Tác giả Bộ Mặt Thật HCM ra mắt sách VN Điêu Tàn Bất Hạnh và phán quyết của tòa án Úc về vụ Nguyễn Thuyên kiện TVTS

18 Tháng Sáu, 2009 | Người Việt đó đây

 

 

Tác giả Nguyễn Thuyên và  cuốn sách Bộ Mặt Thật của HCM xuất bản năm 1990 (màu đỏ) và năm 2000 (màu trắng). Đây là cuốn sách bị tố cáo là… đạo văn!

 

Trong tháng qua, ông Nguyễn Thuyên –tác giả cuốn sách “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” được xuất bản năm 1990 và tái bản năm 2000– sau vụ kiện liên quan đến việc TVTS tố cáo ông ta đạo văn và những chuyện khác, đã phát hành cuốn sách thứ hai có tựa “Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh”.

 

Việc ra mắt cuốn sách thứ hai của Nguyễn Thuyên đã được quảng cáo trên báo chí.

 

Vì ích lợi chung (public interest) TVTS  đang đăng loạt bài về vụ Nguyễn Thuyên kiện Nguyễn & Vũ Publishers Pty Ltd, chủ bút Nguyễn Hồng Anh và ký giả Lão Ngoan Đồng (cả 3 pháp nhân này sẽ được gọi tắt là TVTS) về sự mạ lỵ trong đó có liên hệ đến cuốn sách Bộ Mặt Thật của HCM. 

 

Vì muốn tôn trọng sự thật, trình bày chính xác, công bằng, không thêm bớt nên loạt bài tường thuật sẽ còn dài và vì thế phải nhiều tháng nữa thì mới tới phần kết quả, tức phán quyết của tòa.

 

Tuy nhiên một số độc giả, thân hữu nói họ có đi dự hay nghe nói về các buổi ra mắt cuốn sách “Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh” của Nguyễn Thuyên và muốn biết phán quyết liên quan đến  việc TVTS trước đây bị kiện vì cho rằng cuốn “Bộ Mặt Thật của HCM” là sản phẩm có sự chôm chỉa.

 

Vì thế, TVTS hôm nay cho đăng kết quả của vụ kiện để rộng đường dư luận, bởi ông Nguyễn Thuyên là một nhân vật của cộng đồng (public figure) và người ta có quyền biết những chuyện liên quan đến sinh hoạt cộng đồng như vụ kiện vừa nói.

 

Sau phiên xử trước bồi thẩm đoàn vào cuối năm 2004, bồi thẩm đoàn phán nhân vật Cử Bịp ám chỉ  ông Nguyễn Thuyên và hai bài viết đăng trên báo TVTS ngày 17.4.2002 và 5.6.2002 có tính cách mạ lị.

 

Nhưng TVTS nói rằng những ám chỉ trong hai bài viết đó là sự thật. Vì thế phải chứng minh và biện hộ trong một phiên xử khác do một quan tòa ngồi xử. Phiên tòa sau diễn ra vào tháng 3 năm 2006, kéo dài 13 ngày.

 

Theo phán quyết ngày 23.6.2006 của Quan tòa Patten, việc TVTS biện hộ rằng hai ấn bản của cuốn Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh  đạo văn (plagiarise, tức chôm chỉa) chiếm phần lớn thời gian của phiên xử (phán quyết đoạn 18).

 

Phán quyết của quan tòa  Patten dài 94 trang gồm 205 đoạn văn (paragraghs). 

 

VỀ SỰ THẬT (matters of truth)

 

Sau đây là tóm lược những lời chứng của nguyên đơn; các cáo buộc và biện hộ của TVTS và phán quyết của ông tòa.

 

Trước hết, trong phần mở đầu của phán quyết, ông quan tòa trình bày sơ lược về lời chứng của nguyên đơn (The Plaintiff’s Evidence) qua phần chất vấn của trạng sư ông ta:

 

Nguyễn Thuyên sinh năm 1939, sống ở Allendale Heights tại Melbourne và Cabramatta tại Sydney.

