Hội Chợ Tết Giáp Thìn “Nhớ về Sài Gòn”: chuẩn bị cho Hội Chợ Tết Ất Tỵ, đánh dấu 50 năm viễn xứ (kỳ 1) – bài của Nguyễn Hồng-Anh

14 Tháng Ba, 2024 | Người Việt đó đây
Những phụ nữ trong tà áo dài Việt Nam và hai người cuối cùng trong đoàn diễn hành là Phó Thủ lãnh đảng Tự do David Southwick đang chụp selfie với ông Chủ tịch Nguyễn Quang Duy. Hình: Anne Nguyễn

Tôi đến Úc vào cuối tháng 6 năm 1981 sau khi đặt chân lên đảo KuKu ở Nam Dương (Indonesia)  vào đúng trưa ngày 30/4/1980. Một năm sống ở trại tị nạn Galang và gần một tháng ở trại chuyển tiếp Singapore, tôi đã gặp và quen biết nhiều người qua việc viết bài cho nguyệt san Tự Do do Linh mục Dominici thành lập, làm trung tâm trưởng Trung tâm Thanh thiếu niên của trại (Youth Center) và tổ chức những buổi văn nghệ hàng tuần trong trại nên quen biết nhiều người, từ giới trí thức văn nghệ sĩ cho đến những thiếu niên vượt biên  đi “can-me” một mình.

Chiếc ghe của chúng tôi dài 12 mét “3 bloc đầu bạc” tuy nhét đến 164 người ngồi chen chúc như cá hộp nhưng chạy rất nhanh đến độ khi từ bến ở Bạch Đằng  Sài Gòn ra vừa khỏi cửa Cần Giờ Vũng Tàu lúc trời xế chiều, bị tàu công an rượt theo nhưng chúng không đuổi kịp. Tới Singapore bị đuổi ra nên chạy một mạch tới Nam Dương. Thế là thoát cộng sản sau 7 ngày đêm trên biển, là kinh nghiệm để tôi viết ca khúc “Đêm đại dương” ở trại tị nạn Galang.

Sống ở Pennington hostel tại Thành phố Adelaide hơn 5 tháng chẳng biết làm gì, nghe nói ở Melbourne dễ kiếm việc, lại được anh bạn cựu Thiếu úy Hải quân Nguyễn Tân Hải quen nhau từ khi còn làm văn nghệ với nhau ở trại tị nạn Galang rủ về Melbourne, bốn anh em trai nhà chúng tôi đi xe lửa về sống ở vùng Richmond gần người bạn cũ ở trại tị nạn Galang và người bạn mới là cựu Đại úy Bùi Quốc Sủng, người tôi cộng tác viết bài cho  tập san bất định kỳ “Gươm Thiêng” của Hội Cựu Quân nhân QLVNCH Victoria, phát hành từ khoảng năm 1982.

Rước cờ Úc và cờ VNCH. Hình: Anne Nguyễn

Tuy không học nhạc nhưng có máu văn nghệ và đã sáng tác vài chục bản từ năm 1976, phát hành tập “Thân Phận Ca” quay   ronéo khi còn ở trại tị nạn Galang, tôi có tặng cho nhạc sĩ Lê Văn Thiện một tập và trong năm 1981 ông đã hòa âm và ca sĩ Thanh Thúy đã thực hiện 4 ca khúc của tôi trong cassette Siêu Âm 1 trong đó Thanh Thúy hát bài “Chuyện của tôi” mà tôi viết khi còn ở Việt Nam.

Tôi còn nhớ khi mới đến Melbourne, trong một dịp  lễ tưởng niệm Ngày 30/4 tại hội trường  giáo xứ St Joseph, tôi xách cây đàn thùng hát bài “Dòng Máu Việt Nam”, bước ra cửa ông Hồ Công Lộ khi đó làm chủ bút báo Ngày Mai (sau này lấy tên Nhân Quyền) đã khen bài hát này hay, nói rằng sau này sẽ được người ta biết đến, bởi tôi có cái thuận lợi là vừa viết nhạc vừa có thể tự trình diễn.

