1963-2009: Nhân ngày 1 tháng 11, nhắc lại chuyện xưa, cuộc đảo chánh 46 năm về trước

 

Tổng thống Diệm bị giết ngày 2.11.1963. Hình bên cạnh chụp vào ngày 26.10.1963 tức 5 ngày trước đảo chánh, từ trái: Tướng Dương Văn Minh, Tướng Lê Văn Kim, Đại tá Nguyễn Văn Y và Tướng Trần Văn Đôn. Đại tá Y sau đó bị ba ông tướng này bỏ tù

 

LTS: Kể từ ngày 1.11.1963 đã có nhiều bài vở, sách báo viết về cuộc đảo chánh này mà hệ lụy là ngày 30.4.1975.

 

Cựu thẩm phán Nguyễn Cần, với bút hiệu Lữ Giang, lại có một bài viết khá “nặng tay” với cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua bài viết “Kẻ phản bội” mà ông gởi cho TiVi Tuần-san.

 

Ngày 1.11.2009,  kỷ niệm 46 năm cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, TVTS Online cho đăng bài của Lữ Giang để ôn lại một giai đoạn lịch sử.

 

Lịch sử không là của riêng ai. Nhắc lại lịch sử và phê phán là quyền của mọi người. Đúng hay sai là để công luận phán xét. Thông tin và nhận xét trong bài này là của tác giả Lữ Giang.

 

Lễ thượng kỳ tại Westminster. Ảnh diễn đàn DanTocViet

 

 

Kẻ phản bội

 

Lữ Giang

 

Chúng ta có thể quên đi hay bỏ qua quá khứ để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, nhưng sự thật và lịch sử không thể thay đổi được. Thế nhưng, trong những năm gần đây, có một số người đang cố gắng sửa lại lịch sử VNCH!

 

Hôm 5.10.2009, lễ chào quốc kỳ hàng tháng tại Tượng Đài Chiến Sĩ ở Westminster, California, đã được tổ chức với khoảng 200 người tới dự. Sau đó, lễ này được biến thành lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu! Đại Tá Phạm Văn Thuần, trưởng ban tổ chức, đã đứng lên phát biểu: “Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng là vị Tổng Tư Lệnh của Quân Lực VNCH. Ông đã là một chiến sĩ quốc gia cả đời phục vụ cho đất nước và dân tộc. Nay tưởng niệm đến người chiến sĩ kiên cường chống Cộng Sản này, chúng ta cùng cầu mong cho cố tổng thống được an nghỉ đời đời trên cõi vĩnh hằng.”

 

Nhiều quan khách tham dự đã lên bầy tỏ lòng ngưỡng mộ tinh thần “kiên quyết chống Cộng” của ông Thiệu. Đại Tá Thuần cho biết sang năm sẽ phối hợp cùng nhiều đoàn thể để tổ chức lễ tưởng niệm rộng lớn và trang trọng hơn.

 

Tiếp theo, một lễ tưởng niệm thứ hai đã diễn ra tại nhà hàng Regent West ở Santa Anna, cũng tại California, với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Mai Anh, 80 tuổi, phu nhân của cựu Tổng Thống Thiệu, đến từ Boston, Massachusetts. Ông Đoàn Thanh Liêm, Trưởng Ban Tổ Chức, đã đưa bà Thiệu duyệt qua 2 hàng nữ quân quân danh dự dàn chào. Dân biểu tiểu bang California Trần Thái Văn đã trao cho bà Thiệu “Bằng Tưởng Niệm”!

 

Ông Hoàng Đức Nhã, người thân cận của ông Thiệu, cũng từ Massachusetts đến, ca ngợi cố Tổng Thống “đã đương đầu với Kissenger và các chính khách Hoa Kỳ cấu kết với cộng sản Tàu, CSBV bắt buộc VNCH phải ký vào Hiệp Định Ba Lê ngày 27.3. 1973”.