 

Thuở nhỏ Nguyễn Thuyên sống với bà (grandmother), vì cha mẹ của ông ta phần lớn sống ở Pháp quốc nơi đó cha của ông làm nghề dạy học. Cha mẹ ông bị Việt Cộng bắt và có lẽ bị họ giết khi ông còn là một cậu bé.

 

(Ghi chú của TVTS: trong phiên xử này, khi Luật sư Evatt của nguyên đơn chất vấn và trả lời về gia cảnh của ông,  Nguyễn Thuyên đã khóc thật to khi ông nói về việc cha mẹ ông bị Việt Cộng bắt và rồi bị giết.

 

Website www.lawpress.com.au trong một bản tin sau đó viết: Court 12B in the NSW Supreme Court was the scene of another Vietnam war, this time between anti-communist Thuyen Nguyen and the Vietnamese publishers who called him a “Cheating Bachelor”. Tears flow  in the second-leg defamation trial.

 

Tạm dịch: Phòng xử 12B tại Tòa Thượng Thẩm NSW đã trở thành chiến trường của một cuộc chiến Việt Nam khác, lần này giữa nhà hoạt động chống cộng Nguyễn Thuyên và tờ báo Việt ngữ gọi ông ta là “Cử Bịp”. Nước mắt đã tuôn ra trong giai đoạn hai của phiên xử mạ lỵ).

 

Nguyễn Thuyên học trung học ở Huế và sau đó tiếp tục học ở trường Hưng Đạo tại Đà Lạt.

 

Sau  lớp 12 ông tốt nghiệp tú tài 2 được gọi là Baccalaureate 2 và nhập ngũ ở Trường Sĩ Quan Công Binh Vũng Tàu.  Sau 12 tháng huấn luyện, ông ra trường với cấp bậc chuẩn úy (junior lieutenant).

 

Sau 2 năm phục vụ trong quân ngũ, Nguyễn Thuyên nói ông ta được cho giải ngũ vì bị thương. Ông được nhận vào Đại học Huế để theo học Phân khoa Sư Phạm để có bằng cấp về dạy học.

 

Ông Nguyễn Thuyên làm chứng rằng khóa học cử nhân 4 năm nhưng vì ông đã phục vụ trong quân đội nên ông được ưu tiên cho học 3 năm.

 

Ông tốt nghiệp cử nhân toán, làm hiệu trưởng hai trường trung học có tên là Thiên Bình và Hưng Đạo…

 

Ở hai đoạn 35 và 36 của phán quyết, quan tòa nói, theo ý kiến của ông, phần lớn của việc đối chất (cross-examination) rất hữu hiệu và gây nghi ngờ trầm trọng lên sự khả tín của nguyên đơn trong một số mặt.

 

Quan tòa nói có nhiều lúc nguyên đơn tìm cách tránh né và sẵn sàng phóng đại. Vài lời chứng của ông ta có những điều trái ngược nhau và mâu thuẫn đến độ thật khó tin.

 

Tuy nhiên quan tòa nói không vì thế mà ông bác bỏ hoàn toàn lời chứng của nguyên đơn nhưng, theo ông, cần xem xét một cách kỹ lưỡng khi có sự tranh luận và không được hỗ trợ một cách độc lập.

 

Bằng cử nhân

 

– TVTS nói bằng cử nhân Đại học Huế của ông Nguyễn Thuyên là bằng giả.

 

– TVTS nói Nguyễn Thuyên chưa bao giờ tốt nghiệp một đại học nào và không có bằng cử nhân, rằng khi nổ có bằng cử nhân, nguyên đơn phạm tội lừa bịp (fraud) cả cộng đồng Việt Nam ở Úc.

