TL trả lời thư của cháu Y, một cô vợ trẻ đang muốn làm “cách mạng”. Tóm tắt nội dung thư cháu như sau:
Y và chồng (A) nguyên là bạn học, quen biết tìm hiểu nhau bao năm trời rồi mới nên vợ chồng. Nhưng sau khi chung sống, Y mới nhận ra nhiều cái không thể chịu đựng (unbearable) nơi A. Đáng nói nhất là cung cách “gia trưởng” (bossy) của A. Y rất tức mình nhưng không làm gì được, bởi A luôn luôn có lý hơn Y… Quan sát các cặp vợ chồng bạn, Y không hề thấy tình trạng này!
Trả lời của Thanh Lan:
Cháu Y thân mến,
Trên đời này, cháu không phải là người vợ duy nhất mang tâm trạng bực mình vì bị chồng lấn lướt, mà còn có số vô số bà vợ khác, trẻ có, già có, lúc nào cũng ấm ức.
Giải thích một cách chung chung, người ta cho đó là một chuyện tự nhiên, không chỉ ở Á đông (với quan niệm “phu xướng phụ tùy”) mà ở các xã hội tây phương cũng thế thôi. Quan sát sơ sơ, chúng ta thấy đàn ông tây phương rất tôn trọng phụ nữ, nhưng thực ra đó chỉ là cung cách (manners), mang tính cách hình thức, chẳng hạn tặng hoa, nhường chỗ, nhường lối, dìu qua đường, kéo ghế mời ngồi trong nhà hàng, v.v… Tất cả những thứ đó chỉ là thể hiện văn minh “lady first”, “gallantry” – những gì hoàn toàn mang tính cách hình thức của người tây phương, còn về nhà, “who’s the boss?” lại là chuyện khác.
Trong khuôn khổ lá thư của cháu, cô chỉ nói về những cặp vợ chồng lấy nhau vì yêu nhau, chứ không phải vì hoàn cảnh hoặc do sự sắp đặt. Vậy thì trong thời gian yêu nhau, tìm hiểu nhau, cùng lắm chúng ta cũng chỉ đánh giá được con người của nhau tốt xấu ra sao, mức độ yêu thương dành cho nhau, còn muốn biết “ngày sau sẽ ra sao”, chúng ta phải đợi tới khi chung sống. Bởi vì chỉ sau khi lấy nhau, cuộc chung sống toàn diện mới bắt đầu, và khi ấy mỗi người chồng sẽ thể hiện sự yêu thương vợ và trách nhiệm của người “gia trưởng” một cách khác nhau, tùy theo quan niệm và bản tính của họ.
Dĩ nhiên, gặp được người chồng khôn khéo, tế nhị, biết dung hòa giữa nguyên tắc “phu xướng phụ tùy” và thực tế, cùng với bản tính của cô vợ yêu (hiền lành, nhu mì hay chanh chua đanh đá) thì chẳng nói làm gì; còn nếu gặp người chồng “bossy” thì người vợ phải vận dụng sự khôn ngoan để vừa giữ được hòa khí trong gia đình, vừa để làm “real boss” một cách kín đáo, âm thầm.
Muốn đạt được kết quả và mục đích ấy, trước hết người vợ phải biết nhẫn nhục. Cháu phải nhìn nhận điều này: nếu cháu yêu A, và biết chắc chắn A yêu cháu, thì không có bất cứ việc gì nơi A mà cháu không thể chịu đựng.
Trong phạm vi bài này, tức là chỉ nói về quan hệ giữa vợ chồng chứ không đề cập tới phong trào nam nữ bình quyền ngoài xã hội, cô có thể khẳng định một điều: phái nam được trời sinh ra với cả thể lực lẫn tinh thần để làm “gia trưởng”, phụ nữ chúng ta phải chấp nhận việc đó. Có chấp nhận chúng ta mới xác định được vị trí và cái thế của mình. Ý cô muốn nói mình phải biết chồng mình là một gia trưởng đầy quyền lực như một vị “tổng thống Mỹ” hay chỉ có hư vị như Quan toàn quyền ở Úc?!
Nếu “chả” muốn có quyền lực như “tổng thống Mỹ” thì cứ để tự nhiên, xem có khủ khả năng hay không đã, rồi mới tìm cách đối phó sau. Chỉ trừ khi “chả” cứ tà tà, không biết lo cho gia đình, vợ con, thì cực chẳng đã, mình mới phải nắm quyền “gia trưởng”.
Tóm lại, cô khuyên cháu nên thay đổi suy nghĩ hiện nay của mình. Thay vì làm “cách mạng” để lật đổ lãnh tụ, tại sao chúng ta không tìm cách tạo ảnh hưởng với lãnh tụ đó?!
Cuối cùng, việc mà cháu viết là quan sát các cặp vợ chồng bạn, cháu không hề thấy tình trạng (“phu xướng phụ tùy”) này, rất có thể chỉ là phần trình diễn bề ngoài mà thôi, còn về nhà mới biết giữa hai người, ai là “real boss”.
Cho nên cháu tự nên an ủi vì mình đã có một người chồng “thứ thiệt”, thà hơi “bossy” còn hơn là gà mái, thờ bà, để rồi tới một ngày nào đó, sau một thời gian làm “nữ gia trưởng” cháu sẽ phải thét lên: “I want a man!”
Cô,
Thanh Lan