Hết tranh công? Quân ủy TƯ của Tổng Trọng kết luận “khách quan” vai chính ngày 30.4.1975

Chính ủy Bùi Văn Tùng dẫn giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh (Hình cắt ra từ clip phim tài liệu via BBC)

Trước đây, người ta nghe nói rằng Thượng tá Bùi Tín (sau này là đại tá)  là người có cấp bậc cao nhất tại Dinh Độc Lập và tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Sự kiện này được ghi trong hồi ký của cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân hay sách của các tác giả người Mỹ. Nhưng sau khi ông Bùi Tín xin tị nạn tại Pháp, viết sách chỉ trích chế độ cộng sản,  báo chí ở Việt Nam nói ông Bùi Tín đã bịa chuyện, giành công của Trung tá Bùi Văn Tùng.

Tại Việt Nam, trong nhiều dịp kỷ niệm 30-4, ông Bùi Văn Tùng thường xuất hiện như một nhân chứng lịch sử. Có rất nhiều chương trình truyền hình, cả trăm bài báo nói về vị đại tá về hưu người Đà Nẵng này.

Ông khẳng định vô số lần rằng chính ông đã thảo bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh, và chính ông cũng đã đại diện cho quân giải phóng miền Nam chấp nhận sự đầu hàng đó tại đài phát thanh.

Nhưng từ năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ bắt đầu xuất hiện trên báo chí và các cuộc hội thảo, cũng với tư cách một nhân chứng lịch sử và cũng khẳng định chắc nịch rằng chính ông đã trực tiếp thảo văn bản nói trên.

Đại tá Bùi Văn Tùng trả lời Tuổi Trẻ: “Do không ý thức được giá trị của nó, nên tôi đã vò bản thảo và đút vào túi quần. Sau đó, tôi đã trao lại cho cán bộ chính trị quân đoàn theo yêu cầu của họ”.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ trả lời Tuổi Trẻ: “Bản thảo đó tôi đút vào túi áo. Khi xong việc ở đài phát thanh, quay về đơn vị để tắm rửa, giặt giũ, thay quân phục, tôi quên lấy bản thảo này ra nên đã mất luôn”.

Một bản thảo duy nhất lại có thể vừa nằm trong túi quần chính ủy lữ đoàn, lại vừa nằm trong túi áo đại úy trung đoàn phó?

Ông đại tá và ông trung tướng đều có những người bạn, đồng đội có mặt tại hiện trường và đều xác nhận cả hai người đã soạn thảo văn bản đầu hàng của ông Dương Văn Minh.

Bởi vậy, cuối cùng Thường vụ Quân ủy Trung ương do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã viết lại “lịch sử  khách quan” của đảng như được trình bày sau đây qua bản tin của BBC:

Trong lúc Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 47 năm “Ngày Giải phóng Miền Nam, Thống nhất đất nước” (30/4/1975 – 30/4/2022), Đảng Cộng sản nhắc lại rằng gần đây đã có “kết luận” ai soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh, trưa ngày 30/4/1975.

Câu hỏi ông Phạm Xuân Thệ, khi đó là đại úy, hay ông Bùi Văn Tùng, khi đó là trung tá, chính ủy, có vai trò cụ thể gì trong ngày 30/4/1975, đến nay vẫn gây tranh luận trái chiều trong và ngoài Việt Nam.

Thường vụ Quân ủy Trung ương kết luận

Điều này khiến Thường vụ Quân ủy Trung ương, đứng đầu hiện nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ra một kết luận ngày 14/3/2022 về tranh cãi này.

Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW:

“Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.”

“Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chi Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh.”

“Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh.”

Thường vụ Quân ủy Trung ương hiện nay gồm sáu vị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Việt Nam, Thường vụ Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp mà Quân ủy Trung ương đã quyết định.

Như vậy, kết luận ngày 14/3 của Thường vụ Quân ủy Trung ương là đánh giá “cuối cùng” có thẩm quyền cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tá Bùi văn Tùng (trái: photo Tuổi Trẻ) và Đại tá Bùi Tín (US Public Broadcasting via bangkokpost.com)

Vào hôm 28/3, BBC được biết Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra một công văn mang tính “định hướng chỉ đạo” báo chí tường thuật về “ai là người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng” dựa theo kết luận ngày 14/3 của Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Nhắc nhở đảng viên

Kể từ đó, cơ quan đảng các cấp đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần lưu ý rằng vụ tranh cãi đã được lãnh đạo Đảng kết luận “khách quan”.

Ví dụ trang web của Công an tỉnh Quảng Bình nói: “Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử.”

Trang web Công an tỉnh Điện Biên nói:

“Thời gian qua, xuất hiện một số ấn phẩm thông tin, bình luận thiếu chính xác về việc ai là người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh vào trưa ngày 30/4/1975.”