 

Năm 2008, lễ tưởng niệm này đã được tổ chức tại Best Western Falls Church Inc., Virginia.

 

Buổi lễ tưởng niệm cố TT Nguyễn Văn Thiệu tại Westminster, Quận Cam. Bà Thiệu cùng con trai Nguyễn Quang Lộc và dâu niệm hương trong khi ông Hoàng Đức Nhã đứng nhìn. Hình tư diễn đàn DanTocViet

 

 

Suy tôn “bọn ác ôn côn đồ”?

 

Với những sự kiện trên, rõ ràng là có một nhóm đang âm mưu “phục hồi” địa vị của ông Thiệu, muốn ông đứng ngang hàng với vị thế của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mặc dầu các tài lịch sử được tiết lộ trong thời gian gần đây cho thấy ông Thiệu là một tay sai chính của CIA trong kế hoạch làm đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Diệm, sau đó được CIA đưa lên lãnh đạo miền Nam để giúp nhóm tư bản quốc phòng Mỹ đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và thực hiện mục tiêu của họ.

 

Thực hiện xong, họ bỏ miền Nam lại cho ông Thiệu quay cuồng với những hành động điên rồ khiến miền Nam bị mất một cách nhanh chóng, khoảng 94.000 chiến sĩ VNCH phải chịu cảnh lao tù cay nghiệt của Cộng Sản, gần 3 triệu người phải bỏ nước ra đi, và toàn dân miền Nam phải sống trong cảnh điêu linh.

 

Nhóm tay sai của CIA Mỹ làm đảo chánh và giết ông Diệm, trong đó Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu đóng vai trò chủ chốt, đã bị Tổng Thống Johnson gọi là “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (a goddam bunch of thug). Nay một số người lại mưu toan tôn một tên “ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” đã làm sụp đổ của miền Nam Việt Nam lên làm anh hùng! Đó là một sự nhục nhã đối với VNCH.

 

Chúng tôi biết có rất nhiều người lúc còn VNCH đã mang ơn ông Thiệu, nên họ nghĩ rằng phải làm “một cái gì đó” cho ông ta. Nhưng họ không thể làm sỉ nhục VNCH được. Đại văn hào Voltaire đã từng nói: “Ta cần sự lễ kính đối với người sống; đối với người chết, chỉ cần sự thật.”

 

Chúng tôi đã viết khá nhiều bài nói về sự phản bội của ông Thiệu và trách nhiệm nặng nề của ông trong việc làm mất miền Nam Việt Nam. Với nhiều sự kiện mới, trong bài này, chúng tôi sẽ chứng minh rõ hơn ông Thiệu là một kẻ phản bội Tổng Thống Diệm và tổ quốc, làm tay sai cho CIA lật đổ ông Diệm và đưa miền Nam vào những ngày đen tối.

 

 

Khi CIA vào đảng Cần Lao

 

Đại khái, ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5.4.1923 tại Ninh Thuận. Từ 1948 – 1949, ông theo học khóa sĩ quan trung đội trưởng tại Trường Sĩ Quan Đập Đá ở Huế cùng với Nguyễn Hữu Có, Hoàng Xuân Lãm, Đặng Văn Quang…, và đã tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy.

 

Năm 1951, qua sự mai mối của thân phụ của Chuẩn Tướng Lê Văn Tư, ông Nguyễn Văn Thiệu theo đạo Công Giáo để lấy cô Nguyễn Thị Mai Anh ở Mỹ Tho, con một gia đình công giáo danh giá. Khi theo đạo, Nguyễn Văn Thiệu lấy tên thánh là Martino.

 

Cô Mai Anh sinh năm 1930, học trường bà phước ở Mỹ Tho. Lễ kết hôn được tổ chức vào ngày 18.7.1951. Hai ông bà có 4 người con.

