Những nhận xét chung quanh lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang

 

 

ĐHY  Ivan Dias trong nghi thức làm phép viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường La Vang và 27 viên đá tưng trưng cho 26 giáo phận trong nước và cộng đồng CGVN ở hải ngoại. Hình Lm Nguyễn Hữu An

 

(TVTS  tổng hợp) – Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 và Đại hội Thánh mẫu Toàn quốc tại La Vang lần thứ 29 có gì lạ?

 

Thưa, bình thường như mọi lễ lạc tôn giáo khác ở mọi nơi trên thế giới nếu không có chuyện khác biệt “chính kiến” trong hoàn cảnh của đất nước Việt Nam hiện nay, một quốc gia được cai trị bởi một đảng duy nhất với một tập đoàn lãnh đạo độc tài và giáo điều,  nơi mà tôn giáo được quản lý bởi một ủy ban của nhà nước và đảng, gọi là Ban Tôn Giáo.

 

Giáo hội Công giáo Việt Nam là một thực thể độc lập với nhà nước, phục tùng vị lãnh đạo tối cao tại La Mã là giáo hoàng. Dù ngày nay việc bổ nhiệm hàng giáo phẩm cao cấp của Vatican vẫn cần sự “hội ý” với nhà nước Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn độc lập với nhà nước. Dù có một vài giáo sĩ có chân trong Ủy ban Công giáo Yêu nước hay quốc hội, Giáo hội Công giáo Việt Nam không phải là giáo hội quốc doanh. Các giám mục Việt Nam hay giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể là những giám mục quốc doanh như một số giáo dân quá khích vẫn tố cáo và bôi nhọ họ trên các diễn đàn mạng lưới.

 

Ở thời buổi này, hầu như ai ai cũng có thể viết nặc danh hay minh danh phê bình loạn xạ những người mình không thích, dù đó là đồng nghiệp, đồng chí, người bất đồng chính kiến hay là kẻ thù.

Thế thì có chuyện gì lạ?

 

Chuyện lạ ở đây là từ nhiều tháng qua, trên một số diễn đàn mạng đã có những sự chỉ trích các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam về đủ chuyện liên quan đến việc tổ chức lễ bế mạc Năm Thánh 2010 và đại hội thánh mẫu toàn quốc lần thứ 29 tại La Vang. Lối đưa tin của báo chí nhà nước và danh xưng ghi trên  bia kỷ niệm năm thánh 2010 như “…Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29… tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang” và những chuyện khác cũng đã làm cho “dân chúa” bực tức phản đối.

 

Nhưng TVTS chỉ cho trích đăng những phản đối và chỉ trích với lời lẽ hòa nhã, lịch sự để thông tin và… rộng đường dư luận.

 

Đại hội diễn ra trong 3 ngày, từ 4 đến 6 tháng Giêng. Ngày thứ hai của đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đại diện chính phủ đến tham dự, ngồi trên lễ đài gần Đức Hồng y Ivan Dias, đặc sứ của Đức Giáo hoàng Benedict 16, và có phát biểu ý kiến sau bài diễn văn chào mừng của Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn và Đức Hồng y Ivan Dias.

 

Trước hết, xin trích một bản tin từ trang mạng chính thức WHD của Hội đồng Giám mục Việt Nam:

 

 Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang

 

Ngày 6-1-2011, Lễ Hiển Linh

 

WHĐ (6.1.2011) – Sáng nay 6-1-2011, Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam đã chính thức khép lại với Thánh lễ trọng thể tại Lễ đài của Trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Thánh lễ do Đức Hồng y Ivan Dias – Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế cùng với 35 giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, 7 giám mục thuộc các Hội đồng Giám mục anh em và khoảng 1200 linh mục. Hơn 500.000 tu sĩ và giáo dân khắp nơi trong nước và ngoài nước đã tham dự Thánh lễ đặc biệt long trọng này.

