DIỆU HƯƠNG: không còn ngơ ngác trong âm nhạc

10 Tháng Bảy, 2008 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Diệu Hương

 

Diệu Hương thường hay dùng  từ  “ngơ ngác”  để diễn tả tâm trạng của chị về những ngày đầu tiên đến với âm nhạc trong việc phổ biến những sáng tác của mình.  Và cả trong lãnh vực trình diễn mang tính cách một ca sĩ. Người viết đã thấy được vẻ ngơ ngác của Diệu Hương khi mời chị sang Montreal, Canada ra mắt khán giả tại đây vào năm 2001 trong buổi dạ tiệc hàng năm do Niên Giám Vàng tổ chức. 

 

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời Diệu Hương ôm đàn hát trước hàng trăm người nghe. Nhưng chính sự ngơ ngác và không ít lúng túng đó đã khiến người nữ nhạc sĩ gốc Huế với một giọng nói nhỏ nhẹ và một dáng dấp cao ráo này đã chiếm được cảm tình của tất cả những người có mặt khi trình bày một số ca khúc của mình.

 

Cũng chỉ mới cách đó hơn một năm, Diệu Hương còn ngơ ngác hơn trong việc tự  xoay xở trong việc thực hiện CD đầu tay của mình mang tựa đề “Khắc Khoải” vào năm 2000, chẳng khác gì tâm trạng của chị khi bước chân vào môi trường âm nhạc với nhiều bỡ ngỡ. 

 

Lùi lại xa hơn nữa, được biết Diệu Hương đã bắt đầu viết nhạc từ năm 1977 khi còn ở trong nước, với nhạc phẩm Tôi Muốn Hỏi Tại Sao. Nhưng viết xong cứ để đó với mong ước có một ngày sẽ đưa vào những CD do chính mình thực hiện. 

 

Từ  khoảng những năm 97, 98,  chị đã bắt đầu thỉnh thoảng soạn lời Việt một số ca khúc Pháp và Mỹ cho Ý Lan trình bầy cũng như cho một vài trung tâm khác, trong số có trung tâm Bích Thu Vân với nhạc phẩm ngoại quốc do chị soạn lời Việt đầu tiên là Le Passager Dans La Pluie….

 

Trong lúc chưa có cơ hội  thực hiện riêng cho mình  một CD thì cũng vào năm 97, Ý Lan  đã đề nghị thu thanh 5 ca khúc của Diệu Hương trên CD “Tôi Muốn Hỏi Tại Sao”, trong số đó ca khúc  đầu tay mang cùng tên với CD của chị, cùng với Mình Ơi đã gây được rất nhiều chú ý nơi những người yêu nhạc. Đó là một nhạc phẩm mang âm điệu dân ca, một loại nhạc Diệu Hương không bao giờ nghĩ là sẽ sáng tác, trong khi chỉ chủ trương viết tình ca.   Cho đến nay, ca khúc này vân còn nhận được nhiều lời yêu cầu trong những lần xuất hiện của Ý Lan. 

 

Vào năm 1998 sau đó, nữ ca sĩ Lệ Thu yêu cầu chị giao cho một số bài để hát  trong CD lấy chủ đề là “Lặng Nhìn Ta Thôi” mà ca khúc mang cùng tên của Diệu Hương cũng một dạo rất được yêu thích. Một chi tiết ít người  biết là Diệu Hương khi còn nhỏ đã quen biết Lệ Thu sau khi hai người cùng đóng trong một cuốn phim tài liệu về thắng cảnh Huế trong đó Diệu Hương đóng vai con của Lệ Thu do Lê Hoàng Hoa, một người anh họ của Diệu Hương làm đạo diễn…

 

Sau lần đóng phim đó, bẵng đi đến năm 95 hai người mới gặp lại nhau tại nam California. Đến lúc đó Lệ Thu mới biết Diệu Hương là một người viết nhạc mà tiếng hát của mình rất thích hợp với dòng nhạc  trữ tình này… Dù những sáng tác của chị đã được những giọng ca tên tuổi trình bầy, nhưng Diệu Hương vẫn luôn ấp ủ giấc mơ có một album riêng để có dịp giới thiệu đến khán giả dòng nhạc của mình. 

