BẢO CHẤN: nhấp nhô dòng nhạc, dòng đời

30 Tháng Mười Hai, 2008 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Bảo Chấn với nữ nhạc sĩ Ngọc Loan

 

Tại hải ngoại, đa số người ta thường chỉ biết tới Bảo Chấn như một nhạc sĩ sáng tác và soạn hòa âm của rất nhiều nhạc phẩm quen thuộc được phổ biến từ giữa thập niên 80. Thật ra, anh  từng là một nhạc sĩ trình diễn quen thuộc tại nhiều phòng trà và vũ trường ở  Sài Gòn trước năm 75. 

 

Vài năm sau biến cố tháng 4 năm 75, Bảo Chấn trở thành một nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng trong nước với nhiều ca khúc, khi gần gũi với cuộc sống với những suy tư và tình cảm thường ngày, khi thì tàng ẩn những mầu sắc triết lý nhẹ nhàng. Từ đó dòng nhạc Bảo Chấn đã là môt đóng góp mới mẻ vào những sinh hoạt âm nhạc trong nước, đặc biệt ở phía Nam.

 

Người viết đã nhiều lần tiếp xúc với Bảo Chấn mỗi khi có dịp về Sài Gòn để thu thập những chi tiết liên quan đến người nhạc sĩ năm nay 56 tuổi này với mục đích thực hiện một bài viết dành cho anh. Nhất là trong dịp anh vừa viếng thăm bạn bè trong giới nghệ sĩ của anh ở Hoa Kỳ lần thứ  ba. Bảo Chấn đã trở về Sài Gòn vào trung tuần tháng 5 vừa qua, nhưng chắc có lẽ anh sẽ quay lại Mỹ lần nữa để thực hiện một số dự án về nghệ thuật tại nam California.

 

Bảo Chấn sinh ở Huế năm 1950. Anh là con trai đầu trong một gia đình có 5 người con trai và một người con gái đầu lòng. Tất cả 5 người con trai trong gia đình đều có khả năng về âm nhạc.  Tuy nhiên chỉ có Bảo Chấn và Bảo Phúc là hai người đi theo con đường chuyên nghiệp, trong khi những người khác đã bước sang các lãnh vực mang tính cách thương mại như  khai thác tiệm chụp hình hoặc điều hành tiệm may, vv…

 

Thân phụ Bảo Chấn không ai xa lạ mà chính là nhạc sĩ Vĩnh Phan -qua đời vào năm 1983- nổi tiếng về nhạc cổ, nhạc cung đình. Bảo Chấn ở Huế đến năm 1954, sau đó theo gia đình vào sống ở Sài Gòn. Tại đây thân phụ anh cộng tác với đài phát thanh Sài Gòn trong những chương trình về nhạc cổ. Nhưng đến năm 1960, một người em của anh qua đời trong mọt tai nạm xe cộ.  Vì quá buồn, nhạc sĩ Vĩnh Phan lại dắt díu toàn gia đình về lại Huế, sau khi Bảo Chấn mới hoàn tất chương trình tiểu học.

 

Một điểm đặc biệt là thoạt đầu, Bảo Chấn đã không được thân phụ cho theo học nhạc học tại Viện Âm Nhạc Huế như những người em của anh. Thời kỳ này Viện Âm Nhạc Huế do linh mục Ngô Duy Linh làm giám đốc.  Thay vì  học nhạc, Bảo Chấn Anh được thân phụ cho học trường dòng Providence tức Thiên Hựu, với mong muốn anh trở thành một người có địa vị trong xã hội.

 

Nhưng ước muốn của ông không có dịp thành hình khi năng khiếu của Bảo Chấn đã bộc phát ngay khi còn nhỏ, như trong một trường hợp theo lời kể của anh: “Mỗi lần ổng  chở tôi từ trường về để đi đón mấy đứa em ở trường nhạc thì tôi đứng ở ngoài, chờ. Tôi ngó qua tấm kính cửa sổ lớp học với một sự thèm thuồng và say mê lắm! Ở phía ngoài, tôi cứ gõ nhịp trên cái kính đó.  Cha Ngô Duy Linh nghe được mới liếc ra và thấy tôi. Sau này cha cho biết là tôi gõ rất đúng nhịp và biết tôi là con nhạc sĩ Vĩnh Phan”. 