 

Quan tòa ghi nhận việc Nguyễn Thuyên nổ có bằng đại học qua bằng chứng trình trước tòa gồm tài liệu bằng tiếng Việt (Ex 11) và bản dịch sang tiếng Anh (Ex 12)với tiêu đề của ngân hàng Bank of New South Wales với cái logo màu (Logo in colour) của ngân hàng mà ông Thuyên nói làm vào năm 1981.

 

Trong phán quyết, quan tòa có trích ra nội dung của tài liệu này như sau:

 

CHỨNG CHỈ TẠM

 

KHOA TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ, chứng nhận:

 

Ông Nguyễn Thuyên

 

Sinh ngày 12.9.1939

 

Tại Huế

 

Đã trúng tuyển kỳ thi TỐT NGHIỆP Trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ năm 1965.

 

Ban: Toán

 

Khóa:  Ngày 18.6.1965

 

Hạng: Bình (Distinction)

 

với điều kiện được ông TỔNG TRƯỞNG VĂN HÓA GIÁO DỤC và THANH NIÊN phê chuẩn.

 

Huế ngày 9.7.1965

 

Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Huế,

 

Đóng dấu và ký tên

Nguyễn Văn Hai

 

Nhân chứng của TVTS là Giáo sư Nguyễn Văn Hai, làm chứng qua màn ảnh video-link từ bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

 

Giáo sư  Nguyễn Văn Hai nói ông du học ở Pháp và tháng 6 năm 1965 ông mới từ Paris về Việt Nam, nhưng ở lại Sài Gòn cả mùa hè và chỉ nhận được chức Phụ tá Giáo sư của Đại học Huế từ tháng 10 năm 1965 và dạy toán cho trường Đại học Khoa học.

 

Năm sau, ông làm khoa trưởng trường này và giữ chức vụ này cho tới năm 1975. Ngoài ra, Giáo sư  Nguyễn Văn Hai cũng làm khoa trưởng Trường Đại học Sư phạm niên khóa 1967-68.

 

Giáo sư  Hai nói ông không làm khoa trưởng bất cứ phân khoa nào của Viện Đại học Huế trong ngày 9.7.1965 và mặc dù bằng chứng (trưng trước tòa) có chữ ký giống chữ ký của ông, ông đã không ký vào tài liệu đó.

 

Quan tòa nói xem ra Giáo sư Hai là một chứng nhân thành thật đáng tin, chẳng có lý do gì để làm ngoài nói lên sự thật.

 

Giáo sư Hai nói thật ra thời gian đó, vị khoa trưởng là Giáo sư  Nguyễn Hữu Trí, một sự kiện được quan tòa nói hỗ trợ bởi tài liệu của Ban Kiểm tra Văn bằng và Chứng chỉ Tỉnh Thừa Thiên gởi cho các luật sư ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22.3.2005 chứng nhận  rằng “Kỳ thi tốt nghiệp năm 1965  được tổ chức vào ngày 18.5.1965 (ghi chú của TVTS: khác tháng trong bằng của ông Thuyên) và Khoa trưởng của Đại học Sư phạm ký chứng chỉ cho sinh viên năm đó là Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Hữu Trí”.

 

Ủy ban này cũng chứng nhận rằng Nguyễn Thuyên  sinh ngày 12.9.1939 không có tên trong danh sách tốt nghiệp ban toán ngày 18.5.1965.

 

Quan tòa nói việc nguyên đơn làm chứng về nguồn gốc của tài liệu Ex 11 (chứng chỉ bằng tiếng Việt) và việc tạo ra tài liệu Ex 12 (nguyên văn: as to the making of alleged copy, Ex 12, tức bản dịch sang tiếng Anh) và việc ông ta mất bằng chứng Ex 11 (as to his loss of Ex 11) và các tài liệu quan trọng khác, theo ý quan tòa, là rất cực kỳ khó thuyết phục (extremely unconvincing).