 

Qua năm 2000, Diệu Hương bắt tay vào việc thực hiện giấc mơ đó để đến năm 2001 thì CD “Khắc Khoải” được hoàn tất.  Và CD đầu tay này của chị đã đuợc ra mắt vào tháng 10 năm 2001, vào thời  điểm vừa xẩy ra biến động 911.  Điều này đã khiến một người rất nhậy cảm như Diệu Hương trở nên căng thẳng vì không biết tác phẩm audio đầu tay này sẽ đi về đâu, đêm ra mắt chính thức CD đó sẽ như  thế nào.

 

Nhiều người đã góp ý với chị nên hủy bỏ buổi tổ chức, sợ rằng số người tham dự sẽ khôngđược đông đảo trong khi còn mang một tâm trạng hoang mang.  Nhưng Diệu Hương đã nhất quyết tiến hành theo dự định với kết quả là một sự thành công không ngờ. 

 

Tưởng rằng đầu óc sẽ được nhẹ nhàng, thanh thản  một khi đã trút bỏ được những âu lo, căng thẳng với một kết quả tốt đẹp.  Nhưng  con người nghệ sĩ với những cảm xúc bén nhậy như Diệu Hương tự nhiên thấy mình rơi vào một khoảng trống rỗng hoàn toàn khi mọi việc đã chấm dứt.

 

Nhưng khoảng trống rỗng nơi Diệu Hương đã được bù đắp bằng những cú điện thoại đặt mua CD “Khắc Khoải” của nhiều trung tâm nhạc sau đêm ra mắt, mà nhạc phẩm Phiến Đá Sầu đã tạo được nhiều chú ý. Khoảng 3 tuần sau, trung tâm Thuý Nga đã liên lạc với Diệu Hương mua một số nhạc phẩm của chị để đưa vào những chương trình “Paris By Night” cũng như trên những sản phầm audio.

 

Từ đó đến nay, trên hầu hết những chương trình “Paris By Night” đều có những tiết mục trình bày những ca khúc của Diệu Hương.  Đó là Khắc Khoải, Phiến Đá Sầu, Vì Đó Là Em, Cõi Vắng, Hạt Mưa Buồn,  Bài Tình Ca Của Em, Mình Ơi,  Dù Có Như Thế Nào, Hỏi Tình, vv…

 

Trước những kết quả của CD đầu tiên, Diệu Hương công nhận rất phấn khởi để nghĩ ngay đến việc thực hiện album thứ hai. Chị cho biết  lúc đó nơi chị có một niềm say mê rất lạ là chỉ muốn làm CD thứ hai cho thật hay, thật mới lạ với mục đích mang lại cho người nghe một niềm vui trọn vẹn khi thưởng thức những tác phẩm của chị.  Tất cả những điều đó chứa đựng trong quan niệm của Diệu Hương là “mỗi bước phải là một sự sáng tạo mới”…

 

CD thứ nhì mang tựa đề “Ở Lại Ta Đi” ra đời vào năm 2003 trong quan niệm như vậy để được coi là đẹp hơn, sáng tạo hơn với những ca khúc rất quen thuộc của Diệu Hương như Vì Đó Là Em (Tuấn Ngọc), Ở Lại Ta Đi (Quang Dũng), Mưa Còn Rơi Mãi Vì Ai (Thái Hiền), Mình Ơi (Diệu Hương), vv…

 

Đến năm 2004 sau đó, CD thứ 3 mang tựa đề “Dòng Lệ Khô” được gửi đến người nghe sau đêm ra mắt tại vũ trường Majestic ở nam California như 2 CD truớc. Sự ưu ái của khán thính giả dành cho dòng nhạc Diệu Hương  một lần nữa lại đuợc thể hiện qua số lượng người tham dự đông đảo đã khiến chị lên tinh thần rất nhiều.

