Vài hàng “Tống Biệt” Tổng Thống Bush

Khi bài này được viết hôm thứ Sáu 16 tháng Giêng 2009 thì chỉ còn đúng bốn ngày nữa tức ngày 20 tháng Giêng ông T.T. Bush sẽ không còn là Chủ Nhân Dinh Bạch Ốc nữa.

 

Ông sẽ trở lại vị thế và vai trò của một công dân của nước Cộng Hòa Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sau tám năm đầy những đổi thay động cả Trời lẫn Đất và nhất là động cả tới tâm linh lẫn tư tưởng của hầu hết quần chúng Hoa Kỳ do bị tác động bởi cung cách của ông T.T. trong mọi quyết định, hành tung cùng với không biết bao lời tuyên bố của ông mà giá trị không phải lúc nào cũng theo một lô gích… có lô gích để mọi người có thể… dễ hiểu ông T.T. thực sự muốn nói gì.

 

Nhưng… không sao! làm chính trị có lẽ… phải như thế mới… làm chính trị được.

 

Sau tám năm đằng đẵng theo gót ông tổng thống qua màn ảnh nhỏ, qua truyền thanh và báo in đủ loại, kẻ hèn này cũng đã có những bài viết về ông T.T.

 

Xin thú thực ngay: không phải bài nào cũng… “Tung hô vạn tuế” ông T.T.  Và đã có lúc không dằn được nỗi bực mình và kể cả nỗi… bất bình, người viết đã để cho ngòi bút phóng túng phạm lỗi lớn là thiếu sự tôn kính đối với một vị Quốc Trưởng một đất nước mà người viết vẫn hằng kính trọng và chỉ mong đất nước Hoa Kỳ lúc nào cũng là Ngọn Hải Đăng chỉ đường, dẫn lối cho các nước bạn trên thế giới khỏi bị bất cứ đại nạn nào.

 

Giòng viết phóng túng đó là đã dám gọi ông T.T là… “Dùi Đục chấm nước cáy” nên bây giờ xin có vài hàng Tống Biệt Ông Tổng Thống.

 

Có hai sự kiện mà kẻ hèn này cho là đáng kể nhất đã thôi thúc ngòi bút viết ngay bài Tống Biệt.

 

Đó là, trước hết buổi họp báo rất đặc biệt được gọi là Buổi Họp Báo Giã Từ giới truyền thông Hoa Kỳ và Quốc Tế tại Dinh Bạch Ốc hôm Thứ Hai 12 Tháng Giêng và sau đó là Bài Diễn Văn được gọi là Diễn Văn cuối cùng của ông tổng thống gởi đến nhân dân toàn quốc Hoa Kỳ  Thứ Năm 15 tháng Giêng. Cả hai sự kiện này đã được trực tiếp truyền thanh và truyền hình cho khắp nơi ở Hoa Kỳ và trên thế giới.

 

Chính nội dung của hai sự kiện này, nói chung, đã là “nguyên liệu” cho Bài Tống Biệt.

 

Cái nghĩa thông thường của “Tống Biệt” theo Hán Việt Từ Điển của cụ Đào Duy Anh là “Gửi người lên đường”. Nói rộng ra là Chúc người lên đường được bình an và vui vẻ.”

 

Nếu chỉ có thế thì có thể ngưng bút ở đây và chấm hết. Nhưng không phải thế.

 

Hai sự kiện hoàn toàn khác nhau.

 

Buổi họp báo hôm Thứ Hai, 12 tháng Giêng, vì là Họp Báo nên có đối thoại, tức có câu hỏi của các ký giả và câu trả lời của Tổng Thống Bush. Không khí của buổi họp báo thường là sôi động hơn, vì có tranh luận.

 

Còn Diễn Văn của Tổng Thống gởi đến Quốc Dân thì rất… “Tĩnh”, không tí ti nào… “Động” cả. Thêm nữa cử toạ tuy đông, nhưng toàn là khách được mời tới “nghe” Tổng Thống “đọc Diễn Văn”.  “Đọc” xong. Tổng Thống lui về Tư Thất và sau khi cử tọa đứng dậy vỗ tay đáp lễ Tổng Thống, mọi người ra về, không có cảnh Đặt Câu Hỏi để  được Tổng Thống trả lời.

