Nhạc sĩ vĩ cầm VS thiếu tá tình báo: Hoàng Thi Thao biện hộ cho TCS (7)

 

Hoàng Thi Thao (trái) và Liên Thành (giữa): Không dám đụng đến “Ông Thánh Sơn”?

 

Sau các bài viết của Trịnh Cung, Đặng Văn Âu, đặc biệt là của Liên Thành, vào tháng vừa qua nhạc sĩ Hoàng Thi Thao đã xuất hiện trong chương trình Ngụy Vũ Show của đài  truyền hình Little Saigon TV ở Quận Cam bênh vực nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phủ nhận các cáo buộc trong các bài viết của ba tác giả nói ở trên.

 

Trong cuộc phỏng vấn này, nhạc sĩ vĩ cầm một thời được báo chí Sài Gòn gọi là “thần đồng” cho rằng nếu Trịnh Công Sơn còn sống, sẽ không có những bài viết này, bởi “nếu có, sẽ rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ là Trịnh Công Sơn sẽ không lên tiếng. Nhưng tôi nghĩ, nếu Trịnh Công Sơn còn sống, không ai dám viết như vậy”.

 

Không biết Hoàng Thi Thao căn cứ vào cái gì mà cho rằng nếu Trịnh Công Sơn còn sống thì không ai dám viết như vậy?

 

Như ông Liên Thành từng nói, ông sẽ trả lời những ai thắc mắc hay tranh luận mà dùng tên thật, như trường hợp ông nhạc sĩ họ Hoàng, TVTS cho đăng bài viết này để rộng đường dư luận, để độc giả có dịp đọc và phán xét.

 

Biết đâu, mai mốt ông Liên Thành sẽ trả lời ông Hoàng Thi Thao?  Cả hai người này hiện sống ở Hoa Kỳ và hình như cũng có quen biết nhau.

 

* * *

 

Ngụy Vũ (NV): Xin chào anh Hoàng Thi Thao, sau 8 năm ra đi của Trịnh Công Sơn, gần đây, đặc biệt có ba bài viết gồm có của họa sĩ Trịnh Cung, ông Bằng Phong Đặng Văn Âu và ông Liên Thành đã cho thấy ngoài thiên tài âm nhạc Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ này còn có khuynh hướng thân cộng, hôm nay trong Ngụy Vũ Show, là một người thân tình với Trịnh Công Sơn, xin anh đánh giá ba bài viết nói trên, mặc dù biết là dư luận trái ngược nhau, riêng anh nghĩ vấn đề như thế nào?

 

Hoàng Thi Thao (HTT): Câu hỏi lớn quá, tôi xin tóm gọn lại thế này: Qua thời gian gần gũi với Trịnh Công Sơn (TCS) tôi thấy anh không có hoạt động gì về chính trị, hay có tham vọng về chức vụ gì khác, ngoài công việc sáng tác và vui chơi với bạn bè. Có đi ăn đi nhậu, ngồi nói chuyện tâm tình. Công việc duy nhất của TCS là sáng tác.

 

Lý do TCS phải sáng tác là vì đời sống bắt buộc như vậy. TCS muốn dùng và qua thi ca, âm nhạc để nói về giai nhân, tình yêu. Còn trong thời sự, TCS muốn nói lên sự tàn khốc của chiến tranh mà anh phản đối.

 

NV: Sau khi đọc bài viết của Trịnh Cung, sau 8 năm mất của TCS, anh cảm nhận thế nào?

 

 

HTT: Điều đầu tiên là tôi sửng sốt. Ngạc nhiên. Vì bảy năm trước đó, tôi còn nhớ hai cháu Vương Hương và Luân Vũ (cả hai là con của họa sĩ Trịnh Cung) đều thực hiện sinh hoạt tưởng niệm về TCS. Chính Trịnh Cung cũng tham gia các chương trình trong vai trò MC, cố vấn, đóng góp tư liệu, hậu thuẫn. Họ tổ chức liên tiếp mấy năm, vào đúng ngày 1 tháng 4 để tưởng nhớ TCS.

