sĩ sử dụng bass cùng một lúc là người điều hành ban nhạc.  Với cây đàn bass, Tùng Châu đã nghiễm nhiên trở thành một nhạc sĩ trẻ được biết đến nhiều trong giới ca nhạc Sài Gòn trong những năm cuối thập niên 80.

 

Ngoài việc chơi nhạc, từ năm 1987, Tùng Châu đã đứng ra thành lập một phòng thu thanh trên đường Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ). Mặc dù không có tên chính thức nhưng đó là một phòng thu thanh được hầu hết những ca sĩ cũng như những công ty nhạc thời đó đặt nhiều tin tưởng để thực hiện những băng nhạc riêng cho mình. 

 

Trong số có Bảo Yến, Nhã Phương, Thái Châu, Ngọc Sơn cùng nhiều giọng ca nổi tiếng khác.  Tuy là người trực tiếp thu thanh, nhưng Tùng Châu chưa hề học qua một khóa học nào về kỹ thuật thu âm, ngoài sự ham thích mầy mò cùng học hỏi nhiều kinh nghiệm nơi nhạc sĩ Quốc Dũng, là người hiện nay vẫn thường xuyên liên lạc với anh: “Em không học về  âm thanh, em chỉ là thằng mầy mò thôi. Nhưng thực sự thời gian thu băng là em  học ở anh Dũng rất là nhiều. Vì em và anh Dũng coi như là “ thủ phạm”  của những cuốn băng nổi tiếng trên thị trường thời đó. Khi thu thanh chỉ có  em với anh Dũng  ngồi dưới đất đánh  hai cây keyboard  xong rồi hát. Khổ lắm, ngày xưa khổ lắm!”.

 

Chính do sự Tùng Châu cho là khổ đó đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm về kiến thức để áp dụng vào công việc hiện nay. Một phần khác nhờ tính đam mê về máy móc, trước đó anh đã từng theo học một khoá sửa TV và radio, đã từng tháo tung những máy móc cũng như  loa trong nhà để nghiên cứu.  Nhờ bản tính đó, anh được coi như một trong vài người tiên phong trong việc am tường những kỹ thuật của “keyboard” và các thiết bị âm thanh khi còn ở Việt Nam.

 

Hầu như vào thời đó, tất cả những thiết bị âm thanh mới nhất từ ngoại quốc mang về đều phải nhờ đến anh trong việc khám phá những chức năng chỉ sau khoảng một tuần lễ. Anh cùng với Sỹ Đan được giới hoạt động âm nhạc thời đó tại Sài Gòn công nhận là hai nhạc sĩ sử dụng “sequencer” đầu tiên trên sân khấu, trong khi máy điện toán chỉ là loại AT với rất nhiều hạn chế !

 

Khi còn ở trong nước, Tùng Châu cũng từng theo học về thảo trình viên điện toán, nhưng đã bỏ nửa chừng vì nhận thấy “học tới già cũng không program nổi” vì sự phát triển quá mau chóng về nhu liệu. Hơn nữa, mang tâm hồn một người nghệ sĩ, anh cảm thấy không thể thích hợp với ngành học toàn những con số này.  Để rồi Tùng Châu chỉ đặt trọng tâm vào việc sử dụng những softwares liên quan đến nhạc và âm thanh để tỏ ra rất tự tin trong việc sử dụng máy điện toán.

 

Đối với Tùng Châu, anh nhất định “không để bị computer vật, mà phải vật được computer”.  Vì sau một thời gian, anh nhận  ra máy điện toán chỉ là một phương tiện có thể giúp con người trong công việc mà không thể có được sự  quyết định trong đời sống, do đó chỉ có thể so sánh với một người thư ký.

 

Từ nhận thức đó, Tùng Châu càng ngày càng tách ra khỏi sự lệ thuộc vào máy điện toán trong công việc liên quan đến nghệ thuật. Đối với anh, vấn đề nghệ thuật nơi con người quan trọng hơn rất nhiều vấn đề máy móc của điện toán.