 

Sau khi ông Diệm về chấp chánh, Trung Tá Tá Thiệu rất được ông Nhu tín nhiệm. Ông đã được cho đi học Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Command and General Staff College ở Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ, khóa 1957 – 1958 với Trần Thiện Khiêm.

 

Năm 1959 Trung Tá Thiệu lại được đi tu nghiệp tại Okinawa, Nhật Bản, và năm 1960 trở lại Hoa Kỳ học về võ khí mới ở Fort Bliss.

 

Cuối năm 1960, ông Thiệu trở về Việt Nam và được thăng lên Đại Tá rồi được giao giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Tướng Dương Văn Minh với nhiệm vụ theo dõi Tướng Minh vì Tướng này mới bị khám phá đang có liên lạc với Việt Cộng.

 

Năm 1962, có lẽ do sự sắp xếp của CIA, Đại Tá Thiệu đã xin gia nhập Đảng Cần Lao để được ông Nhu tin tưởng hơn. Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và là Quân Ủy Trưởng của Đảng Cần Lao, nhưng lại thiếu sự bén nhạy về an ninh và tình báo, đã đón nhận Đại Tá Thiệu “một cách hoan hỷ”!

 

Trong kế hoạch xây dựng Ấp Chiến Lược, Đại Tá Thiệu đã có đóng góp nhiều ý kiến rất xuất sắc nên được ông Nhu khen ngợi. Sau đó, Đại Tá Thiệu được cử đi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế.

 

Đầu năm 1963, khi thấy tình hình ở Sài Gòn lộn xộn, theo đề nghị của ông Nhu, Tổng Thống Diệm đã đưa Đại Tá Thiệu từ Huế về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 và Vùng 32 Chiến Thuật đóng ở Biên Hòa, thay thế Đại Tá Nguyễn Đức Thắng. Đây là lý do đã khiến Đại Tá Thắng bất mản. Vì thế, khi được phe đảo chánh móc nối, Đại Tá Thắng nhận lời ngay. Đại Tá Thiệu được ông Nhu trao nhiệm vụ giải cứu thủ đô khi có đảo chánh. Ông Nhu không hề biết Đại Tá Thiệu là người của CIA.

 

Lực lượng dùng đảo chánh

 

Sở dĩ các viên chức Hoa Kỳ phụ trách công tác vận động và tổ chức đảo chánh đã chú ý đến Tướng Khiêm, Tướng Khánh và Đại Tá Thiệu vì đây là ba nhân vật đang được ông Diệm và ông Nhu tin cậy. Cả Tướng Khánh lẫn Tướng Khiêm đã giải cứu ông Diệm trong cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960, còn Đại Tá Thiệu là “con cưng” của ông Nhu.

 

Tướng Khánh lúc đó đang làm Tư Lệnh Quân Đoàn II ở Pleiku, không thể chỉ huy cuộc đảo chánh được, nhưng ông có uy tín, có thể móc nối với các tướng khác.

 

Ngày 6.12.1962, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ký Sắc Lệnh thăng Đại Tá Khiêm lên Thiếu Tướng và giao cho giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân thay thế Tướng Nguyễn Khánh vừa được cử đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn II. Ông Diệm có vẻ tin Tướng Khiêm hơn Tướng Khánh.

Trong tài liệu “Contacts with Vietnamese Generals” (Tiếp xúc với các tướng Việt Nam) do CIA công bố sau này nói rất rõ Tướng Khánh và Tướng Khiêm là “agents” của CIA.

 

CIA thấy rằng không lực lượng nào đang đóng tại Sài Gòn đủ khả năng chống lại Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Lực Lượng Đặc Biệt của ông Diệm. Vì thế, CIA đã quyết định dùng Sư Đoàn 5 của Đại Tá Thiệu làm lực lương chính. Ông Nhu không thể ngờ Đại Tá Thiệu có thể phản bội mình.

