“Khi anh ra trường, em mới sinh ra đời…” Cuộc đời và cuộc tình của TNS James Webb

27 Tháng Tám, 2009 | Người Việt đó đây

 

 

Đẹp đôi: người hùng của Mỹ và giai nhân Việt . Hình VOA

 

LTS: Thượng nghị sĩ James Webb vừa đến Việt Nam trong chuyến công du 5 nước Đông Nam Á. Mục đích chuyến đi là để củng cố và mở rộng quan hệ của Mỹ với những nước trong vùng trước sự bành trướng của Trung Cộng. Đó là những gì được chính thức phổ biến trước khi ông lên đường.

 

Trước đó, TNS  Webb đã không ký tên vào danh sách 37 thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý. Nhưng trước khi đến VN, người Việt ở hải ngoại, nhất là cử tri gốc Việt ở bang Virginia đã kỳ vọng ông Webb sẽ làm cái gì đó liên quan đến lý tưởng mà ông đã theo đuổi trước đây, ít ra là cũng đòi Hà Nội trả tự do cho những tù nhân mới bị bắt như Luật sư Lê Công Định.

 

Không biết sau hậu trường ông Webb đã nói những gì, nhưng trước báo chí quốc tế ông đã không đề cập đến vấn đề Hà Nội vi phạm nhân quyền mà chỉ cho rằng “Mỹ cần có quan niệm cụ thể hơn về việc bảo vệ chủ quyền tại vùng Biển Đông. Điều quan trọng là cần phải có sự cân bằng về sức mạnh của các quốc gia”.

 

Sứ mạng chuyến đi như vậy quá rõ ràng, chưa kể sự kiện Việt Nam nhân khi TNS Webb vừa đến Hà Nội, đã cho truyền hình, truyền thanh và báo chí công bố “lời nhận tội và xin khoan hồng” của các nhà tranh đấu như Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức v.v Vì thế, người khách quan sẽ không ngạc nhiên là vị thượng nghị sĩ có vợ Việt Nam sẽ đóng đúng vai trò ngoại giao của ông trong chuyến đi này: khi muốn làm bạn thì không nên chọc giận hay chỉ trích thẳng vào mặt đối phương?

 

Cũng nên biết rằng, trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 vừa qua, Thượng nghị sĩ James Webb là một trong những người được ứng viên Barack Obama để mắt tới để mời đứng chung liên danh. Nghe nói ông Obama có mời TNS Webb đứng vai phó ứng viên tổng thống nhưng ông Webb từ chối nên ông Obama đã mời Thượng nghị sĩ Joe Biden.

 

Nếu ngày đó TNS Webb nhận lời, thì ngày nay một phụ nữ Việt tị nạn đã trở thành Phó Tổng thống Phu Nhân, là  Đệ nhị Phu nhân của cường quốc giàu mạnh nhất hành tinh!

 

Theo tự điển mở Vikipedia trước đây TNS Webb đã có 2 đời vợ và có 4 con với hai cuộc hôn nhân trước, tất cả các con đều trưởng thành trong đó một người con trai là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến phục vụ tại Iraq.

 

Ông Webb lập gia đình lần thứ ba với bà Hồng Lê và hai người có một cháu gái là Georgia LeAnh, sinh năm 2006. Bà Hồng Lê cũng có một người con gái khác trong cuộc hôn nhân trước.

 

Bà Hồng Lê sinh trưởng ở Vũng Tàu, đến định cư ở Mỹ năm 1975 và hiện hành nghề luật sư chuyên về luật chứng khoán.

 

Bài viết sau đây tóm tắt từ tác phẩm Boom! Voices of the Sixties của nhà báo Tom Brokaw (Luôn Luôn Trung Thành – Semper Fi, lời thề của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ) được trích từ Cymbidium, X-Cafe/ Radio Free Vietnam.

 

James Webb (trái) và Hồng Lê trong lễ tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ trước mặt ông Cheney, phó tổng thống kiêm chủ tịch Thượng viện

 

 

Thượng Nghị Sĩ James Henry Webb Jr. sinh năm 1946, tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ năm 1968 (là lúc bà Hồng Lê chào đời), ông ta là một chiến sĩ về phương diện thể xác, trí tuệ và văn hoá. Ông từng chiến đấu cho tổ quốc Hoa Kỳ và là một trong những sĩ quan được gắn nhiều huy chương nhất của binh chủng thủy quân lục chiến.