 

Sau khi phát hiện khả năng của Bảo Chân, linh mục Ngô Duy Linh đề nghị với nhạc sĩ Vĩnh Phan cho anh theo con đường âm nhạc vì nhận thấy anh rất có khiếu.

 

Năng khiếu của Bảo Chấn phần lớn do ảnh hưởng về âm nhạc đến từ một gia đình nổi tiếng về nhạc cổ, thường hay tổ chức những buổi họp mặt giữa một nhóm bạn yêu nhạc tại tư gia. Trong đó các bạn của thân phụ anh gồm nhiều vị quan chức trong chính quyền hay những vị  giáo chức, cùng nhau đàn hát. Những sinh hoạt này đã tạo cho Bảo Chấn niềm đam mê về âm nhạc từ lúc mới được 10 tuổi để sau này không thể đi theo con đường nào khác ngoài bộ môn nghệ thuật này.

 

Sau lời đề nghị của linh mục Ngô Duy Linh với thân phụ anh,  Bảo Chấn được chấp thuận cho vào học ở Viện Âm Nhạc Huế và học bằng lớp với hai em theo học trước đó. Nhưng sau nửa năm anh đã học hết chương trình của cả năm  nên được cho nhảy lớp trước các em. Tại đây, Bảo Chấn theo học về piano, lý thuyết âm nhạc, vv… Vì học mau hết chương trình nên anh đã có thì giờ  theo học thêm một số nhạc khí như kèn trumpet và saxo.  Ngoài ra còn sử dụng được piano cùng nhiều loại đàn cổ nhạc như tỳ bà, đàn tranh, vv…

 

Khi vào Sài Gòn để sửa soạn thi tốt nghiệp vào năm 1966, cả gia đình Bảo Chấn lại theo anh vào đây và sống luôn cho đến nay. Trong thời gian này, Bảo Chấn bước vào một bước ngoặc quan trọng khi lệnh tổng động viên được ban hành vào cuối năm 68 để được gia nhập ngành quân nhạc.  Vì trình diện trễ nên anh bị chế tài bằng cách phải ra học ở ngoài Đồng Đế. Nhưng bù lại, anh đã may mắn được sự hướng dẫn của một vị sĩ quan người Mỹ, cố vấn cho ngành quân nhạc tên Nap.

 

Ông này chính là cha nuôi của nhạc sĩ huyền thoại của nhạc Jazz là Dave Brubeck, một nhà soạn nhạc và là một nhạc sĩ piano cừ khôi. Nhờ được trang bị một số vốn liếng sau những năm theo học ở Viện Âm Nhạc Huế và có một trình độ cao hơn những bạn đồng khóa, Bảo Chấn đã được  vị sĩ quan cố vấn này giao cho phần phối bài trong thời kỳ anh đang có một sự say mê rất lớn với nhạc Mỹ, lúc đó rất phát triển tại Việt Nam.

 

Bảo Chấn tưởng rằng sẽ nhận được những sự khen ngợi từ vị cố vấn này sau khi đã ra sức thực hiện công việc được giao phó với 2 nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa và Đố Ai. Nhưng anh đã không ngờ: “Ôi, ông ấy chửi quá trời. Đại khái tôi nhớ  ông ấy nói là nếu anh phối như thế này thì tôi  không thể nhìn ra một cái gì là Việt Nam hết. Thế anh là người gì?  Ổng nói như vậy, tôi quê lắm chứ. Đó là bài học đầu tiên của tôi, một bài học về  tính khiêm tốn và  tính cẩn thận. Lúc đó tôi mới nhận ra là cái “gu”  thẩm mỹ  nó quan trọng vô cùng”.

 

Điều này đã khiến Bảo Chấn nhận ra được một điều là chưa chắc dựa trên kiến thức của mình đã thành công,  mà phải “để cái phần hồn lên trên hết” như lời anh nói.