Ngày hội xuân “Nhớ về Sài Gòn” bắt đầu với nghi thức tế tổ. Hình: Anne Nguyễn

Từ hát hò ở các lễ hội cộng đồng Việt Nam và trình diễn trong các lễ hội người Úc và sau này trở thành một nhân viên phát triển cộng đồng do Cộng đồng Người Việt Tự do mướn nên tôi đã có dịp tham gia vào ban văn nghệ và tổ chức Hội Chợ Tết (lớn) đầu tiên của Cộng đồng tại Richmond  Bastow Oval 1982 có khoảng 10,000 người dự, rồi năm sau chuyển qua sân Burnley Oval lớn hơn để có thể chứa thêm khách du xuân năm 1983, và sau đó  qua Footscray Park năm 1984, 1985 cũng thời kỳ ông Nguyễn Tân Hải làm chủ tịch Ban Chấp hành trước khi nhưng hẳn sinh hoạt, tham gia với các Ban Chấp hành tiếp theo để dành thời gian cho tờ báo TiVi Tuần-san được đăng bạ vào cuối năm 1985 và phát hành số đầu vào tháng Giêng năm 1986.

Đại diện BCH, các tiểu ban Cộng đồng và một số các quan khách Úc Việt  được mời lên sân khấu để giới thiệu với khách du xuân. Hình: TVTS

Nhưng kể từ  Hội Chợ Tết Quý Mão 2023 với Ban Chấp hành mới của ông Nguyễn Quang Duy làm chủ tịch, tôi lại có dịp dành nhiều thời gian để theo dõi các sinh hoạt của Cộng đồng, dự một số phiên họp và lần này cũng trở lại với ông bạn Luật sư Nguyễn Tân Hải, nay là Trưởng ban Pháp lý của Cộng đồng với tư cách một nhà báo. Hơn 40 năm trôi qua thật nhanh.

Năm nay Cộng đồng NVTD Victoria tổ chức Hội Chợ Tết với chủ đề “Nhớ về Sài Gòn” và cũng để chuẩn bị cho cái Tết 50 Năm Viễn Xứ, đánh dấu nửa thế kỷ người Việt tự do định cư ở đất nước phúc địa này. Chúng ta vui xuân, nhưng nhớ đến đồng bào vẫn còn đang sống dưới chế độ cộng sản độc tài như ông Chủ tịch Nguyễn Quang Duy phát biểu trong diễn văn khai mạc.  “Chúng ta vui xuân và cám ơn đất nước đã  cưu chúng ta trong 50 năm qua bằng một cử chỉ biết ơn tượng trưng, đó là vận động gây quỹ ủng hộ Bệnh viện Foostcray”, ông Duy nói.

Nhờ sự đóng góp của nhiều thành viên trong cộng đồng bằng sức lực, trí lực, tài lực và qua sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Cộng đồng NVTD-Victoria, chúng ta đã được Hội đồng Thành phố Maribyrnong nơi người Nghị viên Cúc Lâm gốc tị nạn hiện đang làm Thị trưởng, đã chính thức chấp nhận cho Cộng đồng được sử dụng trở lại công viên Footscray Park trong hai năm 2024 và 2025 để tổ chức Hội Chợ Tết sau gần 30  năm phải tổ chức ở các nơi khác nhau. Đây là một thành quả đáng kể của Ban Chấp hành hiện nay do ông Nguyễn Quang Duy lãnh đạo.

Bộ trưởng Di trú Andrew Giles (trái) và Dân biểu Lao động Daniel Mulino châm lửa đốt pháo khai hội xuân trong khi Phó Thủ lãnh Tự do tiểu bang David Southwick chụp hình và bà Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Úc Huỳnh Bích Cẩm đứng nhìn. Hình: Anne Nguyễn

Tôi có dịp dự vài phiên họp của Ban Chấp hành và các tiểu ban về việc tổ chức Hội Chợ Tết và vận động với Hội đồng Thành phố Maribyrnong để xin thuê một miếng đất lớn  trong thành phố này cho dự án xây một Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng lớn hơn, khang trang hơn và gần với cư dân để người ở các ngoại ô quanh Thành phố Melbourne dễ dàng đi lại. Tôi nhận thấy khoảng 20 người trong Ban Chấp hành mở rộng đã hoạt động rất hăng say và tích cực qua việc hy sinh thời giờ cho công ích của Cộng đồng.

Và cuối cùng, cái ngày mà Ban Chấp hành lên chương trình, bắt tay vào việc cách đây vài tháng đã tới. Anh Hải Phạm, điều hợp viên chương trình Hội Chợ Tết (Tet Event Manager) trước đó mỗi khi có dịp phát biểu gây quỹ tổ chức thường hứa hẹn Hội Chợ Tết Giáp Thìn sẽ “hoành tráng” và thực tế đã cho thấy như vậy.

Các quan khách Việt Úc dùng bữa trưa, nghe diễn văn và xem các màn văn nghệ. Hình: TVTS’’

Về mặt ngoại giao, Ban Chấp hành đã mời được một số quan chức cáo cấp của Chính phủ Liên bang và Tiểu bang đến tham dự và chúc tết đồng hương như Dân biểu Lao động Andrew Giles, Bộ trưởng Di trú, Quốc tịch và Đa văn Andrew Giles và Dân biểu Tự do David Southwick, Phó Thủ lãnh Đối lập của đảng Tự do Tiểu bang Victoria.

