Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư

27 Tháng Một, 2016 | Tin Việt Nam

 


 








Đại hội 12 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư cho nhiệm kỳ thứ hai. Photo Courtesy: Reuters

 

Các nhà quan sát ở Trung Quốc cho rằng hàng ngũ lãnh đạo mới được chọn ra ở Hà Nội có thể có ích cho việc cải thiện quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.


 


Đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng Sản đương quyền ở Việt Nam đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư cho nhiệm kỳ thứ nhì.


 


Ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, thuộc phe thân Bắc Kinh, đã giành được chức vụ lãnh đạo một lần nữa sau khi đánh bại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có chủ trương thân Mỹ.


 


Một số nhà phân tích cho rằng tiến trình bầu cử năm nay ở Hà Nội bộc lộ sự quan trọng của các mối quan hệ Việt-Trung.


 


Ông Trình Tiểu Hà, giáo sư môn Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét như sau: “Các nhà lãnh đạo được gọi là thân Bắc Kinh sẽ cai trị nước này và tôi nghĩ rằng đó sẽ là một dấu hiệu tốt theo cái nhìn của phía Trung Quốc”.


 


Các nhà phân tích khác nói rằng cuộc bầu bán này cho thấy thế lực mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực và áp lực của Bắc Kinh đối với nước láng giềng Việt Nam.”


 


Hồi tháng trước, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Trung Quốc; và một số người cho rằng trong chuyến đi đó, ông Hùng đã nghe phía Trung Quốc trình bày sự quan tâm về những mối liên hệ của chính phủ Việt Nam với Mỹ.


 


Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là người ủng hộ việc thắt chặt quan hệ với Washington trong khi ông Nguyễn Phú Trọng là người thúc đẩy cho việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.


 


Sự chuyển tiếp lãnh đạo này diễn ra vào một thời điểm tế nhị trong mối quan hệ Việt-Trung. Tuần trước, Việt Nam tố cáo Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, một hành động có thể có mục đích cảnh báo Việt Nam trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng.


 


Việc Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền đã làm bùng ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2014. Năm nay, hầu như không có vụ biểu tình nào để phản đối vụ đặt giàn khoan, và vài ngày trước Đại hội Đảng, quân đội đã tiến hành một cuộc diễn tập qui mô lớn gọi là “diễn tập chống khủng bố” ở Hà Nội.


 


Còn theo lời ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng sự trấn áp những tiếng nói chống Trung Quốc có phần chắc sẽ gia tăng sau cuộc chuyển tiếp chính trị.


 


Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới còn theo chủ nghĩa Cộng Sản và mối quan hệ của nước này với Trung Quốc dao động giữa việc thắt chặt quan hệ vì những lý do chính trị và kinh tế với những sự lo ngại về sự xâm lấn của Trung Quốc đối với chủ quyền chính trị và lãnh thổ của Việt Nam.


 


Trong lúc sự chuyển tiếp chính trị ở Việt Nam trong tuần này có thể cải thiện quan hệ với Trung Quốc, những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tiếp tục gây căng thẳng trên khắc châu Á. Mới đây Việt Nam loan báo rằng họ đã cho phép Ấn Độ thiết lập tại miền nam Việt Nam một trung tâm theo dõi vệ tinh và cơ sở này sẽ cung cấp cho Việt Nam những hình ảnh ở Biển Đông.


 


Theo VOA Tiếng Việt