 

Tôi thấy đó là một tình bạn rất đẹp. Trịnh Cung đã dùng những mỹ từ đẹp nhất để nói về TCS. Hôm phát tang cho TCS ở hải ngoại, 1 tháng 4, 2001, tôi là người chở Trịnh Cung đến toà soạn báo Người Việt rồi sau đó là ở Seafood World để tưởng niệm khi TCS vừa nằm xuống. Có đông đảo văn nghệ sĩ tham dự, có cả Vương Hương và Luân Vũ.

 

Năm 2008, Vương Hương và Luân Vũ có tổ chức đêm nhạc TCS ở Don Wash Auditorium và bị biểu tình. Sau đó, chấm dứt các buổi tổ chức về TCS và xuất hiện bài viết của Trịnh Cung.

 

NV: Các hình thức này có tính thương mại hay nghệ thuật?

 

HTT: Dĩ nhiên là các chương trình tưởng niệm này ngoài giá trị nghệ thuật ra, có bán vé, tức là có tính thương mại. Nhóm The Friends của Vương Hương và Luân Vũ thực hiện.

 

NV: Theo anh, tại sao Trịnh Cung lại đổi tên mình thành họ Trịnh?

 

HTT: Sau này, theo tôi biết, năm 1968, TCS có cười cười nói với tôi trước khi tôi gặp Trịnh Cung từ trường Thủ Đức đến, là “nó tên Liễu, chút nữa sẽ gặp, không hiểu tại sao nó lấy bút hiệu là Trịnh Cung.” Chín TCS nói với tôi như vậy.

Một số anh em họa sĩ cho biết, trước khi ra Huế học mỹ thuật, Nguyễn Văn Liễu, đã đổi tên mình thành Trịnh Cung vì hình như mang một ơn nào đó với một gia đình ở Nha Trang. Không biết thực hư thế nào, nhưng một số anh em khác ở Huế thì cho rằng Nguyễn Văn Liễu thân với TCS, nên đổi tên thành Trịnh Cung.

 

NV: Theo anh, động cơ nào Trịnh Cung lại viết bài như vậy về TCS?

 

HTT: Tôi đoán thôi, không dám chắc. Tôi thấy rằng nhóm The Friends của Vương Hương và Luân Vũ sau khi chấm dứt vào năm 2008, thì tới năm 2009, có bài viết của Trịnh Cung về TCS.

 

NV: Theo anh, bài viết của Trịnh Cung về TCS, thì đúng, sai hay sự thật nó như thế nào?

 

HTT: Tôi thấy sai gần hết. Trịnh Cung có nói rằng vào ngày 30 tháng 4, 1975, khi TCS vào đài phát thanh, bị nhạc sĩ Tôn Thất Lập đuổi ra khỏi phòng, còn nói là TCS không có đủ tư cách để ở đó hát bài “Nối vòng tay lớn”. Sự kiện này sai hoàn toàn, vì Tôn Thất Lập lúc đó không có mặt ở Việt Nam.

 

Điều thứ hai, Trịnh Cung nói là đến nhà Đinh Cường gặp 3 người: Miên Đức Thắng, Trương Thìn và Đinh Cường nói là cấp giấy cho Trịnh Cung này kia là không có thật.

Ba ông này đâu có tư cách gì để mà quyết định cấp giấy cho ai. Lúc đó ba ông là người miền Nam, xanh mặt.

 

Còn nói là TCS có tham vọng chính trị hay quyền lực. Theo tôi, một người như TCS, trước năm 1975, là người không có chút xíu gì gọi là tham vọng. Ngoài chuyện viết nhạc, không hề có mơ màng trước bất cứ một vai trò gì. Một người chỉ có bằng tú tài I, tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn, chỉ có thể dạy được cấp tiểu học, thì làm sao có thể làm được chức Quốc Vụ Khanh.

 

Mặc dù ông Trịnh Cung là bạn thân, nhưng tôi là người sống trong gia đình TCS, nên tôi nghĩ là mình biết rõ hơn. Còn nói TCS là người ham phụ nữ đẹp, thích uống rượu, đối với tôi là chuyện bình thường, đàn ông mà.

 

NV: Động cơ chính của bài viết của Trịnh Cung là gì, theo anh?

