HOÀNG HOA HỘI và Mẹ McKillop. Rượu nào cho mùa đông sắp tới?

12 Tháng Năm, 2010 | Tìm hiểu về rượu

 

 

 

Hoàng Hoa Hội – tức câu lạc bộ của độc giả TVTS thích uống và thích tìm hiểu về rượu nói chung– có liên quan gì tới vị nữ tu sắp trở thành Thánh nữ đầu tiên của nước Úc, LNĐ xin giải thích ở phần cuối bài, còn phần đầu xin dành cho việc trả lời các câu hỏi về rượu của các hội viên.

 

Đông tím – Vang đỏ

 

Các đấng thi văn nhạc sĩ gốc Mít sính dùng từ, thường gọi bốn mùa là “xuân xanh – hạ trắng – thu vàng – đông xám”, tuy nhiên tửu sĩ Nguyễn VH ở Victoria còn văn huê hơn một bậc khi sử dụng chữ “đông tím”.

 

Số là tử sĩ họ Nguyễn đã yêu cầu hội chủ (chứ không phải “chủ hụi”) Hoàng Hoa Hội giới thiệu vài chai rượu “vang đỏ” đáng đồng tiền bát gạo để tửu sĩ uống trong mùa “đông tím” sắp tới.

 

Trả lời:

 

Nguyễn tửu sĩ thân mến,

 

Với một người thích chơi tới nơi tơi chốn, ngân sách gia đình “thặng dư” mà lại “uống thường nhưng không uống bao nhiêu” như tửu sĩ, LNĐ đề nghị mua các chai shiraz kha khá một chút, giá từ 30 tới 40 đô-la một chai, chẳng hạn:

 

– Mount Pleasant Rosehill  Shiraz

 

– Penfolds 128

 

– Wolf Blass Grey Label Shiraz

 

– Passing Clouds Reserve Shiraz

 

Trường hợp muốn chơi đẹp với anh sui (cũng là dân sính vang đỏ), tửu sĩ có thể mua một trong các chai shiraz sau đây:

 

– Fox Creek Reserve Shiraz (khoảng $60 )

 

– Mount Langi Ghiran Shiraz (khoảng $60)

 

– Henschke Mt Edelstone Shiraz (khoảng $70-80)

 

Có điều LNĐ hơi thắc mắc là tại sao Nguyễn tửu sĩ hỏi về vang đỏ của Úc mà chỉ nhắc tới shiraz, không thấy nhắc tới cabernet sauvignon – một loại vang đỏ nổi tiếng khác của Úc (thường được gọi tắt là “cabernet”, hoặc có khi ngắn gọn hơn, là “cab”).

 

Nếu Nguyễn huynh đã uống thử mà không thích thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu chưa uống, hoặc uống rồi mà không để ý, LNĐ xin giới thiệu đôi hàng như sau:

 

Theo kỹ nghệ rượu vang quốc tế, trong số hàng trăm giống nho trồng để làm rượu vang, có 6 loại được xem là quý phái (noble) nhất, gồm 3 trắng – sauvignon blanc – riesling – chardonnay, và 3 đỏ – cabernet sauvignon – merlot – pinot noir.

 

Tức là không có shiraz!

 

Sở dĩ shiraz trở thành loại vang đỏ phổ biến và nổi tiếng nhất của Úc, là vì điều kiện phong thổ của Úc thích hợp nhất với giống nho này. Từ đó, các nhà trồng nho và làm rượu vang đã tìm hiểu, rút tỉa kinh nghiệm để sản xuất những chai shiraz ngon nhất thế giới, chẳng hạn “Grange” của hãng Penfolds, chai “Platinum Label” của hãng Wolf  Blass.

 

Nhưng ở Pháp nói riêng, các nước tây phương khác nói chung, các chai vang đỏ nổi tiếng thường làm bằng nho cabernet sauvignon. Sự khác nhau giữa vang đỏ shiraz và vang đỏ cabernet sauvignon là: trong khi shiraz có “vị”  đậm đà nhất, thì cabernet sauvignon nổi bật nhờ “sắc – hương”: màu rượu đẹp hơn, và mùi rượu thơm hơn.

 

Nếu so sánh hai loại vang đỏ này với đàn bà con gái, LNĐ có thể viết shiraz là một người vợ đảm đang, còn cabernet sauvignon là một người vợ xinh đẹp hấp dẫn. Nếu khi lập gia đình, tùy quan niệm của mỗi người mà chúng ta sẽ ưu tiên chọn nết hay chọn sắc, thì uống rượu cũng thế.

 

Người nào thích nhìn ngắm màu rượu, ngửi mùi thơm của rượu trước khi uống, thì sẽ chuộng cabernet sauvignon, còn người nào cầm ly lên là uống ngay, để khoan khoái hưởng cái vị đậm đà thấm qua từng kẽ răng, thì sẽ chuộng shiraz.

