Nhân “mùa gắn huy chương”: Bàn về “huy chương lèo”

10 Tháng Năm, 2016 | Phiếm luận

Nguồn hình: mạng vnch.ca

 
 

Chẳng phải Lão Ngoan Đồng muốn dựa hơi bên vợ hoặc lấy điểm bà xã mà chỉ rào đón trước để trách mích lòng họ “Nail” (họ của bà xã LNĐ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh là “Nail”, vốn là một họ rất lớn ngoài Bắc, sang bên Úc này vẫn còn nổi đình đám). Vậy xin được dài dòng như sau: trong gia tộc họ “Nail”, khi nói tới ba chữ “huy chương lèo” thì chữ “lèo” phải viết hoa thành “huy chương Lèo”, là tấm huy chương do hoàng Lào (xưa gọi là Ai-lao) cấp cho một ông bác.

Ông phục vụ dưới thời các vua nhà Nguyễn, chẳng biết chức vụ lớn nhỏ ra sao chỉ biết theo phẩm trật thì gọi là “quan Hàn”, có thẻ ngà vua ban. Ông được gửi sang làm việc trong đoàn sứ thần ở Vạn-tượng, thủ đô Lào, và được Hoàng gia Lào tặng huy chương… Lèo.

Khi LNĐ lấy vợ thì ông đã ra người thiên cổ từ khuya, chỉ còn biết mặt mũi ông qua tấm hình chụp với thẻ ngà trên ngực. Phía dưới tấm hình lộng kính là cái “huy chương Lèo” mạ vàng sáng chóe.

Việc phát âm chữ “Lào” thành “Lèo” do đâu và có từ bao giờ, LNĐ không có câu trả lời. Và ý nghĩa không mấy tốt đẹp của tĩnh từ “lèo” trong ngôn ngữ Việt Nam có trước hay sau sự việc nói trên, kẻ hèn này cũng mù tịt. Tuy nhiên nếu có sau, ta có thể giải thích sự hình thành của nó cũng tương tự như các chữ “tết Ma-rốc”, “tết Công-gô” vậy.

Vậy nói về ba chữ “huy chương lèo” (chữ “lèo” không viết hoa) trong dân gian (chứ không phải trong gia tộc Lão Ngoan Đồng phu nhơn) thì có nghĩa là huy chương ân thưởng cho một người không có công trạng.

Trước khi nói về “huy chương lèo” thiết tưởng cũng phải nói về “huy chương ăn giỗ”.

“Huy chương ăn giỗ” là những huy chương không mấy cao quý, chỉ cần phục vụ đàng hoàng, đủ thâm niên, tới ngày tới tháng thì tự động có, cứ việc ra tiệm bán huy chương mua mà đeo, chẳng hạn Quân vụ Bội tinh, Quân phong Bội tinh, Chiến dịch Bội tinh, v.v… Như vậy, huy chương ăn giỗ tuy không cao quý nhưng không phải huy chương lèo.

Xin kể một thí dụ về huy chương lèo. Ngày LNĐ còn phục vụ ở Pleiku, được quen biết một số đàn anh trong Không Quân. Vì tình hình chiến sự sôi động từ giữa thập niên 60, đối với các chàng phi công, vùng Tây Nguyên là “tử địa”, đi dễ về khó, cho nên một số chàng sau khi lấy được vợ đẹp thì sợ không dám lái máy bay nữa (từ của Không Quân gọi là “lạnh cẳng”) bèn chạy chọt, lo lót để được “xuống đất”.

Trong số phi công lạnh cẳng này có ông Đại-úy Dật Dờ. Ông Dật Dờ được trao một chức vụ mới được chế ra, gọi là Trưởng Phòng An Ninh Dưới, chỉ có nhiệm vụ trông coi về an toàn nơi các phòng sở và khu gia binh. Tuy nhiên, vì rảnh rỗi và làm việc gần Bộ tham mưu, lại biết cách lấy điểm xếp lớn nên mỗi khi quân ta thắng lớn và lập danh sách ân thưởng huy chương, bao giờ ông Dật Dờ cũng có tên hàng đầu. Ông Dật Dờ lại có tính “show off” nên mỗi lần tổ chức chào cờ ông lại đeo huy chương đầy ngực – dĩ nhiên đa số là huy chương lèo.

Trước cảnh nhố nhăng này, một ông Thiếu-tá phi công kiêm thi sĩ tài tử đã làm thơ diễu bằng tiếng “Anh bồi” pha lẫn tiếng Pháp:

Long legs never tired

Cool feet never died

Dat Do get médailles (tiếng Anh là “medals”)

Và diễn nôm như sau:

Trường túc bất chi lao

Lạnh cẳng chết được sao?

Dật Dờ hưởng công lao!

Đọc tới đây, có lẽ quý vị cựu quân nhân, công chức của nền Đệ Nhị Cộng Hòa trước đây đều đồng ý ngày ấy không chỉ có một mà có hàng trăm, hàng ngàn ông Dật Dờ khác!

