Hơn một triệu người ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình đã được điều trị bằng một loại thuốc viêm gan C mới, mang tính cách mạng.
Đó là loại thuốc điều trị viêm gan C bằng cơ chế kháng virus tác động trực tiếp (viết tắt là DAAS), đã được chấp thuận vào năm 2013. Các loại thuốc mới này có tỷ lệ chữa khỏi viêm gan C trên 95%, ít tác dụng phụ hơn so với phương pháp điều trị trước đây, và hoàn toàn có thể chữa khỏi căn bệnh này trong vòng ba tháng. Nhưng ở một mức giá ước tính ban đầu khoảng 85.000 USD, khi mới ra đời đã có những ý kiến lo ngại rằng thuốc sẽ không tiếp cận được với hơn 80 triệu người bị nhiễm viêm gan C trên thế giới, cả với người dân những nước có thu nhập cao.
Nhờ một loạt các chiến lược tiếp cận hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác khác, một loạt các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (bao gồm Argentina, Brazil, Ai Cập, Georgia, Indonesia, Morocco, Nigeria, Pakistan, Philippines, Romania, Rwanda, Thái Lan và Ukrain) đang bắt đầu thành công trong việc cung cấp các loại thuốc viêm gan C cho người bệnh. Chiến lược gồm sự cạnh tranh từ các loại thuốc Generic (là thuốc sử dụng cùng một hoạt chất, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ vậy giá thuốc thường rẻ hơn) thông qua các thỏa thuận cấp phép, sản xuất trong nước và đàm phán giá cả. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Gottfried Hirnschall, Giám đốc khoa HIV và chương trình toàn cầu về viêm gan của WHO: “Đó là sự khuyến khích để cho các quốc gia bắt đầu thực hiện những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, sự tiếp cận vẫn còn nằm ngoài tầm với của hầu hết mọi người.”
Một báo cáo mới của WHO công bố ngày 27.10 cho thấy, mức độ sẵn lòng của chính phủ, sự vận động của xã hội và giá cả từ các cuộc đàm phán đang dần dần giúp bệnh nhân mắc viêm gan C được tiếp cận với thuốc điều trị. Theo thống kê, viêm gan C giết chết gần 700.000 người mỗi năm và là một gánh nặng về năng lực và nguồn lực của hệ thống y tế.
“Thỏa thuận cấp phép và sản xuất ở một số quốc gia đã đi được một chặng đường dài để các phương pháp điều trị hợp lý hơn. Nhưng vẫn có những sự khác biệt rất lớn giữa những quốc gia đang chi trả. Một số quốc gia có thu nhập trung bình, chịu gánh nặng lớn nhất từ bệnh viêm gan C, vẫn phải chi trả giá rất cao. WHO đang làm việc trên mô hình định giá mới cho các loại thuốc đắt tiền khác, để tăng sự tiếp cận với các tất cả các loại thuốc thiết yếu trên toàn thế giới”, Tiến sĩ Suzanne Hill, Giám đốc WHO về thuốc thiết yếu và các sản phẩm sức khỏe, cho biết.
Theo Lao Động