 

Chỉ còn có cách coi kỹ lại những gì quan trọng trong diễn văn đã ghi được để tìm hiểu Tổng Thống đã “Muốn và chỉ Muốn”  nói những gì trong diễn văn? Dĩ nhiên Tổng Thống giải thích những gì mà “Người Ngoại Cuộc” không thể hoặc không cố gắng tìm hiểu Tổng Thống “Muốn nói gì” mà vì “Không tiết lộ” sự thực những gì đã xẩy ra”.

 

Điểm chính yếu trong Diễn Văn là Tổng Thống Bush đã nhấn mạnh vào đại nạn hôm 11 tháng 9 năm 2001 khi quân khủng bố đã quyết tử cho lao phi cơ chở hành khách vào Tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở Nữu Ước, một phi cơ khác cũng đã quyết tử phá được một phần phía Tây của Ngũ Giác Đài ở Hoa Thịnh Đốn và phi cơ thứ tư do lòng dũng cảm của hành khách đã hy sinh chống lại quân khủng bố nên đã làm cho phi cơ phải đâm xuống đất của một vùng nông thôn thuộc tiểu bang Pensilvania và tất cả đã chết. Chính đại nạn này đã tác động rất mạnh vào tâm linh của T.T. Bush nên trong diễn văn ông nói:

 

Đại nạn ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã cho ta thấy cái Thiện và cái Ác lúc nào cũng hiển hiện trên Thế Giới và giữa hai thực tế đó, không một thỏa hiệp nào có thể đứng vững. Giết hại những người vô tội để đưa ra một mộng tưởng là điều sai trái ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời gian nào. Giải thoát con người khỏi sự áp bức và tuyệt vọng là một điều vĩnh viễn đúng đắn.”

 

Câu nói này của ông Bush cho thấy rõ lối tiếp cận của ông về chính sách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại rất có giá trị cả về lý thuyết lẫn thực tế. Ông Bush nhận định rằng Hoa Kỳ không bao giờ có thể yên lòng được trước sự đe dọa khủng bố của Hồi Giáo. Chính thái độ cương nghị tuyệt đối tin tưởng vào nhận định của mình mà ông Bush đã khích động được nhân dân Hoa Kỳ cũng hoàn toàn tin tưởng vào đường lối chống đối sự đe dọa Hoa Kỳ của Hồi Giáo, kể cả hành động của Hoa Kỳ trong công cuộc quật ngã được chính quyền Taliban ở A Phú Hãn.

 

Chính sự tin tưởng tuyệt đối vào sự “có lý” của mình về trách nhiệm của vai trò chính yếu của vị Tổng Thống trong mọi lãnh vực liên quan đến sự sống còn của Hoa Kỳ, nhất là về tình trạng an ninh quốc gia đã đưa Tổng Thống Bush đến sự tuyên bố không theo Công Ước Geneve về những điều khoản liên quan đến “Luật pháp trong chiến tranh” mà ông Bush coi là có thể  “giới hạn” quyền của chính phủ Hoa Kỳ trong công cuộc bảo vệ an ninh của nhân dân Hoa Kỳ nhất là những thể chế của Hoa Kỳ mà ông Bush nghĩ rằng bất cứ một tổng thống Mỹ nào cũng không được lơ là về sự sống còn của chính Hoa Kỳ.

 

Chính thái độ dứt khoát này của ông Bush đã làm cho các nước bạn đồng minh bên Châu Âu phải rất e ngại. Trước thái độ “e ngại” này đã không làm nhụt khí của ông Bush.

 

Thái độ không bao giờ thay đổi này đã được ông Bush đem ra xử dụng trong các vấn nạn đối với Nga, Bắc Hàn và Trung Hoa. Kể cả đến vấn đề khủng hoảng kinh tế và tài chánh rất trầm trọng tại Hoa Kỳ và đã và vẫn đang lây lan sang Châu Âu cũng đã làm cho Tổng Thống Bush đã trở nên rất thực tiễn trong cuộc đối đầu với đại nạn tiền tệ, kinh tài ở ngay Hoa Kỳ và trên thế giới.

 

Tính “Bướng bỉnh” của ông Bush đã làm cho ông… “Được Việc”.

 

Và ông Bush chỉ muốn có thế!

* * *

Cuộc họp báo cuối cùng của T.T. Bush là cuộc họp báo thứ 47 trong suốt thời gian 8 năm cầm quyền của T.T. Bush.

 

Vì là cuộc họp báo có phần “đối thoại” nên không khí sinh động hơn. Một bên là các “Nhà Báo” thay nhau “quay” T.T. Bush. Một bên là “Người bị phỏng vấn” sẵn sàng đưa ra những câu trả lời có tính chất “vô hiệu hóa” các câu hỏi soi mói, kích động của các Nhà Báo.