 

Quan tòa nói bản tường trình của chuyên gia giảo nghiệm chữ viết và tài liệu Paul Westwood –Handwriting and Questioned Document Examiner—cho thấy rằng tài liệu Ex 12 (bản dịch Anh ngữ của Ngân hàng Bank of NSW) mà ông Nguyễn Thuyên khi  làm chứng nói là bản chính (an original document), thật ra chỉ là sản phẩm của một máy phô-tô cóp-pi màu (in fact the product of a colour photocopier). 

 

Ông Westwood không được đòi ra để được đối chất (cross-examine) nhưng quan tòa nói quan tòa chấp nhận sự chuyên môn cũng như ý kiến của ông này.

 

Một chứng nhân khác của TVTS là ông Hoàng Văn Định  ngụ tại Melbourne, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1965 có tên được đăng trong Công báo Việt Nam Cộng Hòa được nhận diện trong một danh sách bổ nhiệm đi dạy trường công sau khi tốt nghiệp.

 

Quan tòa nói nhìn bề mặt của bằng chứng này dù không hoàn toàn thỏa mãn nhưng người ta sẽ kỳ vọng ông Nguyễn Thuyên có tên trong danh sách này nếu ông ta tốt nghiệp năm 1965, nhưng tên ông ta không có.

 

Quan tòa cũng nói một số người ra làm chứng nói luật buộc những người tốt nghiệp Đại học Sư phạm phải dạy trong các trường công một số năm nhưng nguyên đơn thừa nhận ông đã không làm điều đó.

 

Vì thế, quan tòa phán rằng (found that) nguyên đơn phải biết rằng cái bằng của ông là bằng giả nhưng đã không đưa ra lời giải thích nào mà ông ta phải làm, rằng  nguyên đơn không tốt nghiệp đại học và nguyên đơn không có bằng cử nhân.

 

Quan tòa cũng phán nguyên đơn đã tuyên bố (claimed) một cách sai trái và đáng xấu hổ (dishonorably) rằng ông ta có bằng cử nhân, nhưng quan tòa cho rằng đấy không phải là hành động lừa đảo (fraudulent conduct).

 

Quan tòa cho TVTS thắng về mục này, rằng bằng cử nhân của ông Nguyễn Thuyên là bằng giả và ông ta chưa bao giờ tốt nghiệp đại học như ông ta từng khoe.

 

Đạo văn (*)

 

– TVTS nói Nguyễn Thuyên lấy các công trình của các tác giả khác (hình ảnh và cả bản văn) mà không xin phép các tác giả, nhà xuất bản, không ghi chú xuất xứ, nguồn của các tài liệu; như thế ông ta là một kẻ đạo văn và phạm sự gian lận văn chương (literary fraud).

 

TVTS đưa ra các bằng chứng Nguyễn Thuyên đã đạo văn trong các cuốn sách Từ Thực Dân đến Cộng Sản của Hoàng Văn Chí; Một Ngôi Trường Cho Nguyễn Tất Thành của Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh; Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, Thi Văn Quốc Cấm Thời Thuộc Pháp của Thái Bạch; Việt Sử Tân Biên Quyển VII của Phạm Văn Sơn; Nhận Diện Hồ Chí Minh của Huy Phong và Yến Anh; Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa do Hoàng Văn Chí nhuận sắc.

 

Về trường hợp trả lời các câu hỏi về sự tố cáo đạo văn, theo quan tòa quan điểm của nguyên đơn được cô đọng trong hai câu hỏi của quan tòa đối với nguyên đơn như sau:

 

Quan tòa: Ông Nguyễn, xin ông nhìn vào các trang 48 và 49 của cuốn sách trắng, và đồng thời nhìn vào trang 68 của cuốn sách khác, Book 5 – exhibit (Ghi chú của TVTS tức so các trang cuốn sách Bộ Mặt Thật của HCM ấn bản năm 2000 với cuốn Thi Văn Quốc Cấm Thời Thuộc Pháp của Thái Bạch). Câu hỏi được đặt ra cho ông  là trang 48 và 49 của cuốn sách này đã được cóp-pi với một số luợng lớn  (substantially copied) từ trang 68 của cuốn sách kia, ông trả lời như thế nào đây.