 

Tùng Châu tên thật là Huỳnh Ngô Tùng Châu. Tên anh do thân mẫu anh đặt từ lòng ngưỡng danh tướng Ngô Tùng Châu thời chúa Nguyễn Phước Ánh. Ông trấn thủ thành Bình Định và đã uống thuốc độc tự tử chết theo thành sau khi bị quân Tây Sơn chiếm.

 

Thân phụ Tùng Châu đã qua đời từ lâu trong khi thân mẫu anh còn ở Việt Nam cùng với người em gái của anh.

 

 

 

Từ đầu thập niên 90, Tùng Châu kết hợp với Châu Ngọc thành một cặp vợ chồng nghệ sĩ  cùng hoạt động trong lãnh vực ca nhạc tại Sài Gòn.

 

Châu Ngọc tên thật là Phạm Thị Bích Ngọc, đi hát từ năm 1987, gây được nhiều chú ý với nhạc phẩm “Nỗi Đau Dịu Dàng” do Lê Hựu Hà soạn lời Việt từ một nhạc phẩm ngoại quốc. Kể từ năm 96, Châu Ngọc đã từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga trong một thời gian dài trước khi tạm ngưng hoạt động sau khi có được  hai con gái với Tùng Châu: Joel, 6 tuổi và Juliane được gần 2 tuổi.

 

Cùng một lúc cô rất bận rộn trong công việc làm ăn sau khi trở lại Úc cách đây một thời gian để điều hành tổng đại lý tại Úc cho trung tâm Thuý Nga…

 

Năm 1991, Châu Ngọc sang Úc đoàn tụ với gia đình ở Melbourne, rồi sau đó bảo lãnh Tùng Châu sang đây vào năm 1992 mà anh nói đùa là đi theo diện… tòng thê.

 

Sau một thời gian ngắn ở Úc, Tùng Châu gia nhập ban nhạc Moon River và đã đóng góp  nhiều vào việc đưa tên tuổi ban nhạc này lên một chỗ đứng cao. Không  khí sinh hoạt ca nhạc tại Úc Châu trong thời gian này không được sôi nổi cho lắm.  Điều này đã khiến Tùng Châu cảm thấy chán nản để chỉ mong có dịp được bay nhảy nhiều hơn. 

 

Trong khi chờ đợi, anh thiết lập một phòng thu thanh với những kinh nghiệm thu thập được trong thời gian hoạt động trong lãnh vực này. Và dù được chấp nhận để  tiếp tục theo học âm nhạc cổ điển tại một trường có uy tín tại Melbourne, nhưng Tùng Châu nhận thấy thời gian học kéo dài đến 6 năm nên đã quyết định không theo đuổi để ghi tên theo học những môn có tính cách thực tế hơn tại trường đào tạo kỹ sư âm thanh S.A.E…

 

Những môn học này đã hỗ trợ cho khả năng sẵn có của anh về âm nhạc, đặc biệt trong lãnh vực soạn hoà âm. Vào năm 1993, trong dịp thực hiện video kỷ niệm 10 năm chương trình “Paris By Night” tại Úc, Tùng Châu và ban nhạc Moon River được mời phụ họa cho các nghệ sĩ góp mặt. Nhờ từng phụ họa cho đa số những nghệ sĩ trong chương trình này tại các tụ điểm ca nhạc tại Việt Nam nên sự phối hợp đã trở nên rất  hài hoà và ăn khớp. Tuy nhiên đó không phải là điểm khiến anh được trung tâm Thuý Nga để ý.

 

Đúng hơn là những nhạc phẩm do anh soạn hoà âm trước đó đã được một người quen giới thiệu với trung tâm này. Nhận biết được tài nghệ của một người có rất nhiều đam mê về nghệ thuật cũng như kỹ thuật âm thanh, trung tâm Thuý Nga sau đó một thời gian đã chính thức mời anh cộng tác. Và sự cộng tác đó kéo dài cho đến ngày hôm nay, đặc biệt trong phần soạn hoà âm, để anh được giao phó một vai trò quan trọng là giám đốc âm nhạc.

 

Riêng trong lãnh vực sở trường là hoà âm, Tùng Châu luôn tìm cách áp dụng vấn đề uyển chuyển trong sự tương quan giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Sự việc được thể hiện qua cách làm  việc của anh khi sử dụng một lúc 3 máy computers!

