Bài học gì sau cái chết của cựu Tổng Thống Nam Hàn Roh Moo-hyun?

 

 

Thân nhân cố Tổng thống Roh Moo-hyun  mang di ảnh ông từ quê nhà Bonghwa lên cung điện Gyeongbok ở thủ đô Seoul để cử hành tang lễ. Photo courtesy AFP

 

Cả  thế giới xúc động khi nghe tin vị cựu Tổng thống 62 tuổi của Nam Hàn tự tử vào một buổi sáng đang khi đi dạo trên núi. Hàng triệu nhân dân Nam Hàn đã thương tiếc, khóc than về cái chết của ông. Hàng trăm ngàn người xuống đường để dự đám tang của ông, một người đang bị điều tra về cáo buộc tham nhũng trong khi còn tại chức.

 

Chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Nam Hàn (còn gọi là Đại Hàn, Nam Triều Tiên, Nam Cao. Hay theo lối nói thông dụng ngày nay –đặc biệt phát xuất từ trong nuớc– là Hàn Quốc để phân biệt với Bắc Hàn được gọi là Triều Tiên, dù cả hai miền đều cùng một giống dân, nói một thứ tiếng và trước Đệ II Thế chiến là một nước thống nhất, tiếng Anh gọi là Korea và bây giờ gọi là North Korea và South Korea). Ở Việt Nam chắc chắn là không!

 

Để gọi là rút bài học, TVTS Online xin đăng lại hai bài viết của hai tác giả Ngô Nhân Dụng và Nhã Nam. Bài đầu lài bài bình luận nghiêm túc, bài sau có tính cách châm biếm.

 

Hàng trăm ngàn người tụ họp tại  quảng trường Seoul Plaza để dự đám tang. Họ đội mũ màu vàng, biểu tượng của ông Roh Moo-hyun khi ra tranh cử. Photo courtersy BBC 

 

Người Đại Hàn có thể hãnh diện

 

 

Ngô Nhân Dụng, trích từ Người Việt

 

 

Rất khó phê phán hành động tự sát của cựu Tổng Thống Nam Hàn Lư Vũ Huyền. Nhưng ai cũng có thể chia sẻ niềm tiếc thương đối với ông mà đa số người dân Hàn Quốc đang bầy tỏ. Họ có thể hãnh diện về ông, một niềm hãnh diện mà người dân nhiều nước khác không thể cảm thấy được đối với những người đã lãnh đạo xứ họ.

 

Ông Lư Vũ Huyền (đọc theo lối Hán Việt tên Roh Moo Hyun, cũng viết là Noh Moo Hyeon trong các địa chỉ mạng [website] của dân Hàn Quốc) tranh cử tổng thống và thắng cử với khẩu hiệu quyết tâm bài trừ tham nhũng.

 

Trước khi tự sát, ông bị mời lên thẩm vấn tại Bộ Tư Pháp về vụ tố cáo mấy người trong gia đình ông đã được một nhà sản xuất giầy không nổi tiếng đưa những món tiền tổng cộng trị giá 6 triệu đô la, trong khi ông tại chức.

 

So với những món tiền tham nhũng hàng trăm triệu đô la trước đây vài chục năm của những vị tổng thống cựu tướng lãnh quân phiệt, thì con số 6 triệu quả là nhỏ. Nhưng tai tiếng thì bao giờ cũng lớn, dù chỉ nhận một đồng tiền hối lộ. Chỉ khi nào công tố viện chứng minh được là doanh nhân đưa tiền đã được hưởng những đặc quyền do chính phủ cho thì người ta mới biết đây có phải là một vụ hối mại quyền thế hay không.

 

Nhưng chắc mọi người sẽ không bao giờ biết hết sự thật về vụ “tham nhũng” này vì sau khi ông qua đời công tố viện tuyên bố ngưng các cuộc điều tra. Trên website của chính ông, Lư Vũ Huyền công nhận những vụ đưa tiền bạc đó có thật, nhưng ông chỉ mới biết tới sau khi đã rời bỏ chức tổng thống vào Tháng Hai năm 2009.