 

Từ đó anh có một kinh nghiệm khi ra làm ở ngoài, khởi đầu cũng vào năm 68 cùng với các nhạc sĩ như tay kèn trumpet Nguyễn Đình Đống là thân phụ của diễn viên kịch Hồng Đào, tay trống Vũ Khắc Toản, vv… 

 

Đầu tiên khi ra làm ở ngoài, Bảo Chấn và các nhạc sĩ bạn trong ngành quân nhạc cộng tác với một  phòng trà của người Đại Hàn  là Kon Tiki trên đường Phan Thanh Giản, tức Điện Biên Phủ bây giờ. Sau đó qua phòng trà J.Martin trên đường Hai Bà Trưng. Thời này ở  Sài Gòn, ban nhạc làm ở vòng ngoài trung tâm thành phố chưa được coi là ban nhạc khá.  Ban nhạc khá hơn sẽ tiến dần vào vòng trong như trên các đường Lê Lai, Tự Do, Nguyễn Huệ, vv…  Nhờ có khả năng, Bảo Chấn và ban nhạc của anh sau một thời gian ngắn đã được mời cộng tác với những phòng trà ở vùng trung tâm thành phố. Cuối cùng ban nhạc anh cộng tác với phòng trà Khánh Ly cho đến khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75. 

 

Về lãnh vực sáng tác nhạc, Bảo Chấn đã viết từ khi mới 16 tuổi, nhưng “bây giờ đọc lại thấy kỳ lắm, xấu hổ lắm!”. Nhưng phải qua đến những năm 79, 80, anh mới thật sự chính thức bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp khi cho ra đời một số ca khúc theo khuynh hướng trong một môi trường xã hội mới với những thay đổi về mọi mặt.  Trong đó dĩ nhiên có mặt văn hóa.

 

thời kỳ này, Bảo Chấn cư ngụ ở quận 10 và cũng phải tham gia vào những công tác nằm trong phong trào văn nghệ được gọi là văn nghệ quần chúng. Hầu như trong thời kỳ từ 75 đến 80, Bảo Chấn không hề có những hoạt động riêng rẽ cho mình, cho đến khi những đoàn văn nghệ được nhà nước Việt Nam cho phép thành lập với những sự chỉ đạo rõ ràng…

 

Sau khi những đoàn văn nghệ được phép thành lập, hoạt động của Bảo Chấn thu hẹp trong vai trò nhạc công sử dụng organ cho rất nhiều đoàn hát, trong số có những đoàn tên tuổi như Bông Sen, Kim Cương, vv… Thậm chí anh còn cộng tác với cả những đoàn xiếc! Đối với trường hợp của Bảo Chấn, việc được thu nhận vào những đoàn này cũng đã đòi hỏi nơi anh nhiều cố gắng…

 

Thu Phương, Mỹ Linh, Băng Kiều, Dương Thụ, Lam Trường, Trà Thu Hà, Xuân Khôi, Trung Kiên, Bảo Chấn, Hồng Nhung

 

Trở lại với lãnh vực sáng tác của mình trong môi trường mới, Bảo Chấn cho biết: “hồi đó có phong trào gọi là ca khúc chính trị. Người ta tránh gọi là nhạc trẻ, nên gọi là ca khúc chính trị. Tất nhiên là ca khúc chính trị  thì trong cái vốn liếng tài sản  của cả nước thì đâu có nhạc trẻ nhiều  mà bây giờ thì không thể hát lại những bài  của nhạc trẻ Sài Goin trước kia. Cho nên phải tự đẻ ra các ca khúc. Mỗi nhóm đều làm như vậy. Hồi đó hát nhạc Liên Sô, nhạc Bulgary, vv… được gọi là nhạc nước ngoài…  Còn nhạc Việt Nam thì tự sáng tác lấy. Ban nhạc nào tự sáng tác lấy được, có ca khúc của riêng mình thì ban ấy được chấm là loại A, là loại khá thì sẽ có nhiều show hơn… Thì tôi nằm trong cái khuynh hướng đó, trong thời điểm đó.  Có thể nói tôi và Quốc Dũng, vv… là những người sáng tác đầu tiên”.