Trang này cho hay: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 2973-CV/VPTW ngày 28/01/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng; ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Kết luận số 974-KL/QƯTW khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử.”

Ngay cả ở cấp huyện, ví dụ, trang web huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, ngày 8/4 nhắc cán bộ, đảng viên:

“Thực hiện Công văn số 903-CV/BTGTU ngày 01/4/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa 30/4/1975. Để tạo sự thống nhất nhận thức về bản chất sự kiện; đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về ý nghĩa của sự kiện lịch sử trọng đại 30/4/1975; bình luận thiếu chính xác về việc ai là người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa 30/4/1975.”

Trang này nhắc lại: “Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử.”

“Ban Chỉ đạo 35 huyện đề nghị các tổ chức cơ sở Đảng, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 35 huyện,… tuyên truyền, vận động cán bộ đảng viên, cộng tác viên dư luận xã hội, cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 huyện lan tỏa nội dung kết luận trên và không bình luận, chia sẻ về những nội dung trái Kết luận; kịp thời đề xuất, tham mưu các giải pháp ổn định tình hình tư tưởng.”

“Công dân nước Việt Nam cần tỉnh táo trước khi bình luận hoặc chia sẻ những thông tin trái với Kết luận số 974, Ngày 14/3/2022, của Thường vụ Quân ủy Trung ương đã nêu trên.”

Những thông tin trái ngược nhau trước đây

Sự kiện lịch sử diễn ra trưa 30/4/1975, trong hàng chục năm qua, đã tạo ra các luồng thông tin mà nhiều người gọi là “nhiễu loạn”.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ chỉ vào bức hình Đại úy Phạm Xuân Thệ tham gia dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh tới Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trong ảnh, ông Thệ ngoài cùng, bên phải. (Ảnh: Tư liệu TTXVN via Người Lao Động)

Đại diện cho quan điểm ủng hộ ông Phạm Xuân Thệ, sau này là Trung tướng, một bài báo viết:

“Nếu đồng chí Bùi Văn Tùng có mặt ở Dinh cùng đồng chí Phạm Xuân Thệ thì sao đồng chí Tùng không xuất hiện trước Dương Văn Minh mà chỉ có đồng chí Thệ yêu cầu Dương Văn Minh ra Đài tuyên bố đầu hàng. Đồng chí Tùng đi cùng ai, ai làm chứng nghe đồng chí nói? Không có ai.”

“Thực chất là: Bản soạn thảo gốc và bản thảo Dương Văn Minh chép đều do đồng chí Phạm Xuân Thệ giữ, bỏ vào túi áo.”

“Gần đây đồng chí Tùng đưa ra bản photocopy đăng các báo, nói là photo từ bản gốc. (Không có gốc thì photo sao được!? Vì sao bản gốc thì mất mà giữ bản photo làm gì?) Nếu đồng chí Tùng nói bản gốc thì khoa học hình sự sẽ xác định bản thảo viết khi nào? Rõ ngay.”

Năm 2008, ông Bàng Nguyên Thất, chiến sỹ thông tin liên lạc thuộc Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, tuyên bố:

“Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu với Tổng thống Dương Văn Minh rằng đây là cán bộ chỉ huy của quân giải phóng. Ông Dương Văn Minh giơ tay ra bắt và nói chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao, nhưng đồng chí Phạm Xuân Thệ gạt đi, nói rằng bây giờ quân giải phóng đã làm chủ nội đô, các anh phải ra hàng vô điều kiện. Đồng chí Thệ nói với Dương Văn Minh, đại ý hiện nay còn một số tỉnh vẫn còn tử thủ quyết liệt, ông là Tổng thống, ông phải kêu gọi và ra lệnh cho quân đội đầu hàng.”

Còn Đạo diễn Điện ảnh Phạm Việt Tùng đã làm phim tài liệu ‘Một sự thật lịch sử’ về vụ việc.

Ông Phạm Việt Tùng nói: “Cả bộ phim chỉ chứng minh và khẳng định ông Phạm Xuân Thệ không liên quan gì đến việc soạn thảo văn bản đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.”

Một bài báo năm 2021 nói: “Một trong những chứng cứ “không thể chối cãi” khẳng định ông Bùi Văn Tùng chính là người đã thảo lời đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ như vẫn thông tin lâu nay, đó là: bản viết tay do chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo (đến nay vẫn còn được lưu giữ rất rõ ràng) và Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm rồi phát trên Đài phát thanh Sài Gòn khớp từng chữ với đoạn băng cassette mà nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã ngồi tại nhà ghi lại được qua sóng phát thanh thời khắc lịch sử đó.”