 

Theo ông nói, số tiền bà vợ ông nhận được là tiền vay để trả những món nợ cũ, đồng thời để trả học phí và nuôi con ông sang Mỹ học ở Đại Học Standford. Ngoài ra là tiền hùn vốn một vụ làm ăn của người cháu rể của ông.

 

Vị cựu tổng thống 62 tuổi đã chịu cảnh tủi nhục khi ông được triệu lên thủ đô Hán Thành (Seoul) hỏi cung. Báo chí Hàn Quốc tả cảnh ông Lư Vũ Huyền đáp chuyến xe buýt đi 6 tiếng đồng hồ tới Hán Thành, dọc đường có hàng đoàn xe và máy bay trực thăng của các báo, đài truyền hình đi theo. Ông bị thẩm vấn trong 10 tiếng đồng hồ vào ngày 30 Tháng Tư năm 2009.

 

Đối với các nhà chính trị ở Mỹ thì cảnh tượng trên không có gì lạ, nhưng đối với một người Hàn Quốc thì họ cảm thấy bị sỉ nhục.Trước đó, ngày 22 Tháng Tư ông Lư Vũ Huyền đã viết thư qua email gửi các người ủng hộ ông, “Xin quý vị hãy gạt bỏ tôi đi. Tôi không còn là biểu tượng, không còn xứng đáng để nói đến những giá trị như dân chủ, tiến bộ và công lý mà quý vị theo đuổi nữa.”

 

Khác với những vị cựu tổng thống Hàn Quốc thường ở thủ đô Seoul sau khi về hưu, ông Lư Vũ Huyền về sống ở Bongha, một làng nhỏ với dân số 121 người. Ông thường đạp xe đạp đi trong làng và leo núi ngắm cảnh, lâu lâu cũng tham dự việc trồng cây và đào mương với các nông dân.

Bongha ở vùng núi gần làng Kim Hae (Kim Hải) là nơi ông ra đời trong một gia đình nghèo khó.

 

Cha mẹ ông không có tiền cho ông theo bậc đại học cho nên Lư Vũ Huyền đã tự học để thi và được hành nghề luật sư. Chính những vụ biện hộ cho các sinh viên biểu tình chống chế độ quân phiệt đã thúc đẩy ông hoạt động chính trị, ông cộng tác với nhà chính trị đối lập Kim  Đại Trọng, sau trở thành tổng thống Hàn Quốc mà ông kế vị.

 

Từ khi ông hồi hưu, Lư Vũ Huyền được nhiều người dân yêu mến, ngôi làng Bongha trở thành một nơi thu hút người Hàn Quốc đến thăm, với những “tua” du lịch có tổ chức, có ngày vài chục ngàn người.

 

Dân trong vùng tiếp nhận vị cựu tổng thống, một cô giáo dẫn 67 học sinh mẫu giáo tới trước nhà ông để giảng về tấm gương một người nghèo có chí làm nên sự nghiệp ích quốc lợi dân. Có thanh niên 22 tuổi nói với nhà báo rằng hồi xưa anh ta chống chính sách của ông nhưng nay thấy ông giống như một người bác.

 

Khi số du khách đến thăm đông quá, thường vị cựu tổng thống phải xuất hiện chào họ, nếu không tiếng ồn ào cũng ngăn cản công việc ông làm trong nhà. Ông phải hẹn những giờ nhất định sẽ ra cửa chào khách, có ngày đông quá phải xuất hiện tám lần, ông được hoan hô và thường xin lỗi không thể mời tất cả mọi người vào trong nhà uống trà.

 

Khi có người yêu cầu mời bà vợ ông ra gặp, ông cũng biết nói đùa; nói “bà ấy đang rửa chén,” hoặc nói bà còn đang trang điểm và như vậy thì không biết đến lúc nào mới xong!