 

Sáng tác đầu tiên của Bảo Chấn trong nhóm nhạc có tên Tương Lai của anh là “Bài Ca Chưa Viết Hết Lời”, được nhiều người biết, viết vào năm 79 và được phổ biến vào những năm 80, 81. Nhóm nhạc Tương Lai của Bảo Chấn có mặt cùng thời kỳ với nhóm Hy Vọng của nhạc sĩ Lê Hựu Hà và có nữ ca sĩ  chính là Bảo Yến. Hai nhóm nhạc này cùng với nhiều nhóm nhạc khác hoạt động được là nhờ vào những Nhà Văn Hóa, thường tổ chức những chương trình ca nạc vào cuối tuần để những nhóm này thay phiên nhau trình diễn.

 

Ngoài ra cũng thường có những buổi tổ chức văn nghệ trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn mà nhóm nhạc của anh  từng xuất hiện trình diễn nhiều lần. Nhờ đó việc kiếm sống cũng đỡ vất vả hơn phần nào, trong khi anh vẫn phải loay hoay bám víu vào nhiều nghề khác để có được chén cơm, manh áo: “Hồi đó chơi nhạc chỉ vì mê, còn chơi nhạc để kiếm sống  thì khó lắm.. Cũng phải làm nghề khác… Tôi làm nhiều nghề lắm. Làm cả công nhân giấy!  Rồi thậm chí tôi vá được xe đạp. Mấy con đường như  đường Tú Xương, vv… chẳng hạn, có những cây cao su.  Hồi đó thì làm gì có keo. Thế là sáng sớm  rình không có phú lít  thì  mình ra mấy cái cây đó  đẽo lấy nhựa  bỏ trong lon. Và xe xong rồi lấy  lửa nướng, đợi cho nó khô lại!”.

 

Rồi những hoạt động âm nhạc của Bảo Chấn sau đó lại chuyển qua một giai đoạn khác, khi những phòng trà và vũ trường được phép hoạt động vào những năm cuối thập niên 80. Trước sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều người, nhất là những người quen thuộc với thế giới về đêm của Sài Gòn trước năm 75, Bảo Chấn cũng thành lập một nhóm nhạc để tham gia vào sinh hoạt mới này. 

 

Đầu tiên, anh  thành lập một dàn nhạc làm ở một tụ điểm ở Chợ Đũi, trên lầu một siêu thị gần rạp Nam Quang. Dàn nhạc này được đánh giá rất cao với những nhạc sĩ nổi tiếng.  Ngoài Bảo Chấn còn có Lê Tấn Quốc, Mạnh Tuấn, vv… phối hợp với một dàn violon gồm toàn những người tốt nghiệp nhạc viện cùng một số nhạc sĩ sử dụng kèn.  Dàn nhạc mang tên Thanh Xuân của Bảo Chấn đã oanh liệt đoạt huy chương vàng cấp thành phố  5 năm liên tiếp nhờ nghệ thuật trình bầy nhạc Việt rất thành công. 

 

Dù rằng bị nhiều giới hạn, đặc biệt như không được trình bầy những nhạc phẩm trước 75. Do đó Thanh Xuân chỉ chơi những sáng tác trong nước, và  nhạc nhẹ hóa những bài sáng tác trong thời kỳ chiến tranh. So sánh với những năm trước đó, cái không khí mới mẻ và sôi động khi những phòng trà và vũ trường được hoạt động, Bảo Chấn cho biết anh đã rất vui. Vui vì được chơi nhạc một cách “chuyên chính” như anh nói, nhưng về mặt kinh tế thì thật sự chưa có thể gọi được là dễ thở…

 

Nhưng vì những phương tiện thời đó còn quá thiếu thốn, nên đến nỗi anh không có cả nổi một máy cassette để ghi nhạc. Anh và các bạn chỉ bắt radio nghe làn sóng AM để nghe đài nước ngoài,  ghi lại bài nhạc của Scorpions, Paul Mauriat, Air Supply, vv… Việc tiếp xúc với nền văn hóa Âu Mỹ tuyệt nhiên không có. Ngoài ra, anh và các bạn thường đi nghe nhạc ở những quán cà phê  là một nguồn có những băng nhạc mới đến từ nước ngoài, để nghe cho thuộc lòng. Sau đó về viết ra để gửi đến những người yêu nhạc…

