Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (15)

01 Tháng Tư, 2009 | Mỹ châu

 

 

Đi tàu Bateau-Mouche trên sông Saint-Laurent ở thành phố Montreal

  

Ký ức về niềm đam mê sông nước

 

Tân Mỹ làng quê tôi thuộc quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách Huế chừng mười cây số.  Ông nội tôi –một người giữ sổ sách của làng– nói xưa kia nơi này được gọi là làng Cồn Cỏ, bởi vì trước khi có người tới lập nghiệp chỉ là một cái cồn toàn cỏ, sau đổi thành làng Tân Mỹ có nghĩa là mới và đẹp. Mới chẳng biết nhưng đẹp thì có.

 

Làng này có hai nghệ sĩ đi xa xứ và thành danh, đó là nhạc trưởng Trần Văn Lý và nhạc sĩ Thu Hồ (Hồ Văn Thu) mà cả hai tôi đều gọi bằng bác vì có bà con. Bác Thu Hồ tôi chưa có dịp tiếp xúc, nhưng bác Trần Văn Lý thì tôi có ghé trọ vài lần tại “Biệt Thự Nhà Lá” của bác mỗi khi từ Đà Lạt về Sài Gòn nghỉ hè.

 

Làng nằm cuối giòng Hương Giang, đoạn này sông rất rộng trước khi đổ một phần ra biển, hay ra Phá Tam Giang chi đó, tôi nghe như vậy.

 

Năm lớp nhất tiểu học (tức lớp 5) tôi được gởi lên học nội trú ở trường Tiểu học Mai khôi An Cựu và sau đó gia đình dọn từ làng Tân Mỹ lên sống gần đấy nên không nhớ nhiều về địa lý và lịch sử của làng tôi. Tôi chỉ trở về làng vài lần trong thời gian trung học.

 

Theo trí nhớ tuổi thơ của tôi, làng Tân Mỹ nằm trong đất liền dọc sông Hương nhưng có thêm cái cồn cát dài nằm kề bên gọi là Bãi Dương, một cồn cát trắng với toàn cây dương liễu lớn và những cây tra mọc ven sông. Từ đất liền qua cồn cát nơi có chừng một chục gia đình cư ngụ và là nơi họp chợ của làng, phải đi qua cái đê bằng đất có một cây cầu ván hình cung bắc ngang để thuyền bè có thể qua lại. Đi cầu này dễ té lắm.

 

Tôi còn nhớ ngày ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, đã có một buổi liên hoan trên hòn đảo nhỏ rất xinh đẹp này và ngày ấy tôi thấy Thủ tướng Diệm mặc quần sọt kaki (như hướng đạo) đến dự văn nghệ hò giã gạo, kéo dài từ chiều tới tối.  Đó là hình ảnh đẹp nhất mà tôi nhớ về làng của tôi.

 

Cuối làng nơi ông Ngô Đình Cẩn cho xây một biệt thự nghỉ mát, có bến đò/phà để đi qua lại giữa Tân Mỹ và bãi biển Thuận An. Thời đó, thỉnh thoảng có những vụ đò lật làm chết người bởi sông Hương ở đoạn này có nhiều sóng chứ không lặng như tờ như ở đoạn thượng nguồn trên thành phố Huế.

 

Kiến trúc kỳ lạ: nhà cửa như những chiếc hộp chồng chất lên nhau ở  thành phố Longueil bên kia sông

 

Khác với cha mẹ tôi, tôi chưa một lần đi lên Huế bằng đò (ghe) và cũng không đi đâu xa hơn bãi biển Thuận An cách làng tôi chừng một cây số. Thường ngày tôi qua Bãi Dương chơi vọc cát, bắn chim bằng ná, ngủ trưa, nghịch ngợm với bạn bè cùng tuổi, tắm sông ban ngày hay cả ban đêm, thỉnh thoảng được qua tắm biển Thuận An là những thú vui của tuổi nhỏ ở làng quê (biển Thuận An nhiều sóng và không đẹp bằng biển Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên, gần đèo Hải Vân).