 

Trước đây người Hàn Quốc đến nhà các vị cựu tổng thống thường là người đi biểu tình đả đảo, chứ không phải là du khách. Sau khi ông tự sát, dân Đại Hàn càng thương yêu ông hơn, nhiều người đổ cho vị tổng thống đương nhiệm là đã khuyến khích việc truy cứu gia đình ông để hạ thấp uy tín của ông. Khi vòng hoa phúng điếu của Tổng Thống Lee Myung Bak được đưa tới làng Bongha, dân làng đã giẫm đạp lên.

 

Lư Vũ Huyền là vị cựu tổng thống Đại Hàn đầu tiên làm một website trên Internet. Ngày 23 Tháng Năm, nửa giờ trước khi rời nhà ra đi dạo trên núi rồi tự sát, ông viết email tuyệt mệnh gửi cho gia đình và những người ủng hộ, trong đó ông thổ lộ rằng, “Tôi yếu quá. Tôi không còn đọc và viết được nữa.”

 

Ông chia sẻ nỗi khổ tâm của mình: “Nhiều người đau khổ chỉ vì tôi. Còn sống tôi sẽ là một gánh nặng cho họ suốt đời tôi.” Và ông cũng dặn dò: “Đừng buồn. Đừng ân hận. Hãy hỏa thiêu xác tôi. Chôn tôi ở một ngôi mộ nhỏ gần nhà. Đây là định mệnh…”

 

Khi tại chức, Lư Vũ Huyền có những chính sách bị nhiều người dân phản đối, như gửi quân qua Iraq, ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, và cả dự án đổi thủ đô ra khỏi Hán Thành nơi gần giới tuyến, và chủ trương giao thương với Bắc Hàn.

 

Nhưng khi ông qua đời rồi thì hầu hết mọi người thấy ông là vị tổng thống trong sạch nhất, và người ta đặt câu hỏi về vai trò của Công tố viện Tối cao bị chính trị chi phối khiến cho tất cả các vị cựu tổng thống đều bị người kế nhiệm đưa ra tòa vì gia đình họ bị coi là đã được hối lộ.

 

Hai vị tướng lãnh làm tổng thống năm 1995 đã bị tòa án xử tù vì không giải thích được hàng trăm triệu Mỹ kim đã nhận, và phần lớn dân Hàn Quốc đồng ý là họ đã phạm tội dùng mật vụ đàn áp sinh viên biểu tình chống độc tài. Dân chúng sung sướng trước cảnh những nhà độc tài phải đền tội sau khi dân bầu lên một chính quyền dân chủ. Đó là hình ảnh Dân Chủ thắng Độc Tài!

 

Nhưng kể từ khi đó, việc tố cáo các vị tổng thống tiền nhiệm đã thành một tập quán mà giới chính trị Hàn Quốc không bỏ được. Hai vị tổng thống trước ông Lư Vũ Huyền chính họ không bị ai tố cáo, nhưng mấy người con của họ đều bị tù vì tham nhũng. Cả hai ông đều công khai xin quốc dân tha lỗi vì đã không dậy bảo được con. Có thể ông Lư Vũ Huyền cũng nhìn thấy trước có ngày ông sẽ phải đứng trong cảnh nhục nhã như vậy cho nên nhẩy từ trên vách núi xuống tự sát. Cái chết của ông hy vọng làm thay đổi cơ cấu Bộ Tư Pháp và các cơ quan an ninh, trong đó có Công tố viện Tối cao.

 

Một giáo sư  Đại Học Soongsil ở Hán Thành, ông Kang Won-Taek nhận xét rằng “Có một tập quán xấu trong chính trị là tố cáo người tiền nhiệm tham nhũng để được lòng dân.”

 

Nhưng hiện nay chính vì ông Lư Vũ Huyền tự sát mà vị tổng thống đang cầm quyền bị dân chỉ trích, coi là người chịu trách nhiệm. Giáo Sư Kang hy vọng cái chết của vị cựu tổng thống sẽ chứng tỏ cho dân Hàn Quốc thấy là “Đã đến lúc phải phá bỏ cái tập quán” xấu đó.