 

 

Đến cuối thập niên 80, Bảo Chấn nhận xét là về mặt xã hội, ở Việt Nam đã được rộng rãi và thoải mái hơn. Từ khoảng sau năm 85, đã có những nguồn nhạc từ hải ngoại đưa vào trong nước rất nhiều: “Những bài hồi đó nghe mà còn ấn tượng như “Phone To Me” do Khánh Hà hát. Hay những bản do Khúc Lan viết lời là mạnh lắm. Nhà nhà đều nghe. Rồi có một khuynh hướng khác là  nhạc quê hương  của anh Chế Linh chẳng hạn.  Nghe nhiều nhạc đó lắm. Thậm chí các phòng trà cũng xè rào hát nhạc trước 75 nhiều. Thời kỳ này anh Nhật Trường còn ở đây, làm phòng trà ban đêm thỉnh thoảng ảnh cũng xé ráo hát Hoa Trinh Nữ như điên!”

 

Thời kỳ này, nhạc trong nước bị đè bẹp bởi làn sóng nhạc từ hải ngoại đổ về. Cũng từ đó đã đưa đến sự qui thành những nhóm nhạc như “Nhóm Những Người Bạn” tung ra nhiều sáng tác của những nhạc sĩ như Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, vv… Tuy nhiên dòng nhạc hải ngoại vẫn giữ được thế mạnh  do tình cảm cao và gần gũi với người nghe.

 

Cũng trong thời kỳ đó Bảo Chấn bắt đầu sáng tác những ca khúc tình cảm. Những nhạc phẩm này thật sự đã được anh viết trước từ lâu, nhưng chỉ được tung ra vào đầu thập niên 90 vì trước đó không có cơ hội phổ biến…

 

Từ đó Bảo Chấn dần dần bước vào lãnh vực hòa âm, phối khí vào cuối thập niên 80 một cách chính thức, tuy rằng anh đã từng thực hiện công việc này cho những ca khúc do hai ca sĩ Thái Châu và Ngọc Sơn vào giữa thập niên 80.  Không những thế một số không ít những nhạc phẩm của Sơn Trà và Trúc Phương cũng từng được Bảo Chấn soạn hòa âm.

 

Từ sau 1996 trrở đi, những ca khúc được viết từ trước của Bảo Chấn bắt đầu được phổ biến rộng rãi như  Biển Chờ,  Dường Như, Nơi Ấy Bình Yên,vv… Những nhạc phẩm đó còn được nhiều người biết tới tại hải ngoại qua phần trình bầy của nhiều ca sĩ trẻ như Lâm Nhật Tiến, Loan Châu, Gia Huy, Lưu Bích, vv…

 

Trong khi đó, ở trong nước, hầu hết những nhạc phẩm của Bảo Chấn được trình bầy qua tiếng hát của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Lam Trường, vv… Đặc biệt  có một số ca khúc của Bảo Chấn được phổ biến trước ở hải ngoại, sau đó mới trở thành nổi tiếng trong nước.  Phần lớn những nhạc phẩm này được đưa vào những chương trình của trung tâm Asia vào đầu thập niên 90.  Những ca khúc này, Bảo Chấn đã nhờ bạn bè từ Mỹ về đưa ra hải ngoại, trong số có những ca khúc anh phải ký tên khác.

 

Về sự liên hệ của anh với nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc nghệ thuật của trung tâm Asia và là người đã phổ biến những ca khúc của Bảo Chấn trên những chương trình video của trung tâm Asia, Bảo Chấn cho biết trước kia anh có dạy piano tại lớp nhạc Trúc Giang là thân phụ Trúc Hồ, đồng thời cũng chỉ dẫn nhạc cho người trở thành giám đốc nghệ thuật của trung tâm Asia ở hải ngoại. Anh cho biết năng khiếu của Trúc Hồ đã bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ nên trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng sau này là một điều đương nhiên.

