Y PHỤNG: giữa cải lương, ca nhạc và điện ảnh

23 Tháng Mười, 2008 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Y Phụng, trẻ trung, dạn dĩ

 

Qua hình ảnh của cô trên những chương trình video, người ta đã nhận thấy Y Phụng là một thiếu nữ trẻ trung, dạn dĩ và lanh lợi.  Nhưng khi tiếp xúc với cô, những cá tính ấy lại càng được bộc lộ rõ hơn qua tiếng cười, giọng nói và những câu trả lời của cô. 

 

Tuy mới chỉ xuất hiện trên 6, 7 chương trình video của trung tâm Asia, gần đây nhất là Asia 55 “Hát Với Thần Tượng”, nhưng Y Phụng đã được mọi người coi như một khuôn mặt quen thuộc.

 

Điều này chắc một phần nhờ cô là con của nam nghệ sĩ cải lương lẫy lừng tên tuổi  Minh Phụng và người mẹ tên Kiều Tiên, cũng là một tên tuổi quen biết trong cùng một giới.

 

Mặt khác, sự dạn dĩ Y Phụng có được, chắc chắn là nhờ sự xuất hiện trên sân khấu cải lương cùng với bố mẹ từ khi còn nhỏ xíu để sau đó bị ánh đèn mầu quyến rũ đến nỗi bỏ học luôn, khi mới chỉ theo hết lớp 9 trường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn.  Từ đó Y Phụng theo đuổi hẳn nghiệp cầm ca với một khả năng đa dạng về nghệ thuật, từ nhạc trẻ qua đến cải lương và nhạc quê hương.

 

Cô thiếu nữ mang tên thật là Nguyễn Mỹ Thể cho biết cô sinh năm 1979 tại Sài Gòn.  Cô đã được bố mẹ hướng dẫn đến với bộ môn cải lương từ khi mới lên 5, lên 6, thường trong những vai làm con của những nhân vật chính do thân phụ cô thủ diễn. Chẳng hạn như vai con nuôi của thi sĩ Hàn Mạc Tử do Minh Phụng đóng mà cho đến nay cô vẫn còn nhớ như in.

 

Sau một thời gian tham gia vào bộ môn cải lương, Y Phụng chuyển sang nhạc trẻ để say mê với những âm thanh mới mẻ trong lãnh vực tân nhạc, thích hợp với lứa tuổi cô lúc đó.

 

Ngoài ra chính do sự yêu thích thời trang nên Y Phụng đã đi theo thể lọai nhạc trẻ trung này. Cô chỉ còn đến với cải lương qua những lần hát để thu video cho một số trung tâm ở hải ngọai về Việt Nam thực hiện. Tuy nói vậy, nhưng Y Phụng thú nhận là mặc dù hát nhạc trẻ nhưng trong xe cô luôn  đầy rẫy những băng đĩa cải lương. 

 

Ngoài ra, Y Phụng còn cho biết là cô rất say mê tiếng hát của Hương Lan và Tuấn Vũ trong những nhạc phẩm quê bương. Cô đã không dấu diếm khi cho biết “tại vì lớn lên, mình thích ăm mặc này kia nên đi theo nhạc trẻ. Thực sự thì cái  gốc của con là cải lương và lọai nhạc quê hương mà con rất thích”

 

Sau này qua tới Mỹ, Y Phụng lại càng nhận ra khả năng đi sâu vào lòng người hơn của bộ môn bố mẹ cô đã theo đuổi suốt cuộc đời.

 

Thí dụ trong những lần cô đi hát ở một số tiểu bang xa, cô cũng được những khán giả lớn tuổi  biết tới vì là con của Minh Phụng “nên  người ta muốn đi xem con. Bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ là  cải lương đã thấm sâu vào tâm hồn người dân của mình. Như ba con bây giờ đã ngòai 60, nhưng vẫn chiếm được cảm tình của những khán giả trẻ mặc dù họ không biết cải lương như thế nào.”

 

Y Phụng còn đưa ra nhận xét của mình khi so sánh về  thành phần khán giả trong hai lãnh vực tân nhạc và cải lương….  Theo cô, lòng yêu mến của khán giả dành cho những ngôi sao cải lương lâu dài hơn những ngôi sao ca nhạc.

 

Cô lại còn đưa ra thêm một nhận xét về lớp khán giả lớn tuổi đối với nghệ thuật cải lương mà cô đã có một thời gian theo đuổi nên đã có dịp chứng kiến những tình cảm đậm đà của họ đối với các nghệ sĩ: “Họ thương những nghệ sĩ cải ương từ khi họ còn nhỏ cho đến khi lớn tuổi.  Họ vẫn trân trọng ngồi xem và  thậm chí còn cho những món quà  hay tiền bạc cho những nghệ sĩ  cải lương.  Mặc dù họ biết nghệ sĩ cải lương có nguời rất giầu, có nhà có cửa.  Nhưng họ cảm thấy thương và   trao tình cảm của họ cho nghệ sĩ cải lương nhiều hơn  phía điện  ảnh và ca nhạc”

 

Như với trường hợp của chính mình, khi đã bước vào lãnh vực nhạc trẻ với những bộ y phục thời trang, nhưng khi cô cất tiếng hát một câu vọng cổ, Y Phụng đã cảm nhận được cái hồn dân tộc một cách mạnh mẽ khi nhận được cảm tình sâu đậm của những khán giả đáng tuổi bà bác, bà ngọai của mình.

