Nghe CD “Cung Thương Muôn Điệu” của MINH DUY

27 Tháng Bảy, 2011 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Lão Ngoan Đồng

 

Nhạc sĩ Minh Duy

 

 

 

“Ngồi Buồn Gãi Rốn” – ngay tự tên gọi của tiết mục đã đủ để người đọc đoán biết nội dung… thiếu nghiêm túc, và con người… thiếu nghiêm chỉnh của kẻ phụ trách. Tuy nhiên, vì “giang sơn” của LNĐ chỉ có ngần ấy, nên nhiều khi cần viết những chuyện đứng đắn cũng phải sử dụng đất của mục tiếu lâm này, khiến những độc giả “không thường xuyên” của Tivi Tuần-san, có thể cho là “funny”, hoặc thiếu trân trọng. Chẳng hạn ngay phía dưới cái logo NBGR với hình vẽ LNĐ đang… gãi rốn, lại chạy một cái tít rất ư là thơ mộng “Vị nữ tu mang tên một loài hoa”, tức Xơ Marguerite Nguyện!

 

Cũng vì thế, khi làm công việc giới thiệu tác phẩm và tác giả, LNĐ thường chỉ dám viết về “người nhà” – như Xơ Marguerite Nguyện với những bức tranh thủy mạc, Nam Man với tập Thơ Cù Nèo, Đào Quỳnh, tức nhà thơ nữ Dạ Quỳnh, với cuốn hồi ký Tales from a Mountain City (Truyện từ thành phố cao nguyên)…

 

Rào đón xong, xin đi vào đề tài: Nghe CD “Cung Thương Muôn Điệu” của MINH DUY

 

Dĩ nhiên, LNĐ không dám nhận vơ nhạc sĩ Minh Duy là “người nhà”, bởi vì chưa hề được gặp gỡ ông bao giờ, cho dù cùng cư ngụ tại thành phố phương nam này từ 30 năm qua. Hơn nữa, âm nhạc lại là lĩnh vực mà LNĐ không có khả năng, không đủ trình độ đào sâu, cho nên không thể “bàn loạn” như khi giới thiệu thơ của Nam Man, tranh của Xơ Marguerite Nguyện, truyện của Đào Quỳnh.

 

Thành thử ở tựa bài viết, LNĐ mới sử dụng chữ “nghe” để làm nhẹ bớt tính cách trịnh trọng của một bài giới thiệu tác phẩm. Bởi vì âm nhạc thì ai cũng có thể “nghe”, miễn có chút tâm hồn.

 

Như độc giả có thể còn nhớ 6, 7 năm về trước, nhân dịp nhạc sĩ Minh Duy ra mắt CD Tình Khúc Minh Duy đầu tiên, trên Tivi Tuần-san đã có bài giới thiệu. Gần đây, ông đã âm thầm phát hành CD số 6.

 

Với một người nào khác, làm nhạc với mục đích thương mại thuần túy, 6  CD không phải một số lượng lớn lao, nhưng với một nhà giáo nay đã bước vào tuổi hưu như  Minh Duy, 67 ca khúc (trong 6 CD ấy) phải được xem là con số rất đáng kể, và đáng nể.

 

Năm nay cũng là mốc điểm thời gian đánh dấu một nửa thế kỷ ngày ra đời của Bài Ca Chiến Thắng của Minh Duy, bài hát mà ngày xưa trong quân trường ai cũng thuộc lòng, nhân dịp này, LNĐ xin có đôi dòng giới thiệu CD Tình Khúc Minh Duy số 6 mới phát hành, có tựa đề “Cung Thương Muôn Điệu”.

 

Nhu cầu tinh thần”

 

Trong một bài phỏng vấn do nhà báo Nguyễn Toàn ở Sydney thực hiện trước đây, Minh Duy cho biết với ông, sáng tác nhạc là một “nhu cầu tinh thần”. Chính vì thế, ông sáng tác đều đặn, dòng nhạc song hành với dòng đời suốt 50 năm, qua từng giai đoạn: ngày còn độc thân vui tính – sau khi đã lập gia đình – sau biến cố tháng Tư 1975 – ở trại tỵ nạn – và trên quê hương thứ hai.