 

HTT: Tôi nghĩ Trịnh Cung muốn ở Việt Nam, dẹp đi huyền thoại về TCS. Trịnh Cung chỉ muốn TCS là người bình thường, chỉ hơn người khác về âm nhạc, có thế thôi.

 

NV: Tại sao Trịnh Cung lại có ý như vậy?

 

HTT: Vì ở Việt Nam bây giờ ra ngõ gặp toàn là đại gian đại ác, nên cần phải đánh bóng một người nào đó, để đề cập đến.

 

NV: Trịnh Cung nhân danh là một người bạn thân nhất của TCS, tại sao lại hạ thấp bạn mình như vậy?

 

HTT: Vì khi TCS được coi là thần tượng, thì gia đình TCS xem đó là một niềm hãnh diện, vô tình sự hãnh diện này tạo áp lực khó chịu cho Trịnh Cung. Vì thế này, tất cả những người em của TCS đối với tôi là bạn, tôi xin nói rõ hơn là, tôi nhỏ hơn TCS, nên chỉ chơi với mấy người em của anh thôi, đó là vì Trịnh Cung không muốn các người em của TCS này hờ hững, vô ơn khi đối xử với

Trịnh Cung. Hay chuyện TCS gặp gỡ Văn Cao, văn nghệ sĩ ở ngoài Bắc vô thấy họ tương đắc hơn, thì Trịnh Cung cảm thấy ra rìa.

 

Cá nhân tôi, đối với TCS cũng là con nít, cũng ra rìa, tôi không xem thành vấn đề. Nhưng Trịnh Cung nghĩ mình là bạn chí thân, nên không chịu sự hờ hững này. Tôi đoán rằng, thái độ cư xử của mấy người em của TCS khi ông nằm xuống, phần nào đã khiến cho Trịnh Cung có bài viết về TCS như vậy.

 

NV: Qua tới bài viết thứ nhì, của ông Đặng Văn Âu thì sao?

 

HTT: Đặng Văn Âu cũng là một người bạn của TCS. Ông ta viết bài “Một thiên tài đồng lõa với tội ác”. Tôi không xa lạ gì với ông Đặng Văn Âu. Chúng tôi cùng ở trong Không Quân với nhau.

 

Hôm 29 tháng 4, 1975, tôi và ông Đặng Văn Âu đứng ngay thềm cửa nhà ông tướng Kỳ nhìn thấy sự hy sinh cuối cùng của chuyến phi vụ AC119 bay lên để tiêu diệt các ổ hoả tiễn 122 ly và bị một chiếc F-A7 bắn rơi. Tôi đã rơi nước mắt khi thấy cảnh này. Trong khi đó, ông Đặng Văn Âu nhảy lên một chiếc C130 bay qua đi Mỹ, để lại một vợ ba con. Đến nỗi mấy ngày sau, vợ con ông Âu phải tìm tôi để hỏi xem chồng bà ta ở đâu, tôi phải lánh mặt vì không biết phải trả lời sao.

 

Anh là một thiếu tá Không Quân, tại sao không ở lại bảo vệ đất nước, bảo vệ vợ con để chiến đấu với cộng sản, mà anh ta giao chuyện chiến đấu đó cho TCS? Ông Đặng Văn Âu nói TCS đồng loã với CS, vì đã không viết những bài hát để lên tiếng chỉ trích chính quyền CS, hay những tệ nạn xã hội v.v.

 

NV: Những điểm này của ông Đặng Văn Âu phê bình có đúng không?

 

HTT: Không sai, nhưng nếu ông Đặng Văn Âu đòi hỏi người khác làm những gì mình không làm, nhất là đòi hỏi TCS phải làm những gì quá sức, quá khả năng của ông là không đúng. Ông Âu không ở lại, giao phó chuyện đó cho người khác, rồi trách móc. Ông Âu hiện ở Texas, là một người quen với tôi, khá lâu, tôi vẫn qúi mến ông. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn cùng chở nhau tới nhà TCS.

 

NV: Trong ba bài viết của Trịnh Cung, Đặng Văn Âu và Liên Thành, bài nào sẽ tạo ra nhiều dư luận xấu nhất cho TCS?

