Hỏi và giải đáp 573: Không cần lấy chồng!

23 Tháng Bảy, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL trả lời thư cháu Y, một cô gái “không thấy mình có nhu cầu phải lấy chồng”. Với mục đích giữ kín chi tiết cá nhân, TL xin miễn tóm tắt nội dung thư để chỉ góp ý một cách chung chung.

* * *

Sống trong xã hội phương tây, càng ngày càng có nhiều người trẻ  sống độc thân, mà trong bài này, TL chỉ nói về các bạn gái. Tại sao các cô lại sống độc thân? Nếu bắt buộc phải trả lời, các cô sẽ nói là vì mình muốn sống tự do, không bị ràng buộc (lấy chồng như đeo gông vào cổ), hoặc xem chồng con là gánh nặng. Nhưng trên thực tế, có khá nhiều nguyên nhân phức tạp, khách quan cũng như chủ quan.

Trước hết nói về nguyên nhân chủ quan, thì thường thấy nhất là: (1) Ưu tiên theo đuổi công danh sự nghiệp, (2) đưa ra tiêu chuẩn quá cao (kén chồng), (3) có thành kiến, hoặc đã trải qua kinh nghiệm  ê chề với đàn ông.

Khi còn ngồi ghế nhà trường, trung học cũng như đại học, dồn hết nỗ lực cho tới khi thành tài là việc đáng khuyến khích, chứ không chỉ có con trai mới cần đại đăng khoa trước tiểu đăng khoa, nhưng sau khi thành tài rồi, nếu đặt sự nghiệp lên trên hết, rất có thể dẫn đưa tới việc trở thành “bà cô già”.

Việc đưa ra tiêu chuẩn tuyển phu quá cao cũng là chuyện thường thấy. Xưa kia, do quan niệm chỉ con trai mới cần thành đạt, con gái dễ kiếm được một anh chồng có trình độ, địa vị hơn vợ, còn ngày nay, trai gái đều có điều kiện học hành như nhau, mà cứ đòi lấy chồng hơn mình, hoặc ít nhất cũng phải “ngang cơ”, không phải là chuyện dễ.

Còn nếu vì bản thân đã từng là “nạn nhân” của những chàng họ Sở, hoặc vì thấy gương của người khác mà có thành kiến với cả phái nam, cũng là một điều tai hại, bởi đàn ông cũng như đàn bà, luôn luôn có người tốt kẻ xấu.

Kế tiếp nói về nguyên nhân khách quan, có thể là “cái số tình duyên lận đận”, có thể do sự trở mặt, thay lòng đổi dạ của người yêu, hoặc bị một cô gái bản lãnh hơn, ngon lành hơn, nhảy vào phá thối…

Nhưng xét tới cùng thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Một người con gái dù kém may mắn tới đâu, nếu nhất quyết lấy chồng, thì sẽ lấy được chồng. “Vouloir c’est pouvoir” – tiếng Pháp có nghĩa “hễ muốn là làm được”.

Đi vào trường hợp của cháu Y, cháu cho biết cháu “không thấy mình có nhu cầu phải lấy chồng”. Với một cô gái khác, câu này có thể giải thích theo hai cách:

(1) Không thấy mình có nhu cầu lấy chồng bởi vì bản thân không quan trọng việc lập gia đình, mà chỉ cần có boyfriend là đủ.

(2) Không thấy mình có nhu cầu lấy chồng bởi vì mình không cần, không thích đàn ông.

Tuy nhiên cháu Y đã khẳng định cháu không phải là một cô gái “lesbian”, hiện nay cũng không có “boyfriend thân mật” thì quả là “có vấn đề”.

Hiện nay cháu chỉ bực bội về một điều duy nhất là bị một số người gán cho cái nhãn “ế chồng”; nhưng theo suy nghĩ của TL, sự việc không đơn giản như thế. TL luôn tôn trọng quyết định “làm bà cô già suốt đời” của một số phụ nữ, nhưng dù sao chăng nữa, xu hướng chung (mainstream) của xã hội là con người nên sống có đôi có cặp để đáp ứng nhu cầu tình cảm và tình dục mà hóa công đã đặt để trong mỗi con người, TL khuyêu cháu Y nên tìm mọi cách hòa mình vào dòng đời, dòng người. Không buông thả, không coi rẻ trái tim cũng như thân xác mình, nhưng cũng đừng đứng bên lề.

Hơn nữa, một nhà văn nào đó đã viết một câu rất ngắn, chính xác tới mức lạnh người: không có gì khủng khiếp hơn nỗi cô đơn của tuổi già.

Thanh Lan