 

Trả lời cho câu hỏi hài lòng với những tác phẩm nào của mình, Bảo Chấn cho biết thật sự chưa có bài nào anh cho là hài lòng. Vì “có những bài tôi thích thì người ta lại không thích. Thí dụ như bài Về Với Anh là bài tôi thích lắm vì là một sự hòa hợp giữa kỹ thuật và tình cảm, nhưng lại không được người ta thưởng thức nhiều. Cuối cùng tôi đi đến kết luận là  viết cái gì thì viết, nhưng  phải có tiếng nói chung  của quần chúng”.

 

Qua những phản ứng của người nghe, Bảo Chấn phân chia những sáng tác của  mình thành 2 luồng: một luồng phục vụ quần chúng và một luồng viết cho riêng mình: “Anh viết để  phục vụ quần chúng,  tức là quần chúng cần cái gì, anh viết cái đó  thì anh sẽ được đáp ứng, sẽ được họ đón nhận. Mà anh viết cho riêng anh  thì nó trở thành một loại âm nhạc khác. Có 2 loại âm nhạc: âm nhạc đại chúng và âm nhạc đỉnh cao. Âm nhạc đại chúng thì nổi tiếng hơn nhiều, người nghe nhiều hơn nhiều.”

 

Dựa trên căn bản như vừa trình bầy Bảo Chấn xác nhận hơn phân nửa sáng tác của anh thuộc loại âm nhạc đại chúng, được nhiều người mến chuộng. Nhưng bài nào anh viết có vẻ cao hơn bình thường thì người nghe lại ít đi, tuy nhiên những người nghe này là những người anh cho là “chung thủy”. Tiêu biểu  cho khuynh hướng sau là những ca khúc như Về Với Anh, Lời Tôi Hát hoặc Như Cơn Mua Đi Mãi, vv…

 

Thêm vào đó Bảo Chấn còn sáng tác một số ca khúc về mùa Giáng Sinh, được đưa vào một CD chung với một số sáng tác của Dương Thụ. Tuy nhiên đó không hẳn là những nhạc phẩm xưng tụng Chúa mà là những nhạc phẩm diễn tả cảm giác của con người trong mùa Giáng Sinh hoặc hoặc về những cuộc tình nẩy nở trong mùa Thiên Chúa giáng trần như  Đêm Xanh, Như Cơn Gió Thoảng, Tìm Em Đêm Giáng Sinh…

 

Bảo Chấn cho biết anh có thể sáng tác bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm hay tình huống nào khi có cảm hứng. Và điều quan trọng hơn cả là đầu óc phải “trong veo”, như chữ anh dùng, mà không phải bận tâm về vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”. Nhưng với anh, thời khắc này rất hiếm hoi, chỉ rơi xuống cho anh từng khoảng thời gian nhỏ.

 

Sáng tác gần đây nhất của Bảo Chấn thuộc về năm 2002 với 2 nhạc phẩm “Lời Tôi Hát” và “Giấc Mơ Nào Với Tôi”. Sự kiện này nói lên việc sáng tác của Bảo Chấn có phần chậm lại. Anh chỉ có một lý do rất đơn giản để giải thích là… “tại không thích”, dù rằng anh còn cảm hứng, nhưng chỉ muốn để cái hứng đó luôn luôn âm ỷ trong người: “Hồi trước nó âm ỷ thì tôi moi nó ra rồi. Còn bây giờ tôi để cho nó cháy lung tung, khi nào thích thì mình làm. Với lại tôi làm thì phải có cái gì mới một tí”.

 

Nhưng thế nào mới là mới theo quan niệm của anh? Bảo Chấn trả lời: “là phải khác hẳn với những cái tôi  đã có. Người ta phải nhận ra là không còn vóc dáng cũ nữa, không còn bận bộ đồ cũ nữa. Nhưng  nó sẽ không có quá cao để người ta không thưởng thức nổi. Tôi cố gắng tìm ra đường đi đó. Đối với tôi, âm nhạc, nhất là trong sáng tác, phải đạt được 3 cái:  thêm vào cái quá khứ, nó phải mang tính hiện tại và  phải có đường hướng tương lai. Nếu nhạc chỉ mang tính quá khứ không thôi thì nó mòn, nó cũ, không có người nghe nữa”.