 

Nhưng tắm đêm trên sông phía bên này hay bên kia cồn cát vẫn là sợ nhất, bởi mấy đứa lớn luôn dọa có ma rà hay con rái cá. Tôi chẳng biết ma rà là con ma gì chỉ nghe nói nó có tóc dài như đàn bà và đứa nào bị nó bắt mà còn sống thì sau này sẽ trở thành người khùng hay đờ đẫn.

 

Bơi giữa đêm trăng mà thấy bóng mình dưới nước dễ tưởng tượng bị ma rà đang rượt theo. Con rái cá có thể là con hải cẩu lạc vào từ biển chăng, nhưng tôi chưa gặp. Ở làng quê những đứa lớn hay cả người lớn đôi khi cũng thêu dệt nhiều chuyện vô lý khiến bọn trẻ con sợ, nhưng đời sống ở nhà quê là vậy.

 

Có lẽ do sinh ra ở gần biển, lớn lên cạnh sông An Cựu (tức kênh Lợi Nông) và thích đi dạo dọc sông Hương từ  Vỹ Dạ lên chùa Thiên Mụ nên lúc nào tôi cũng mê ngắm sông biển và thích đi tàu bè. Tôi chỉ xa Huế khi lên đại học. Bởi vậy, mỗi lần đi du ngoạn hay du lịch, tôi thường tìm cách tới gần nước.

 

Sau khi anh Mặc Văn Đức cho thưởng ngoạn  một vòng “Montreal by Day”, chúng tôi trở về phòng trọ chuẩn bị cho một buổi chiều cuối cùng tại Gia Nã Đại.

 

Sông nước và lễ hội đèn lồng

 

Từ chỗ trọ ở khu Quartier Latin, chúng tôi đi bộ ra bờ sông Saint-Laurent tới bến cảng nơi có những trò du ngoạn sông bằng loại xe lội nước hay bằng tàu. Khác thành phố Boston, xe lội nước ở đây được đặt tên là Amphibus, bởi hình dáng khá giống với chiếc xe bus nhưng có thêm khả năng lội nước như Duckboat ở Boston. Vé $32 Gia kim.

 

Chúng tôi chọn đi tàu ở đây gọi là Bateau-Mouche như ở Paris.  Bateau-Mouche lớn cỡ tàu Captain Cook Cruises ở Sydney, rộng rãi và có bàn ăn uống. Giá $23 Gia kim cho một chuyến đi dài 60 phút. Nhưng nếu đi du ngoạn mà có bao ăn tối hay ăn trưa thì sẽ ngồi lâu hơn và dĩ nhiên giá sẽ đắt hơn.

 

Bến tàu Bateau-Mouche nằm ở Vieux-Port trong khu vực Vieux-Montreal. Từ khu Chinatown dùng đường Boulevard Saint-Laurent đi một mạch chừng năm bảy trăm mét là tới ngay cảng cũ Vieux-Port. Cũng xin lưu ý bạn đọc dù Gia Nã Đại coi Anh và Pháp là hai ngôn ngữ chính thức nhưng tại Montreal, đường sá vẫn đề bảng bằng tiếng Pháp.

 

Trước tòa thị chính   khu Vieux Montreal

 

Tàu chạy dọc sông Saint-Laurent để khách ngắm cảnh thành phố trên đảo Montreal như tháp đồng hồ Tour de L’horloge và nhà cửa của Longueil phía bên kia sông, nơi có những tòa cao ốc với kiến trúc tân kỳ đến lạ kỳ như những chiếc hộp rời chồng chất lên nhau một cách lộn xộn. Longueil là một thành phố nằm trong lục địa, đông dân hàng thứ năm ở tỉnh bang Quebec.