 

Lúc 7g30 đoàn rước bắt đầu tiến ra Lễ đài trong tiết trời khá đẹp. Thánh lễ khởi sự lúc 8g. Mở đầu bài giảng, ĐHY Dias chúc mừng Giáo Hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm hai đại lễ: 350 năm thành lập hai giáo phận Tông tòa đầu tiên và Kim Khánh thành lập hàng giáo phẩm Công giáo tại Việt Nam. Ngài điểm qua các cử hành chính trong Năm Thánh và nêu bật ý nghĩa của việc bế mạc Năm Thánh vào ngày Lễ Hiển linh hôm nay, ngày lễ ý nghĩa nhất của sứ mệnh Giáo Hội: đó là sự tỏ mình của Chúa Giêsu cho các Dân các Nước.

 

ĐHY mời gọi mọi người cảm tạ Chúa về mọi hồng ân đã lãnh nhận trong quá khứ và trong Năm Thánh này, nhờ sự hy sinh quảng đại của các nhà truyền giáo. Kết thúc bài giảng, ngài nguyện xin cho mọi người noi gương 3 nhân đức của Đức Mẹ: Fiat, vâng theo ý Chúa – Magnificat, ca ngợi cảm tạ Chúa và Stabat, nhẫn nại và bền đỗ.

 

Thánh lễ kết thúc lúc 10g40. Lúc này trời đã đổ mưa như hồng ân Chúa tuôn đổ trên Giáo Hội Việt Nam.

 

* * *

 

Linh mục Nguyễn Hữu An viết bài “Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 – ghi nhận từ La Vang”  kể lại các diễn tiến, lễ lạc kéo dài trong ba ngày mà ngày bế mạc có trên nửa triệu người dự thánh lễ.  Bài viết được đăng trên các mạng tonggiaophanhue và gpthanhhoa.org trong đó có nói về đáp từ của Đức Hồng y Ivan Dias với những đoạn như sau:

 

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN đọc diễn văn chào mừng. Ngài nói lên niềm vui mừng cùng với đoàn dân Chúa khi về tại Linh Địa La Vang, cử hành Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, năm kỷ niệm hai biến cố trọng đại: 350 năm Tòa Thánh thiết lập hai Giáo phận Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong  và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Ngài cảm tạ tình thương của Thiên Chúa, cám ơn Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Đặc Sứ, cám ơn các cấp chính quyền… Ngài cám ơn Quý vị Thừa sai, quý tiền nhân đã nỗ lực góp tài năng, sức lực làm chứng cho Chúa trong môi trường xã hội Việt Nam

 

ĐHY Ivan Dias, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVIđáp từ. Lời cuối, ngài nói: “Anh chị em thân mến trong Chúa Giê-su Kitô, tôi rất sung sướng có mặt tại Linh Địa La Vang nầy, nơi mà Đức Trinh Nữ đã hiện ra cách đây 213 năm để an ủi những người đau khổ vì đức tin kitô. Vậy là một giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Hành hương về nơi linh thiêng này, tôi cầu nguyện với anh chị em, cho anh chị em, và theo ý chỉ của anh chị em, một cách đặc biệt cho xứ sở xinh đẹp này được an vui và được thịnh vượng cả vật chất lẫn tinh thần.  Xin Đức Mẹ La Vang chúc lành cho dân tộc Việt Nam quý yêu và cho Giáo Hội tại Việt Nam”.

 

Trong đoạn “đôi điều suy tư”, Linh mục Nguyễn Hữu An viết:

 

La Vang miền đất khô cằn cày lên sỏi đá, địa thế không có những điều kiện phát triển. Hơn hai trăm năm trước đây Đức Mẹ đã hiện ra với con cái Mẹ đang chịu cảnh bắt bớ, đói khát bệnh tật lầm than. Giờ đây La vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc. Cả thế giới đều biết đến.

 

Trung tâm Thánh Mẫu La Vang rộng lớn hơn 25 mẫu đất, đủ chỗ đến đón tiếp cả triệu người hành hương. La vang nhộn nhịp với những quán xá và các dịch vụ đón tiếp khách hành hương từ bốn phương trời. Dân chúng tụ về. Nhà cửa nhiều và khang trang như một thị trấn nhỏ.