 

Nhận xét đầu tiên của chúng tôi khi nghe các tình khúc của Minh Duy là: “tình” nơi ông gồm đủ mọi thứ tình – tình vu vơ đầu đời, tình cho người em gái vạn kiếp xa xôi, cho người yêu gần kề – tình cho mẹ cha – tình cho non sông đất nước – tình với bốn mùa, cỏ cây hoa lá – tình với thế nhân, tình cho nhân thế…

 

Nhận xét thứ hai của chúng tôi là các tình khúc của Minh Duy đều “đẹp” – cái đẹp không cần nhìn mà chỉ cần nghe. Rất có thể bởi vì Minh Duy là một nhà giáo – nhà giáo với ý nghĩa cao đẹp nguyên thủy trong thứ bậc “Quân – Sư – Phụ”.

 

Trong những cảnh đời đã trải qua, chúng tôi được hân hạnh quen biết nhiều nhà giáo kiêm thêm nghề tay trái “thơ, văn, nhạc”, và nhận thấy hầu hết tác phẩm của các vị ấy đều “đẹp”. Hình như chỉ có một trường hợp trừ: nhà giáo kiêm “nhà báo”, thì đôi lúc cũng cần phải xét lại (xin những đồng nghiệp chân chính, lương thiện, không “có tật” đừng “giật mình”).

 

Điều này cũng dễ hiểu bởi vì, hơn ai hết, nhà giáo phải lấy “chân thiện mỹ” làm cứu cánh.

 

Thế nhưng, nếu một nhà giáo kiêm thêm nghề tay trái “thơ, văn, nhạc”, lại biến nghề tay trái ấy thành nghề tay phải với mục đích thương mại, thì… hỏng! Từ bục giảng với bảng xanh phấn trắng bước xuống chợ đời chỉ có một bước thôi, nhưng khác nhau như chốn thiên đàng với địa ngục!

 

Sau năm 1975 tại hải ngoại, trong nhiều trường hợp chúng tôi đã không dám “nhận” người quen cũ, cũng vì nguyên nhân ấy. Vẫn biết ai cũng có nhu cầu cơm cháo, chúng ta nên thông cảm, nhưng không nhất thiết phải duy trì sự quý trọng.

 

Thành thử, điều “an tâm” thứ nhất của chúng tôi khi làm công việc giới thiệu Minh Duy là ông không làm thương mại, mà trái lại, 6 CD Tình Khúc Minh Duy đã được lần lượt thực hiện với những chắt chiu dành dụm của một đời người.

 

Điều an tâm thứ hai của chúng tôi là Minh Duy trước sau vẫn giữ được tư cách của một người tỵ nạn cộng sản chân chính – không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà chỉ để chứng tỏ “tấm lòng của tôi đối với đất nước, dân tộc trước sau vẫn như một là tranh đấu cho một nước Việt có Tự Do, Dân Quyền và Công Lý đích thực…”.

 

Cũng xin được phân trần cho “cái tôi đáng ghét”: tuy chỉ là một nhà báo tầm thường, cho dù bị mang tiếng cực đoan, cố chấp, chúng tôi vẫn tự cho mình được quyền đặt ra một tiêu chuẩn xét đoán đối tượng, đó là: nếu không đóng góp được gì vào công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho quê hương, thì cũng đừng… phá thối!

 

Chính vì thế, trong quá khứ chúng tôi đã đôi lần từ chối vinh dự được tiếp chuyện với một “đại nhạc sĩ” mà bản thân hằng ngưỡng mộ, chỉ vì lập trường chính trị lèng èng của ông sau này!

 

Như một tác phẩm để đời…

 

Tới đây chúng tôi xin trình bày một vài cảm nhận của cá nhân sau khi nghe CD số 6 của Minh Duy có tựa đề “Cung Thương Muôn Điệu”.