 

Rồi tàu sẽ chạy quanh Ile Sainte-Hélène, một hòn đảo nhỏ được coi là báu vật của Montreal nơi từng tổ chức hội chợ quốc tế Expo 1967 và hiện có một trung tâm giải trí gọi là theme park.  Chiếc cầu Pont Jacques-Cartier bắc ngang trên đảo Ile Sainte-Hélène từ thành phố Longueil tới thành phố Montreal  là chiếc cầu mà chúng tôi đã đi qua hai lần khi vào Montreal và khi trở về New York.

 

Chúng tôi đi du ngoạn trên sông Saint-Laurent vào lúc một giờ trưa nên cảnh vật nhìn rất rõ và cũng vì thế mà thấy bớt đẹp chăng bởi đoạn sông này cảnh không thơ mộng, lại thấy quá nhiều bến cảng,  tàu chở hàng và cần cẩu. Theo tôi nghĩ, cảnh ở đây không đẹp bằng trên sông Charles của Boston, thua xa sông Seine ở Paris và sông Hudson ở New York. Có thể do đoạn đường ngắn 60 phút của chuyến du ngoạn chăng?

 

Trong một tiếng đồng hồ,  người hướng dẫn tour nói liên tục bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha nên bạn sẽ rất rối trí và nhức đầu. Bởi vậy, khác với những chuyến đi tour trước và sau này, khi xuống tàu thấy chẳng ai cho người đàn ông nói trơn tru ba thứ tiếng tiền tip, tôi cũng lờ luôn vì thấy ông ta làm phiền (lỗ tai) mình hơn là phục vụ.

 

Chợ Marché Bonsecours, nơi du khách tới mua sắm

 

Mới 2 giờ, tôi nghĩ còn sớm nên ghé vào chợ Marché Bonsecours đối diện với bến cảng để cho vợ con mua sắm cho đã. Về phòng trọ cất đồ, chúng tôi đi xe metro tới sân vận động và tháp Montreal Tower mà chúng tôi quan sát hồi sáng. Trạm để nhảy xuống là Pie-IX metro station.  Chúng tôi tính toán giờ giấc làm sao để sau đó đi xem hội đèn lồng vào khoảng 7 giờ tối lúc hoàng hôn bắt đầu xuống là đẹp.

 

Tới nơi khoảng 5 giờ chiều, thấy không có bao nhiêu du khách và khi hỏi lầu vọng cảnh Observatory của tháp Montreal Tower còn mở cửa không thì các nhân viên an ninh cho hay tới 5 giờ chiều đóng cửa. Thế là chúng tôi mất cơ hội đi lên cái tháp mà anh Mạc Văn Đức đã giải thích cho chúng tôi hồi sáng. Vì thế chỉ còn đi quanh quẩn tháp và sân vận động ngắm và chụp hình, chờ trời sắp tối đi qua Botanic Garden bên cạnh.

 

Vận động trường và Tháp Montreal nghiêng 45 độ

 

Montreal Stadium được xây để tổ chức Thế vận hội Montreal 1976, sức chứa 91,000 người. Nơi đây, khi giáo hoàng qua đã có 50,000 người đến dự và nghe ca sĩ Celine Dione hát.

 

Cạnh sân vận động là tháp Montreal Tower, một công trình do các kiến trúc sư  Pháp và Montreal thực hiện cao 175 mét. Với độ nghiêng 45 độ, đây là tháp nghiêng cao nhất thế giới. Vì nhiều lý do mà tháp cũng như lầu vọng cảnh chỉ hoàn tất 10 năm sau Thế vận hội 1976.

 

Trần của sân vận động giống cái khăn mouchoir, dày cả gang tay được kéo lên và “cất” vào lỗ hổng vuông của tháp. Anh Mạc Văn Đức cho biết trần đã bị hư một lần khi kéo lên gặp lúc gió mạnh, sửa mất $8 triệu nên người ta không dám mở lại. Anh Đức nói đã mấy chục năm qua từ ngày cái tháp nghiêng được xây, kiến trúc này vẫn còn là một công trình độc đáo có một không hai. Tháp Pisa ở Ý chỉ nghiêng 5 độ mà thôi.