 

Nước Pháp hãnh diện giới thiệu với thế giới thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức. Chính phủ Pháp đã trực tiếp đầu tư vào các phương tiện và nhu cầu cho khách hành hương bằng chính những đồng tiền thuế của nhân dân Pháp. Bây giờ chính phủ và dân Pháp đang vui hưởng những lợi lộc và ân sủng của những quyết định khôn ngoan và sáng suốt đó. Mỗi năm thánh địa Lộ Đức đã đóng góp vào ngân sách của nước Pháp một món tiền to lớn và những món tiền này đã hỗ trợ rất nhiều cho các chương trình xã hội và nhân đạo của nước Pháp. Hình ảnh của nước Pháp không chỉ là kinh thành ánh sáng Paris nhưng cũng còn là thánh địa Lộ Đức nữa.

 

Hy vọng trong tương lai, Chính phủ Việt Nam nên tận dụng khả năng tài chánh và nhân sự để mang hình ảnh La vang đến khắp nơi trên thế giới. Hệ thống tổ chức của Chính phủ cũng có một cơ quan chuyên trách về du lịch cần biết khai thác những lợi điểm của linh địa La Vang để biến mảnh đất cằn cỗi này trở thành một thánh địa có tầm vóc quốc tế hay ít ra cũng được nhắc nhở đến ở các quốc gia châu Á. Chắc chắn rằng lời mời gọi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để xem vịnh Hạ Long hay động Phong Nha sẽ không lôi cuốn và thúc bách bằng một chuyến kính viếng thánh địa La Vang là nơi mà cách đây hơn hai trăm năm Đức Mẹ đã hiện ra để an ủi và cứu chữa con cái Mẹ.

 

Thánh địa La Vang sẽ không còn là một linh địa của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhưng là một tài sản trân qúy của quốc gia và con dân Việt Nam. Cố nhạc sĩ Hòang Thi Thơ là một Phật tử khi nghe tiếng chuông từ nhà thờ La Vang đã cảm xúc sáng tác ca khúc Tiếng Chuông Chiều làm thổn thức bao lòng người…”

 

Đoạn kết, Linh mục An viết:

 

Trong bài Diễn văn, Đức Hồng Y Ivan Dias, Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: Tôi rất thích ý tưởng Giáo hội và Nhà Nước như bậc cha và mẹ của một gia đình. Khi họ sống thuận hòa, thì con cái của họ hạnh phúc hơn. Ước gì Thiên Chúa làm như thế giữa Giáo Hội và Nhà Nước, ngay trên đất nước Việt Nam này.

 

Sáng nay 7.1.2011, tôi đồng tế thánh lễ tại nhà nguyện sau tháp cổ. Cha Quản Nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang Lê Sĩ Hiền có nói trước cộng đoàn hơn ngàn khách hành hương: Sau lễ bế bạc, ban chiều ông Chủ tịch Tỉnh Quảng trị và ông trưởng ban Tôn giáo tỉnh gọi điện chúc mừng và nói rằng đây là phép lạ Đức Mẹ làm…”

 

Trong khi đó trên trang mạng www.conggiaovietnam.net  xuất hiện bài viết “Phải chi, ở Lavang…” của tác giả Vũ Sinh Hiên ở Phú Nhuận, viết về chuyến hành hương của ông, mô tả sinh hoạt đại hội thì ít nhưng chủ yếu đưa ra ba thắc mắc, và sau đây là vài trích đoạn:

 

Mặc dù có mặt từng giây, từng phút trong suốt những ngày lễ này ở Linh Địa Lavang, tôi sẽ không tường trình diễn tiến của 3 ngày lễ, mà điều nổi bật làm tôi không thể quên được là sự chịu đựng nhẫn nhục của khách hành hương trong cảnh mưa phùn, gió rét, chỗ ở ẩm ướt, sự chịu đựng của các nhân viên kỹ thuật phải che chắn những dàn máy, khư khư ôm chiếc máy thu hình được bọc trong túi nylon, sự chịu đựng của những đội trống kèn từ Bắc vô Trung, đường đi vất vả là thế đấy, đến nơi, thời tiết lại không thuận lợi để thi thố tài năng dâng kính Mẹ, mỗi lần mưa xuống phải dùng những tấm bạt che kín mặt trống rồi ngồi nhìn nhau. Tôi chỉ muốn nêu lên đây một số những sự kiện mà phải chi đã đừng xảy ra tại Linh Địa trong những ngày lễ.