 

Minh Duy không hề cho biết, và chúng tôi cũng không có bất cứ yếu tố nào dựa vào để đi tới kết luận đây là CD Tình Khúc Minh Duy cuối cùng.

 

Khi sử dụng tiểu đề “Như một tác phẩm để đời”, ý chúng tôi chỉ muốn nói: CD này đáng được gọi là “tác phẩm để đời” của Minh Duy. Viết như thế không có nghĩa đánh giá thấp 5 CD trước của ông (trên thực tế, cho tới nay chúng tôi vẫn yêu thích ca khúc đầu tiên trong CD đầu tiên – bản Hương Thời Gian) mà chỉ vì từ hình thức tới nội dung, có thể nói CD số 6 vượt trội.

 

Như tựa đề “Cung Thương Muôn Điệu” đã nói lên phần nào, hình thức sáng tác trong CD này rất đa dạng. 

 

[Chú thích: “cung” và “thương” là hai âm đầu trong năm âm (ngũ âm) của nhạc cổ điển Trung Hoa, gồm: cung, thương, chủy, giốc, vũ. Trong văn học, hai chữ “cung thương” thường được sử dụng để chỉ nhạc cổ điển Trung Hoa một cách chung chung. Chẳng hạn trong truyện Kiều có câu: “Cung thương làu bậc ngũ âm – Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”]

 

CD “Cung Thương Muôn Điệu” gồm 13 ca khúc, mở đầu bằng Trường ca Giai Khúc Thương Mùa và kết thúc với Vinh ca Việt Nam Ngày Mai.

 

Giai Khúc Thương Mùa có nội dung tương tự như bản Bốn Mùa  (The Four Seasons) của Vivaldi, khác chăng là có lời hát; bản này, cùng với Vinh ca Việt Nam Ngày Mai, do ban hợp ca Lạc Hồng trình bày.

 

Mười một bản còn lại là tình ca, trong số này có 5 bản phổ từ thơ  – “khuyết danh”, Nguyễn Tư, Luân Hoán, Uyên Phương Minh Nguyệt, và Lý Thừa Nghiệp.

 

Qua 5 tình khúc phổ từ thơ này, chúng tôi nhận thấy có lúc Minh Duy biến thơ thành nhạc, có khi ông lại đem nhạc vào thơ.

 

Thí dụ điển hình của biến thơ thành nhạc là bản Chiếc thuyền lờ lững trên sông, phổ từ thơ một bài thơ khuyết danh mà có lẽ nhiều trong chúng ta đã biết (Chiếc thuyền lờ lững trên sông – Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay…), còn đem nhạc vào thơ thì có thể lấy bản Hương Hoa, Hương Cỏ, Hương Trời, thơ Lý Thừa Nghiệp, làm thí dụ điển hình.

 

Công việc biến thơ thành nhạc đòi hỏi khả năng, trong khi đem nhạc vào thơ cần có tâm hồn. Với chúng tôi (xin được nhấn mạnh: “với chúng tôi” mà thôi), Minh Duy có đủ hai thứ ấy.

 

Về phần 6 tình khúc Minh Duy viết cả nhạc lẫn lời, bản thân chúng tôi cũng như một số thân hữu đã nghe qua CD này, ưa chộng nhất một tình khúc viết cho… người chết – bản Chiều qua nghĩa trang.

 

Dĩ nhiên, nghĩa trang ở đây không phải nghĩa trang trong những tình sử thiên thu như “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”, hoặc nghĩa trang trong nhạc thời trang ủy mị cỡ “Đồi Thông Hai Mộ”, mà là nghĩa trang của những người con yêu của Mẹ Việt Nam, những người mang họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… đã nằm xuống trong bơ vơ, cô quạnh, và tủi hận.