 

Nguyên đơn: Cả hai cuốn sách trong các trang này nói về cùng một biến cố và biến cố lịch sử này không những được nhắc đến ở đây mà có thể nhắc đến trong hàng trăm cuốn sách lịch sử khác.

 

Quan tòa: Tôi biết vậy, nhưng sự tố cáo là bản văn này đã được cóp-pi.

 

Nguyên đơn: Bản văn có thể giống nhau, nhưng ông có thể tìm thấy những bản văn tương tự trong nhiều cuốn sách viết về cùng một đề tài. Nhưng đây là tinh thần của người Việt Nam chống Pháp, như tôi đã nói trước đây, rằng tôi dùng những trích đoạn và trích dẫn từ các cuốn sách khác để làm giàu cho tinh thần người Việt Nam chiến đấu chống thực dân và chống cộng sản, và đó là ý nghĩa tư tưởng của hai trang đó.

 

Quan tòa nói những câu trả lời liên quan đến các cuốn sách khác như Việt Sử Tân Biên khi Luật sư Evatt hỏi cũng tương tự.

 

Và sau đó, về các cuốn sách Từ Thực Dân Đến Cộng sản, Một Ngôi Trường Cho Nguyễn Tất Thành, Việt Sử Toàn Thư, Trăm Hoa Đua Nở, khi được hỏi ông có nhìn nhận rằng ông đã dùng các đoạn văn ở các sách này cho sách của ông không, Nguyễn Thuyên trả lời: Có.

 

Quan tòa chấp nhận bản dịch của ông Tôn Thất Quỳnh Du chứng minh cuốn sách Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh của Nguyễn Thuyên có nhiều phần chép nguyên con (word-by-word) từ các tác giả khác mà không xin phép hay không đề nguồn.

 

Quan tòa cho TVTS thắng về mục tố cáo Nguyễn Thuyên là kẻ đạo văn.

 

Hiệu trưởng

 

– TVTS nói Nguyễn Thuyên không có quyền tự xưng là giáo sư (professor), là hiệu trưởng bởi vì những chức vụ đó đòi hỏi phải có bằng cử nhân.

 

Qua nhiều chứng nhân của nguyên đơn xuất hiện trước bục chứng (gồm các giáo viên xưng là đồng nghiệp, học trò cũ), quan tòa chấp nhận lời chứng của họ rằng Nguyễn Thuyên là hiệu trưởng của các trường trung học Hưng Đạo và Thiên Bình.

 

Mặc dầu chính các người làm chứng của Nguyễn Thuyên  nói ở Việt Nam thời đó phải có bằng cử nhân mới được phép làm hiệu trưởng, quan tòa đã không cứu xét vấn đề cần phải có đó và phán rằng Nguyễn Thuyên là một giáo viên (teacher), là hiệu trưởng của các trường học và do đó ông ta có quyền được gọi là giáo sư.

 

Như vậy, quan tòa cho Nguyễn Thuyên thắng mục hiệu trưởng và giáo sư.

 

Lý Tống

 

– TVTS ám chỉ Nguyễn Thuyên đề nghị tặng Ủy ban Phát huy Tinh thần Lý Tống của New South Wales một nửa số tiền sách bán được nếu trong buổi gây quỹ sách được bán với giá $40; điều này có nghĩa Nguyễn Thuyên lợi dụng tên tuổi của Lý Tống để làm lợi cho ông ta.

 

Quan tòa không chấp nhận lời chứng của ông Phan Cao Trí (nhân chứng của TVTS) nói ông Nguyễn Thuyên đã nhờ ông Văn Tấn Thạch (nhân chứng của nguyên đơn) đưa ra đề nghị (chia đôi tiền bán sách)  với ông Trí.