 

Trước tiên là khách hành hương cứ thắc mắc đến hậm hực về chuyện thay đổi tên gọi của Linh Địa Lavang. Trong phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam 1961, các Đức Giám Mục đã biểu quyết tên gọi cho Linh Địa Lavang là TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC, trong khi Thánh Đường được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường, đến kỳ họp ngày 01/05/1980, toàn thể các vị Giám Mục của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đã tái xác nhận Linh Địa Lavang là trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, sau đó các vị đã đứng dậy và đồng thanh hát kinh Salve Regina. Thế thì hôm nay, không kèn không trống Linh Địa được gọi là TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG LAVANG.

 

Có người giải thích rằng có lẽ các Đức Giám Mục muốn biến nơi này không chỉ là cho Việt Nam không thôi mà là cho toàn Thế Giới như Lộ Đức ở Pháp, Fatima ở Bồ Đào Nha. Cũng không bỏ qua những suy đoán này nọ, do áp lực từ phía này, phía kia. Tất cả chỉ cần một lời minh định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là Dân Chúa sẽ yên lòng. Hay là tại các vị chưa đồng thuận với nhau về chủ trương này?, hay là tại các vị cho rằng đầy là việc của “địa phương” Huế, nên để Huế tự xoay xở, cũng như bao chuyện khác đã xảy ra trong Giáo Hội Việt Nam

 

Điều thắc mắc thứ hai của Dân Chúa về hành hương nơi này là đã không thấy bóng dáng cờ của Hội Thánh. Có ai cấm đâu nhỉ, trong phạm vi Linh Địa cũng như trong một khuôn viên của nhà thờ, chúng ta vẫn có thể đeo cờ Hội Thánh mà không bắt buộc phải treo Quốc kỳ. Hoặc có thể có một giải pháp dung hòa: ngay dưới chân bậc thềm trước khi tiến lên lễ đài, chúng ta có thể đặt 2 người cầm hai lá cờ Hội Thánh và Quốc gia, trước khi tiến lên lễ đài, cả Đức Hồng Y Đặc Sứ của Đức Thánh Cha và Phó Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân đều cúi chào trịnh trọng. Tôi còn nhớ tại Đại Hội Thánh Mẫu 1959, trước khi bước lên những bậc thềm của Dinh Độc Lập, Đức Hồng Y Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, Hồng Y Agagianian, đã kính cẩn cúi chào Quốc kỳ Cộng Hòa Việt Nam.

 

Điều đáng tiếc thứ ba là Ban Trật Tự đã quá “mẫn cán”, phải chi “văn hóa” hơn một chút. Ví dụ, khi có một hai Giám Mục đi qua, họ đã dàn chào tích cực và xô đẩy không thương tiếc bà con hành hương quanh đó. Một bà Saigon đã ngoài 60 lãnh đủ một cái cùi chõ vào mặt, bà liền phản ứng theo phong cách Saigon: “làm cái gì mà dữ dậy, Giám Mục thì Giám Mục chứ, Giám Mục cũng là người như tôi”.