 

Trần vận động trường giống chiếc khăn mù-soa, khi kéo lên sẽ được cất vào lỗ hổng trên tháp

 

Bạn thử tưởng tượng một tòa nhà nghiêng 45%, cao 175 mét với lầu vọng cảnh trên cao có diện tích tổng cộng 14,606 mét vuông và nặng 16,363 tấn  tương đương với sức nặng của 3 chiếc hàng không mẫu hạm mà đứng vững không sập thì chẳng phải là một tuyệt tác kiến trúc sao?

 

Băng qua bên kia đường Rue Sherbrooke bạn sẽ gặp khu Botanic Garden (Jardin Botanique) được xem là một “bảo tàng viện thiên nhiên của Montreal.  Ở đây có Chinese Garden, Japanese Garden và đủ loại vườn cây cảnh khác trong đó có một nhà kính với những cây bonsai của người Việt tặng để triển lãm cho khách vào xem miễn phí gọi là Bonsais Vietnamiens. Bác sĩ Tăng Quốc Kiệt là người tặng cho phòng trưng bày này nhiều cây bonsai tuổi từ 45 đến 85.

 

Trong khu vực gọi là Place des donateurs trước tượng của Sư huynh Marie-Victorin (1885-1944), người có công sáng lập ra vườn Botanic Garden của thành phố Montreal, chúng tôi thấy có tên vài người Việt có đóng góp gì đó cho vườn bách thảo và tên được khắc trên gạch lót đường đi.

 

Có nhiều loại vé vào cửa, riêng rẻ hay kết hợp với Tháp Montreal v.v… Vì đã bắt đầu tối nên chúng tôi chỉ chọn mua loại rẻ nhất $16 Gia kim gồm vào Botanic Garden và xem Insectariun. Mục tiêu của chuyến đi tham quan của chúng tôi là khu Chinese Garden với hội đèn lồng (La Magie des Lanternes)mà những người bạn ở Montreal giới thiệu.

 

Cây Bougainvillea Spectabilis 85 tuổi do Bác sĩ Tăng Quốc Kiệt tặng

 

Hội đèn lồng kéo dài từ tháng 9 đến tháng 10, bắt đầu từ 7pm đến 9pm. Chúng tôi đi đúng lúc dù không có xem giấy quảng cáo hay chỉ dẫn trước.

 

Chúng tôi vào đúng lúc mặt trời bắt đầu lặn, còn những ánh vàng mờ nhạt trên đường chân trời nên những ngọn đèn lồng đủ màu sắc và kích thước từ cổng Vườn Tàu vào sâu bên trong sáng trông rất đẹp mắt. Chụp hình hay xem cảnh đèn điện lên khi hoàng hôn xuống với vẻ mờ mờ ảo ảo đẹp khác khi bóng đêm đã bao phủ, lúc chỉ thấy đèn sáng lung linh chứ không thấy người và cảnh vật chung quanh. Chắc bạn đồng ý với tôi về điểm này?

 

Đường vào xem hội đèn lồng ở Botanic Garden

 

Trong Vườn Tàu có khoảng 700 cái lồng đèn (lantern). Càng đi sâu trong vườn càng thấy nhiều đèn lồng với hình thù và sự tích khác nhau. Nào là đèn tròn, đèn vuông, đèn cá chép, đèn cá ngựa, đèn sư tử, đèn rồng…

 

Giữa vườn là một cái hồ nhỏ với những đèn lồng dàn dựng những câu chuyện cung đình, vua chúa, các vũ công, văn công đánh trống, các kỳ nữ đánh đàn. Tất cả những màn biểu diễn này đều ở trên mặt nước về đêm, trước một cái nhà thủy tạ cũng được trang trí đèn đóm như lễ Giáng sinh.

 

Có lẽ ban ngày những lồng đèn to nhỏ hình người và vật dụng sẽ trông rất thô tục hay vô duyên, nhưng về đêm thì thật tuyệt vời. Cảnh đèn trong hồ thu hút du khách đứng xem nhiều nhất.