 

Ngay phút đầu tiên không khí của News Room, tên gọi chính thức của nơi họp báo hàng ngày của Dinh Bạch Ốc, đã sôi động trái hẳn không khí của tối thứ Năm 15 tháng Giêng rất nghiêm trang trong yên lặng suốt 13 phút mà ông Bush đã dùng để đọc bài diễn văn giã từ chính trường và luôn thể Dinh Bạch Ốc của ông trong vòng 8 năm.

 

Cái khác biệt của cuộc họp báo, theo nhận xét riêng của người viết, là “hình như bỗng nhiên” xẩy ra một sự kiện bất ngờ. Đó là thái độ đăm chiêu của ông T.T., phảng phất một sự luyến tiếc một quá khứ nào đó mà cận cảnh trên màn ảnh nhỏ đã cho hiển hiện rất rõ nét.

 

Cận ảnh này hiện lên liền ngay sau khi ông Bush nói: “không gì bằng lịch sử có được trong ngắn hạn.” Ông còn nói tiếp “Tôi rất không đồng ý với lời nói cho rằng vị thế tinh thần của chúng ta đã bị suy tổn rất nhiều. Tôi cũng không đồng ý về lời tuyên bố rằng bây giờ người ta chỉ thấy Hoa Kỳ trong một thứ ánh sáng lờ mờ.”

 

Khi được hỏi lỗi lầm lớn nhất của ông là gì, T.T. Bush trả lời ngay: “Đó là cái biểu ngữ và hàng chữ “Nhiệm vụ đã hoàn tất” được căng lên Hàng Không Mẫu Hạm Lincoln đặt ngoài khơi San Diego đã nêu lên quá sớm sự chấm dứt các cuộc không tập của Hoa Kỳ trên đất Iraq.”

 

Tổng Thống Bush cũng đã đích thân nhận đã không đi thăm  New Orleans về vụ cuồng phong Katrina đã gây nhiều thiệt hại vật chất lớn lao cho nhân dân Orleans. Và vụ các tù nhân Iraq bị giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib đã là nạn nhân của sự đối xử tàn nhẫn của các cai tù thì T.T. Bush “đánh giá” đó là sự “thất vọng lớn nhất” trong sự chiếm đóng Iraq của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng ông không đả động gì tới sự nêu ai có trách nhiệm về các vụ tra tấn và hành hạ các tù nhân ở trại giam Albu Ghraib.

 

Về vụ không truy tìm ra được các vũ khí giết người hàng loạt trên đất Iraq, ông Bush chỉ cho đó là “sự thất vọng có ý nghĩa lớn nhất” rồi bỏ lửng!

 

Nhưng trong buổi họp báo có một “vấn đề” mà ông Bush không hề đả động một mảy may nào tới nó.

 

Sự kiện này đã làm các ký giả rất lấy làm ngạc nhiên, không sao giải thích nổi. Đó là sự im lặng hoàn toàn của T.T. Bush về… những thành tựu có thực của chính ông Tổng Thống.

 

Trước hết ông Bush là vị T.T. đầu tiên của Hoa Kỳ đã thực sự xuất một ngân khoản lớn cho một chiến dịch đại quy mô chống bệnh Aids, tức căn bệnh vô cùng hiểm nghèo mang tên Liệt Kháng ở châu Phi nhờ vậy hàng triệu dân đã được trị liệu.

 

Một hành động khác cũng rất đáng kể là việc ông Bush đã đích thân tận tụy ra sức ngăn chặn tính bài ngoại liên quan đến sự nhập cảnh của các người dân thuộc các nước ở  Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt là những người dân của nước Mexico sát nách với Hoa Kỳ cho dù chưa đủ… “tiêu chuẩn” để gọi là “thành tựu” cho dù ông Bush chưa thành công trong việc thuyết phục được Quốc Hội phê chuẩn đề nghị của ông bỏ phiếu thuận một đạo luật cho phép sự nhập cảnh hợp pháp các người dân mệnh danh chung là Latino. Nhưng cái “Lịch sử có tính ngắn hạn” (nguyên văn: Short –term History) đã chứng tỏ ông Bush thực tâm muốn giúp những người Latinos.