 

Gần đây nhất là CD thứ 4 mang chủ đề “Cho Dòng Sông Cuốn Trôi” lại được gửi đến người yêu nhạc vào ngày 16 tháng 4 năm 2006. Và dĩ nhiên CD này chứa đựng những nét sáng tạo hơn. Một chi tiết cần ghi nhận về nội dung của CD này là nhạc phẩm Xin Mãi Còn Bên Mẹ do chính Diệu Hương trình bầy.

 

Trước đó, nhạc phẩm Mình Ơi nói lên tâm trạng của thân mẫu chị sau sự vĩnh viễn ra đi của người đầu ấp tay gối. Trong khi Xin Mãi Còn Bên Mẹ diễn tả tấm lòng chân thành của một người con dành trọn vẹn cho người mẹ thân yêu.  Diệu Hương từ lâu thường ước ao viết một ca khúc về mẹ, đến album thứ 4 này, chị mới thực hiện được ý định của mình…

 

Sau 4 albums được phát hành, người nghe giờ đây đã rất quen thuộc với cái chất Diệu Hương trong những ca khúc của chị. Dù nghệ thuật hoà âm luôn luôn được thay đôi, tạo nên những nét mới lạ luôn chuyển biến. Nhưng căn bản  vẫn luôn là một dòng nhạc trữ tình nhẹ nhàng và được trau chuốt qua ngôn từ sử dụng.

 

Vui vì sự thành công của mình trước những ưu ái của khán thính giả dành cho , nhưng Diệu Hương không tránh khỏi lo lắng vì không muốn để người nghe thất vọng nên lúc nào cũng luôn luôn cố gắng, về cả hai mặt âm nhạc và ngôn từ với chủ trương “viết qua loa là không được. Cần phải trau chuốt và thỉnh thoảng còn đưa nghệ thuật chơi chữ vào trong đó nữa”.

 

Điều đó dễ hiểu vì Diệu Hương vẫn tự nhận mình là một người khó tính trong nghệ thuật và nhất là một người từng là một học sinh giỏi về văn chương ở bậc trung học. Với CD thứ 4  “Cho Dòng Sông Cuốn Trôi”, một cách thực tế, nhìn vào số bán đều đặn của nó, người ta có thể coi đó là một thành công khi mà nhiều nghệ sĩ khác gặp phải khá nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ những sản phẩm của mình.  Điều đó đã nói lên một cách rõ ràng những sự cố gắng không ngừng của Diệu Hương với mục đích luôn tìm đến với sự hoàn hảo như chị vẫn thường nói.

 

Riêng về những sáng tác của mình, Diệu Hương cho biết có một số ca khúc chị đã viết từ khi còn ở Việt Nam đã được đưa vào 4 CD đã được phát hành.  Đó là thời kỳ viết nhạc đầu tiên của Diệu Hương khi chủ trương viết nhạc làm nguồn vui sau những xáo trộn xẩy ra sau tháng 4 năm 75.

 

Khi biến cố tháng 4 xẩy ra, âm nhạc đã giúp chị  đang là một sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, mang nặng một tâm trạng thất vọng, chán chường, có được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi để bấu víu. Nói lên được cảm xúc của mình qua những dòng nhạc, rồi cầm đàn lên để diễn tả là một trong những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đã giúp Diệu Hương lấy lại được tinh thần khi chị từng ước mơ rất nhiều để rồi gặp phải quá nhiều thất vọng.

 

Thời kỳ viết nhạc thứ nhì của Diệu Hương khởi sự từ năm 1990 là năm chị cùng với gia đình đặt chân lên đất Mỹ theo diện HO sau nhiều chuyến vượt biển bất thành.  Có những giai đoạn mà cảm xúc của con người lai láng hơn cùng với những thay đổi về tình huống. 

 

Trong trường hợp của Diệu Hương, giai đoạn sau năm 90 chính là giai đoạn chị sáng tác rất nhiều khi chị bước vào một hoàn cảnh hoàn toàm mới mẻ.  Đó cũng là giai đoạn chị cho là mình đã “quá trưởng thành” với một đầu óc mang những ý tưởng già dặn cùng nhiều kinh nghiệm sống qua sự giao tiếp với những người chung quanh cùng những hiểu biết sâu xa hơn về mặt tâm lý.