 

Vì thế, nếu Nguyễn tửu sĩ chưa từng uống cabernet sauvignon, hoặc uống rồi mà không để ý phân biệt, nhận xét, LNĐ đề nghị tửu sĩ uống thử một số chai cabernet sauvignon được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, như:

 

– Wynns Coonawarra Estate Cabernet Sauvignon ($30-35)

 

– Orlando St Hugo Coonawarra Cabernet Sauvignon (($30-35)

 

– Balnaves Coonawarra Cabernet Sauvignon (($30-35)

 

Hoặc “nhẹ tiền” hơn, như:

 

– Saltram Mamre Brook Cabernet Sauvignon (khoảng $20)

 

– Rosemount Estate Show Reserve Cabernet Sauvignon (khoảng $20)

 

– West Cape Howe Cabernet Sauvignon (khoảng $20)

 

– Ring-bolt Cabernet Sauvignon (khoảng $20)

 

Muốn thử “sắc – hương – vị” của cabernet sauvignon, nên đi chung với các món ăn sau đây: bò bí-tết, sườn cừu nướng, hoặc vịt Bắc Kinh).

 

Rượu chai hay rượu bình giấy?

 

Tửu sĩ “Cổ Xanh” ở West Footscray viết:

 

Nếu LNĐ đọc phụ trang ẩm thực của nhật báo The Age tuần qua, hẳn phải thấy người chủ biên đã dành phân nửa để đánh giá, ca tụng rượu đựng trong bình giấy (cask). Thí dụ: ông ấy so sánh một số rượu đựng trong bình giấy 2 lít, nếu tính ra chai 750ml thì chỉ giá 3, 4 đô-la một chai, nhưng nếu mua cùng một loại rượu nhưng đựng trong chai thì giá gần gấp đôi, có khi gấp đôi.

 

Tôi là dân “cổ xanh”, xưa nay lấy rượu đựng trong bình giấy làm căn bản, vừa túi tiền mà cũng thấy ngon. Nhưng bạn bè tới chơi, đem ra mời thì họ hay chê, tuy nửa đùa nửa thật nhưng mình cũng mặc cảm. Nay, nói có sách mách có chứng là bài báo của The Age, LNĐ có ý kiến gì chăng?

LNĐ xin trả lời Tửu sĩ “Cổ Xanh” như sau:

 

Kẻ hèn này có đọc phụ trang The Age số nói trên, và như một sự trùng hợp vô tình, mấy ngày sau, các báo đã loan tin “Cha đẻ của rượu bình giấy qua đời vào tuổi 92”.

 

Đó là ông Thomas Angove, chủ nhân của hãng rượu Angove Wines ở Nam Úc. Xưa nay, hãng rượu Yalumba thường hãnh diện khoe họ là hãng đầu tiên có sáng kiến đựng rượu vang trong bình giấy 2 lít. Nhưng nếu nói về nguồn gốc rượu bình giấy (cask) thì phải ghi công ông Thomas Angove.

 

Lúc đó là đầu thập niên 1960, ông Thomas đã có sáng kiến đựng rượu vang trong những túi plastic có thể mở ra rồi dán lại (resealable plastic bag) và bỏ trong một hộp giấy để bán cho khách hàng.

Mặc dù sau này, người ta đã cải tiến bằng cách gắn một cái rô-bi-nê (tap) vào túi plastic cho việc rót rượu được nhanh chóng, tiện lợi, ông Thomas Angove vẫn phải được xem là “cha đẻ của rượu vang đựng trong bình giấy”.

 

Ngày nay, chúng ta thấy đủ cỡ bình giấy, từ 2 lít cho tới 10 lít (dành cho các nhà hàng), thật là tiện lợi và đỡ tốn kém.

 

Cách đây mấy năm, LNĐ đã làm công việc mà phụ trang ẩm thực của The Age vừa làm. Dù không công phu, chi tiết bằng The Age, LNĐ cũng đưa ra cùng một kết luận: rượu vang đựng trong bình giấy 2 lít, nếu tính ra chai thì chỉ giá bằng phân nửa rượu vang cùng phẩm chất nhưng được đựng trong chai; và một số rượu đựng trong bình giấy 2 lít uống còn ngon hơn những chai hạng bét.

 

Bình giấy 2 lít phổ biến nhất là của các hãng De Bortoli, Banrock Station, Yalumba… Muốn biết loại vang nào của hãng nào uống được thì phải thử. Sau khi chọn được loại ưng ý rồi thì cứ thế mà mua. Ngày ấy, chính LNĐ cũng “thủ” một vài bình 2 lít để đề phòng lúc hết rượu cạn túi!

 

Thế nhưng, nhiều người không chỉ thưởng thức rượu vang bằng vị giác (miệng lưỡi), khứu giác (2 lỗ mũi”) mà còn bằng thị giác (2 con mắt). Nghĩa là không chỉ quan trọng cái ly uống rượu và màu của rượu, mà rượu ấy được “rót” ra từ chai hay “xả” ra từ bình giấy, cũng ảnh hưởng tới… cái ngon của rượu!

Chính vì thế, dù biết rằng rượu đựng trong bình giấy 2 lít rẻ gấp đôi rượu cùng phẩm chất đựng trong chai, nhiều người vẫn mua chai để “rót” ra ly cho nó đúng điệu, nhất là trong trường hợp nhà có khách.

