Không chồng mà mang bầu!

22 Tháng Chín, 2021 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

(Thư em A)

 

Quý độc giả thân mến,

Tuần này TL trả lời thư em A, một phụ nữ từng ly dị chồng, hiện đang mang bầu với boyfriend… Xin rất sơ lược (và thay đổi một số chi tiết) về hoàn cảnh của A:

A có sự nghiệp, nhan sắc trên trung bình, thân hình sexy, “cấp tiến trong tình dục”. A lấy B chỉ được vài năm thì chia tay, vừa vì bà mẹ chồng “dữ”, vừa vì hai vợ chồng thiếu hòa hợp chăn gối (B như “ông thầy tu”). Sau đó, A cặp với C, trẻ hơn mấy tuổi. C say mê A nhưng bị gia đình phản đối; gần đây A có bầu, tính phá nhưng C năn nỉ A giữ, hy vọng sau này gia đình sẽ chấp thuận.

A hỏi:

Vợ mà “đòi hỏi” có phải là điều xấu? Phá hay giữ?

 

Ý kiến của Thanh Lan:

Em A thân mến,

TL xin đi thẳng vào việc trả lời câu hỏi thứ nhất của em: trong cuộc sống vợ chồng, đòi hỏi chăn gối là một “quyền lợi” của cả hai người, nhưng trên thực tế, nhất là trong một gia đình Á đông, trong khi người chồng có thể đòi hỏi một cách “trắng trợn” thì người vợ chỉ nên đòi hỏi một cách kín đáo, khôn khéo, tế nhị. Chính vì trước đây em không chịu kín đáo, khôn khéo, tế nhị, B mới bị “khớp” và tuy em không viết ra, hoặc không hề nghĩ tới, TL cũng có thể đoán việc ấy đã khiến B có thành kiến em là một cô gái ham mê nhục dục, và trước đây chắc hẳn đã cặp kè dữ  lắm nên mới có nhiều kinh nghiệm như thế.

Với thế hệ trẻ, nam nữ bình quyền tới mức gần như tuyệt đối, thì việc người vợ chủ động “đòi hỏi” không có gì đáng gọi là xấu, nhưng với những người còn mang chút tư tưởng bảo thủ, những người vợ nói trên có thể bị cho là “dâm”, mà nếu gặp hoàn cảnh thuận tiện, rất dễ ngoại tình. Xét đoán như thế quả thật có hơi khắt khe, bất công đối với phụ nữ, nhưng một khi đã không đạt được sự thông cảm, hòa hợp lý tưởng thì thà người vợ nên chịu “thiệt” một chút còn hơn là lúc nào cũng đòi lấy cho “đủ vốn” để rồi bị đánh giá.

Bây giờ xét tới phần của C, TL đồng  ý với em rằng C đã bị em chinh phục bởi thân hình quyến rũ và kinh nghiệm chăn gối của em, NHƯNG không có nghĩa là C không muốn ăn đời ở kiếp với em; bằng chứng là C không chịu cho em phá.

Phá hay giữ, trên hết là quyết định của người mẹ, bởi người mẹ sẽ là người được thoát “gánh nặng” hoặc chịu mọi hậu quả về hành động của mình.

Vì thế, để tránh bối rối, lưỡng lự trước quyết định phá hay giữ, TL đề nghị em tạm thời gạt C sang một bên, rồi cân nhắc lợi hại. Lợi là em sẽ không bị mang tiếng không chồng mà có con, hại là em sẽ bị ám ảnh, không sớm thì muộn.

Qua những lá thư của người trong cuộc mà mục TTBĐ nhận được từ trước tới nay, chưa có một thư nào viết rằng mình không hề ân  hận về việc đã bỏ đứa con trong bụng.

Trước kia, “không chồng mà chửa” là chuyện động trời, nhưng rồi càng ngày càng bớt ghê gớm đi, trong khi đó phá thai thời nào lúc nào cũng là việc làm phản đạo đức, sẽ theo ám ảnh suốt một đời.

Trước đây, TL thường khuyên các cô gái lâm vào trường hợp của em nên đi xa sanh con để tránh tiếng thị phi tại địa phương, trường hợp của em tuy đứa bé có cha nhìn nhận, nhưng vì không phải vợ chồng, nếu có thể được, em cũng nên xin nghỉ làm vài tháng để đi xa sanh con, khi nào mọi người biết thì tính sau.

Thanh Lan

TiVi Tuần–san 1461