 

Một người ngoại quốc khó đóng vai phán đoán việc tự sát của cựu Tổng Thống Lư Vũ Huyền. Vì ông sống trong một xã hội khác hẳn nơi chúng ta đang sống. Người Nam Hàn không sống theo lối duy lý, vụ luật pháp và đề cao cá nhân như trong xã hội Mỹ. Xã hội Nam Hàn đã theo những giá trị đạo đức Nho Giáo trong hàng ngàn năm giống như Việt Nam. Nhưng họ không phải trải qua mấy chục năm sống dưới chế độ Cộng Sản, cho nên những khái niệm về danh dự, về tiết tháo, về trách nhiệm của người công bộc phải chí công vô tư, tất cả các giá trị đó vẫn còn được người dân Nam Hàn tôn kính và chia sẻ với nhau.

 

Còn ở Việt Nam, sau khi các vị tướng, các sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tự sát ngày 30 Tháng Tư năm 1975, không còn ai nêu lên những tấm gương như thế nữa. Những giá trị như danh dự, trách nhiệm, công ích không còn được tin tưởng, cho nên không còn ai phạm lỗi mà biết công khai xin lỗi người dân. Trái lại, nhưng người ăn hối lộ, các gian thương còn coi những thủ đoạn gian tham của họ là tài giỏi hơn đời và đáng khen ngợi!

 

Ông Lư Vũ Huyền đã chết theo đúng truyền thống các nhà Nho, như Phan Thanh Giản, như Nguyễn Cao ở nước ta vào thế kỷ 19. Chết vì mình không hoàn toàn bảo vệ được danh tiết. Chết để những người chung quanh mình tránh được những phiền lụy vô ích. Người dân Hàn Quốc có thể hãnh diện về một vị tổng thống như ông.

 

* * *

Bộ Chính Trị Việt Nam phát động chiến dịch “làm theo gương sáng Roh Moo-hyun”

Bài Nhã Nam, trích từ Talawas

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vừa nhảy xuống vực tự sát vì “cảm thấy hổ thẹn” sau nhiều ngày ưu tư, cảm thấy cuộc sống khó khăn và khi bị cáo buộc người thân của ông đã nhận 6 triệu USD từ một doanh gia.

Nhận thấy đây là một gương sáng, góp phần rửa cho bộ mặt vốn không mấy sạch sẽ của các quan chức đảng viên và giúp loại trừ các vụ tham nhũng, hối lộ đang lan tràn như một quốc nạn của Việt Nam hiện tại, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định phát động chiến dịch “Làm theo gương sáng Roh Moo-hyun” cho toàn bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa ra Nghị quyết số 0477/ĐCSVN/TW, triển khai chiến dịch có tên như trên. Theo đó, chiến dịch có trưởng ban là TBT Nông Đức Mạnh với các phó ban là các thành viên khác trong Bộ Chính trị. Dự trù chiến dịch này sẽ kéo dài cho đến khi tham nhũng không còn là quốc nạn nữa, hoặc kết quả đạt được là tuyệt đối mỹ mãn.

Cũng nhân dịp này, Bộ Chính trị Đảng CSVN cử nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lê Đức Thúy và con trai là Lê Đức Minh, nguyên lãnh đạo của Banktech – CFTD, làm trưởng và phó đoàn đi dự lễ an táng cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, đồng thời tham quan, khảo sát hẻm núi Bonghwa, nơi ông Roh Moo-hyun tự sát.

Sau khi có kết quả khảo sát hẻm núi nói trên, Bộ Chính trị  Đảng CSVN sẽ tiến hành tìm kiếm các hẻm núi tương tự tại Việt Nam, đồng thời lập kế hoạch mở mạng giao thông hiện đại đến những nơi này. Nếu các hẻm núi tại Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn như hẻm núi Bonghwa, thì cần gấp rút xây dựng cho đạt hoặc vượt chuẩn hẻm núi Bonghwa. Ban xây dựng hẻm núi “Bonghwa Việt Nam” sẽ giao cho nguyên Thứ trưởng Mai Văn Dâu và con trai là Mai Thanh Hải làm trưởng và phó ban.