 

Cô kể: “Hồi còn ở Việt Nam, có lần con được mời đi diễn tại 8 nước bên Âu Châu. Thời đó con hát nhạc của cô Lynda Trang Đài hay là  Madonna mà không phải nhạc quê hương như sau này qua tới Mỹ. Con ăn mặc cũng hơi gợi cảm, trẻ trung tì xíu.  Nhưng đặc biệt khi con hát một câu vọng cổ  thì mấy bà bác, bà ngoại lên cho tiền  hay tặng hoa. Như vậy, con cảm thấy một câu vọng cổ, một câu cải lương thấm sâu  vô cái dân tộc mình hơn!”

 

Qua những lời tâm sự của Y Phụng, khán thính giả đã dễ dàng nhận ra càng ngày cô càng thấy thấm thía với bộ môn cải lương với ý thức trở về với nguồn gốc của  mình.  Qua tiểu khúc cải lương “Cô Gái Bán Sầu Riêng” của sọan giả Viễn Châu, thật sự Y Phụng đã thể hiện được những điều cô muốn nói khi xuất hiện cùng với thần tượng của mình là ông bố Minh Phụng trong chương trình video mang chủ đề “Hát Với Thần Tượng” của trung tâm Asia mới phát hành vào trung tuần tháng 7 năm 2007 vừa qua.

 

Khi còn ở Việt Nam, không những Y Phụng đã từng xuất hiện trên sân khấu cải lương và tân nhạc, cô  còn từng xuất hiện nhiều lần trước ống kính thu hình khi bước vào lãnh vực điện ảnh. 

 

Nhờ có thân hình đẹp do theo tập vũ Ballet và thể dục nhịp điệu thường xuyên trong một thời gian dài cùng với lối trang phục bắt mắt, Y Phụng đã được mời đóng một vai phụ trong cuốn phim một thời rất nổi tiếng ở Việt Nam là Cánh Hoa Hoang Dại.

 

Qua cuốn phim này, dù cô chỉ đảm nhiệm một vai trò rất nhỏ, nhưng đạo diễn Lê Dân đã nhận biết được khả năng diễn xuất của cô để giao cho cô vai chính trong phim Riêng Chỉ Có Anh do ông đạo diễn vào khoảng năm 1992. 

 

Mặc dù lúc đó cô chưa có tên tuổi mà chỉ còn là một ca sĩ trẻ hát “lót đường” cho các ngôi sao nổi tiếng.  Ca sĩ nào đến trễ thì cô ra hát để “câu giờ”. Ngược lại, nếu họ đến đúng giờ thì nhiều khi cô phải ngồi từ 6 giờ chiều đến 12 giờ khuya cũng không hát được bài nào!

 

Lời tâm sự sau đây của cô sẽ khiến mọi người thông cảm cho hoàn cảnh của những nghệ sĩ chưa có tên tuổi vào khoảng những năm đầu thập niên 90 ở Việt Nam:

 

Lúc đi hát, con ăn mặc sexy, chỉ có mấy người trẻ  cỡ tuổi teen của con hồi xưa thôi là thích thôi. Người lớn thì họ không thích, chỉ biết con là con của Minh Phụng… Nhưng mà con Minh Phụng vẫn phải đi hát lót.  Đi tỉnh thì tụi con đâu có được tiền. Bên Việt Nam mình chỉ xin đi hát vì chưa nổi tiếng. Thời đó con với bà ngọai phải ngủ ở sân khấu. Thời đó khách sạn rất là ít. Nhưng khách sạn có máy lạnh chỉ dành cho các ngôi sao ca nhạc  thôi. Anh em nghệ sĩ tụi con thì ngủ ở sân khấu. Ăn  thì bà ngọai  mang cái réchaud theo để nấu ăn. Còn tắm thì  con còn nhớ con với ca sĩ Minh Thuận căng cái tấm màn ra để tắm nước giếng, chứ sợ người ta bu tới coi…”

 

Thời kỳ khổ cực như vậy kéo dài khoảng một năm cho đến khi Y Phụng bước vào lãnh vực điện ảnh cùng một lúc vẫn tiếp tục đi hát.

 

Để phù hợp với vai chính của kịch bản phim Cánh Hoa Hoang Dại, đạo diễn Lê Dân đề nghị Y Phục cắt bỏ mái tóc dài của mình. Nhưng vì vẫn còn mê hát nên cô không muốn cắt tóc ngắn. Đến khi mẹ cô dọa sẽ không cho tiếp tục đi hát, Y Phụng mới nghe lời. Và cô không ngờ sau khi diễn xuất cùng với tài tử  Lê Tuấn Anh trong phim đó, cô đã trở thành nổi tiếng ngay. 