 

Đèn đủ loại giữa hồ

 

Mua sắm và ăn uống ở Montreal

 

Gia Nã Đại là xứ lạnh nên mua sắm y phục mùa đông có lẽ là thích hợp nhất. Chúng tôi đến đấy vào đầu thu nhưng người ta đã bắt đầu bán đồ mùa đông nên cả nhà mặc sức mà mua sắm chuẩn bị cho mùa lạnh gần một năm sau ở Úc. Biết vậy, nhưng hễ thấy bảng treo chữ SALE thì mua ngay dù còn lâu mới dùng.

 

Có những người không bao giờ dùng thẻ tín dụng để khỏi phải mắc nợ, chịu những chi phí của ngân hàng. Nếu bạn đã chuẩn bị trước và gặp lúc đồng đô Úc lên cao như có khi tới 97 xu Mỹ kim để mua sẵn, dành lúc đi du lịch thì bạn là người tính toán giỏi nhất.

 

Nhưng qua tận nơi mới đổi tiền thì cũng gặp vài rắc rối. Có những ngân hàng không nhận đổi tiền cho người không phải là khách hàng của họ; ngân hàng khác lại chỉ cho đổi tối đa một ngàn đô một lần. Ở Montreal, ra khu Chinatown, có cửa tiệm đổi tiền thoải mái. Một ngân hàng của Gia Nã Đại chỉ cho chúng tôi tiệm đổi tiền này và còn cho rằng ở ngoài Chinatown họ đổi hối suất cao hơn ngân hàng nữa. Thời gian chúng tôi ở Montreal cuộc khủng hoảng tài chánh đã bắt đầu, nhưng tiền Úc cũng chưa xuống thấp như hiện nay.

 

Bởi vậy, cứ thấy giá cả treo trên áo quần sao mà rẻ đến thế. Nhưng đấy là chưa tính thuế. Người đi du lịch từ Úc dễ bị hoa mắt với giá cả ở Mỹ và Gia Nã Đại bởi vì chưa nhận ra sự khác biệt hối suất giữa đồng Úc và đồng tiền bản xứ. Chỉ khi nào nhận cái bản tường trình của ngân hàng hay ngồi tính lại đồng tiền vừa đổi mà chỉ mua được từng đó món thì mới thấy cũng chẳng rẻ là bao hay bằng giá ở Úc. Nhưng đi du lịch mà không mua sắm thì mất vui, phải không bạn?

 

Ở Montreal Cổ (Vieux Montreal) có chợ Marché Bonsecours là nơi tôi thấy có quảng cáo trên các chỉ dẫn du lịch ở Montreal. Chợ nằm trên con đường sát bờ sông Saint-Laurent gần bến cảng. Đây là nơi chúng tôi “thu mua” khá nhiều áo quần bởi có cảm tưởng rẻ.

 

Phở Bắc ở khu Chinatown

 

Tôi là dân bún bò Huế nhưng từ ngày qua sống ở Úc lại thích ăn phở hơn. Ở nhà thỉnh thoảng được con cháu tới làm món  “lẫu phở” nên càng ngày càng trở thành người mộ “đạo phở”. Ăn lẫu phở  cũng giống lẫu bò, lẫu đồ biển, lẫu bún bò Huế, có thể ngồi nhâm nhi lâu hơn là được phát cho một tô phở, chưa ăn hết đã nguội mất.

 

Bởi vậy khi qua Montreal tôi phải hỏi “sư  phở”  là Trường Kỳ phở ở đâu ngon nhất. Nghe tôi sẽ đi thăm Tử vi gia Thiên Phúc, anh Trường Kỳ nói ở vùng Cotes-des-Neiges có Phở Liên rất ngon đến độ buổi trưa hay cuối tuần phải sắp hàng. Anh bạn Mạc Văn Đức cũng có cùng nhận xét, nhưng khi đến nơi bác Thiên Phúc lại đưa chúng tôi đi ăn nhà hàng Tàu.

