Cao thượng cho trót! (2)

25 Tháng Mười Một, 2021 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

(Ý kiến một nữ độc giả)

Quý độc giả thân mến,

Sau khi TL viết bài Cao thượng cho trót! trên số báo 1465, mục TTBĐ nhận được thư góp ý kiến của một nữ độc giả ẩn danh, và TL xin đăng nguyên văn.

* * *

Cô Thanh Lan và độc giả TVTS thân mến,

Quả thật câu chuyện cô TL kể lại trên trang báo đã khiến tôi vô cùng cảm động, và tôi tin chắc quý độc giả cũng có cùng suy nghĩ như tôi.

Thế nhưng nếu ở đời tất cả mọi người đều hành xử cao thượng, hiểu biết như các nhân vật trong câu chuyện ấy thì đã xã hội chúng ta đang sống đã không xảy ra những chuyện đáng buồn cho tất cả mọi phía liên quan.

Không phải tôi bi quan, nhưng sự thật là trong khi cô TL may mắn chứng kiến câu chuyện tốt đẹp ấy thì tôi lại chỉ chứng kiến những chuyện tồi tệ, mà sau đây xin kể ra hai chuyện, có thật nhưng tôi cũng bắt chước cô TL sửa đổi đôi chút để người ngoài không nhận ra người trong cuộc.

Trong chuyện thứ nhất, người đàn ông tên A cũng yêu cô B, cũng tặng bụng bầu rồi bỏ đi, có khác là cô B sanh con xong rồi mới lấy ông C, nhưng dẫu là con riêng, đứa bé cũng có cuộc sống tốt đẹp, ăn học nên người như những đứa con chung của B và ông C. Nhưng tay A trong chuyện này không được như ông A trong chuyện của cô TL: sau khi lấy vợ rồi bị vợ bỏ, đương sự sống một đời playboy, mấy chục năm lại tìm tới B để đòi nhận con, viện lý do “không thể bỏ giọt máu của mình”.

Kết cuộc ra sao, tôi không muốn viết ra đây, sợ độc giả nhận ra người trong cuộc. Tôi chỉ muốn đặt câu hỏi với ông A như sau: nếu thật sự trong lòng ông “không thể bỏ giọt máu của mình”, tại sao ngày ấy ông lại “truất ngựa truy phong”? Kể cả sau khi B đã sanh con, ông cũng còn thì giờ, cơ hội để nghĩ lại, không lấy nhau thì cũng san sẻ trách nhiệm, gánh nặng nuôi con. Ở đây ông lại phủi tay, bán cái, đợi cho tới khi đứa con đã thành tài, mới “người về từ đỉnh núi” thì tôi xin phép viết rằng: ông chẳng thiết tha gì tới “giọt máu của mình” mà chỉ ghen tức với hạnh phúc của B, mặc cảm thua kém trước sự cao thượng của ông C, nên ông mới kiếm cớ để phá, để quậy.

Điều đau lòng là trong vụ này, không một ai được lợi cả, mà thiệt thòi, đau khổ nhiều nhất chính là đứa con của ông với B: cháu đã đủ khôn lớn để nhận ra tư cách con người và tâm địa của người “cha thật” của mình!

* * *

Trong chuyện thứ hai, nhân vật xấu và tồi lại là người đàn ông tới sau. Mặc dù cũng giống như trong chuyện cô TL kể, đứa con không hề biết mình là con riêng, nhưng sau này ông bố hờ ấy đã thuyết phục vợ đem đứa con riêng làm săng-ta với cha ruột của nó với mục đích vòi  tiền, vì ông này rất thành công trong doanh nghiệp và đang vợ đẹp con khôn!

Kết cuộc chuyện này tôi cũng không muốn viết ra đây vì nguyên nhân đã trình bày ở trên.

Tại sao cô TL vừa kể ra một câu chuyện cảm động, tốt đẹp, tôi lại vô duyên làm độc giả mất hứng? Xin thưa, tôi kể ra để mọi người cùng nhau chê cười, lên án các nhân vật tệ hại trong chuyện, và hy vọng một khi đã lên án thì chúng ta sẽ không dám trở thành những người tương tự.

Hai nhân vật tôi đề cập tới chắc hẳn phải có những lập luận biện hộ cho hành động của mình. Thế nhưng trong khi chúng ta có thể chống chế trước sự lên án của người đời thì không ai có thể trấn áp được lương tâm của chính mình.

Thân chào cô TL và quý độc giả.

Ẩn danh

TiVi Tuần-san 1467