 

Với một người luôn bận rộn như anh, kỹ thuật điện toán hẳn đã trở thành một phương tiện hữu hiệu trong việc sắp xếp hồ sơ và giải quyết công việc một cách nhanh chóng. Anh công nhận thiếu computer, tốc độ sẽ có thể giảm tới 70 phần trăm, nhưng “không phải không có nó thì em chết”,  như lời anh nói. Vì dù sao phần quyết định về nghệ thuật phải đến từ đầu óc và tâm hồn con người.

 

Hơn nữa, đối với Tùng Châu, âm điệu trong một ca khúc phải được đặt lên ngôi vị hàng đầu, không nhất thiết cần tới kỹ thuật âm thanh điện tử vì  “em thấy những phim có budget lên mấy trăm triệu, người ta  vẩn xài violin, piano; vẫn xài symphony orchestra chứ đâu có xài điện tử “.

 

Tuy nhiên trong việc soạn hoà âm hiện nay cho trung tâm Thuý Nga, Tùng Châu cho rằng  âm điệu dù có hay, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của âm thanh điện tử để thích hợp với vấn đề tiếp thị về mặt thương mại trong việc phổ biến sản phẩm trong giới tiêu thụ.  Sự kiện này đến từ vấn đề nghiên cứu thị trường mà Tùng Châu rất quan tâm để cập nhật hoá những vốn liếng âm nhạc sẵn có.

 

Hơn nữa, anh là một nghệ sĩ có đầu óc thực tế với chủ trương âm nhạc là phương tiện để thương mại, ngoài vấn đề căn bản là nghệ thuật như anh nói: “đối với em làm music là business. Không làm music để nghe chơi! Đối với em âm nhạc là phương tiện để thương mại.“

 

Tùng Châu với tính tình thẳng thắn, đã không phủ nhận những ca khúc được đưa lên các chương trình “Paris By Night” thuộc loại nhạc được gọi là thị trường. Nhưng đối với anh, không phải đa số những khán thính giả không có kiến thức âm nhạc trên thị trường là những người không có tâm hồn. Và chính thành phần khán thính giả này sẽ có những nhận xét vô tư hơn.

 

Cũng vì vậy khi làm việc với Thúy Nga, anh rất cần đến sự hỗ trợ của vợ chồng nhà sản xuất là Tô Thủy và Huỳnh Thi là “những người tương đối phải nói đối với em không phải là giỏi nhạc, nhưng cái view của người ta nó chính xác hơn mình”.

 

Ý anh muốn nói, những nhân vật thuộc ban giám đốc trung tâm Thuý Nga này am hiểu thị trường khi nhìn từ góc độ thương mại, có thể cảm nhận như một khán thính giả bình thường.  Trong khi cá nhân anh có một cái nhìn nghiêng về mặt nghệ thuật. Do đó, sự phối hợp trở thành rất cần thiết cbo vấn đề dung hoà giữa thương mại và nghệ thuật.. 

 

Từ điểm này, Tùng Châu đưa ra nhận xét riêng của anh đối với vấn đề thành lập trung tâm riêng của một số nghệ sĩ là chỉ chọn những ca sĩ hay nhạc phẩm mình thích, có nghĩa là chỉ làm cho riêng mình chứ không phải cho khán giả.

 

Về phần anh, Tùng Châu lý luận một các rất thực tế khi quan niệm “làm nhạc giống như mở một cửa hàng bán bánh”.  Nên tùy theo sở thích riêng mình “có thể về nhà đóng cửa  em nghe nhạc Jazz, nhạc Rock, nghe nhạc gì thì nghe. Nhưng khi làm nhạc thì nhạc nào ăn khách là em làm. Thí dụ như em mở cửa hàng bán bánh.  Bán bánh bò không có nghĩa là anh phải ăn bánh bò, anh phải thích bánh bò.  Anh ghét bánh bò gần chết mà anh vẫn phải bán vì khách người ta ăn chứ không phải anh ăn.”