 

Nếu người nghe đã đồng ý với nhận xét ban đầu của chúng tôi  – “tình” nơi Minh Duy gồm đủ mọi thứ tình – có lẽ cũng sẽ đồng ý bản Chiều qua nghĩa trang là tình khúc buồn nhất và đẹp nhất của ông. “Buồn” không phải vì hình ảnh nghĩa trang, và “đẹp” không nhất phải có tình yêu nam nữ.

 

Nhưng viết như thế không có nghĩa là trong các tình khúc của Minh Duy không có tình yêu nam nữ, mà trái lại, có khi còn bi thương hơn cả Romeo & Juliet, ai oán hơn cả “Vũ điệu trong bóng mờ” (Waterloo Bridge – La Valse dans l’Ombre)… Chúng tôi muốn nói tới bản số 7 trong CD “Cung Thương Muôn Điệu”: Tiếng hát bên ghềnh khuya (Huyền thoại Lorelei).

 

Thiết tưởng chúng tôi cũng nên có đôi hàng hướng dẫn, đề phòng trường hợp người nghe nhạc không biết tới “Huyền thoại Lorelei”. “Lorelei” là tên gọi chỗ sông Rhine uốn khúc quanh một cái ghềnh đá cheo leo, cao 120 mét, ở Đức quốc. Tính từ thượng nguồn ở Thụy-sĩ cho tới khi đổ ra Bắc Hải, đây là chỗ hẹp nhất của sông Rhine, nước chảy rất xiết cùng với đá ngầm xưa nay đã gây ra không biết bao nhiêu tai nạn thảm khốc.

 

“Lorelei”, tiếng Đức cổ, có nghĩa là “vách đá thì thầm” (murmuring rock), do tác động phối hợp của tiếng sóng vỗ trên đá ngầm và tiếng gió thổi vào vách núi.

 

Thế nhưng theo huyền thoại dân gian Đức, được tác giả Clemens Brentano ghi lại năm 1801, “Lorelei” nguyên là “Lore Lay”, tên một người con gái đẹp vào thuở xa xưa. Cô đẹp đến nỗi có vô số đàn ông say mê cô, cho nên cô bị khép vào tội “phù thủy” – một tội danh dẫn tới dàn hỏa. Dù sau đó Lore Lay được ân xá, cô cũng bị người yêu phụ rẫy. Đứng trên ghềnh đá, nhìn người mình yêu dấu dong buồn ra đi, Lore Lay tuyệt vọng buông mình xuống dòng nước xiết. Rồi hồn cô ở lại ghềnh đá, cứ mỗi khi đêm về lại than khóc cho hận tình thiên thu….

 

Trong số thi văn nhân sau này cảm tác từ  “Huyền thoại Lorelei”, có cả thi sĩ Pháp Guillâume Appolinaire (tác giả bài thơ  Mùa Thu Chết).

 

* * *

Dĩ nhiên, chúng tôi không hề có ý tưởng so sánh Minh Duy với Appolinaire, mà chỉ cố gắng trình bày tính cách đa dạng, phong phú của CD “Cung Thương Muôn Điệu”.

 

Chúng tôi cũng không làm công việc “quảng cáo” mà chỉ “giới thiệu” CD này tới người yêu nhạc. Không phải tất cả mọi người yêu nhạc mà chỉ một số giới hạn nào đó.

 

Bởi những “tình khúc của Minh Duy” không phải nhạc thời trang, để người ta có thể vừa nghe vừa ăn nhậu, hoặc hát karaoke.

 

Như đã viết trong đoạn mở đầu, chúng tôi không có khả năng, không đủ trình độ để phê bình âm nhạc, chúng tôi chỉ giới thiệu tác phẩm mình đã “nghe” và yêu thích tới độc giả, mà trong trường hợp này là CD “Cung Thương Muôn Điệu” của Minh Duy.

 

Bởi vì, nói cho cùng, kể cả trong cương vị kẻ thưởng thức, có thêm người đồng điệu cũng là một niềm vui.

 

 

(TVTS  số 1315    8.6.2011)