Các vị khác gồm Dân biểu Lao động Liên bang, Tiến sĩ Daniel Mulino; Dân biểu Lao động Katie Hall, đại diện Thủ hiến Tiểu bang Victoria Jacinta Allan; Dân biểu Lao động Natalie Suleyman, Bộ trưởng Cựu Chiến binh và Tiểu thương Tiểu bang Victoria; Thượng nghị sĩ Tự do Trung Lưu, Thượng nghị sĩ Moira Deeming. Về phía Việt Nam, có cựu Thị trưởng Thành phố Yarra là Claudia Nguyễn, Bà Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Úc Huỳnh Bích Cẩm, cựu Thượng nghị sĩ Tiểu bang Victoria là Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng v.v…

Hợp ca bài “Dòng máu Việt Nam” (trên) và khung cảnh các lều dành cho quan khách và đồng hương vào giữa trưa trước khi ông Bộ trưởng Di trú  phát biểu và chúc Tết. Hình: TVTS

Chương trình ngày Thứ Bảy bắt đầu từ 11.30am với phần Lễ Tế Tổ, diễn hành rước quốc kỳ Úc và cờ Việt Nam Cộng Hòa, di sản của người tị nạn và sau đó là lễ thượng kỳ hát quốc ca Úc và VNCH với  phút mặc niệm.

Tuy chỉ là năm thứ hai kể từ khi giữ vai trò Chủ tịch Cộng đồng với nhiều khó khăn nội bộ, nhưng ban chấp hành của ông Duy đã vượt qua để tổ chức một lễ hội xuân với quy mộ lớn chưa từng thấy trong vài chục năm qua của Cộng đồng NVTD-Victoria.  Đó là nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các mạnh thường quân, các thương gia, các hội đoàn và nhất là các thành viên trong ban chấp hành, các tiểu ban và những thiện nguyện viên âm thầm không tên tuổi làm việc trong mấy tháng qua và đặc biệt là trong 2 ngày Hội Chợ Tết Giáp Thìn.

Người giới thiệu chương trình thay mặt Ban Tổ Chức cám ơn những người bảo trợ, các thành viên ban tổ chức, các hội đoàn, thiện nguyện viên, các công ty đã đóng góp để tổ chức Hội Chợ Tết Nhớ Về Sài Gòn, đồng thờ  mời Ban Chấp hành và các Trưởng nvà Phó ban cùng lên sân khấu và ông Chủ tịch Nguyễn Quang Duy tuyên bố mừng xuân mới với chủ đề Nhớ về Sài Gòn.

Luật sư Nguyễn Tân Hải, Trưởng ban Pháp lý (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Di trú Andrew Giles người năm ngoái hứa sẽ cứu xét dự án Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng khi BCH nộp đơn xin tài trợ. Người đứng bên cạnh là cựu Thượng nghị sĩ Kiều Tiến Dũng. Hình: TVTS

Xen kẽ những phát biểu của quan khách Việt Úc là những hoạt cảnh “Ghé bến Sài Gòn” của nhóm Âu Cơ và “Sài Gòn đẹp lắm” của nhóm AVA. Tiếp đến là phần trình diễn hợp ca bài hát “Dòng Máu Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hồng Anh do các ca sĩ Thụy Kim, Quan Kha, Mỹ Hiền, Quan Kha, Luật sư Nguyễn Tân Hải, ban hợp ca Freedom Day Club và tác giả ca khúc đồng trình bày trước khi ông Bộ trưởng Di trú Andrew Giles phát biểu.

Đáng chú ý nhất là lời phát biểu của ông Bộ trưởng Di trú Andrew Giles. Đây là lần đầu tiên ông Bộ trưởng đến dự Hội Chợ Tết của Cộng đồng NVTD-Victoria. Vào cuối năm ngoái, trong một buổi họp với đại diện các tổ chức người Việt ở Tiểu bang Victoria, hai ông Nguyễn Quang Duy và Nguyễn Tân Hải có trình bày về nhu cầu Cộng đồng cần có một trung tâm sinh hoạt và mong chính phủ liên bang hỗ trợ, ông Giles hứa sẽ cứu xét và nhận lời mời đến dự Hội Chợ Tết của Cộng đồng và ông đã đến.