 

Tôi đi Việt Nam với Webb vào tháng Giêng 2006. Trong suốt chuyến đi, tôi hiểu nhiều về những gì Webb tin tưởng và tranh đấu bảo vệ trong cuộc chiến Việt Nam, và những gì chiến tranh và chính trị đã tạo nên một Webb ngày hôm nay. Dù tôi không quen ông nhiều, nhưng Webb ra đón tôi ở phi trường vào giữa đêm ở một xứ sở mà ông đã từng tránh đạn hầu như hằng ngày suốt năm 1969, trong khi đó, ở nửa vòng quả đất bên California, tôi có một đời sống sung sướng để tường thuật phong trào phản chiến mà ông ghét cay ghét đắng.

 

Trước cửa phi trường vào một đêm ẩm thấp, ông dùng tiếng Việt lưu loát gọi chiếc Taxi để chở hành lý của tôi về khách sạn. Đây là lần thứ 15 ông đến Việt Nam từ khi chiến tranh chấm dứt, và lần nào ông cũng bị ngạc nhiên bởi những thay đổi lớn lao đang xẩy ra. Sài Gòn và Hà Nội là hai thành phố sống động, lúc nào cũng ồn ào với tiếng động thường xuyên từ xe gắn máy và từ những dân buôn vẫy mời du khách Tây phương vào cửa hàng bé con đầy ắp những món hàng lụa, điện tử, máy ảnh, sản phẩm mỹ nghệ và hàng giả.

 

Những tấm biểu ngữ đỏ chói của Đảng Cộng Sản treo trên cột đèn hay tại cổng công viên nhắc nhở thực tế chính trị hiện nay ở Việt Nam, dù nó có trái ngược với tự do buôn bán rộn ràng đang nẩy nở trên các đường phố ở ngay dưới. Hầu như không thể tưởng tượng được chính đây cũng là một xứ ảm đạm mà quá nhiều người Hoa Kỳ đã bỏ mình.

 

Khi chúng tôi rời Hội An, một thành phố lịch sử cổ kính dọc theo bờ biển miền Trung, Webb nói với một tâm trạng bỗng nhiên “Tôi yêu chốn này, nhưng tôi cũng ghét nó.” Phong cảnh bên ngoài cửa sổ xe vào mùa đông năm 2006 đó ắt hẳn khác nhiều với những gì mà Trung Úy Webb đã chứng kiến khi ông đặt chân đến với cương vị là một trung úy TQLC mới toanh vào năm 1969.

 

Sau khi tốt nghiệp ở Annapolis, ông là người đỗ đầu của bộ tư lệnh quân huấn ở Quantico, một căn cứ TQLC quan trọng ở miền Bắc Virginia. Cấp chỉ huy có nhiều kỳ vọng vào Trung Úy Webb, nhưng không có kỳ vọng gì cao hơn những tiêu chuẩn mà ông tự đặt cho chính mình. Ông đến Việt Nam để chiến đấu cho cuộc chiến tranh mà ông vô cùng tin tưởng vào mục đích của nó.

 

Chiến tranh Việt Nam, theo Webb hiểu vào thời điểm đó, và cho đến ngày nay, là đúng và được sáng tỏ. Chủ nghĩa Cộng Sản, được dẫn đầu bởi một Trung Hoa khổng lồ vừa thức tỉnh, đang reo rắc nguy hiểm trong khắp Đông Nam Á. Ông nói “Hãy nhìn những gì đã xẩy ra ở Indonesia,” ông muốn nói về sự đang lên của Partai Komunis Indonesia, một đảng Cộng Sản lớn thứ ba trên thế giới trước khi bị tiêu diệt vào năm 1965 sau một cuộc nổi dậy thất bại.

 

Nhưng ông cũng hiểu một cách vững chắc rằng sự thi hành của chiến tranh Việt Nam là một thất bại, và những chia rẽ trong nước, nhất là những phân chia giai cấp trí thức để khỏi thi hành nghĩa vụ quân sự, đã gây đổ vỡ và vẫn còn mang hậu quả cho đến ngày nay.

 

TNS  James Webb và phu nhân trong một chuyến thăm Việt Nam. Ảnh Đại Phượng

 

Webb năm nay 61 tuổi. Ba lần vợ với bốn người con đã trưởng thành và một con còn bé. Ông tốt nghiệp luật khoa ở Đại Học Georgetown. Sự thử thách và sự thật định nghĩa cuộc đời của Webb bắt đầu khi ông bước lên phi cơ ở Mỹ lúc 23 tuổi để rồi bước xuống chiến trường ở Vũng An Hòa.