 

Còn  đối với chủ trương về vấn đề bản sắc dân tộc, anh nghĩ sao? Bảo Chấn đưa ra quan niệm của mình: “Tôi không bận tâm đến chuyện người ta nói là phải mang bản sắc dân tộc. Anh viết tiếng Việt là anh dân tộc rồi, tự khắc anh là người Việt rồi, đâu có gì khác hơn nữa. Còn chuyện  người ta vẫn hay răn đe nhau là bài này lai căng, bài này lai Tầu, vv… Thì bây giờ anh nghe nhạc của Đại Hàn, anh không nhìn ra được nét dân tộc của nó nữa… Tức là thế này… cái tính dân tộc nó  phải mang tính hiện đại và nó  phải phổ cập.  Và nó phải mang tính đương đại, tức là nó phải nói cái ngôn ngữ của hôm nay. Nếu bắt tất cả ai cũng phải viết như Nguyễn Du thì đâu có được. Không ai không công nhận ông ấy là đại văn hào. Nhưng nếu bây giờ  anh đọc Nguyễn Du, anh lẩy Kiều suốt 3 ngày  thì ai mà có thể ngồi nghe được!”

 

Về những sáng tác của những người trẻ bị coi là lai căng vv… Bảo Chấn lên tiếng bênh vực, cùng một lúc đưa ra thí dụ: ‘Giống như người Việt Nam đầu tiên mà hớt tóc ngắn đó. Đó là ông Pétrus Ký.  Ổng về làng thì cả làng thấy đầu ông ấy như cái đầu khỉ. Ổng là người Việt hớt tóc ngắn đầu tiên, học trường dòng. Nhưng về sau cái đầu đó đẻ ra hàng loạt cái đầu mà chúng mình đang có. Thì cũng phải đề người ta đi trước, để người ta khai phá chứ! Nếu không thì khó tiến lắm.”

 

Bảo Chấn nhận thấy ở Việt Nam trong lớp nhạc sĩ trẻ sau này có nhiều khai phá mới lạ. Và tất nhiên khi mới viết thì chắc chắn sẽ có lúng túng ở  chỗ này  hoặc vụng về ở chỗ kia. Nhưng theo anh, rồi thế nào cũng ra một cái nét gì đó.

 

Còn riêng đối với dòng nhạc của mình, Bảo Chấn gọi là nhạc trẻ, nhưng là một loại nhạc trẻ trong tâm thức: “Tôi viết tất cả những bài này với một cái tâm hồn  trẻ. Còn nếu nói nhạc trẻ theo khúc thức  nghĩa là theo cái tiết điệu của thì nó vẫn là nhạc trẻ. Tại vì Tôi viết  những bài đó từ những năn 80, 90 thì nó trẻ quá rồi còn gì nữa.”

 

Còn nội dung về những sáng tác của anh ra sao?  Toàn bộ ca khúc của tôi  là viết về tình yêu. Tôi nghĩ đó là  cái đề tài dễ nhất.  Cái đầu tiên khỡi thủy của sáng tác  là viết về tình yêu con người. Cao cấp hơn thì viết về tình yêu thiên nhiên. Nhưng tình yêu con người là cái mục tiêu, là cái đích mà tôi theo đuổi, tôi mô tả. Tại vì nếu không có tình yêu thì  chắc là tôi chả tồn tại làm cái gì”

 

Và đặc biệt là nội dung về tình yêu đó phần lớn đến từ hư cấu. Đúng hơn là Bảo Chấn dựa trên một nhân vật nữ đển hình, chẳng hạn như người yêu đầu đời của mỉnh,  để xây dựng thành hư cấu…

 

Ngoài  những hoạt động về âm nhạc trong nước, Bảo Chấn còn được nhiều nhạc sĩ ở hải ngoại giao phó cho việc viết hòa âm cho những sáng tác của họ.  Người đầu tiên là Trúc Hồ, trong mục đích giúp đỡ anh để nâng cao mức sống khi Bảo Chấn còn ở trong hoàn cảnh khó khăn. Sau đó là những trung tâm khác như  Tùng Giang, Diễm Xưa cũng đề nhờ đến tài nghệ viết hòa âm của anh. Từ  khoảng 10 năm trở lại đây còn có nhiều ca sĩ hay nhạc sĩ khác ở hải ngoại đã tỏ ra rất tin tưởng nơi khả năng nghệ thuật này của anh để giao phó những nhạc phẩm trình bầy hay sáng tác của mình cho anh.