* * *

Nhưng không chỉ vào thời chiến và ở Việt Nam mới có những “ông Dật Dờ”, mà thời bình, ở hải ngoại cũng không thiếu. Riêng LNĐ e rằng còn nhiều hơn.

Trước đây tác giả Mạnh Giao của TVTS đã có lần bàn về “hằng tính quốc gia”, “hằng tính dân tộc” nhưng chỉ đưa ra câu hỏi mà không có câu trả lời. LNĐ là người bi quan yếm thế, nên cho rằng “hằng tính” (identity) của dân Mít nằm ngay trong một nhận xét bất hủ của người Pháp-lang-sa: trong mười người Việt Nam thì có tới mười ông quan! Hiểu rộng ra là người Việt Nam hám danh.

Tới đây, một số độc giả có thể bắt bẻ LNĐ: phàm làm người, ai không thích danh lợi?!

Xin thưa, đúng như thế. Ngay LNĐ đây, cũng muốn có job thơm “việc nhẹ lương hậu”, cũng muốn được làm chủ tịch hội này, hội trưởng hội kia, cũng muốn được tặng thưởng huy chương, bằng tưởng lệ, cũng muốn có những mẫu tự OBE, MBE, AO… đi sau tên cúng cơm, mà chỉ vì không đủ khả năng, kém trí trá nên không có được, chứ chẳng hề vỗ ngực nói mình không muốn, không thèm!

Vả lại, nhìn từ một phía nào đó, hằng tính thích lợi danh chính là động lực của cầu tiến.

Còn nhớ ngày xưa ban kích động nhạc “dân tộc” AVT hát bản “Mảnh Bằng” trong đó có câu “…Cái bằng nó chỉ một gang thôi, mà sao con gái họ mê quá chời!”

Chính vì con gái mê bằng cấp nên con trai mới cố gắng học để có bằng cấp. Cũng thế, vì “Sĩ quan đếm con lượm tiền, Binh Nhì vợ đẻ liên miên, lo tiền mua sữa mà điên cái đầu” (bài hát đã dẫn) nên ai cũng muốn có địa vị để hưởng bổng lộc.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, và riêng đối với danh lợi, điều kiện ắt có phải là “chính danh”, “thanh lợi”.

Thực tế cho thấy sau khi cộng sản chiếm miền Nam, đưa tới việc hàng triệu người Việt phải tha hương, đã có hàng ngàn người tự phong tự diễn: ông phi công “dật dờ” tự dưng có thêm mấy ngàn giờ bay, quan tá nọ tự dưng có Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương đeo trên ngực để trình diễn trong các buổi lễ lạc, anh giám thị nọ trở thành giáo sư, ông tống văn thư kia bỗng thành ông Cử…

Nhưng, như người tây phương đã nói không gì có thể che đậy dưới ánh sáng mặt trời, những thứ “gian danh” trước sau cũng sẽ trở thành “xú danh” cho kẻ tự nhận tự phong mà thôi.

Tuy nhiên, không phải một khi không phải “gian danh” thì đương nhiên sẽ là “chính danh”. Bởi vì còn có “đạo danh”.

Trước năm 1975, nhiều người dân miền Nam thường mỉa mai ông Nguyễn Văn Thiệu về việc “độc diễn” trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1971. Gọi là độc diễn bởi vì ông đã tìm cách ngăn cản hai đối thủ chính trị là Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh ra tranh cử.

Tuy nhiên, người ta chỉ có thể chê ông Thiệu không quân tử (chơi không đẹp) chứ không thể lên án ông vi hiến. Có nghĩa là chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa của ông là danh chánh ngôn thuận.

Như một số người còn nhớ, ngày ấy chỉ trong vòng một ngày một đêm, ông Thiệu đã cho người đi lấy “chữ ký giới thiệu” của hầu hết các dân biểu nghị sĩ rồi cấp tốc cho quốc hội “họp đêm”, thông qua phần bổ túc luật bầu cử, theo đó các ứng cử viên phải có chữ ký giới thiệu của một số dân biểu nghị sĩ tối thiểu nào đó. Dĩ nhiên, lúc đó đã quá muộn để ông Kỳ, ông Minh tìm cho đủ cái số “tối thiểu” ấy.

Dù người ta có gọi việc làm của ông Thiệu là “trí trá”, “ma giáo”, thậm chí “xảo quyệt” chăng nữa, cũng không thể nói rằng ông là “tổng thống bất hợp pháp”, bởi vì ông ra tranh cử hợp pháp và thắng cử hợp pháp.

Cũng giống như hiện nay, dư luận quốc tế đang chĩa mũi dùi vào một vị tổng thống ở Nam Mỹ chỉ vì ông ta đang vận động (thực chất là áp lực) quốc hội phải sửa đổi hiến pháp để rồi đây ông ta có thể ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba!

Quốc tế chỉ trích, chê cười nhưng không thể phủ nhận tính cách hợp hiến hợp pháp của chức vụ tổng thống một khi ông ta ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, bởi vì chính quốc hội – tức các đại diện dân cử – đã sửa đổi hiến pháp để dọn đường cho ông.

