Sau khi trả lời thư của cháu Y, một cô vợ trẻ đang muốn làm “cách mạng”, TL nhận được thư góp ý của ông Y, một người chồng đang muốn “bán cái” quyền gia trưởng. Mặc dù giọng văn trong thư có phần châm biếm (chẳng hạn “Phu xướng phụ tùy” đổi lại thành “Phụ xướng phu tùy”), nhưng ý tưởng hoàn toàn mang tính cách xây dựng, TL xin đăng nguyên văn.
* * *
“Phụ xướng phu tùy”
Trước năm 1975, tức thời Việt Nam Cộng Hòa, có hai tổ chức ngoại vi của cộng sản núp danh xưng phụ nữ. Thứ nhất là “Phong trào bảo vệ nhân phẩm phụ nữ VN”, thứ hai là “Phong trào phụ nữ đòi quyền sống” do bà luật sư Ngô Bá Thành lãnh đạo.
Ngày ấy, báo chí và dân chúng miền Nam đã diễu cợt đổi tên phong trào của bà Ngô Bá Thành thành “Phong trào phụ nữ đòi quyền sướng”!
Nay nhân có lá thư của “người vợ trẻ” X nào đó mà cô TL đặt tựa “Phu xướng phụ tùy”, tôi xin được gọi một cách nghiêm túc đây là “Phong trào phụ nữ đòi quyền xướng”!
Thưa cô TL cùng tất cả quý vị quần hồng,
Nếu quý vị có thể quên đi ý nghĩa dung tục trong chữ “sướng” của mấy ông nhà báo ở Sài Gòn năm xưa, tôi xin viết một cách nghiêm chỉnh như sau:
Phàm làm người, ai cũng muốn sống sung sướng. Riêng với đàn ông chúng tôi, sống sung sướng là làm ít hưởng nhiều, no thân ấm cật, vợ đảm đang, con dễ dạy, v.v… Được như thế, chúng tôi không còn thiết tha gì tới cái chức “gia trưởng” nữa.
Cô TL đã ví von một cách tuyệt vời chức “gia trưởng” với chức “Tổng thống Mỹ” và “Quan toàn quyền Úc”.
Tuy nhiên trên thực tế, nếu chỉ kể sinh hoạt nội bộ gia đình, tôi tin rằng người chồng nào yêu vợ, hiểu biết và thích sống sướng, thì nên làm “Quan toàn quyền Úc”. Nhưng để đạt tới chế độ “lý tưởng” ấy, người vợ cũng phải yêu chồng và hiểu biết.
Nghĩa là, cũng giống như bà Julia Gillard, sau khi thắng ông Tony Abbott, cũng phải thân chinh vào dinh toàn quyền để trình báo, rồi mới được phép lập chính phủ, trổ tài trị quốc an dân.
Nói một cách dễ hiểu, các cụ đã gọi người vợ là “nội tướng” thì cứ để cho mấy bả nắm hết chuyện nhà.
Cái hay hay dở, khôn ngoan hay dại khờ (tôi muốn né tránh chữ “ngu ngốc”), biết điều hay không biết điều, có hay không có “giáo dục gia đình”… là ở chỗ nắm hết chuyện nhà nhưng không có thái độ khinh thường chồng – không chỉ ở chỗ đông người mà (TÔI NHẤN MẠNH) khi chỉ có hai người với nhau, cũng phải tôn trọng.
Đoạn cô TL viết về chức “gia trưởng”, tôi xin phép sửa lại một chút như sau: phái nam được trời sinh ra với cả thể lực lẫn tinh thần để đảm nhận chức “gia trưởng”, có nghĩa là đứng mũi chịu sào hơn là độc tài cai trị. Vì thế, một “nội tướng” lý tưởng là một người vợ không bao giờ lên mặt chanh chua đanh đá hỗn láo với chồng. Bởi vì, làm như thế thì được ích gì, trong khi mình đã nắm hết!
Nhưng những gì xảy ra ở chỗ đông người mới là những gì tôi muốn viết. Trong một buổi họp mặt nọ, ông A (chưa hề say) chỉ muốn nán lại 15, 20 phút để uống thêm một ly rượu với bạn bè, hoặc vì chưa nghe xong một câu chuyện vui, nhưng bà A cứ khoanh tay đứng sau lưng, mặt hằm hằm, cho tới khi nào ông A đứng dậy mới thôi!
Thử hỏi, còn gì là “thương yêu”, “tình nghĩa” vợ chồng nữa?!
“Ra oai” với chồng mình chưa đủ, các bà còn khoe khoang với các bà bạn bè về uy quyền của mình trong gia đình, và tệ hại hơn nữa, còn ra vẻ tội nghiệp cho những bà bạn “yếu đuối, nhu nhược”, không chịu vùng lên!
Trước kia, tôi đã đọc một bài báo rất thú vị của một nữ tác giả, trong đó viết về một nhà hoạt động nữ quyền (feminist) nổi tiếng với những bài thuyết trình nảy lửa, nhưng về nhà, chỉ cần bị chồng lườm một cái là nín khe!
Cho nên, theo quan sát của tôi, trong một nhóm bạn, chỉ cần một hai bà như thế là luôn luôn có chuyện, chơi với nhau cũng mất vui.
Trên đây là một vài suy nghĩ rút từ kinh nghiệm của gia đình mình, và những gì tốt đẹp cũng như trái tai gai mắt ở cuộc đời ô trọc, đầy giả dối. Bà vợ nào “nghiệm” được, sẽ trở thành “real boss”. Và cả đôi bên đều “sống sướng”.
X.