 

Cách nhà anh Trường Kỳ mấy căn có phở Đa-Kao nhưng đã không nghe anh giới thiệu. Khi vào khu Chinatown, có một số nhà hàng Việt Nam trong đó có Phở Bắc được anh Mặc Văn Đức giới thiệu là ngon, chúng tôi thấy khá ngon và giá phải chăng. Tô nhỏ $5.50, trung bình $6.50 và lớn $7.50 Gia kim. Ăn trưa vào ngày thường, chúng tôi thấy quán Phở Bắc khá đông khách, dĩ nhiên có người bản xứ da trắng.

 

Chúng tôi cũng đã được anh Trường Kỳ giới thiệu ăn nhà hàng Peru với những món đồ biển của xứ Châu Mỹ La Tinh nhưng ấn tượng nhất vẫn là nhà hàng Kiều Anh do ông Nam làm chủ với những món ăn đặc biệt của miền bắc.

 

Cô Kiều Anh con gái chủ quán với những món ăn do ký giả Trường Kỳ gọi để đãi chúng tôi

 

Kiều Anh là tên con gái của ông Nam, từ Hà Nội mới sang và làm chủ tiệm này được 4 năm. Trước đó nhà hàng đã có 8 đời chủ. Hình như tại mọi tiệm Việt và Tàu Trường Kỳ là người quen thuộc của quán khi anh dẫn chúng tôi đến ăn. Điều này chứng tỏ nhà báo là người ăn cơm tiệm kinh niên nên rất rành ăn uống và các món ăn. Tôi là người chỉ thích thưởng thức chứ không có trí nhớ về tên đồ ăn nên không thể kể lại các món ăn của nhà hàng Kiều Anh, chỉ biết có chả, mực, ốc, cá…

 

Chỉ nhớ một món duy nhất và cuối cùng là Trà Tân Cương tên một xã ở Thái Nguyên mà ông chủ đặc biệt khoản đãi khách sau bữa ăn. Rót từng cốc nhỏ, giới thiệu xuất xứ trà và sau đó ngâm một bài thơ do ông sáng tác. Đúng là nhà văn nghệ nên gặp chủ quán cũng văn nghệ văn gừng như ai.

 

Chúng tôi có nhiều lần đi bộ trên đường Rue Sainte-Catherine, con đường mà về đêm được xem là khu của giới đồng tính. Chúng tôi có thấy vài tiệm Việt Nam trong đó có tiệm Ông Cả Cần mà cách viết chữ bay bướm khiến ban đầu tôi tưởng là nhà hàng Ông Già Gân. Đây là một tiệm trông lịch sự nếu không muốn nói là khá sang trọng, bởi nằm trên con đường lớn trong khu phố buôn bán chính mạch, như các tiệm ăn trên phố Melbourne.

 

Anh Mạc Văn Đức mời chúng tôi vào ăn trưa ở đây. Bàn trải khăn trắng, nhân viên ăn mặc lịch sự. Có nhiều bàn đã đặt chỗ trước. Khách phần lớn là nhân viên văn phòng ra ăn trưa. Anh Đức giới thiệu chúng tôi món mì thòng. Khá ngon.

 

Nghe nói Ông Cả Cần –người khai sinh ra nhà hàng này ở Montreal– đã chết và chủ nhân của nhà hàng này là con cái, thuộc thế hệ thứ hai.

 

Chủ quán Kiều Anh (giữa) đãi khách Trà Tân Cương và ngâm thơ

 

Tập tục của Mỹ-Pháp: một “tai nạn” cho du khách

 

Đêm cuối cùng ở Montreal sau khi coi hội đèn lồng trở về Chinatown thì cũng đã gần 10 giờ tối nên nhiều tiệm đóng cửa, kể cả tiệm Phở Bắc mà chúng tôi đã từng ăn.

