Nghệ thuật và thú uống rượu vang trắng

23 Tháng Sáu, 2016 | Tìm hiểu về rượu

Trong thời gian qua, với tư cách Hội chủ Hoàng Hoa Hội, LNĐ đã nhận được khá nhiều thư của hội viên, đại đa số hỏi về rượu, nhưng cũng có những tửu sĩ viết về chuyện bên lề, chẳng hạn các trang mạng trong nước “đạo bài” của LNĐ, hoặc một ngài “khoa bảng” gốc Mít ở xứ Cờ Huê viết tầm bậy tầm bạ về “đệ nhất mỹ tửu” cognac…

Trước hết nói về việc một vài trang mạng trong nước chôm những bài viết về rượu của LNĐ, đặc biệt là những bài tìm hiểu về các loại rượu cognac, whisky, vodka, rum, gin… trong loạt bài “Nghệ thuật và thú uống rượu” trên Tivi Tuần-san, người viết đã được người quen mách từ khuya rồi.

Tuy nhiên, với quan niệm ở đời muôn sự của chung, với chủ trương đem sự hiểu biết, chút kiến thức hạn hẹp của mình giúp tha nhân sống sướng hơn, vui hơn, thì việc bài viết của mình được người khác đăng lại cũng là một điều hay; việc các trang mạng ấy không ghi tên tác giả LNĐ, không ghi xuất xứ Tivi Tuần-san, thiết nghĩ không quan trọng.

Hơn nữa, sự hiểu biết, kiến thức của LNĐ cũng chỉ là gom góp, chọn lọc những gì đã đọc được, cộng thêm chút kinh nghiệm của “nửa đời hư”, thì những gì viết ra nên xem là “của chung” hơn là “của riêng”. Bên cạnh đó, ngay cái bút hiệu “Lão Ngoan Đồng” của người viết cũng là “mượn đỡ” của nhân vật Châu Bá Thông trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung, mà không xin phép ông, hoặc hậu duệ của ông, thì cũng không nên trách người khác “mượn đỡ” bài viết của mình.

Tóm lại, việc đạo bài, đạo văn của người khác chỉ đáng lên án trong những trường hợp cố tình ăn cắp công trình tim óc, hoặc nhận tinh hoa nghệ thuật của người khác làm của mình với mục đích trục lợi, hay tạo “tên tuổi” mà thôi.

Về phần LNĐ, xưa kia thánh hiền đã dạy “văn dĩ tải đạo”, nay cũng cố gắng thực thi, chỉ thêm vào một chữ “tửu” mà thôi: “văn dĩ tải… tửu đạo”!

* * *

Tiếp theo, nói về bài viết của một vị “khoa bảng” gốc Mít ở xứ Cờ Huê viết về “đệ nhất mỹ tửu” cognac mà một hội viên Hoàng Hoa Hội đã gửi cho LNĐ, trong đó có khá nhiều điểm thiếu chính xác, chẳng hạn câu “rượu cognac của người Pháp mà người Mỹ gọi là brandy”.

Theo sự suy đoán của LNĐ, thứ nhất, vị khoa bảng này không phải là người uống cognac chuyên nghiệp, thứ hai, ông ta chỉ đọc ba chớp ba nhoáng một tài liệu tiếng Anh nào đó rồi viết đại.

Bởi nếu là người uống cognac chuyên nghiệp, ông không thể hạ “đệ nhất mỹ tửu” như thế được. Còn sách vở viết về rượu, một tác giả cho dù kiến thức kém cỏi tới mức nào, cũng phải biết chỉ có rượu brandy của vùng Cognac mới được gọi là “rượu cognac”, tương tự chỉ có rượu brandy của vùng Armagnac mới được gọi là “rượu armagnac” mà thôi.

Tóm lại: cognac là một loại brandy, nhưng không phải tất cả mọi loại brandy đều là cognac.

Sau năm 1975 tại hải ngoại, có lẽ vì nhàn rỗi, dư giả, hoặc vốn sẵn có máu văn nghệ đầy mình, một số người đã trở thành nhà báo, văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ… lúc nào không hay. Công tâm mà nhận xét, trong số ấy cũng có những người tài hoa, có năng khiếu, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Cái khổ tâm cho người thưởng ngoạn là đại đa số lại cứ tưởng rằng mình nằm trong tỷ lệ bé nhỏ ấy!

Cái khác biệt chính giữa những “món ăn vật chất” và “món ăn tinh thần” là một bên “không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang”, một bên “không bổ bề dọc thì cũng chẳng bổ bề ngang”, chưa kể có thể còn khiến đối tượng bị ảnh hưởng tâm sinh lý, chẳng hạn cáu kỉnh, chán đời, táo bón, tiêu chảy…

Nghệ thuật và thú uống vang trắng

Gần đây, LNĐ nhận được hai thư của độc giả hỏi về rượu vang trắng. Trước đây, cũng trên Tivi Tuần-san, tác giả Thụy Văn đã có loạt bài rất chi tiết về các lại rượu vang, đồng thời lâu lâu LNĐ cũng trả lời, góp ý với độc giả về rượu vang trắng, tất cả đều được lưu trữ trên trang mạng của Tivi Tuần-san, hai vị độc giả nói trên có thể “lên mạng” để đọc. Còn trong số báo này, vì khuôn khổ hạn hẹp, LNĐ chỉ xin sơ lược.

