Hỏi và giải đáp 565: Mẹ hồi xuân, con phản đối!

04 Tháng Bảy, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến về một trường hợp rất tế nhị: con gái phản đối quan hệ tình cảm của mẹ. Vì câu chuyện có những chi tiết cá biệt, TL sẽ đóng góp một cách chung để người ngoài không thể nhận ra, trong khi người trong cuộc có thể nhận ra những gì ứng vào chuyện của riêng mình.

* * *

Vai chính trong câu chuyện là bà X, đã ly dị chồng, hiện quan hệ với ông Y, một người góa vợ. Danh chính ngôn thuận, nhưng A, con gái bà X luôn tìm cách bài bác…

Cách đây hơn một năm, TL đọc được trên internet một truyện ngắn có nội dung tương tự, dưới hình thức lời kể của người con gái. TL không biết đây có phải chuyện thật hay không, nhưng thiết nghĩ điều đó không quan trọng, mà đáng nói là thái độ cay đắng và hằn học của người con gái: nó giống như viết về một người đàn bà xa lạ đáng ghét, chứ không có một chút tình cảm nào của một người con dành cho mẹ; và lẽ dĩ nhiên, người đàn ông kia cũng trở thành mục tiêu chê bai, diễu cợt.

Những ai đọc truyện ngắn này nếu tinh tế và khách quan, sẽ nhận ra một nghịch lý: tất cả những gì gọi là “đáng ghét”, là “show-off” nơi người đàn ông kia cũng là những gì thường thấy nơi vô số người khác, và tất cả những gì gọi là “dơ dáng”, “ngứa mắt” nơi người mẹ hồi xuân cũng là những gì có thể thấy nơi nhiều phụ nữ cùng tuổi.

Nhưng dưới mắt của người con gái thì người đàn ông kia và bà mẹ của mình đã trở thành mục tiêu dòm ngó, đề tài chế nhạo cho tất cả mọi người!

Rất có thể truyện ngắn này là lời kể của một người con gái, cũng có thể chỉ là của một tác giả viết dưới hình thức lời kể của một người con gái. Nhưng dù là của ai, thái độ cay đắng và cung cách hằn học của người viết cũng khiến người đọc phải “dội”, và tự hỏi tại sao?!

Áp dụng vào trường hợp của bà X, TL tin rằng nguyên nhân thứ nhất là vì bà ly dị chồng – tức là ông bố của A hiện vẫn còn sống. Đây là một điểm mâu thuẫn thường thấy nơi con cái có cha mẹ chia tay: cha lấy vợ khác thì OK nhưng mẹ mà lấy chồng khác, hoặc chỉ cần có bạn trai là con cái cảm thấy bị bỏ rơi, bị san sẻ tình thương. Cho nên trong phim ảnh cũng như ngoài cuộc  sống thực, với những người bạn trai của mẹ ấy, việc thu phục đám con riêng của bà ta còn khó gấp 10 lần việc tán tỉnh bà mẹ.

Nguyên nhân thứ hai có thể là lời dị nghị của người khác – những lời dị nghị có lý cũng như vô lý. Có lý trong trường hợp “cặp hồi xuân” (ở đây là ông Y bà X) thực sự có những hành động “khó coi”, cung cách biểu lộ tình cảm “chướng mắt”; vô lý trong trường hợp dị nghị chỉ vì ghen tức, hoặc đơn thuần chỉ vì quan niệm đàn bà đã ly dị chồng thì không được quyền hưởng hạnh phúc thêm một lần nữa!

Mà một khi mẹ bị người ngoài dị nghị, thường thường con cái sẽ về phe… người ngoài. Như trong truyện ngắn mà TL đã đề cập ở trên, người con gái đã tự hỏi: sao ngần ấy tuổi mà mẹ mình còn có thể “behave như một cô gái mới lớn”?!

Viết tới viết lui, TL chỉ muốn đi tới kết luận: bà X và những phụ nữ đồng cảnh ngộ phải chấp nhận mọi phản ứng không thuận lợi của con cái cũng như của người ngoài, đồng thời nên ý tứ, giữ gìn trong cách biểu lộ tình cảm, và cả cách ăn diện, sao cho mọi người càng có ít lý do đàm tiếu càng tốt.

TL viết như thế bởi vì trên thực tế cũng có một số cặp hồi xuân, mặc dù không nhiều lắm, đã biểu lộ sự âu yếm nhau một cách quá thân mật ở những nơi chốn công cộng, và có những bà ăn mặc, trang điểm không thích hợp một chút nào với cái tuổi của mình. Đây là nguyên nhân chính khiến những người đàn bà khác có cớ để dèm pha, dị nghị, và hạ thủ một cách không thương tiếc.

Thanh Lan