Ban chỉ đạo chiến dịch cũng chỉ đạo cho Ban Văn hóa Tư tưởng, Bộ Thông tin Truyền thông đưa nhiều tin tức, bài viết về tiểu sử cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, đặc biệt nêu cao về xuất thân của ông là từ một gia đình nông dân nghèo, rồi thành một luật sư đấu tranh cho nhân quyền, là một trong các lãnh đạo của phong trào “Đấu tranh tháng Sáu” năm 1987, chống lại nhà độc tài Chun Doo-hwan, từng bị giam ba tuần trong năm đó về tội kêu gọi công nhân đình công, từng bảo vệ cho 12 trong số 24 sinh viên bị bắt vì tàng trữ văn chương cấm, và vì tội này, họ bị giam cầm và tra tấn trong gần hai tháng. Ông Roh Moo-hyun cũng từng là thành viên của đảng ủng hộ dân chủ do nhà hoạt động Kim Young-sam dẫn đầu, người sau này trở thành Tổng thống.

Đặc biệt nhấn mạnh về chi tiết ông Roo Moo-hyun xin lỗi nhân dân qua truyền hình vì làm nhân dân thất vọng. Phim ảnh, truyền hình, ca nhạc, văn nghệ phải lấy hình tượng biết hổ thẹn của ông Roo Moo-hyun làm cảm hứng sáng tạo. Cử đoàn Việt Nam đi sang Hàn Quốc tìm cách học tập bí quyết hổ thẹn của chính khách. Có thể tham khảo thêm trường hợp của Tổng thống Trần Thủy Biển – Đài Loan, Thủ tướng Thaksin – Thái Lan, vân vân.

Ban chỉ đạo chiến dịch quyết định tại tất cả các công sở phải có một tượng bán thân Tổng thống Roh Moo-hyun đặt ở vị trí trang trọng, cử nhân viên nhang khói, hoa quả tươi quanh năm. Tượng hoặc chân dung nên thể hiện lúc ông Roh Moo-hyun trong trạng thái đau buồn.

Hàng tuần tất cả các công sở phải có báo cáo về ban chỉ đạo về tiến độ học tập gương sáng, những đồng chí đảng viên nào có biểu hiện biết đỏ mặt, biết ngượng ngùng sẽ được nêu cao thành tích, nhất thiết phải lấy đồng chí đó làm nhân tố để nhân rộng toàn cơ quan. Thường xuyên mở các đợt tham quan hẻm núi Bonghwa Việt Nam. Phải có chế độ khen thưởng hậu hĩnh cho các đồng chí đang thử tập nhảy, tất nhiên chỉ nên nhảy ở độ cao vừa phải, hết sức tránh gây sốc không đáng như cú nhảy của Tổng thống Roh Moo-hyun.

Ban chỉ đạo chiến dịch cũng chỉ đạo cho phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân gấp rút cho soạn sách giáo khoa về cuộc đời Roo Moo-hyun, phải nêu bật tấm gương “hổ thẹn” cho các thế hệ thầy giáo, sinh viên – học sinh Việt Nam. Đồng thời đưa các bài diễn văn xin lỗi của ông này làm bài “văn mẫu”. Tất cả các trường lớp tại Việt Nam phải có câu khẩu hiệu: “Sống, lao động, học tập và hổ thẹn theo gương Roo Moo-hyun”.

Kể từ ngày ra Nghị quyết và phát động chiến dịch lớn này, mọi đảng viên, công chức, quân đội… phải nghiêm chỉnh chấp hành. Mọi biểu hiện không quán triệt, không chấp hành sẽ bị xử lý tối đa. Nghiêm cấm mọi hành vi gian dối như vờ đỏ mặt, giải phẫu dây thần kinh xấu hổ, đi mỹ viện mài bớt da mặt…

Nghị quyết này sẽ được chỉnh lý tùy vào tình hình thực tế diễn ra. Ban chỉ đạo chiến dịch có thể thay đổi bất cứ điều nào, câu văn nào trong Nghị quyết mà không cần báo trước.