 

Từ đó đã có rất nhiều kịch bản phim đã được dành cho cô.  Và chính điện ảnh đã tạo cho Y Phụng một tên tuổi vững vàng sau trên 40 bộ phim có sự góp mặt của cô, cùng thời kỳ với những ngôi sao điện ảnh như  Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, vv….

 

Đặc biệt với cuốn phim Đời Vũ Nữ, hình ảnh một cô vũ nữ với nếp sống buông thả của Y Phụng đã gây được ấn tượng rất mạnh nơi khán giả khiến cô trở thành nổi danh thêm…

 

Y Phụng, con của Minh Phụng và Kiều Tiên

 

Y Phụng mới qua Mỹ được vài năm nay sau khi cô thành hôn với một Việt Kiều trẻ tuổi tên Đạt vào năm 2003. Trước khi xây dựng cuộc sống mới ở Hoa Kỳ, Y Phụng chưa có một khái niệm gì về cuộc sống bên này. Điều mong ước của cô là chỉ mong muốn được tiếp tục họat động trong lãnh vực nghệ thuật: “con được đi theo nghề là con sung sướng nhất. Cuộc đời con, con rất yêu thích nghề ca  hát và diễn viên điện ảnh. Con cũng mong sau này được  như ba con, sáu mươi mấy tuổi mà vẫn được khán giả yêu thương là con mừng rồi.” 

 

Y Phụng cho biết khi còn ở trong nước, cô vẫn thường xuyên theo dõi sinh họat ca nhạc ở hải ngọai qua những chương trình video, đặc biệt  những chương trình do trung tâm Asia thực hiện. Trong đó những nhạc phẩm của Trúc Hồ rất được cô yêu thích với một nghệ thuật hòa âm Y Phụng cho là mới lạ. 

 

Cô cũng từng biết Trúc Hồ khi nhạc sĩ này về Việt Nam và được nhạc sĩ Bảo Chấn giới thiệu với đoàn làm phim Nụ Hôn Đầu Đời do cô đóng vai chính, trong đó cô trình bầy một nhạc phẩm của Bảo Chấn.

 

Sau một thời gian cư ngụ ở nam California, qua một người bạn làm đạo diễn hiện cộng tác với trung tâm Asia, cô đã có dịp gặp lại Trúc Hồ và được nhạc sĩ này mời đến thử giọng với 2 nhạc phẩm Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa và Ai Khổ Vì Ai cùng một câu vọng cổ. Ngay sau lần thử giọng đó, Y Phụng đã được trung tâm Asia mời cộng tác.

 

Y Phụng xuất hiện lần đầu trên Asia 49 ( “Những Bài Hát Hay Nhất thế Kỷ” ) với Yêu Một Mình.  Kế đó là Hàn Mạc Tử, trình bầy chung với Thanh Thúy, trong chương trình đặc biệt Nhật Trường “Anh Không Chết Đâu Anh”, vv…

 

Tiếp theo là Đừng Xa Em Đêm Nay (với Thảo My) trong “Những Tình Khúc Sau Cuộc Chiến”, rồi Em Hậu Phương-Anh Tiền Tuyến (với Mạnh Đình trong “Huyền Thọai Lê Minh Bằng”.

 

Rồi qua đến chương trình “Mầu Sắc Của Tình Yêu” (tức Asia 53) với liên khúc Chuyện Tình Không Suy Tư /Phố Đêm trình bầy với Thiên Kim. Qua đến chương trình “Bước Chân Việt Nam” thì Y Phụng đã rất được khán thính giả dành cho rất nhiều cảm tình trong tiết mục Đò Dọc, đồng diễn với Kim Tiểu Long.

 

Ngay sau khi xuất hiện lần đầu tiên trên Asia 49 “Những Bài Hát Hay nhất Thế Kỷ”, Y Phụng đã được một nhà sản xuất phim ảnh trẻ tuổi để ý và mời xuất hiện trong một cuốn phim mà kịch bản rất được Y Phụng yêu thích. 

 

Cuốn phim mang tựa đề Trái Tim Lạc Lối  này, trong đó Y Phụng thủ vai một ca sĩ, đã hoàn tất, nhưng ngày phát hành chưa được ấn định. Y Phụng tỏ ra rất tin tưởng ở khả năng diễn xuất của mình trong cuốn phim đầu tiên của cô ở hải ngọai. Cô hy vọng đó sẽ là bước nối tiếp cho cô đến với những sản phẩm điện ảnh khác trong những ngày sắp tới.

 

Với những bước đầu nhiều may mắn tại hải ngọai, người thưởng thức mong sẽ có dịp được thấy Y Phụng phô diễn tài nghệ của mình trong các bộ môn nghệ thuật như tân nhạc, cải lương cũng như điện ảnh.

 

(TVTS – 1117)