 

Hơn nữa vào những năm đầu tiên tại hải ngoại, đang  còn hoang mang  vì đời sống chưa ổn định, thì trong những lúc giao động như vậy, Diệu Hương đã mang nặng nhiều nỗi ưu tư  cùng một lúc ghi nhận được nhiều sự kiện khác trong đời sống để viết nên nhiều ca khúc. Thời kỳ này chị đã viết Mùa Thu Nơi Đây, Nơi Đâu Hạnh Phúc, Mưa Còn Rơi Mãi Vì Ai, vv…  Qua đó những nỗi niềm của Diệu Hương đã được dàn trải bằng một dòng nhạc chứa đựng rất nhiều rung cảm của một tâm hồn nghệ sĩ.

 

Song song với việc dòng nhạc trữ tình của mình càng ngày càng được ghi đậm nét trong tâm hồn người thưởng thức, Diệu Hương những ngày gần đây còn được mời xuất hiện với tính cách một ca sĩ trong những chương trình giới thiệu dòng nhạc của mình.  Như chương trình “Diệu Hương Và Vũ Thành An” vào năm 2004 nhay một số chương trình “live” khác tại Houston, Seattle, vv… 

 

Dù chưa có thể được coi như một ca sĩ chuyên nghiệp – và điều này thật sự có lẽ Diệu Hương cũng chưa bao giờ nghĩ tới – nhưng diễn tả sát nhất, sâu xa nhất những cảm xúc diễn tả trong những ca khúc của mình  thì hẳn tiếng hát Diệu Hương cũng đã khiến cho nhiều người rung động. Mặc dù vậy, trong những chương trình “live”, người ta thường bắt gặp Diệu Hương trình bày những nhạc phẩm Pháp thịnh hành và rất được khán thính giả tán thưởng.

 

So với lần đầu tiên hát trước khán giả tại Montreal, Diệu Hương trong những lần xuất hiện trên sân khấu hay trên những chương trình video gần đây đã tỏ ra dạn dĩ hơn nhiều. Và dĩ nhiên khó còn tìm thấy vẻ ngơ ngác nào trên khuôn mặt chị. Với trung tâm Asia, chị đã xuất hiện hát chung với Don Ho ca khúc Vì Đó Là Em trong chủ đề “75 Năm Âm Nhạc Việt Nam”.

 

Gần đây nhất, nhạc phẩm Nói Với Tôi Một Lời đã được chị trình bày cùng với Lâm Nhật Tiến trong chủ đề “Những Tình Khúc Sau Cuộc Chiến” của trung  tâm Asia.  Cũng với trung tâm này, Diệu Hương cũng đã được mời soạn lời Việt cho một số ca khúc ngoại quốc như Paroles, La Vie En Rose, Top Of The World,vv…

 

Với trung tâm Tình cũng vậy, nhạc phẩm Revoir cũng đã được Diệu hương chuyển lời Việt để Don Ho trình bày trong một chương trình của trung tâm này.  Không những chỉ khó khăn đối với những sáng tác của mình, Diệu Hương cũng không dễ dải gì mấy trong việc soạn lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc. Có thấy hay hoặc gợi được nơi tâm hồn mình những xúc cảm nào đó mới nhận lời viết.  Vì vấn đề tập trung tư tưởng cũng như gạn lọc chữ nghĩa cũng đòi hỏi khá nhiều thời gian.

 

Sau 5, 6 năm với 4 CD riêng cho mình (không kể 2 CD gồm những ca khúc của Diêu Hương với tiếng hát Quang Dũng là Biển Nghìn Thu Ở Lại và Chỉ Có Ta Thôi) cùng với những ca khúc thường xuyên được gửi tới người nghe qua các chương trình video cùng những lần xuất hiện trên sâu khấu, có thể coi là Diệu Hương không còn ngơ ngác nữa. Trong khi đó người nghe càng ngày càng bị dòng nhạc của Diệu Hương chinh phục hoặc không ít thì nhiều, dòng nhạc trữ tình này cũng đã từng đưa họ đến với những cảm xúc dạt dào…