 

Trong công điện ngày 22.10.1963 gởi cho Phụ Tá Trưởng Phòng Tình Báo thuộc Bộ Quốc Phòng, ông Jones, Tùy Viên Quân Sự tại Việt Nam, đã báo cáo rằng có ít nhất 4 tướng lãnh và 6 đại tá tham gia đảo chánh, trong đó có Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5. (FRUSS, 1961 – 1863, Volume IV, tr. 419 – 420. Document 206).

 

Lúc 9 giờ 21 phút tối 29.10.1963 Trung Ương CIA ở Washington đã gởi cho Trạm CIA tại Sài Gòn một công điện nói về tương quan lực chung quanh Sài Gòn đã nói rõ Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, về phía bắc, có 9.200 quân, do Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy, được tướng Đôn xác nhận toàn bộ sư đoàn này theo phe đảo chánh (Don’s claim of whole divison). Báo cáo do Hilsman soạn thảo ngày 29.10.1963 cũng đã xác định về sự tham gia đảo chánh của toàn bộ Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm như sau: “Tất cả theo đảo chánh.” (All with coup).

 

Kế hoạch hành quân

 

Theo kế hoạch đảo chánh được tiết lộ về sau, ngoài Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, nhóm đảo chánh đã quyết định dùng hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên (cháu Đỗ Mậu), Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến chỉ huy làm lực lượng xung kích, Trung Đoàn 1 Thiết Giáp ở Gò Vấp bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu và yểm trợ Thủy Quân Lục Chiến chiếm Dinh Gia Long, và khoảng 16.000 tân binh quân dịch ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung do Tướng Mai Hữu Xuân chỉ huy chiếm một số cơ sở phụ trong đô thành Sài Gòn

Theo sự sắp xếp của CIA, Trung Tướng Tướng Dương Văn Minh sẽ đứng ra thành lập và làm Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân cách Mạng (với sứ mạng giết ông Diệm và ông Nhu), Tướng Trần Văn Đôn là Phó Chủ Tịch; Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm thành lập kế hoạch hành quân và chỉ huy cuộc hành quân; Tướng Lê Văn Kim phụ trách soạn thảo các văn kiện sẽ được công bố, v.v.

 

Trước ngày đảo chánh, hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy gồm có Tiểu Đoàn 1 của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 4 của Đại Úy Lê Minh Hằng, được lệnh mở cuộc hành quân giả đánh vào núi Thị Vãi ở Bà Rịa, rồi bất thần quay về chiếm Tổng Nha Công An Cảnh Sát, đài Phát Thanh Sài Gòn và tấn công vào Dinh Gia Long.

 

Trung Đoàn 1 Thiết Giáp ở Gò Vấp do Đại Úy Dương Hiếu Nghĩa chỉ huy, được phân công như sau: Chi Đoàn 1/1 Chiến Xa M24 do Đại Úy Bùi Văn Ngãi chỉ huy, yểm trợ chiếm Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long. Hai Chi Đoàn Thiết Vận Xa M113 là 4/1 do Đại Úy Trần Văn Thoàn chỉ huy và 5/1 do Trung Úy Nguyễn Văn Tỷ (thay Đại Úy Hà Mai Việt) chỉ huy, sẽ phối hợp với hai Chi Đoàn Thám Thính M114 là 2/1 và 3/1 bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu.

 

Lực lượng của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng Tham Mưu và Đài Phát Thanh Quân Đội ở Quang Trung.

 

Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đưa Sư Đoàn 5 bao vây Sài Gòn và sẽ tiến vào thủ đô khi các lực lượng ở bên trong bắt đầu khai chiến.

 

Đánh lừa ông Diệm

 

Vấn đề quan trọng là làm sao đưa Lực Lược Đặc Biệt ra khỏi Thủ Đô và chuyển Sư Đoàn 5 vào mà không bị nghi ngờ gì cả. Do đó, một tuần trước ngày đảo chánh, Tướng Trần Văn Đôn đã vào trình Tổng Thống Diệm rằng các tin tình báo cho biết một số đơn vị Việt Cộng đã xâm nhập vào vùng ven đô.