Nó khác với sự việc vừa xảy ra trong nội bộ người Việt hải ngoại, Nội Quy thì quy định một người chỉ có thể làm chủ tịch tối đa chừng đó nhiệm kỳ, nhưng khi ông kia nhất quyết “hy sinh” thêm một nhiệm kỳ nữa, người ta đã tỉnh bơ để “gà nhà” ra tranh cử và đắc cử chủ tịch, sau đó mới tính sửa Nội Quy để hợp thức hóa.

Một số người dễ tính đã so sánh việc này với việc một đôi trai gái sống với nhau có con rồi mới làm hôn thú để hợp thức hóa. So sánh như vậy là sai hoàn toàn. Bởi vì dù chưa làm hôn thú, đứa con “ngoại hôn” vẫn được nhìn nhận là con và có quyền mang họ của người cha, sau khi làm hôn thú nó chỉ hơn trước nhờ được hợp thức hóa. Trong khi chức vụ của một người thì một là hợp pháp, hai là bất hợp pháp; mà một khi đã bất hợp pháp thì không thể hợp thức hóa. Đôi khi người ta có thể bẻ cong luật lệ, nhưng trong trường hợp này, phải nói là một sự chà đạp!

Thành thử, cái danh trong trường hợp này gọi là “gian danh” chưa đủ mà phải gọi là “đạo danh” mới chính xác.

Nhưng, như đã viết ở trên, với những người “hám danh”, “tham lợi” thì dù là “xú danh” (gian danh, đạo danh) với họ vẫn là “danh”, dù là “uế lợi” (tiền tham ô) vẫn là “lợi”.

Mà một khi họ chấp nhận chê cười để đổi lấy danh lợi, chúng ta nên coi đó là một sự trao đổi sòng phẳng. Chỉ tội nghiệp cho những người xứng đáng với danh lợi ấy lại bị đứng tên chung, ngồi chung ghế với “lũ hát tuồng” (thơ Trần Tế Xương: Nào có ra chi lũ hát tuồng, cũng hò cũng hát cũng y uông…)

Tội nghiệp bởi vì đôi khi các vị ấy bị lâm vào thế kẹt, có muốn từ chối huy chương, tước hiệu cũng không tìm ra lý do chính đáng, ổn thỏa. Cũng giống như trường hợp ngày xưa xảy ra cho một đàn anh trong quân đội mà LNĐ xin kể lại sau đây:

Đàn anh xuất thân khóa sĩ quan trừ bị đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (Khóa 1 Nam Định), khi ông Ngô Đình Diệm về nước được ít lâu, ông được thăng cấp Trung-tá. Nhưng phải đợi tới mười mấy năm sau, ông mới được thăng cấp Đại-tá do sự “nâng đỡ” của một người bạn đồng khóa nay mang lon Trung-tướng, làm Tư lệnh Quân Đoàn. Cũng do sự “tiến cử” của vị tướng này, ông Đại-tá được giữ chức Tư lệnh một Sư Đoàn trong quân khu của ông Tướng. Không biết tham nhũng, kéo phe kết đảng, ông Đai-tá ở chức vụ không được lâu. Ngày bàn giao chức vụ giữa tân cựu Tư lệnh Sư Đoàn, ông Tướng lên chủ tọa và gắn cho bạn một cái Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương gọi là để an ủi kẻ ra đi.

 
 Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tam Đẳng. Nguồn: mạng vnch.ca
 
 

Bảo Quốc Huân Chương là huy chương cao quý nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cho nên theo đúng nghi lễ quân cách, khi gắn Bảo Quốc Huân Chương, ban quân nhạc trổi “điệp khúc quốc thiều” và tất cả mọi người hiện diện, kể cả ông Tướng, phải đưa tay lên chào ông Đại-tá – thực chất là chào chiếc huy chương có bốn chữ “Tổ Quốc Tri Ân”. Vì thế ông Đại-tá cũng phải “cắn răng” nghiêm chỉnh nhận lãnh huy chương, nhưng ngay sau khi buổi lễ kết thúc, cùng ông Tướng trở vào phòng làm việc, ông Đại-tá gỡ cái huy chương trên ngực ra ném mạnh xuống mặt bàn, và nói một cách chua xót trước sự hiện hiện của các sĩ quan thuộc quyền:

“Tôi bất tài, bất xứng mới bị mất chức, lại được gắn Bảo Quốc Huân Chương thì thật khôi hài; tôi không xứng đáng đeo, xin trả lại cho Trung-tướng!”

Có lẽ các ông bà Dật Dờ bất tài, bất xứng – hiện nay đang ra sức lốp-bi để tặng nhau những cái huy chương lèo – sẽ chê cười ông Đại-tá là ngu.

LNĐ cũng thấy ông ngu thật. Và rất có thể kẻ hèn này sẽ bỏ nghề viết báo để đi buôn lọng, như tiền bối đồng hương Nam Định Trần Tế Xương đã viết:

…Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang

Đứa thì mua tước đứa mua quan

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa bán, vừa la cũng đắt hàng!

Lão Ngoan Đồng (Báo TiVi Tuần-san)