 

Thật ra muốn thực hiện như vậy là một điều rất khó đối với một nghệ sĩ. Như  trường hợp một nhạc sĩ chẳng hạn, khi phải trình bầy loại nhạc hay một tiết điệu nào mình không thích.  Nhưng với Tùng Châu, anh không cho đó là một vấn đề khi nhìn qua góc độ thương mại một khi “làm những gì em không thích thì em phải tìm được chỗ thích của nó. Thí dụ như em không thích cái style đó, em phải đặt câu hỏi tại sao mình không thích nó. Cho nên mình phải tìm nó coi nó có cái gì hay  mà mình chưa nhận ra được, chứ  không phải là mình nói nó dở”.

 

Dù là một người mà âm nhạc đã thấm vào tận tim óc, nhưng Tùng Châu lại chú trọng đặc biệt đến lời ca trong một nhạc phẩm một khi được giao cho phần soạn hoà âm. Thêm một điều điều kiện để phần hoà âm của Tùng Châu được hoàn chỉnh hơn, là anh cần phải biết ca sĩ nào sẽ trình bày nhạc phẩm đó vì anh đã có nhiều kinh nghiệm về sở trường cùng sở đoản của từng ca sĩ xuất hiện trên những chương trình “Paris By Night”.

 

Anh đưa ra thí dụ: “Với một cái melody nào đó, em sẽ tuỳ theo tầng số của giọng hát của ca sĩ trình bày  để đưa vào âm thanh của những nhạc khí thích hợp. Không phải cứ lấy phần hoà âm đó cho một ca sĩ khác trình bầy. Điều đó không có!  Thí dụ như Như Quỳnh hát thì tempo phải chậm hơn 4 số tại cô ta phát âm chậm, cô ta thích nhả chữ chậm. Giọng của cô ta là giọng kim. Thành ra khi bỏ những  tiếng đàn tranh hay tiếng bells hoặc  tiếng string cao lên  là hai bên nó chửi nhau”.

 

Như vậy, những nhạc cụ nào có dây tơ hoặc có tần số thấp sẽ thích hợp với giọng của Như Quỳnh. Nhưng nếu cũng hoà âm đó đưa cho một ca sĩ khác có giọng khàn như Khánh Ly hoặc những người có giọng “thổ” khác sẽ không thích hợp bởi âm thanh của những nhạc cụ đó sẽ bị “tối” vì cùng một tầng số.

 

Nghệ thuật hoà âm của Tùng Châu không chỉ căn cứ vào những điều kiện kể trên. Nó còn dựa trên thể loại nhạc. Thí dụ trên thị trường đang “hot” với một thể loại nhạc nào đó, anh sẽ nhắm vào những ca sĩ thích hợp để soạn hoà âm theo thể loại đó.

 

Kỹ lưỡng hơn nữa, cũng với nhạc phẩm đó, Tùng Châu sẽ soạn hoà âm khác biệt tùy theo từng trường hợp: chỉ thu thanh trên CD, thu hình video hay dưới hình thức MTV vì “có những cái chỉ xem được chứ không nghe được. Ngược lại,  có những cái anh chỉ nên nghe chứ không nên xem. Lại có những cái  vừa nghe, vừa xem”.

 

Kỹ lưỡng hơn nữa, với những nhạc phẩm được trình bày trên video, một khi khán thính giả nghe được âm thanh của một nhạc cụ nào đó thì bắt buộc nhạc cụ đó phải được nhìn thấy trên màn ảnh với nhạc sĩ  sử dụng để  “khi có câu đó thì đạo diễn sẽ lấy hình ở góc nào, nó dính tới người nhạc sĩ nào, người nhạc sĩ đó có trình diễn hay không và có phù hợp với cảnh trí lúc đó hay không. Đại khái là anh phải tưởng tượng ra  một cái sân khấu  chứ không phải một ban nhạc làm cảnh. Anh phải cho người ta có cơ hội show off, cho đạo diễn  có cơ hội  để lấy hình. Anh phải tính góc độ từ người một”.