 

Không ai ngờ rằng cố gắng ra tay giúp dân Latinos tuy chưa thành hiện thực đã mang lại một hiệu quả không một người dân Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ có thể ngờ là những cử tri Latinos đã bỏ hàng ngũ đảng Dân Chủ mà dồn phiếu bầu cho ứng viên thuộc đảng Cộng Hòa, một sự thực mà chính đảng Cộng Hòa chưa bao giờ đặt hy vọng vào một thực tế như thế.

 

Một thành tựu to lớn nhất mà ông Bush có thể biến thành một thắng lợi chính trị lớn nhất là không chỉ coi thành tựu thực sự có giá trị lớn về chính trị có lợi cho sự tranh thủ thêm phiếu bầu cho các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa lại không được ông và đảng Cộng Hòa triệt để khai thác.

 

Một thực tế hết sức rõ ràng là trong suốt 7 năm, 4 tháng tuyệt nhiên không có một vụ tấn công nào của bọn khủng bố trên toàn diện tích của Hoa Kỳ. Sự kiện này chứng tỏ các phương cách ngăn chặn mọi mưu toan phá hoại đất nước Hoa Kỳ của bọn khủng bố đã tỏ rõ sự cần thiết và hữu hiệu của chính sách chống khủng bố.

 

Trước khi về vui thú điền viên, ông Bush đã để lại cho người kế nhiệm ông là Barack Obama một di sản vô cùng qúy giá cho chính quyền mới.

 

Những điều kể trên còn chứng tỏ một thực tế… “Phũ phàng” là quyết tâm của ông Bush chống bọn khủng bố bằng những hành động rất mạnh tay của mọi cơ quan trong hệ thống rộng lớn của BộAn Ninh Nội Chính (Homeland Security Department) đã rất hữu hiệu. Nhưng dĩ nhiên sự “rất mạnh tay” của chính quyền Bush đã là dịp để mọi ngành khác “lên án” ông Bush là đã chủ trương những biện pháp vượt qua các điều luật về chiến tranh của Công Ước Geneve (Convertion of Geneve).

 

Vì sự “Sống còn” của đất nước Hoa Kỳ, và sự “An ninh” của nhân dân Hoa Kỳ, T.T. Bush đã dũng cảm đưa cả thân thể của mình nhận mọi phê bình, chỉ trích cay nghiệt nhất về quyết tâm đồng ý để các nhân viên trong mọi ngành của Bộ An Ninh Nội Chính gồm đến 16 cơ quan về ngành Tình Báo nói chung trong đó hai tổ chức có tiếng là… “nguy hiểm” và “mưu trí” đáng kiêng nể nhất là Cục Tình Báo Trung Ương (CIA: Central Intelligence Agency) và FBI (=Federal Bureau of Investigation: cơ quan phản gián) được “dễ dàng ra tay” chống đối bọn khủng bố toàn cầu đã đang tâm dùng cả tôn giáo làm vũ khí chống Hoa Kỳ nói riêng và chống Phương Tây nói chung.

 

Tổng Thống George W. Bush

 

Sẽ không có chi là khó hiểu nếu Tân Tổng Thống sẽ rất ngần ngại chưa hoặc không dám thực hiện một chiến dịch rộng lớn và thật mạnh để “điều tra” các hành động được coi là “đặc biệt phi pháp” của chính quyền Bush trong công cuộc tranh đấu có thể gọi là “cuộc chiến sinh tử” giữa Hoa Kỳ và Tổ Chức Khủng Bố Toàn Cầu của các nhóm Hồi Giáo cực đoan nhất.

 

Rõ ràng là “Những công việc… bẩn thỉu nhất” trong cuộc chiến chống Khủng Bố Toàn Cầu đã được ông T.T. Bush mang trên vai cái gánh nặng ngàn cân của trách nhiệm để các bàn tay của chính quyền mới dưới quyền của một Tổng Thống Mới đều giữ được “Cái vẻ sạch sẽ” của các “Tâm Hồn trong trắng”.

 

Âu đó cũng là “Cái giá phải trả” của ông Bush và các đồng tâm, đồng sự của ông thuộc mọi ngành của An Ninh Nội Chính.

 

Rốt cuộc có thể nói “Sự Đời” vỏn vẹn chỉ giản dị có vậy!

 

* * *

Trở lên trên là vài hàng Tống Biệt ông Tổng Thống George W. Bush, một người, theo nhận định riêng của một cá nhân là người viết, là một nhà lãnh đạo thực tâm yêu nước theo đúng PHƯƠNG CHÂM “Tổ Quốc trên hết”.

 

Xin chúc Tổng Thống ra về bình yên, vui thú cảnh điền viên.

 

Nguyễn Tú  16.1.09