 

Đặc biệt tại khu Hố Bò ở Củ Chi, Gia Định, phía Tây và Tây Bắc Sài Gòn. Tại đây, Việt Cộng đã thiết lập một vùng Tam Giác Sắt với hệ thống mật khu vòng đai như Hố Bò, Bời Lời và Long Nguyên. Việt Cộng đã xử dụng Hố Bò làm địa bàn liên lạc. Tướng Đôn xin Tổng Thống cho xử dụng Lực Lượng Đặc Việt và Sư Đoàn 5 để mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng. Tổng Thống đồng ý.

 

Được sự chấp thuận của Tổng Thống Diệm, Tướng Đôn đã ra lệnh cho Đại Tá Lê Quang Tung cho lập kế hoạch hành quân đưa Lực Lượng đi tảo thanh vùng Hố Bò, còn Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu lập kế hoạch hành quân vùng ven đô.

 

Được lệnh, Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tá Lộ Công Danh, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn 5, lập kế hoạch hành quân. Kế hoạch này được đặt tên là “Kế Hoạch Hành Quân Rừng Sát”. Theo kế hoạch, Trung Đoàn 7 sẽ về đóng tại Hàng Xanh, Trung Đoàn 8 đóng tại cầu Bình Lợi và Trung Đoàn 9 đóng ở cầu Bến Lức. Đây là lực lượng chính của quân đảo chánh.

 

Ngày 31.10.1963, Tổng Thống Diệm đã ký Sự Vụ Lệnh cho phép mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng ở khu Hố Bò. Ông Diệm đã trúng kế CIA!

 

Có Sự Vụ Lệnh này, Tướng Đính đã ra lệnh cho Đại Tá Lê Quang Tung xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt mở cuộc hành quân giải tỏa khu Hồ Bò, đưa Lực Lượng này ra khỏi Thủ Đô. Mật lệnh giữa Quân Đoàn III và Lực Lượng Đặc Biệt là Bravo I.

 

Trong khi đó Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được lệnh đưa Sư Đoàn 5 về Sài Gòn để mở “cuộc hành quân ven đô”. Nhưng Đại Tá Thiệu chỉ được đem quân vào Thủ Đô để tấn công Dinh Gia Long khi có mật lệnh Bravo II.

 

(Tôn Thất Đính, 20 năm binh nghiệp, tuần báo Chánh Đạo, San Jose, 1998, tr. 437)

Nhiều người không hiểu mật lệnh Bravo I và Bravo II là gì, đã cho rằng Bravo I là cuộc đảo chánh giả do ông Nhu dự tính thực hiện, sau đó làm Bravo II để bắt các thành phần định đảo chánh. Sự thật không phải như vậy, Tướng Đính đã xác nhận Bravo I và Bravo II là kế hoạch hành quân đánh lừa ông Diệm như đã nói trên.

 

Phá thế gọng kềm của ông Nhu

 

Để bảo vệ Thủ Đô, ông Nhu giao cho Quân Đoàn III chỉ huy luôn Sư Đoàn 7 ở Định Tường và cử Đại Tá Lâm Văn Phát làm tư lệnh sư đoàn này thay Đại Tá Bùi Đình Đạm. Ông Nhu nghĩ rằng Sư Đoàn 5 giữ phía Bắc và Sư Đoàn 7 giữ phía Nam sẽ tạo thành một “thế gọng kềm Nam – Bắc” bảo vệ Thủ Đô khi có nguy biến.