 

Ngay đêm hôm đó, ông dẫn một tiểu đội đi tuần nhưng rơi vào cứ điểm được bảo vệ mạnh mẽ của quân miền Bắc. Giao tranh bùng nổ. Vị chỉ huy của Webb nghĩ là ông không qua khỏi đêm đầu tiên. Nhưng Webb bình tĩnh chỉ huy quân lính, gọi yểm trợ pháo binh và không quân, và chẳng mấy chốc, giao tranh ngưng và không ai bị hề hấn gì.

 

Đêm sau cũng vậy, và chỉ trong vài ngày, quân của ông và các cấp chỉ huy nhận ra bên cạnh có sự hiện diện của một sĩ quan TQLC ưu tú, nhưng quan trọng nhất là một sĩ quan có thể dẫn dắt quân vào chiến địa và đem quân về an toàn.

 

Chúng tôi lái xe đến Vũng An Hòa vào một buổi sáng, đó là một thung lũng và đồng bằng rộng với hai con sông lớn chảy xuống từ núi rừng chung quanh. Đây là căn cứ đóng quân của Jim Webb trong một năm với hầu như ngày nào cũng có giao tranh.

 

Những con đường chật hẹp ngày xưa bây giờ được tráng nhựa uốn quanh những ngôi làng và cánh ruộng với những nông dân cầy sâu cuốc bẩm với dụng cụ thô sơ. Buổi sáng dịu dàng hôm đó, phong cảnh thật là đẹp. Nhưng ngày xưa khi Webb lần đầu thấy nó, An Hoà là một nhà mồ nuốt chửng bất cứ ai bước vào.

 

Khi đi sâu vào làng, chúng tôi ngừng ở đền kỷ niệm những tử sĩ miền Bắc và địa phương. Đó là một tháp cao hai tầng được dựng trên một gò đất trong làng Đại Lộc với hai bên là những tấm biển cao khoảng ba mét. Chúng tôi tính nhẩm là trên 18 tấm biển có ít nhất sáu ngàn tên tử sĩ.

 

Webb thu nhận tất cả và nói với một giọng trầm nhưng quyết liệt như thể là ông trở về quá khứ vào thời đó mặc dù đã qua bao nhiêu năm nay “Chúng tôi chu toàn trách nhiệm, thưa ông Brokaw.” Mọi người đứng im lặng, nhìn xa xăm trên thung lũng xanh rì với chứng tích của tổn thương chiến tranh nổi bật trước mắt. Webb nói “Trong quân đội người ta nói lính TQLC biết hi sinh như thế nào, những người này cũng thế!”.

 

Trong sáu tháng là tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng, Webb hầu như chiến đấu hằng ngày với từ du kích quân mặc quần áo bà ba đen cho đến quân chính quy miền Bắc. Dường như là họ cứ tuôn ra từ trong núi ở phía bắc và phía tây và những ngôi làng nhỏ chung quanh.

 

Bây giờ thì chúng tôi đi về hướng tây dọc theo con lộ nối chính những ngôi làng đó. Webb trở nên trầm ngâm, ông nhận thấy nhiều điều kiện được cải tiến – giếng nước mới, nhà xây bằng gạch, ngói và chợ búa tấp nập khắp nơi bày bán nông sản địa phương và đồ dùng gia dụng khiêm nhường.

 

Webb nhớ là bên phía bắc của con sông là vùng đóng quân của lính chính quy miền Bắc và Việt Cộng và nơi bị rải bom. Ông nói “tôi vẫn còn lạnh người. Những người đó đau khổ quá nhiều. Ngay cả bây giờ, dân chúng bên kia sông vẫn còn ghét chúng tôi.”

 

Lúc đó ở trong thung lũng, trận chiến quá mãnh liệt đến độ không còn một cây đứng vững. Nhưng hôm nay, đó là cánh đồng xanh tươi êm ả như một tấm bưu ảnh. Webb cũng còn nhớ là vị chỉ huy trưởng triệu tập một buổi họp với các viên chức trong làng để bàn về triển vọng cải cách chính trị và có thể có bầu cử. Nhưng bỗng nhiên từ các bụi cây, Việt Cộng ồ ra và thảm sát tất cả mọi người. Việt Cộng chẳng bao giờ muốn dân chủ thực sự. Webb nói “Ông đâu có nghe những người phản chiến trong nước Mỹ tố cáo những hành vi như thế!”

