Phim Việt với hình ảnh Tàu: Mừng 1000 năm Thăng Long hay mừng Quốc Khánh của hai nước Trung Hoa?

 

 

Nhà nước hãy tra lại lịch sử để xem Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long ngày nào? tháng nào? Trong ảnh là một cảnh trong phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”: rặt Tàu.  Ảnh: C.T.V 

 

Mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã hoang phí công quỹ để tổ chức quá xa hoa nhưng lại làm cho nhiều người thất vọng và tức giận, nếu không muốn nói là cảm thấy nhục. Khai mạc vào ngày 1/10 là ngày quốc Khánh Trung Cộng; chấm dứt ngày 10/10 là quốc khách Đài Loan. Cuốn phim “Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long” thì mang đậm tính cách Trung Hoa từ y phục đến cảnh quan khiến Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng phải bàng hoàng và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh  đề nghị cấm chiếu.

 

Tại sao có sự cố này?

 

Nhiều báo trong nước đã có phản ánh về cuốn phim Việt lai Tàu này. Mời bạn đọc xem bài viết trên báo Người Lao Động và ý kiến của GS Hưng và Tướng Vĩnh trên các diễn đàn mạng.

 

 

Phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”: PHIM VIỆT SAO LAI TRUNG HOA?

 

Dự kiến lên sóng trong tháng 9/2010 nhưng đến thời điểm này, bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long” (19 tập, Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất) chưa được cấp phép trình chiếu, đang phải đối diện với công việc sửa chữa mà theo những người “biết việc” thì công việc này không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.

 

Yếu tố Trung Hoa quá rõ

 

Gần 2 tháng trước, đơn vị sản xuất đã tung đoạn phim giới thiệu lên sóng với mục đích quảng cáo cho dự án, thu hút sự quan tâm của người xem.

 

Lập tức, có nhiều ý kiến cho rằng những hình ảnh trong phim quá giống phim dã sử của Trung Quốc.

 

Phản hồi ý kiến này, ông Trịnh Văn Sơn (Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành)  cho rằng Việt Nam chưa có truyền thống làm phim lịch sử, chưa có những phim lịch sử được dư luận ghi nhận… nên cũng chưa có gì để làm đối sánh là phim lịch sử Việt Nam phải thế này, thế kia.

 

Còn tiến sĩ Nguyễn Thị Tình- họa sĩ thiết kế trang phục của phim – là người có hàng chục năm nghiên cứu về trang phục Việt Nam, cũng từng có thời gian nghiên cứu trang phục cho dự án phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn (dự án phim Nhà nước đặt hàng cho Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất đang tạm dừng- PV) thì quả quyết: “Dựa trên các tiêu chí như khoa học, dân tộc và đại chúng, tôi đã cố gắng hết sức để trang phục của phim  thực sự là Việt Nam”.

 

Tuy nhiên, những lo lắng của dư luận đã thành hiện thực.

 

Một đạo diễn truyền hình có trách nhiệm xem phim cho biết: “Do bận đi công tác, tôi mới xem 2 tập nên không dám bàn về nội dung. Còn cảm nhận cá nhân thì phim tràn ngập không khí Trung Hoa”.

 

Với bối cảnh kiến trúc của Trung Hoa thì không thể nào biến thành phim Việt.

 

Cũng theo đạo diễn này, chính vì bộ phim thiếu chất Việt nên đã phải chuyển cho Hội đồng Duyệt phim Quốc gia thẩm định.

 

Được biết, sau khi xem toàn bộ 19 tập phim, cảm nhận chung của phần lớn các thành viên trong hội đồng cũng là “yếu tố Trung Hoa rõ quá”.   Cũng có ý kiến cho rằng bộ phim đã không đề cập và  khắc họa rõ nét những chiến công oanh liệt của Lê Hoàn trong giai đoạn lịch sử mà bộ phim đề cập.

 

Kết cục, thay cho việc lên sóng trong tháng 9 như kế hoạch, bộ phim sẽ phải sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng Duyệt phim.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng yêu cầu đơn vị sản xuất phải lược bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa, những bối cảnh có đông quần chúng là người Trung Hoa diễn xuất, những lời thoại không phù hợp…

 

Nghe có vẻ đơn giản nhưng có làm phim mới biết việc sửa chữa một tác phẩm khi đã hoàn thiện không đơn giản chỉ là việc cắt cúp.

 

Cái giá phải trả

 

Kịch bản được viết bởi một “tay ngang”- ông Trịnh Văn Sơn – sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa – tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng: Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính – “chuốt lại”.

 

Bộ phim được thực hiện với kinh phí khoảng trên 100 tỉ đồng; ê-kíp làm phim (phía nước ngoài) là những gương mặt dày dạn kinh nghiệm phim trường ở Trung Quốc: Đạo diễn Cận Đức Mậu- đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc và đạo diễn Triệu Lôi; các chuyên gia hóa trang Trung Quốc; thuê trường quay Hoành Điếm Trung Quốc;  thuê Trung Quốc may gần 700 bộ trang phục cổ; thuê diễn viên đóng thế của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng người Trung Quốc…

 

Cuộc “chơi sang” của đơn vị sản xuất cũng khiến đơn vị này phải đối diện với không ít thách thức là làm sao để bộ phim làm về lịch sử Việt Nam giữ được bản sắc Việt và không khí thuần Việt.

 

Đây cũng chính là điều mà những ai quan tâm đến các dự án phim lịch sử hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đều lo lắng.