 

Đại Tá Phát được lệnh phải đến trình diện Quân Đoàn III vào ngày 30 hay 31.10.1963 và đến nhận chức ở Mỹ Tho vào ngày 1.11.1963. Nhưng khi đến trình diện ở Quân Đoàn III, Đại Tá Phát đã bị nhóm thuộc đơn vị tham mưu do Đại Tá Nguyễn Hữu Có chỉ huy, bí mật giữ lại tại Quân Đoàn III trước khi Trung Tá Nguyễn Khắc Bình tố cáo với ông Nhu rằng Đại Tá Có rủ rê ông tham gia đảo chánh.

 

Tướng Trần Văn Đôn cho biết thêm:

 

Tối ngày 31 tháng 10, sau khi dùng cơm ở nhà hàng Trung Hoa với Tướng Weede, Tham Mưu Trưởng của Tướng Hatkins, ông có ghé thăm Tướng Đính tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III vào lúc 11 giờ 30 và nói quyết định của ông đưa Đại Tá Nguyễn Hữu Có xuống làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 kể từ ngày 1.11.1963.

 

Trưa 1.11.1963, Tướng Đính gọi điện yêu cầu Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Đạm bàn giao Sư Đoàn 7 cho Đại Tá Có. Tướng Đôn đã ra lệnh ngay.

 

Như vậy, cái “thế gọng kìm Nam – Bắc” mà ông Nhu quyết định thành lập để bảo vệ Thủ Đô đã bị biến thành cái gọng kìm đánh sập chế độ. Ông Nhu không hề hay biết gì về chuyện này.

 

Cầm chân ông Diệm và ông Nhu

 

Đại Sứ Lodge tuy tuyên số sẽ về Washington ngày 31.10.1963 để báo cáo tình hình, nhưng ông không về vì giờ đảo chánh đã đến, ông không muốn giao quyền chỉ đạo cuộc đảo chánh cho Tướng Harkins như Washington đã khuyến cáo, vì Tướng Harkins không muốn có cuộc đảo chánh.

 

Đô Đốc Harry D. Felt, Tư Lệnh Thái Bình Dương, đột nhiên đã đến thăm Sài Gòn vào chiều 31.10.1963, được đưa vào Dinh Gia Long gặp ông Diệm lúc 10 giờ sáng ngày 1.11.1963 để cầm chân ông Diệm cho các tướng lãnh hành động. Trong khi đó, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, sẽ đến Dinh Gia Long vào cùng lúc đó, giả vờ báo cáo về tình hình với ông Nhu để cầm chân ông Nhu.

 

1.- Ông Lodge và Đô Đốc Felt đến cầm chân ông Diệm

 

Mặc dầu hôm 1.11.1963 là ngày Lễ Chư Thánh, một ngày nghỉ, Đại Sứ Lodge đã dẫn Đô Đốc Felt vào Dinh Gia Long gặp Tổng Thống Diệm. Theo ông Lodge, ông Diệm vẫn độc thoại về những gì đã nói với Bộ Trưởng McNamara, Tướng Taylor, Tướng Harkins và ông hôm 29.9.1963. Sau đó, ông Diệm nói thêm những điều sau đây với sự thẳng thắn không bình thường:

(a) CIA đã đầu độc bầu không khí bằng cách đưa ra tin đồn về những cuộc đảo chánh chống lại ông ta. 

 

(b) Kế hoạch rút lui viện trợ của Chính Phủ Hoa Kỳ phương hại đến nỗ lực chiến tranh.

 

(c) Chính Phủ Hoa Kỳ đã hoàn toàn sai lầm khi rút trợ cấp cho Lực Lượng Đặc Biệt.

Cuộc tranh luận kéo dài từ 10 giờ đến 11 giờ 15 sáng.