Món ăn ta, rượu tây:

Ông HVL, vị độc giả thứ nhất kể lại có lần mời mấy người bạn Úc làm cùng sở đi ăn nhà hàng Việt-Tàu (full-licensed), trong khi ông uống bia thì mấy người bạn Úc muốn uống rượu vang trắng, và nhà hàng đã đưa ra loại rượu mà họ (nhà hàng) nói là thuộc loại “xịn”.

Trong bữa ăn, mấy người bạn Úc giải thích với ông HVL rằng thưởng thức các ăn món Á đông thì phải uống vang trắng mới tận hưởng được cái ngon. Về sau, một trong những người bạn Úc ấy, vì là chỗ thân tình, cho ông biết loại rượu vang trắng mà nhà hàng nói là thuộc loại “xịn”, cùng lắm cũng chỉ được xếp vào hàng trung bình mà thôi.

LNĐ:

Nguyên tắc “thưởng thức các ăn món Á đông thì phải uống vang trắng” là của những người biết thưởng thức rượu vang, nếu xưa nay mình đã quen vừa ăn vừa uống bia, nay cứ tiếp tục cũng chẳng sao, nhưng nếu mời khách, nhất là người tây phương, thì phải biết họ sẽ đòi uống vang trắng.

Việc loại vang trắng mà nhà hàng nói là “xịn”, người bạn Úc của ông đánh giá cùng lắm cũng chỉ vào hạng trung bình, LNĐ có nhận xét, ý kiến (hết sức dè dặt) như sau:

Trừ những nhà hàng Tàu cao cấp ở City, South Yarra, St Kilda…, còn ở những nhà hàng Tàu, Việt khác mà LN Đ có dịp tới, rượu vang của họ thường chỉ giá từ 15 Úc kim trở xuống (giá bán trong tiệm rượu), uống trong bữa cơm thường nhật thì OK, nhưng tới nhà hàng để thưởng thức của ngon vật lạ mà uống hạng rượu này thì hơi phí thức ăn. Chính vì thế, một số nhà hàng Việt Nam tuy có “full license” đã chiều khách bằng cách cho phép mang rượu vang vào (B.Y.O wine only).

Các nhà hàng, câu lạc bộ của người Úc thì khác, rượu của họ có đủ thượng vàng hạ cám để cung ứng cho mọi túi tiền.

Riêng LNĐ thì cho rằng trong khi rượu dở khiến thức ăn kém ngon, thì thức ăn dở không làm rượu mất ngon, vậy thà uống rượu quá ngon (so với thức ăn) còn hơn là uống rượu quá dở.

– Vị chua của rượu trắng:

Ông VNH là một người đã từng tập uống vang trắng, thử đủ cả ba loại chính chardonnay, chauvignon blanc, riesling giá dưới 20 Úc kim, nhưng chỉ thấy… chua lè. Hiện nay ông đã trở lại với bia nhưng thấy có những người bạn uống vang trắng một cách thích thú, ông lại muốn tập tành thêm một lần nữa…

LNĐ:

Vang đỏ (còn gọi là rượu chát) mà không chát thì không phải vang đỏ, cũng thế, vang trắng mà không chua thì không phải vang trắng! Cả đến những chai champange (thường làm bằng giống nho trắng chardonnay) thượng hảo hạng của Pháp, như Chandon & Moet, Veuve Cliquot, Dom Pérignon… giá từ 6, 7 chục tới 150 Úc kim, cũng có vị chua.

Nhưng bên cạnh vị chua, vang trắng còn nhiều vị khác, cùng với hương tạo thành hương vị của rượu.

Như LNĐ đã có lần viết, muốn thưởng thức được vang trắng thì trước hết, phải quên đi vị chua của nó thì mới nhận ra những vi khác cùng với hương thơm của rượu.

Trong ba loại vang trắng phổ biến kể trên, chardonnay khi ngon thì không một loại vang trắng nào ngon bằng, nhưng khi dở thì cũng dở nhất.

Muốn thưởng thức chardonnay cần phải có tiền và trình độ… uống rượu, cho nên chardonnay thường được xem là loại vang trắng dành cho giai cấp trung lưu (cổ trắng); có người còn nói đùa rằng mình là thành viên của “ABC Club” (ABC: Anything But Chardonnay).

Vậy nếu đã không khá giả, chúng ta không nên tập uống vang trắng bằng chardonnay, mà nên uống chauvignon blanc, hoặc semillon chauvignon blanc.

[Semillon là giống nho trắng có vị ngọt, thường đi với chauvignon blanc, cũng có khi đi với chardonnay. Riêng riesling thì cách đây vài chục năm, là loại vang trắng bán chạy nhất ở Úc, nhưng nay đứng sau cả chardonnay lẫn chauvignon blanc]

Sau này khi đã làm quen với chauvignon blanc rồi hãy tập uống chardonnay.

Chauvignon blanc nổi tiếng nhất là của vùng Marlborough, New Zealand, nhưng trong mấy năm gần đây, các loại nho để làm vang trắng của vùng bán đảo Mornington, Victoria đã bắt đầu “cất cánh”, và cho những chai chardonnay, chauvignon blanc rất đáng đồng tiền bát gạo.

Theo nhiều người trong kỹ nghệ rượu vang, rồi đây bán đảo Mornington sẽ sản xuất những chai chardonnay ngon bậc nhất ở Úc, không thua gì vùng Margaret River của Tây Úc.

Lão Ngoan Đồng