 

Với tư cách là chuyên gia cố vấn về bối cảnh đạo cụ và văn hóa của phim, họa sĩ Phan Cẩm Thượng  trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Hồn Việt chia sẻ: “Phim do hãng tư nhân đầu tư nên trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn.

 

Một bộ áo giáp giá 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng) mà mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp nên tiền đầu tư sẽ lớn. Phương án chính là thuê trang phục và khi thuê thì y phục giống Trung Quốc là chuyện đương nhiên. Họa sĩ thiết kế của ta dùng rất nhiều tài liệu từ sách Trung Quốc nhưng trong các sách đó, người Trung Quốc không bao giờ vẽ rõ cấu trúc từng lớp và mặt nghiêng, mặt sau y phục nên các bản thiết kế Việt cũng chung chung như vậy.

 

Hoa văn và trang sức là một vấn đề lớn, nếu ta sáng tác theo ý ta thì phải chi nhiều tiền, họ sẽ làm được hết, chỗ nào không làm được, họ cứ đưa hoa văn Trung Quốc vào. Riêng thiết kế trang sức và tóc đều có một họa sĩ riêng, anh ta hỏi tôi đủ thứ và mỗi thứ đều khó khăn.

 

Sau đó, anh ta lại gửi bản vẽ về Bắc Kinh để chế tạo với giá rất đắt, ví dụ hơn 1.000 tệ một cái vòng bạc, trong khi giá ở Hàng Bạc (Hà Nội) có lẽ chỉ chừng vài trăm ngàn đồng. Các phim lịch sử của ta bày biện một cách tùy tiện về phục trang, hàng trăm bộ khác nhau, đương nhiên là thời gian cho phục trang và tiền may mặc không nhỏ mà lại rất dễ bị “Trung Hoa hóa”…”.

 

Ai giám sát?

 

Làm phim lịch sử là một thách thức ngay cả đối với các hãng phim lớn trong nước và các nhà làm phim chuyên nghiệp VN nên có thể phần nào thông cảm với đơn vị sản xuất phim tư nhân trong việc mời  ê kíp ngoại để làm phim như một giải pháp an toàn cho vấn đề thương mại (được biết ngoài phát sóng tại VN, bộ phim này cũng đang được chào để phát hành tại các nước ASEAN và một số nước châu Âu).

 

Tuy nhiên, dù thế nào thì đây cũng là phim lịch sử được làm chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Cho dù làm bằng tiền của Nhà nước hay tư nhân, bộ phim vẫn phải là một nén hương thơm. Như vậy, lẽ ra với các dự án phim lịch sử dù là tư nhân làm vẫn phải cần có sự giám sát chặt chẽ và có những định hướng kịp thời ngay từ khi dự án bắt đầu ở khâu kịch bản. (Theo Người Lao Động)

 

* * *

           

Cảm nghĩ sau khi xem đoạn quảng cáo phim: “LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG

 

Ý KIẾN CỦA GS Nguyễn Đăng Hưng:

 

Mới xem qua thôi mà tôi đã thấy hãi, nếu không nói kinh hoàng!

 

Từ trang phục cho đến cảnh quan, từ áo mão cho đến búi tóc, hình ảnh toát ra cho ta thấy: Đây là một phim Trung Quốc; chẳng khác gì những phim lịch sử Trung Quốc khác mà đông đảo người Việt Nam quen xem.

 

Lời bình nhắc nhở diễn viên là người Việt Nam, nhưng bất cứ ai chưa thấy họ trên phim Việt Nam, đều nghĩ ngay họ là người Tàu, chỉ trừ cô gái và chiếc áo tứ thân.

 

Chi tiết nhỏ này không thể cứu vãn được tính bao trùm của bản sắc Trung Quốc!

 

Trời ! Ai có thể ngờ Việt Nam ngày nay có thể như vậy!

 

Đậm đà bản sắc dân tộc mà như thế ư?

 

Vì thiếu kỹ thuật, thiếu điều kiện, thiếu tài năng (hay không muốn người thật tài thực hiện!), ai đó đã chọn giải pháp dễ dãi nhờ đến “Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành”, một cái tên gợi ý rất rõ: đây là sản phẩm của Trung Quốc!

 

Than ôi, người ta vô tình (hay cố ý ai biết!), đang dẫn dắt dân Việt chúng ta tiến nhanh tiến mạnh đến bóng đêm của ngàn năm lệ thuộc!

 

Chúng ta đang thấy nhan nhản ngày nay văn hóa Thăng Long cổ kính, trong sáng, thanh lịch ngày càng phai nhạt…

 

Chúng ta than trách tại sao người lo bảo tồn văn hóa không thể hiện nét văn hóa cần thiết. Sơn phết màu mè, pha trộn, giả cổ là phổ biến…

 

Chỉ có mấy phút hình ảnh thôi mà những điều nhiều các nhà văn hóa đích thực thường trăn trở, lo âu bấy lâu nay, như được mở toang ra, một sự kiện có sức tố cáo đanh thép trước công luận: Từ chỗ vô văn hóa đến chỗ văn hóa nô dịch chỉ là khoản cách những bước đi nhỏ… Phim nhắc đến trên đây là một trong những bước đi ấy.

 

Vô văn hóa mà làm văn hóa thì chỉ là người đào mồ chôn văn hóa đích thực!

 

Mà mất văn hóa là mất hết, than ôi !

 

Một nghìn năm Thăng Long, một nghìn năm văn hóa dân tộc, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thương này?

 

 

 Ý KIẾN CỦA THIẾU TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH

 

“Thật không thể được! Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, tôi sẽ cấm chiếu bộ phim này trên toàn cõi Việt Nam, bất kể trên truyền hình hay rạp”.