Ông Bộ trưởng nói ông được vinh dự đến Hội Chợ Tết của Cộng đồng với tư cách là một Bộ trưởng Đa văn Sự vụ,  và ông cũng đại diện cho Thủ tướng Úc để có mặt trong buổi lễ quan trọng này. Ông nhìn nhận sự đóng góp của cộng đồng Việt Nam đối với nước Úc và ông chúc mọi người và gia đình của họ một năm mới hạnh phúc.

Footscray Park (một phần) có sức chứa khoảng 8,000 người một lúc, nhìn từ trên cao buổi trưa ngày khai mạc khi nắng và nóng nên còn ít người. Hình: TVTS

Ngoài  những chính trị gia liên bang và tiểu bang thường có mặt trong các dịp lễ hội của Cộng đồng vừa kể trên, có một nhân vật lần đầu tiên đến dự là Dân biểu David Southwick, Phó Thủ lãnh đảng Tự do Tiểu bang Victoria. Ông Southwick được biết rằng người Việt đã tổ chức Tết tại Footscray Park từ năm 1982 (gọi là “Ngày Việt Nam” thời các ông Mai Văn Khuông, Mai Văn Hiền trước khi nhường lại cho Cộng đồng NVTD-Victoria, chú thích của TVTS) và sau một thời gian dài vắng mặt, nay trở lại đây, Footscray Park  dưới bầu trời nắng đẹp và ông chúc mừng mọi người “Happy New Year”.

Với giọng nói hùng hồn và cử chỉ như đang tranh luận tại nghị trường, Dân biểu Southwick nói về sự đóng góp của các cựu chiến binh VNCH cho đất nước của họ, về những người tị nạn đến Úc  chọn Úc làm quê hương của họ  và đóng góp cho nước Úc, quê hương mới của họ. Ông nói người nhiều người Việt rất thành công và ông kể hai trường hợp. Đó là cô Lê Tần đến Úc với tư cách người tị nạn, người bạn tốt (my good friend) cùng học chung với ông ở trường Đại học Victoria ở Footscray và sau đó trở thành Người Úc Trẻ Trong Năm (Young Australian of the Year) và nổi tiếng với sự thành công trong nghề nghiệp của cô.

Ca sĩ Nghiêm Lệ (áo vàng) và ca sĩ Thụy Kim (áo đỏ) xuống sân cỏ hát những ca khúc về xuân. Hình: TVTS

Người thứ hai là ông Trung Lưu, đến tị nạn ở Úc năm 1979, phục vụ trong lực lượng Cảnh sát Victoria rất nhiều năm và bây giờ trở thành một thượng nghị sĩ, một đồng nghiệp cùng đảng Tự do với ông. Đó là những người tị nạn làm việc siêng năng cần cù và đã thành công. Ông Southwick nói cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng quan trọng ở nước Úc và đóng góp cho Tiểu bang Victoria, là điều mà ông muốn nói lời cám ơn với họ. Và ông nói năm tới, cộng đồng tị nạn Việt Nam đánh dấu 50 năm họ đi tị nạn và chọn nước Úc làm quê hương của họ.

Sau phần phát biểu của quan khách Úc Việt là phần tuyên bố khánh thành hội chợ với màn múa lân. Quan khách được mời dùng bữa trưa và cùng các khách du xuân xem một chương trình văn nghệ và biểu diễn liên tục, kéo dài đến 10 giờ tối với sự đóng góp của  các ban vũ Âu Cơ, Việt Ngàn Phương,  Blackburn, Hương Việt, AVAC, AVA Kew, Pháp Luân Công; biểu diễn Vovinam;  cải lương vọng cổ với Minh Hưởng, Mỹ Linh.Thanh Thảo; ban nhạc hòa tấu HD Excellence của nhạc sĩ dương cầm Diệu Trang; trình diễn áo dài truyền thống qua các màn vũ. Từ 7 giờ tối đến 10 giờ ban nhạc Bình Cadillac phụ trách chương trình nhạc sống với các ca sĩ Nghiên Lệ, Hữu Thành, Thụy Kim, Anh Minh, Hoàng Hiệp. Đặc biệt vào cuối chương trình là phần trình diễn của nữ ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975 là Sơn Ca từ Tiểu bang Queensland xuống góp mặt với nhiều ca khúc được một thời yêu chuộng. Ca sĩ Sơn Ca cùng người bạn là Kim Phượng từ Sydney xuống hát song ca những bài dân ca như Yêu nhau cởi áo cho nhau, Trống cơm v.v… làm không khí nóng lên dưới bầu trời mát và bắt đầu lạnh.

