Việt Nam tuyên bố ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa từng đến Slovakia’

23 Tháng Năm, 2018 | Tin Việt Nam
Đại sứ Dương Trọng Minh (phải) và Quốc vụ khanh Slovakia Lukas Parizek. Photo Courtesy: Đại sứ quán Việt Nam tại Bratislava

Sau một thời gian im lặng, Việt Nam trả lời các câu hỏi của Slovakia liên quan tới nghi vấn một chuyến bay rời Bratislava sang Mạc Tư Khoa tháng 7.2017 mà Đức nói có liên quan đến vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh.

Đại sứ Dương Trọng Minh, sau hơn hai tuần bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên chất vấn, đã nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh chưa từng tới Slovakia, trang tin spectator.sme.sk dẫn lời Thủ tướng Peter Pellegrini nói hôm thứ Năm, sau cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của khối EU tại Sofia, thủ đô của Bulgaria.

“Ông Đại sứ Việt Nam khẳng định chắc chắn rằng người đàn ông được nhắc tới không có mặt trong phái đoàn khởi hành từ Bratislava,” ông Pellegrini nhanh chóng tuyên bố hôm 18/5.

“Chỉ có các thành viên chính thức của phái đoàn Việt Nam lên chuyến bay [mà Slovakia cho mượn]. Người được nhắc tới thậm chí còn chưa bao giờ tới Slovakia. Đây là thông tin chính thức mà ông Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam nói với bộ trưởng của chúng tôi,” ông thủ tướng được trang tin Spectator dẫn lời.

Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, ông thủ tướng Slovakia gọi ông Trịnh Xuân Thanh là ‘người đã bị bắt cóc từ Đức’, chỉ dấu cho thấy Slovakia chấp nhận các chứng cứ phía Đức đưa ra theo đó nói đã xảy ra vụ bắt cóc ở Berlin.

Bình luận về tin trên, một nhà báo Đức hôm 22.5 nói với BBC rằng tuyên bố của phía Việt Nam ‘hoàn toàn vô nghĩa’.

“Chính phủ Việt Nam vẫn luôn nói rằng không hề xảy ra vụ bắt cóc, cho nên ai có thể tin được khi họ lên tiếng về vụ Trịnh Xuân Thanh?” nhà báo không muốn nêu tên này nói.

“Tôi tin rằng trái bóng vẫn đang nằm trên sân Slovakia, họ thực sự cần làm rõ mọi việc.”

Tuy nhiên, tin từ phía Việt Nam dường như đã khiến Slovakia ít nhiều thở phào nhẹ nhõm.

Ông Pellegrini nói rằng nay đã xác định được là Slovakia không hề can dự dưới bất kỳ hình thức nào vào việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và đưa nạn nhân ra khỏi EU.

Ông cũng nói rằng Slovakia có thể không cần phải giải thích gì thêm về việc Bratislava không liên quan tới việc lên âm mưu hay tham gia vào việc bắt cóc.

Trước đó, hôm 3.5 Đại sứ Dương Trọng Minh bị Bộ Ngoại giao nước chủ nhà triệu lên, yêu cầu giải thích cáo buộc được báo chí Đức và Slovakia đề cập công khai hồi cuối tháng Tư.

Bratislava đòi ông đại sứ đưa ra những “giải thích” liên quan tới “các cáo buộc nói rằng Slovakia có tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào những hành động – nếu được chứng minh là có – vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Susko khi đó nói với BBC.

Cũng liên quan tới vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17.5 nói rằng đây là chủ đề mà Việt Nam “đã phát biểu nhiều lần”.

“Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức, và Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”, bà Lê Thị Thu Hằng được truyền thông Việt Nam đưa tin.

Hôm 15.5, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Slovakia, Anton Hrrnko, sau khi nghe điều trần từ Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova đã nói khả năng mà Đức nói rằng có một người đàn ông Việt Nam “nằm trên máy bay Slovakia” để ra khỏi nước này, là “khó xảy ra”.

Ông Anton Hrnko (Đảng CIS) nói “không hề có một người như thế đi máy bay của chúng tôi”.

“Toàn bộ các thành viên của đoàn Việt Nam đều được kiểm tra kỹ và không ai bị cưỡng bức lên máy bay”, theo trang Teraz.sk (15.5).

Hồi đầu tháng Tám năm ngoái, Đức tuyên bố rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc ở Berlin và trục xuất một nhân viên an ninh làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức.

Bà Lê Thị Thu Hằng hôm 3.8.2017 tái xác nhận nội dung mà giới chức Việt Nam đã đưa ra hôm 31/7, theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước ‘đầu thú’.

Bà khi đó cũng tuyên bố rằng Việt Nam ‘lấy làm tiếc về phát ngôn ngày 2/8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức’.

Điều khiến dư luận quan tâm là giới chức Việt Nam không nêu rõ ông Trịnh Xuân Thanh đã từ châu Âu về nước bằng cách nào.

Theo BBC Tiếng Việt