 

Chính vì thế, sau khi viết về ưu điểm “đáng đồng tiền bát gạo” của  rượu đựng trong bình giấy 2 lít, LNĐ cũng có bài về rượu chai “nô nêm”, tức “cleanskin”.

 

Sau này, qua kinh nghiệm bản thân cũng như của một số thân nhân, bạn bè làm việc cho Woolworths (công ty mẹ của Safeway Liquor, Dan Murphy, BWS bottle shops), LNĐ được biết công thức chung của kỹ nghệ rượu vang là: rượu “nô nêm” có phẩm chất tương đương với rượu có “nêm” giá gấp 2 lần trở lên!

 

Từ đó suy ra, một chai rượu “nô nêm” giá 6, 7 đô-la chắc chắn phải ngon hơn một chai rượu có “nêm” bán cùng giá, vốn cùng phẩm chất với rượu đựng trong bình giấy 2 lít.

 

Vì thế mỗi khi các cửa tiệm lớn bán đại hạ giá (20%, có khi 30%), LNĐ thường mua loại “nô nêm” mắc tiền nhất (9, 10 đô-la một chai), là có quyền uống rượu khá ngon với giá rẻ mạt.

 

Tuy nhiên, như đã viết ở trên, nhiều người không chỉ thưởng thức rượu vang bằng vị giác, khứu giác, mà còn bằng thị giác, cho nên rượu ngon mà đựng trong một chai “nô nêm” cũng thường bị bạn bè có thành kiến, LNĐ đành phải mua một số chai có “nêm” để phòng lúc có khách!

 

Tới đây, tửu sĩ “Cổ Xanh” có thể an tâm tiếp tục uống rượu đựng trong bình giấy, nhưng chỉ nên uống một mình, còn đãi khách thì  nên mua chai có “nêm” để khỏi bị mang tiếng hà tiện.

 

Một điều cần viết thêm, là trong một tiệc rượu đông người (không phải chỉ có 3, 4 bạn thân cùng thưởng thức rượu), chỉ cần đãi rượu  ngon một, hai  “tua” đầu, bởi sau đó, khi không khí đã trở nên ồn ào, sôi nổi, thì rượu nào uống vào cũng… xêm xêm!

 

Sơ đồ vùng Coonawarra; thị trấn Penola nằm tận phía dưới. Hình: Google.map

 

 

Mẹ Mary McKillop và Hoàng Hoa Hội

 

Tới đây, LNĐ xin trả lời câu hỏi: Hoàng Hoa Hội có gì liên quan gì tới Mẹ Mary McKillop, vị nữ tu sắp được phong Thánh?

 

Xin thưa: vì Mẹ đã khởi đầu sự nghiệp của mình tại vùng đất trồng nho để làm rượu vang nổi tiếng nhất của Úc: Coonawarra!

 

Vì thế, tửu sĩ Lê TT ở Sydney mới dự định làm một cuộc “hành hương” Coonawarra, để vừa thăm thánh địa của Mẹ McKillop, vừa thăm thánh địa của rượu vang Úc. Tử sĩ hỏi LNĐ đường đi nước bước. Xin được trả lời như sau:

 

– Theo tiểu sử của Mẹ Mary McKillop, thì Mẹ sinh ra và lớn lên ở  Melbourne, nhưng bắt đầu cuộc đời tu hành tại Nam Úc. Công việc đầu tiên của Mẹ là sử dụng một cái chuồng ngựa bỏ hoang ở thị trấn Penola để mở trường dạy học cho các trẻ em mồ côi hoặc Thổ dân nghèo khổ. Thị trấn ấy nằm trong vùng Coonawarra (xin xem bản đồ đinh kèm trong bài).

 

Coonawarra là một vùng đất ở Bờ biển Đá vôi (Limestone Coast) ở phía Nam thủ phủ Adelaide. Tại Coonawarra có vườn trồng nho của 34 hãng rượu vang, trong đó có những hãng nổi tiếng như Wynns, Balnaves Wines, Jamiesons Run, Majella Wines, Katnook Wines, Hollick Wines, Petaluma Wines, Leconfield…

 

Loại vang nổi tiếng nhất của Coonawarra là cabernet sauvignon. Nếu đi từ Adelaide, Thị trấn Penola nằm ở tận cùng vùng Coonawarra, cho nên khi tới Penola là đã đi qua cả vùng “terra rossa” – đất đỏ này.

 

Về đường đi nước bước tới Coonawarra, thú thật LNĐ… mù tịt. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, khi Mẹ Mary McKillop được phong Chân phước, thì chính quyền địa phương đã phối hợp với chính quyền tiểu bang Nam Úc Adelaide trong việc tổ chức đón tiếp  khách hành hương. T

 

ử sĩ Lê TT và quý độc giả nào muốn hành hương cả hai “thánh địa” Penola và Coonawarra có thể liên lạc với Sở du lịch Nam Úc, hoặc trang mạng về phương tiện, cách thức tham quan vùng này, theo địa chỉ sau đây:

 

www.coonawarradiscovery.com

 

(TVTS số 1254)