 

Chúng tôi chỉ thấy còn một tiệm Việt Nam mở cửa nên vào ăn qua loa để khỏi đói bụng. Có một kinh nghiệm mà chúng tôi kể ra hầu bạn đọc về việc chúng tôi bị nhân viên một tiệm phở người Việt đi theo đòi tiền tip vì chưa trả đúng “luật định là 10 phần trăm”.

 

Tôi đã đi du lịch khá nhiều nơi trong suốt 18 năm qua và đến nhiều xứ trong đó có tập quán cho pourboire hay tip như Pháp, Mỹ. Nhiều người bạn ngoại quốc mười năm về trước dặn tôi sang Mỹ nhớ đổi ít tiền lẻ để cho những người xách hành lý kẻo bị họ than phiền hay rủa. Họ cũng dặn tôi nên cho tiền tip từ 5% đến 10% để tránh bị nguýt ngoáy hay cằn nhằn.

 

Nhập gia tùy tục, tôi thường đưa tiền tip khoảng 10 phần trăm cho tài xế taxi, các tiệm ăn (nếu họ không ghi ra tiền service trong cái bill). Với những người thuyết minh trên các tour, tôi thường để lại trên xe, tàu  hay đưa cho họ vài đô la, nghĩ cũng là phải chăng.

 

Nhưng việc cho tiền tip hay trả tiền service đôi lúc cũng nhiêu khê hay kỳ quặc, như có tiệm beefsteak ở Times Square tại New York có anh hầu bàn Mỹ quá vui vẻ, nói lia chia không ngơi miệng làm mình cũng mất đi sự thoải mái khi ăn, vì cần sự yên lặng để thưởng thức món ăn và rượu. Khi đưa cái bill, anh ta ghi thêm: nếu cảm thấy service tầm thường, xin cho 15%, nếu trung bình 20% và nếu service tuyệt vời, xin cho thêm 25%.

 

Tôi nghĩ công service của anh ta cho 15% là quá được, nhưng con cái đề nghị cho cao hơn chút nữa bởi anh ta làm cho mình vui.

 

Tôi có quan niệm cho tiền tip là để tỏ sự hài lòng của mình đối với dịch vụ mình nhận được. Có lúc tôi cho cao hơn sự trông đợi của người hầu bàn, nếu tôi có hứng thú. Nhưng qua Mỹ nghe nói ở đấy phải cho tip vì những người hầu bàn được trả một giờ chỉ vài đô la nên họ sống bằng tiền khách hàng cho.

 

Tôi thấy nước Mỹ văn minh giàu có nhưng về mặt an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của người dân thua xa xứ Miệt Dưới chúng tôi. Trường hợp để công nhân sống nhờ vào tiền tip của khách hàng là một sự không công bằng bởi chủ nhân phải trả lương cho công nhân xứng đáng với công sức họ bỏ ra, tức chính phủ phải ấn định mức lương tối thiểu chứ không nên để công nhân trông cậy vào sự rộng rãi hay lòng thương xót của khách hàng.

 

Nhưng cũng nên nhớ Mỹ là một quốc gia với lịch sử  có giai cấp chủ nhân và nô lệ, còn phân biệt đối xử, kỳ thị cho đến giữa thế kỷ 20. Nhiều du khách cảm thấy bực mình vì tập tục cho tip và đòi tip;  và trái lại nhiều công dân Mỹ than phiền du khách (như Nhật) kẹo. Người Nhật không có tập tục cho tip và nhận tip, văn hóa võ sĩ đạo mà. Người Úc cũng vậy, chỉ gần đây có vài người Úc nói trên báo chí họ có thói quen cho tip khi ăn ở các nhà hàng, nhưng đấy chỉ là thiểu số, bị Mỹ hóa.

 

Nhà hàng Ông Cả Cần trên đường Rue Sainte-Catherine

 

Như đã nói, dù muốn dù không nhập gia phải tùy tục. Nhưng đối với một số tiệm quá bình dân, trông xập xệ và chẳng có gì gọi là phục vụ đúng nghĩa, tôi thường chỉ để lại tiền thối dư thừa, nhưng luôn bảo đảm khoảng 5% gọi là chút hương hoa.