 

2.- Đại Tá Thiệu đến cầm chân ông Nhu

 

Ông Cao Xuân Vỹ cho biết, khoảng 10 giờ sáng ngày 1.11.1963, trong khi Đại Sứ Lodge dẫn Đô Đốc Felt vào thăm ông Diệm, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, đến gặp ông Nhu. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Ông có hỏi ông Nhu có chuyện gì không. Ông Nhu trả lời rằng tình hình đều yên ổn. Đại Tá Thiệu cho biết Sư Đoàn 5 đang mở cuộc hành quân ven đô để tảo thanh Việt Cộng. Ông Nhu tỏ ra yên tâm khi để cho Lực Lượng Đặc Biệt rời khỏi Sài Gòn, vì đã có Sư Đoàn 5 của Đại Tá Thiệu “bảo vệ” Thủ Đô!

 

Trong khi đó, tối hôm 31.10.1963, Đại Tá Thiệu đã cho Trung Đoàn 7 do Thiếu Tá Vũ Ngọc Tuấn làm Trung Đoàn Trưởng, từ Ngã Ba Tam Hiệp, Biên Hòa, tiến theo xa lộ Biên Hòa đến đóng ở ngả ba đi Vũng Tàu. Trung Đoàn 8 do Thiếu Tá Nguyễn Văn Tư làm Trung Đoàn Trưởng, từ Bến Cát, Bình Dương, về đóng ở Lái Thiêu. Riêng Trung Đoàn 9 do Thiếu Tá Vòng Đồng Phóng làm Trung Đoàn Trưởng, gặp khó khăn hơn vì phải đợi một tiểu đoàn giao khu Hố Bò lại cho Lực Lượng Đặc Biệt đến thay thế mới rút ra quốc lộ 22 (Tây Ninh – Sài Gòn), kết hợp với một tiểu đoàn khác từ Tây Ninh đến đóng ở vùng Gò Dầu. Tất cả chuẩn bị tiến về Sài Gòn.

 

Hai cuộc gặp gỡ “cầm chân” nói trên đã khiến các cấp chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn không thể báo tin cho ông Diệm biết họ được mời đến họp tại Bộ Tổng Tham Mưu.

 

Đúng 1 giờ trưa, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho một số đơn vị của cả ba trung đoàn thuộc Sư Đoàn 5 di chuyển về Saigon, một phần đóng ở ngả tư Hàng Xanh, một phần đóng ở cầu Bình Lợi và một phần đóng ở Phú Lâm để ngăn chận quân cứu viện từ ngoài tiến về giải cứu Sài Gòn.

 

Vai trò của Sư Đoàn 5

 

Ông Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên, cho biết lúc 1 giờ 30, khi nghe tiếng súng bắt đầu nổ ran tại một vài nơi ở Sài Gòn, ông đã gọi cho ông Ngô Đình Nhu tại Dinh Gia Long để hỏi thăm tin tức. Ông Nhu bảo ông Vỹ đi quanh một vòng xem tình hình như thế nào. Ông Vỹ lái xe đi một vòng rồi vào báo tin cho ông Nhu biết tình hình vẫn yên tỉnh. Ông Nhu hỏi: “Chúng nó lấy lực lượng đâu để đảo chánh?”  Ông Nhu nhắc lại sáng nay Đại Tá Thiệu mới đến đây nói chuyện và báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh!

 

Vì thành Cộng Hòa được phòng thủ khá kiên cố nên Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp không thể chọc thủng được. Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu đưa Sư Đoàn 5 tấn công vào Thành Cộng Hòa, nhưng Đại Tá Thiệu trả lời chưa chuyển quân tới Sài Gòn được, mặc dầu lúc đó Trung Đoàn 7 đang có mặt trên xa lộ Biên Hòa. Đại Tá Thiệu muốn xem tình hình như thế nào rồi mới quyết định hành động.

 

Buổi chiều, bản doanh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 và một bộ phận chỉ huy của Trung Đoàn 7 đã được đưa vào đặt tại Trường Đại Học Sư Phạm ở đường Cộng Hòa. Một phần của lực lượng Trung Đoàn 7 đã tiến vào chiếm giữ một số vị trí đã định ở thủ đô.