 

Chúng tôi gặp một cựu quân nhân của lính chính quy miền Bắc ở trụ sở chính quyền địa phương, hiện giờ ông ta là một viên chức tỉnh cao cấp. Ông ta lịch sự nhưng tỏ vẻ nghi ngờ khi Webb đề nghị một công trình xây riêng một khu để vinh danh cả hai bên và giải thích tại sao họ xung đột.

 

Webb mường tượng một trường học, một trung tâm lịch sử, và tạo nên một làng hệt như thời xưa. Đây là một trong những cố gắng không ngừng của Webb để công nhận những công lao của người lính và để tưởng nhớ đến sự hy sinh của những người đã khuất của cả hai bên. Nhưng viên chức cao cấp này có vẻ không tha thiết, ông nói ông muốn xem dự án chính thức, nhưng sau đó ông cho ba người mặc thường phục theo dõi chúng tôi cả ngày. Webb kết luận đây không phải là dấu hiệu tốt.

 

Vợ thứ ba của Webb là bà Lê Hồng. Bà Hồng sinh vào tháng Hai năm 1968 vào lúc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Bà rời Việt Nam lúc bẩy tuổi bằng thuyền đánh cá trước khi quân miền Bắc chiếm Sài Gòn vào năm 1975 và gia đình bà định cư ở New Orleans với không một xu trong túi. Chuyện bà Hồng là một trong những câu chuyện thành công vẻ vang của người tỵ nạn Việt Nam. Bà tốt nghiệp hạng ưu từ Đại Học Michigan sau đó học luật ở Đại Học Cornell. Bà Hồng và ông Webb gặp nhau ở Washington, nơi bà làm việc. Hai người có cùng sở thích là phát triển môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

 

Tại một ngôi làng khi Webb và tôi lang thang để xem một bãi chiến trường ngày xưa, một số dân làng tiến đến và cảnh báo bà Hồng nên cẩn thận coi chừng bị mấy ông Mỹ bắt cóc, họ không biết sự liên hệ giữa bà và chúng tôi.

 

Sài Gòn mất vào năm 1975 – những hình ảnh dân chúng bám vào càng máy bay trực thăng rời nóc toà đại sứ Hoa Kỳ, cuộc di tản khổng lồ của cả triệu người miền Nam Việt Nam, và những số phận thảm khốc xẩy ra cho những người phải ở lại – đã ảnh hưởng đến Webb một cách sâu xa.

 

Khi ở trong trận mạc, ông không có thì giờ nghĩ về chính trị. Nhưng “nhìn những thuyền nhân nhảy xuống biển cả, một nửa không đến bờ, chỉ để tránh nạn Cộng Sản, đã mang lại nhiều ý nghĩa đến cho những gì chính phủ Hoa Kỳ đã từng cố gắng làm, nhiều hơn hẳn những gì người Mỹ muốn hiểu hay thừa nhận.”

 

Webb muốn chúng tôi ở khách sạn Rex để gặp người bạn đạp xích lô, những người trong tầng lớp xã hội thấp nhất và phải cực khổ để sống qua ngày. Người bạn của Webb được gọi là Louie, lính nhảy dù ngày xưa. Khi Cộng Sản thắng, Louie bị giam nhiều năm trong trại cải tạo. Louie cùng với ba người bạn của ông tổ chức một cuộc dạo chơi trong Quận 4, nơi tụ tập của những người bại trận gồm những cựu quân nhân và công chức cũ của miền Nam. Không biết vì những lý do gì, có rất nhiều người Mỹ từng to mồm tố cáo chính phủ Miền Nam tham nhũng trong thời chiến tranh nhưng họ lại không nói gì về những độc ác của miền Bắc chiến thắng.

 

Trong buổi tối cuối cùng ở Hà Nội, khi tôi thả bộ từ nhà hàng về khách sạn với Webb và Hồng, chúng tôi đi qua một người bán dạo đang bán tấm bích trương của Britney Spears to bằng tấm khăn trải giường. Còn biểu hiện nào vĩ đại hơn nữa đại diện cho những thay đổi xẩy ra từ năm 1968!

 

Tôi cười và chỉ vào tấm bích với hình ảnh một ca sĩ hở hang khiêu gợi đó rồi nói “Đó chính là những gì ông tranh đấu để đạt đến, đó là cái quyền của Britney Spears để được trưng bày trên hè phố Hà Nội.” Web ngừng một chút trước ảnh Britney Spears đang bĩu môi, luồn tay sang ôm Hồng, và mỉm cười khi chúng tôi tiếp tục thả bộ về khách sạn.

 

Nguồn bản Việt ngữ: Cymbidium, X-Cafe và Radio Free Vietnam