 

HTT: Giữa ba người, ba bài viết, thì ông Liên Thành là người không thân với TCS. Liên Thành chỉ là một người bạn của em TCS, giống như tôi thôi, có thể nói xa cách hơn. Theo tôi, những gì ông Liên Thành viết về TCS đều sai 100%. Không có điều gì đúng. Không những sai, còn gây sốc trong gia đình.

 

NV: Xin anh cho biết một vài ví dụ của bài viết ông Liên Thành viết sai về TCS?

 

HTT: Như ông ta viết thân phụ của TCS làm cho phòng nhì Pháp là sai. Thân phụ TCS là Trịnh Xuân Thanh, một thương gia. Gia đình TCS là một người Việt gốc Minh Hương. Ông Liên Thành viết năm 1956, xe của lính Pháp dàn cảnh giết thân phụ TCS là sai. Vì lúc đó, 1956 đâu còn Pháp ở Việt Nam. Hay ông ta viết là Trịnh Cung tới nhà TCS rồi yêu em gái của nhạc sĩ là Vĩnh Thúy rồi xem TCS như anh rể là sai.

 

Chúng tôi ai cũng biết Vĩnh Thúy, em gái lớn của TCS là người yêu của giáo sư Ngô Kha. Không có chuyện Trịnh Cung yêu Vĩnh Thúy. Tệ hơn hết, Liên Thành viết Trịnh Vĩnh Trinh, cô em gái út của TCS với nhạc sĩ chỉ là anh em cùng mẹ khác cha! Nói như vậy quá nặng nề và sai trái.

 

Vì khi cụ thân sinh TCS mất năm 1956 vì tai nạn xe, máu từ trên đầu trôi xuống miệng, lúc đó, mẹ TCS đang mang bầu Trịnh Vĩnh Trinh đã phải dùng miệng hút máu từ miệng của chồng để mong cứu sống ông. Cả con đường Phan Bội Châu và Trần Hưng Đạo, ai cũng biết.

 

Khi ông thân sắp chết, bà đang mang bầu Trịnh Vĩnh Trinh. Vậy mà Liên Thành đã viết là Trịnh Vĩnh Trinh không phải là em gái cùng cha cùng mẹ với TCS. Khi nhìn di ảnh của ông thân sinh TCS, đều thấy Trịnh Vĩnh Trinh giống bố như hai giọt nước.

 

NV: Động lực nào khiến ông Liên Thành viết như vậy?

 

HTT: Tôi không biết được. Tôi đoán là sau loạt bài viết về những biến động miền Trung, có thể ông Liên Thành thấy được dư luận chú ý, nên đã cường điệu, viết thêm về TCS.

Tôi thấy hình ảnh chung thế này: Ông Trịnh Cung mở một võ đài, xách tử thi TCS lên đấm đá, hai ông Đặng Văn Âu và ông Liên Thành bồi thêm mấy nhát, rồi tự đeo vòng hoa chiến thắng, ở dưới khán giả vỗ tay!

 

NV: Dư luận bên ngoài nghĩ sao về ba bài viết này?

 

HTT: Có hai ba dư luận khác nhau, những ai thân thiết, biết về TCS và gia đình của ông, đều thấy rằng vô lý, sai trái. Nhưng sự thật mà nói, ở hải ngoại, có một số người căm hờn cộng sản, tôi ghi nhận sự căm hờn này của họ, nhưng nếu cứ nói một người nào đó là cộng sản, thì lại vỗ tay reo hò, tôi thấy TCS là người sinh ra và lớn lên thừa hưởng dân chủ, tự do ở miền Nam, mới có tác phẩm đó cho chúng ta. Tại sao chúng ta cứ lần lượt đẩy nhân tài đó về phía chế độ cộng sản?

 

Sau 35 năm chiến tranh chấp dứt, tôi chưa thấy có tổ chức, đoàn thể, mặt trận nào của phía cộng sản nhận TCS là người của họ. Ở phía người miền Nam, cũng không có cơ quan nào nhận TCS là nhân viên của họ. Chỉ có ông Liên Thành nhận là người cấp giấy cho TCS làm mật báo viên. Chuyện này vô cùng tệ hại trong đời một người trưởng ty cảnh sát.