 

Cũng do kinh nghiệm thu thập được, Tùng Châu chủ trương phần mở đầu hoặc phần “solo” của một nhạc phẩm được đưa lên video không nên quá dài cũng như không nên áp dụng  “fade out” khi kết thúc.  Cẩn thận hơn, phần hoà âm của anh cho một tiết mục có phụ diễn của những vũ công còn được  thêm nhiều chi tiết hơn để những vũ công dựa trên đó hầu những động tác của họ được thực hiện một cách dễ dàng hơn.

 

Vai trò nhạc sĩ hoà âm và Giám Đốc Âm Nhạc của Tùng Châu do đó còn kiêm luôn  cả nhiệm vụ  dọn đường cho đạo diễn trong mỗi chương trình video. Anh ví công việc này như việc xây dựng một căn nhà.  Cứ dọn sẵn những vật liệu như sắt, gỗ, gạch, xi măng, vv… để đó. Người xây nhà là đạo diễn trên đường thực hiện sẽ tuần tự theo đó mà hoàn thành công việc của mình.

 

Sự phối hợp nhịp nhàng và khoa học đó có được là nhờ ở thời gian dài anh có dịp làm việc với nhiều đạo diễn nổi tiếng cộng tác với trung tâm Thúy Nga.  Hai bên hiểu rõ cách làm việc của nhau nên không nhất thiết cần đến vấn đề bàn thảo trước khi bắt tay vào việc.

 

Tuy là một người kỹ lưỡng và nhiều tinh thần trách nhiệm, nhưng bất cứ nghệ sĩ nào từng làm việc với Tùng Châu đều công nhận anh là một người cởi mở, sẵn sàng quan tâm đến những sự đóng góp  ý kiến mà không quan tâm đến vấn đề tự ái, tuy nhiên  “em sẽ suy nghĩ về ý kiến đó. Nếu góp ý đúng, em đem vô liền. Góp ý sai là em gạt ra.“

 

Sau một thời gian cộng tác với trung tâm Thuý Nga, Tùng Châu cho biết anh không thể phủ nhận được vai trò của trung tâm này đối với sự phát triển về nghệ thuật của mình.  Sự thành công đã đến với cả hai bên nhờ lòng đam mê nghệ thuật và say mê làm việc cũng như không ngại chi phí, ngoài mục đích thực tế là thương mại như anh trình bầy: ”Đầu tiên, phải có sự  đam mê nghệ thuật ngoài góc độ business. Điều thứ hai là say mê làm việc. Như tụi em làm việc thường là đến 2, 3 giờ sáng.  Đại khái có thể  làm việc bất cứ lúc bào cũng được. Coi như 24 trên 24. Nếu nghĩ ra một cái gì đó, thấy OK để có thể đem lên video được và sẽ thành công là vớt liền, làm liền.  Không có gì có thể cản trở được.  Thứ ba là vấn đề tài chánh. Thí dụ nghư em nghĩ ra một tiết mục mà  thực hiện cần phải tốn kém, nếu nhà sản xuất thấy là Ok thì  dám chi ra mấy chục ngàn để xây dựng tiết mục đó.”

 

Vì quá bận rộn trong công việc, Tùng Châu đã phải áp dụng phương pháp anh gọi là “tẩy não” vì đến ngay  những sáng tác của chính mình, anh cũng chỉ còn nhớ được vài bài. Nhưng khi cần nhớ là có thể nhớ được. Thêm vào đó, Tùng Châu còn có tính mau chán, thí dụ “Một cái bài đó, một cái câu đó mà bắt em đàn đến lần thứ 3 là không muốn đàn  rồi.  Nghe không còn  feel nổi !”

Cũng từ  đó người ta hiểu được Tùng Châu là một người luôn đi tìm những cái mới lạ trong nghệ thuật.  Nhưng  điều tiên quyết đối với anh là những cái mới lạ đó phải thích hợp với thị trường, nếu không kết quả sẽ chỉ là một sự thất bại…

 

Qua những việc làm của  anh, qua những kết quả anh gặt hái được cho đến hôm nay, nếu gọi Tùng Châu là một người thành công trên con đường nghệ thuật hẳn không sai. Nhưng với chính bản thân mình, Tùng Châu cho sự thành công to tát nhất với anh là đã theo được cái nghề anh đã học và có nhiều đam mê.

 

(TVTS   972 & 973)