 

Bảo Chấn và con gái đầu lòng tại California

 

Đề cập về  chuyện gia đình, Bảo Chấn cho biết anh lập gia đình vào năm 1980 và có được 4 người con, 3 gái, một trai. Người con gái đầu của vợ chồng anh tên Đoan Phương đã sang Mỹ. Hai người con gái thứ nhì và ba tên Thuần Như  và Thuần Nhã. Còn người con trai út tên Quý Bình.. Tất cả các con anh đều chơi nhạc được, nhưng anh không  huấn luyện mà để cho con tự do trong việc lựa chọn, vì đối với anh “nghề nhạc là nghề để chơi hơn là thật”. Và đó cũng là “một nghề khai thác tình cảm“. Mà tình cảm không phải lúc nào cũng dồi dào để có thể ôm cây đàn gẩy suốt năm này qua tháng nọ, như anh nói.

 

Bảo Chấn gặp gỡ người sau đó trở thành vợ anh trong thời gian anh dạy nhạc tại lớp nhạc Trúc Giang (thân phụ Trúc Hồ), thuộc phòng Văn Hóa Thông Tin Quận Năm, Sài Gòn. Hiện gia đình anh cư ngụ tại một ngôi nhà khang trang thuộc quận 3 Sài Gòn.

So sánh cuộc sống hiện nay với thời gian trước đó, Bảo Chấn cho biết tình trạng đã khá hơn. Nhưng lợi nhuận không đến từ những hoạt động âm nhạc của anh mà do nghề trang điểm của vợ, trong khi “Tôi thì bây giờ vẫn hòa âm lai rai để kiếm tiền chợ vậy thôi”.

 

Bảo Chấn đã từng qua Mỹ 3 lần, kể cả lần gần đây vào tháng 4 năm 2006, vừa để thăm  con gái lớn tên Đoan Phương, vừa để thăm bạn bè trong giới nghệ sĩ.  Khi được đề nghị cho biết một số ghi nhận về nước Mỹ, về những người Việt ở đây, Bảo Chấn đưa ra nhận xét của mình, qua một thí dụ thực tế: “Xã hội Mỹ của người Mỹ là nó cao cấp, không có gì phải nói nữa.  Từ cái xã hội đó nó  đẻ ra cái quan niệm cũng khác nữa. Còn người Mỹ gốc Việt bên đó thì người ta lại có một quan điểm sống khác. Tôi chỉ thí dụ như thế này. Người Mỹ tôi thấy bên đó  họ đi xe  thì lựa cái xe nào tốt, bảo đảm là không bị hư dọc đường mà có thể lôi nó đi được chỗ này chỗ kia là họ mua. 5 ngàn, 3 ngàn họ không cần. Trong khi tôi thấy người Việt mình bên đó đi xe  5, 7 chục ngàn thường lắm. Tất nhiên mỗi người có ý thích riêng, nhưng tôi không hiểu để làm  gì, nhưng đại khái là thế!”

 

Nhưng dù thế nào, theo sự nhận xét của anh  thì  những người Việt ở Mỹ vẫn giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Còn nếu có cơ hội, anh có thích sống ở Mỹ hay không? Bảo Chấn cho biết rất thích, nhất là nếu chịu khó làm việc: “Chịu cầy thì sống được. Những việc gì có tiền mà hợp pháp thì bên đó nhiều cơ hội hơn.”

 

Và cũng như nhiều người khác, Bảo Chấn cho biết nếu sống ở Mỹ thì thật ra cũng chỉ vì tương lai con cái, mong cho con mình được thụ hưởng được một nền giáo dục tốt. “Còn tôi thì sống đâu cũng được”.  Cứ thế mà nhấp nhô trong dòng nhạc, dòng đời…

 

(TVTS  1054 & 1055)