 

Ban Trật tự La Vang đang thi hành “nhiệm vụ” lột áo khách hành hương. Hình và ghi chú trên conggiaovietnam.net

 

Một ngàn trật tự viên đã có những người ra tay quá đáng, đã có những khách hành hương mặc những chiếc áo thun kêu gọi cầu nguyện cho Đồng Chiêm, Thái Hà, Tam Tòa v.v… Những người trật tự viên đã lột ngay tại chỗ một cách thô bạo, trong lúc những người mặc áo chỉ đứng yên hoặc ngồi yên mà cầu nguyện. Các điểm nóng ấy trên bản đồ quê hương ai mà chả biết. Cứ để những khách hành hương này ngồi cầu nguyện thì đã có sao. Lôi kéo và tước bỏ đã làm nhiều người chú ý

 

Và cuối cùng về một bản tin dài đúng 150 chữ của ký giả Quốc Nam đăng trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 7.1.2011 cũng khiến tác giả Vũ Sinh Hiên muốn đổ “tội” cho hàng giám mục khi tác giả cho rằng “phải chi không đáng có” khi loan tin rằng “… hàng ngàn người dân đã có mặt tại nhà thờ giáo xứ Lavang…

 

Đại Lễ do Tổng giáo hội Công giáo VN tổ chức…”. Ở Việt Nam (cũng như ở trên khắp Thế Giới) làm gì có Tổng giáo hội Công giáo cơ chứ. Mà tại sao lại hạ thấp Trung Tâm Toàn Quốc này xuống thành nhà thờ giáo xứ. Tôi nghĩ đã không loan tin thì thôi mà đã loan thì phải được loan cho chính xác với những ngôn từ chính xác”.

 

Loan tin là chuyện của báo Tuổi Trẻ dù họ loan tin sai vì vô tình hay cố ý, nhưng hầu như chắc chắn đây là ý đồ của ký giả và báo Tuổi Trẻ. Lỗi này không phải của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhưng một số người đã vin vào việc đưa tin của báo Tuổi Trẻ mà phê phán nặng nề Hội đồng Giám mục VN.

 

Bài tường thuật mang tính phê bình của tác giả Vũ Sinh Hiên có đoạn kết nhẹ nhàng nhưng vẫn chưa hài lòng với lễ hội vừa qua:

 

Tôi về lại Huế chiều ngày Thứ Năm 06/01 để đến sáng Thứ Sáu 07/01 vẫn trong cái mưa rả rích tôi ra ngồi ở một quán cà phê trong một cái kiệt (hẻm) để chuyện trò với những người anh em xứ Huế. Người Huế cho biết rằng mùa Đông năm ngoái không mấy khi họ phải mặc áo ấm. Ấy vậy mà năm nay, lúc này đây, thời tiết đã là 15 độ, hứa hẹn một mùa Đông rét đậm.

 

Tôi không biết có phải là do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết hay không. Ngay bên cạnh quán cà phê là một hàng bún bò. Tôi áp hai bàn tay vào tô bún để tìm hơi nóng lan man nhớ tới câu chuyện hôm nào, tôi hỏi một cô bán bún bò rằng bún bò Huế dạo này bớt cay, có lẽ để đáp ứng khẩu vị của Tây ba lô. Cô gái xứ Huế đã trả lời gần như là lạc đề, nhưng rất văn hóa: “Thưa chú, dạo này gái Huế chúng cháu bớt ghen rồi.”

 

Huế vẫn êm đềm, lặng lẽ, nên thơ.

 

Chỉ có Lavang là ồn ào và hoành tráng”.

 

Cuối cùng, bài diễn văn dài 1241 chữ của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chẳng có gì đáng nói ngoài nhắc lại “chủ trương nhất quán” của đảng và nhà nước là “tôn trọng tự do tín ngưỡng”,  khen ngợi sự tổ chức thành công của đại hội  và đưa ra lời nhắn nhủ cuối cùng: “Tôi cũng mong cụ Hồng y, các cụ Tổng giám mục, Giám mục và các Linh mục tiếp tục động viên giáo dân nỗ lực hơn nữa trong con đường đã chọn: “Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc của Đồng bào”, góp phần đưa đất nước Việt Nam thân yêu mỗi ngày một ổn định, mỗi ngày một thăng tiến, nhân dân Việt Nam mỗi ngày một ấm no và hạnh phúc”.

 

Ông phó thủ tướng chỉ quên nói câu quen thuộc… tiến lên xã hội chủ nghĩa!

 

(TVTS – số 1295)