 

Bởi vậy, khi ăn ở cái tiệm phở khu Chinatown ở Montreal bên Gia Nã Đại thấy chỗ ngồi không thoải mái, phục vụ chậm, và khi gặp bà chủ quán (hay thu ngân viên) mặt mày đăm đăm, hỏi bao nhiêu, bà nói xẳng $57 nên tôi để $60 trên quầy và đi ra. Tôi nghĩ quán này hơi đắt so với quán khác bởi 5 người mỗi người ăn một tô phở hay một đĩa cơm sườn và một ly nước ngọt, riêng tôi một lon bia.

 

Nhưng khi chúng tôi gần tới cửa, một người bồi bàn hối hả chạy theo cầm cái đĩa trên đó có 3 đô la và miếng giấy in từ máy tính lớn gần bằng hộp diêm với vỏn vẹn con số tổng cộng $57 như  receipt  ở shop tàu. Anh ta nói với tôi “xin đưa thêm tiền vì luật buộc tiền tip là 10 phần trăm”. Tôi khá ngạc nhiên nên hỏi xẳng lại “thế còn thiếu bao nhiêu?”, anh ta đáp: “3 đô la”.

 

Tôi mò trong túi bỏ lên đĩa 3 đô la tiền cắc cho xong chuyện vì thấy anh này mặt mày “đáng nể”. Có lẽ anh ta thấy tôi là du khách –sẽ không bao giờ trở lại– nên hù với cái “luật buộc” đó?

 

Tôi nghĩ làm gì có cái luật buộc phải cho tip 10% đối với tiền tươi, không tax invoice, không biên lai ghi tiền các món ăn hay ghi tiền service. Đấy là luật rừng. Đưa tiền tươi cho người hầu bàn chỉ là tập tục, nhưng đã trở thành hủ tục đối với tiệm phở này.

 

Kinh nghiệm này làm tôi nhớ lại một kinh nghiệm khác tại một nhà hàng Tàu trong chuyến du lịch ở Vanuatu hồi gần đây. Người hầu bàn là một cô gái người bản xứ, da đen. Tôi biết ở Vanuatu người bản xứ được trả lương  rất thấp. Thấy mặt cô ta phúc hậu, phục vụ vui vẻ nên khi ăn xong, nhận cái bill tôi đưa tiền chẵn và yêu cầu cho lại cái biên lai. Cô hầu bàn đem lại cái biên lai với một số tiền lẻ, tôi để lại tiền tip dĩ nhiên là hơn 10%. 

 

Nhưng khi cô mang cái khay tới bàn tính tiền, tôi thấy bà chủ quát lên, hỏi tiền tip đâu rồi và với tay tịch thu số tiền cô đang cầm trên tay. Cô gái nhìn tôi buồn rầu như cầu cứu nhưng tôi chẳng biết làm sao mà cho riêng vì không muốn gây chuyện làm chuyến du lịch mất vui và có hại cho việc làm của cô gái này.

 

Vợ con chúng tôi bực tức, tôi cũng cảm thấy rất bất nhẫn về hành động đó của bà chủ.  Tôi không rõ giữa chủ và công nhân có sự đồng thuận gì về tiền tip và cũng không muốn biết để làm gì. Nhưng tôi không thích phải làm điều gì mình không muốn.

 

“Tai nạn” ở tiệm phở trong Phố Tàu bên Montreal cũng là kinh nghiệm đáng kể lại đối với loạt bút ký đường xa này.

 

Không phải là ông hoàng bà chúa hay đại gia, dành dụm tiền để đi chơi ở nơi nào mà không bị rượt theo đòi cho đủ tiền tip có lẽ thích thú hơn, phải không bạn?  (còn tiếp)

 

(TVTS    7.1.2009)