Một ngày đầu của Hội Chợ diễn ra rất tốt đẹp khiến Ban Tổ Chức Hội Chợ Tết Giáp Thìn rất phấn khởi để tiếp tục chuẩn bị cho ngày mai, Chủ Nhật 18/2/2024.

Khách du xuân xem triển lãm văn hóa và phong tục trong gian lều trưng bày sau gian dành cho quan khác. Hình: TVTS

Vài nhận xét

Không ai trong Ban Tổ Chức dám bảo đảm hội chợ tết sẽ diễn ra tốt đẹp và đông người đến dự như vậy. Bởi năm trước đó do sân của Trung tân Sinh hoạt Cộng đồng nhỏ và nằm ở một nơi “hẻo lánh” nên chỉ có khoảng 500 người dự cùng một lúc. Tuy nhiên Ban Tổ Chức đã cật lực làm việc, họp hằng tuần để bàn thảo và chuẩn bị, hy vọng hội chợ tết này có thể làm bà đạp để tổ chức một Hội Chợ Tết thật lớn, quy mô đánh dấu 50 năm xa xứ, định cư và hội nhập nhưng không quên cội nguồn, không quên đất nước vẫn đang còn nắm dưới sự kềm kẹp của chế độ độc tài cộng sản Việt Nam.

Một màn vũ với y phục cổ truyền nam và nữ với hoa mai và bánh chưng trong ngày tết. Hình: TVTS

Nhận xét riêng của người viết, sự thành công này là nhờ sự lãnh đạo khéo léo của ông Nguyễn Quang Duy để những người trong Ban Chấp hành, các tiểu ban với khoảng 20 thường xuyên hoạt động và khoảng 10 không thường xuyên làm việc nhịp nhàng với nhau. 30 người này đã vận động thêm những thiện nguyện viên khác góp tay khi cần như trong các lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, ngày tưởng niệm 30/4, Tết Trung Thu, các Đại hội Bất thường hay Thường niên và Tết Nguyên Đán v.v…

Nhờ những người như vậy mà Ban Chấp Hành có thể hoạt động để phục vụ đồng hương, duy trình sinh hoạt Cộng đồng về mặt chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội v.v…

Sự thành công của Hội Chợ Tết Giáp Thìn cũng quả là quá sự mong đợi. Bởi gần 30 năm qua,  đâu còn mấy người nhớ tới Hội Chợ Tết Việt Nam ở Footscray Park! Vậy mà với một công viên rộng có thể chứa 8,000 người cùng một lúc với gần trăm gian hàng, lều và trò chơi lớn, mà từ chiều trở đi du khách đến dự đầy nghẹt  công viên, mua thức ăn phải xếp hàng.  Nếu tính số người đến tham dự, người viết dự đoán khoảng từ 10,000 đến 12,000 người trong ngày đầu.

Đến tối, du khách xếp hàng dài trước các lều bán thức ăn. Đây là một hội chợ tết có nhiều Cờ Vàng nhất từ trước đến nay, trải dài dừ đường Ballarat Road đến dọc sông Maribyrong. Hình: TVTS

Có người đến Footscray Park để gặp nhau trong ngày lễ hội đầu năm của dân tộc theo truyền thống. Đến để ngồi trên đồi cỏ nghỉ ngơi dưới bóng cây công viên ngắm cảnh vật, ngắm người qua lại hay đi  “du thuyền” cắm Cờ Vàng chạy trên sông Maribyrnong ngắm quang cảnh gần công viên và chân trời Melbourne với những tòa cao ốc từ xa. Người khác đến để nghe nhạc và ăn uống, thưởng thức những món ăn Việt Nam, xem phong tục Việt Nam qua lễ hội, triển lãm. Trẻ con đến đến vui với những trò chơi cổ truyền Việt Nam hay những trò chơi lớn (rides) từ nhẹ đến gây cảm giác mạnh. Và có những người thanh niên đến trước Bàn Thờ Tổ để cung kính ngắm hay khấn nguyện.  Đây là một thành tích đáng khen ngợi của Ban Tổ Chức và những thiện nguyện viên.

Dốc cỏ với bóng cây là nơi ngồi lý tưởng cho các gia đình hay những cặp tình nhân tại Hội Chợ Tết Giáp Thìn ở Footscray Park. Hình: TVTS

Tuần tới: Ngày thứ hai của Hội Chợ Tết. Những màn thi đua, phát giải thưởng và cuộc phỏng vấn hai vị dân cử gốc Việt và một chương trình văn nghệ liên tục kéo dài đến khi ngày hội “Nhớ về Sài Gòn” kết thúc với 3 đợt đốt pháo bông.

Nguyễn Hồng-Anh

(Trích  eTVTS 1971  ngày 21/2/2024)