 

NV: Thưa anh Hoàng Thi Thao, anh có ý định lên nói vấn đề này từ lúc nào? Tại sao tới giờ này anh mới nói?

 

HTT: Khi bài Trịnh Cung viết ra, tôi nghĩ anh ấy cũng là một người thân của TCS cũng như với tôi, tôi nghĩ thôi bỏ qua. Nhưng phát pháo đó, đã tạo nên những bài viết sau này. Ông Đặng Văn Âu có hai bài viết về TCS. Ông Liên Thành tiếp tục mấy bài, thậm chí có bài nói về ông Đỗ Ngọc Yến, ông Liên Thành cũng lôi TCS vào, ông đem vấn đề Phật Giáo biến động miền Trung gán ghép cho TCS một cách sai trái.

 

TCS không dính dáng gì biến động miền Trung vì lúc đó TCS đang trình diện nhập ngũ ở Trung tâm I, chạy trốn lính trối chết. Cho tới cuối cùng, 1966, TCS quyết định bỏ Huế trốn lính, vào Saigon tá túc nhà Đinh Cường.

 

NV: Xin anh Hoàng Thi Thao nhận định đôi chút về TCS trong sự hiểu biết của anh?

 

HTT: Có nhiều người không biết, cứ cho TCS là thế này, thế kia, yếu đuối. Sự thật, lúc trai trẻ, TCS là một thể tháo gia. Và ông là người đàn ông bình thường, như mọi người đàn ông bình thường khác về mọi mặt. Ngoại trừ TCS có tài năng về âm nhạc, về cách dùng ngôn ngữ và văn chương.

 

Năm 1956 khi cụ thân sinh TCS mất, gia đình đông con, TCS lúc đó mới có hơn 16 tuổi, là anh cả trong nhà. Mẹ TCS là người không giỏi về thương trường. Vấn đề mưu sinh khó khăn. Kinh tế gia đình nghèo khủng khiếp, chỉ thiếu điều không có cơm mà ăn. TCS có khả năng, nhưng phải đi dạy sư phạm cấp tiểu học. Nguồn tiền sau này mà có, là tài sản âm nhạc của TCS.

 

Người em trai của TCS là Trịnh Xuân Tịnh, bạn thân của tôi là người lo phần ấn loát các nhạc của TCS, đóng thành tập để bán, kiếm tiền nuôi gia đình. Về con người TCS, ông rất nhát gan. Gặp con kiến, con sâu cũng không dám giết. Thấy con vật chết ngoài đường TCS phải né đi chỗ khác.

 

Đối với bạn bè, ngồi với nhau, tôi chưa thấy ai than phiền về TCS. Ông TCS là người không hung bạo, không xúi giục, cổ động cho bạo lực, và điều này thể hiện rõ trong âm nhạc của ông. Nhạc TCS chỉ toàn là nhân tính, thiền, yêu thương con người.

 

NV: Là người trong thân trong gia đình, anh Hoàng Thi Thao cho biết nguyện ước cuối cùng của TCS là gì?

 

HTT: Thứ nhất, theo tôi biết thì khi sắp mất, TCS nói là ông tuyệt đối không muốn linh cữu của ông được đem tới số 81 Trần Quốc Thảo, văn phòng Hội Nhạc Sĩ Thành Phố, nơi ông sống và làm việc ở đây. Không biết vì mối thù nào mà ông đã trăn chối như vậy.

 

Điều thứ hai, TCS muốn được chôn gần ngôi mộ của thân mẫu mình ở Gò Dưa, chứ không phải ở Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh như ông Liên Thành viết. Ngoài ra, không có chuyện gia đình TCS tranh đấu cho ông được nằm trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ gì hết. Tin này hoàn toàn sai sự thật.

 

Nguyện vọng nằm cạnh thân mẫu ở nghĩa trang Gò Dưa, miếng đất này thuộc quyền sở hữu của một bác tên là Tố, hiện ở Hoa Kỳ. Ông Đại tá Tố, nguyên là tỉnh trưởng Phú Yên-Tuy Hòa. May sao, con gái lớn của ông Tố là người tôi quen, nên tôi đã liên lạc được với ông Tố, và cuối cùng ông Tố quyết định nhường lại miếng đất theo nguyện vọng của TCS. Nói cho rõ, là ông Tố tặng không lấy đồng nào miếng đất đó. Tôi mừng quá, báo tin cho gia đình TCS biết để mai táng ông ở đó.