 

Cho đến giữa đêm mồng 1 rạng ngày 2.11.1963, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù từ Trung Tâm Vạn Kiếp đến, vẫn không phá vỡ được Thành Cộng Hòa. Đại Úy Bùi Ngươn Ngãi chỉ huy Chi đoàn 1/1 Chiến Xa M24 tiến lên khai chiến với Liên Binh Phòng Vệ ở Thành Cộng Hoà thì bị bắn tử thương ngay trong chiến xa. Cái chết của Đại Úy Ngãi ngay trong chiến xa đã khiến các chi đoàn chiến xa tham gia đảo chánh phải chùng lại.

 

Sau cái chết của Đại Úy Ngãi, Tướng Đôn lại ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải cho Sư Đoàn 5 tấn công ngay. Không thể trì hoãn được nữa, Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Trung Đoàn 7 do Thiếu Tá Vũ Ngọc Tuấn chỉ huy, Đại Đội 5 Thám Báo và một pháo đội hỗn hợp mở cuộc tấn công yểm trợ. Với sự yểm trợ của Sư Đoàn 5, lực lượng đảo chánh vẫn không chiếm được Thành Cộng Hòa.

 

Tướng Tôn Thất Đính cho Tướng Đôn biết Đại Tá Lâm Văn Phát tình nguyện chỉ huy cuộc tấn công vào Thành Cộng Hoà. Tướng Đôn hứa sẽ thăng Đại Tá Lâm Văn Phát lên Thiếu Tướng nếu Đại Tá Phát thanh toán xong Thành Cộng Hoà. Nhưng sau đó không nghe tin gì về việc Đại Tá Phát tấn công vào Thành Cộng Hoà. Có lẽ Đại Tá Thiệu không chịu trao quân.

 

Tướng Đôn ra lệnh Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Lê Hằng Minh bao vây Dinh Gia Long, và hứa sẽ cho lực lượng của Sư Đoàn 5 và chiến xa đến yểm trợ sau khi chiếm xong Thành Cộng Hoà.

 

Lúc 3 giờ sáng ngày 2.11.1963, sau khi vừa chiếm xong Thành Cộng Hoà, Tướng Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu tấn công vào Dinh Gia Long.

 

Mặc dầu trong Dinh Gia Long chỉ có một Đại Đội Cận Vệ do Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc chỉ huy, nhưng việc tấn công Dinh Gia Long không dễ dàng vì tại đây có những công sự chiến đấu rất vững chắc. Vã lại, còn nhiều đại đội bộ binh và chi đội thiết giáp của Liên Binh Phòng Vệ đang đóng tại Dinh Độc Lập, Vườn Tao Đàn và Sở Thú. Họ chưa có hành động nào vì phải chờ lệnh của Tổng Thống Diệm.

 

Tướng Đôn ra lệnh cho Tướng Đính phải thanh toán Dinh Gia Long trước khi hừng sáng, nhưng đến 4 giờ 30 sáng 2.11.1963, Tướng Đính cho biết Thiết Giáp của quân đảo chánh ở ngoài và Thiết Giáp bảo vệ Dinh Gia Long không muốn đánh nhau. Tướng Đính ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải chiếm được Dinh Gia Long trước 6 giờ sáng.

 

Bổng nhiên, lúc 5 giờ 15 sáng 2.11.1963, Tổng Thống Diệm đã ra lệnh cho Liên Binh Phòng Vệ buông súng, sau đó ông và ông Nhu rời khỏi nhà Mã Tuyên để đi vào nhà thờ Cha Tam.

Chiều 3.2.1963, chính Tướng Trần Thiện Khiêm đã đích thân đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Biên Hoà gắn lon Thiếu Tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu.

 

Trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, Tổng Thống Johnson có kể lại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy:

 

“Ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa (a goddam bunch of thug) để hạ sát ông ta. Bây giờ chúng ta không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

 

Lữ Giang  12.10.09