 

NV: Thưa anh Hoàng Thi Thao, khi những bài viết về TCS ra đời, gia đình của ông có những phản ứng gì?

 

HTT: Một số người có lên tiếng, nhưng không phải là số đông. Số đông thầm lặng là bạn hữu, thân nhân, những người tình của TCS và quần chúng rất đông. Quần chúng cả ở trong nước lẫn hải ngoại, nhưng rất tiếc là họ không có phương tiện để nói.

 

Hôm nay, phải nói tôi rất can đảm để bênh vực cho TCS. Tôi biết khi tôi làm việc này, thế nào tôi cũng lãnh búa rìu dư luận. Tôi chấp nhận chuyện đó, bởi vì sự thật phải trả lại cho sự thật.

 

NV: Ngoài chuyện búa rìu dư luận, anh kỳ vọng ở người nghe những điều anh nói về TCS như thế nào?

 

HTT: Tôi tạm gọi là thay mặt những người yêu mến TCS, ngoài 7 người em trong gia đình TCS, thân thích, còn những người bạn thân xa gần để bênh vực cho TCS. Tôi phải “hy sinh” để ngồi đây với Ngụy Vũ (cười), đó là sự can đảm của tôi.

 

NV: Xem như anh xuất hiện công khai trước công chúng trên Little Saigon TV và được xem như là người đầu tiên dám làm chuyện bênh vực TCS ở hải ngoại. Giả sử, sau hôm nay, các lời chỉ trích, bài viết khác tiếp tục nói tới vấn đề này, anh có tiếp tục giữ quan điểm của mình để bênh vực TCS?

 

HTT: Tôi hy vọng sau cuộc nói chuyện của tôi, vấn đề này được chấm dứt tại đây. Bởi vì lâu nay không ai dám lên tiếng bảo vệ sự thật. Tôi chỉ nói bằng tấm lòng, không vì cái gì hết. Nhất là không vì gia đình TCS, mà chỉ vì sự thật. Tôi tin là chuyện này nên chấm dứt. Nhưng nếu tiếp tục, tôi sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ TCS.

 

Nhân đây, tôi cũng xin mượn cơ hội này để đặt vấn đề với ông Liên Thành, theo nguyện vọng của một số đông sinh viên học sinh thời 1972, khi ông Liên Thành cho người đi bắt giáo sư Ngô Kha, chồng của Trịnh Vĩnh Thúy từ đó bị mất tích luôn cho tới nay.

 

Gia đình ông Ngô Kha, tất cả học trò của ông ở Huế, có nhắn gửi và xin hỏi ông Liên Thành cho biết hiện nay, thân xác của ông Ngô Kha nằm, vùi ở đâu? Chết đã chết rồi, nhưng gia đình muốn biết nắm xương bị vùi ở đâu? Xin ông Liên Thành cho biết, không cần phải nói rõ chết thế nào, chỉ cần chỉ chỗ vùi xương ở đâu là được rồi, mặc dù biết là chết trong Ty cảnh sát Huế.

 

NV: Anh có nghĩ lời nhắn này sẽ tới tai ông Liên Thành?

 

HTT: Với xa lộ thông tin hiện nay, tôi nghĩ là sẽ tới tai ông Liên Thành. Không có điều gì đen tối mà không được phơi bày ra ánh sáng.

 

NV: Giả sử TCS còn sống, nếu có những bài viết này, thì TCS có xem đó là quan trọng không?

 

HTT: Tôi tin rằng khi TCS còn sống, sẽ không có những bài viết này. Tất nhiên là nếu có, sẽ rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ là TCS sẽ không lên tiếng. Nhưng tôi nghĩ, nếu TCS còn sống, không ai dám viết như vậy.

 

Tôi nghĩ ba tác giả Trịnh Cung, Đặng Văn Âu, Liên Thành, nếu muốn viết tiếp về ai nữa, xin hãy viết lúc họ còn sống.