 

Nguyễn Thuyên bác bỏ báo buộc lợi dụng tên tuổi Lý Tống, đồng thời cho biết trong tháng 2 vừa rồi (Ghi chú của TVTS: tòa đang xử vào tháng 3), ông mới qua Thái Lan thăm Lý Tống trong tù và trình tòa một lá thư của Lý Tống, với nội dung như sau:

 

“Kính gởi Giáo sư  Nguyễn Thuyên,

 

Cám ơn ông đã thăm viếng và hỗ trợ tôi, tinh thần cũng như vật chất bằng cách tặng sách của ông. Luật pháp và công lý cuối cùng sẽ thắng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào luật pháp của Úc trong trường hợp của ông”.

 

Tòa thấy không đủ bằng chứng cho thấy nguyên đơn lợi dụng tên tuổi Lý Tống, rằng ông NguyễnThuyên tặng sách để hỗ trợ Lý Tống và không hưởng lợi về chuyện tặng sách.

 

Vì vậy tòa cho Nguyễn Thuyên thắng về mục này.

 

Chuông Sài Gòn

 

Để hỗ trợ cho cáo buộc nguyên đơn là tay bịp (fraudster), TVTS đã tìm thêm những bằng chứng khác (đã không được nói tới trong hai bài báo năm 2002). Như:

 

– Nguyễn Thuyên đã hướng dẫn sai lạc (misled, còn được dịch là gạt, đánh lừa) các độc giả làm cho họ tin rằng báo Chuông Sài Gòn có số phát hành cao nhất Úc Châu trong khi thực tế không phải như vậy.

 

(Chú thích: Báo Chuông Sài Gòn đã chết đi sống lại nhiều lần kể từ ngày ông Thuyên mua lại tờ báo này từ ông Lê Đăng Cẩn. Nhưng khi xảy ra vụ ông kiện TVTS, ông Nguyễn Thuyên lại cho tờ này sống lại và hình như kéo dài được vài tháng mà thôi, rồi cũng chết luôn).

 

Trong phiên xử, Nguyễn Thuyên khai ông mua lại tờ Chuông Sài Gòn năm 1987 nhưng đình bản năm 1996, rồi lại tái phát hành từ năm 2002 nhưng đến năm 2004  phải đóng cửa mà kết quả là do mất các quảng cáo sau khi bai bài báo (mạ lị) của TVTS phát hành.

 

Quan tòa nói mặc dầu ông Nguyễn Thuyên không đòi bồi thường thiệt hại về kinh tế nhưng ông ta căn cứ vào đó như là yếu tố đóng góp làm ông bị thiệt hại về tinh thần (hurt feelings).

 

Trong các số báo tục bản vào giữa năm 2003, ở dưới tên bảng hiệu của tờ báo Chuông Sài Gòn có logo: “The First Largest Circulation Vietnamese Newspaper in Australia”.

 

Quan tòa cho rằng, mặc dầu  Nguyễn Thuyên khi làm chứng nói rằng ông ta biết báo TVTS có số lượng phát hành cao hơn báo Chuông Sài Gòn, nhưng không có đủ bằng chứng để cho rằng ông Nguyễn Thuyên hướng dẫn sai lạc các độc giả.

 

Quan tòa phán cái logo của tờ báo xét về mặt kỹ thuật đúng, bởi Chuông Sài Gòn là tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở nước (Úc) này và không có bằng chứng đã có lúc nào đó báo TVTS đã có số lượng phát hành cao hơn báo Chuông Sài Gòn.

 

Vì vậy quan tòa cho Nguyễn Thuyên thắng mục này.

 

Tham nhũng và song hôn

 

Phần này cũng không có trong hai bài báo vào năm 2002, nhưng để chứng minh nguyên đơn là một tay bịp (fraudster), TVTS cáo buộc thêm trước tòa:

 

– Nguyễn Thuyên đã tham dự vào một kế hoạch gian lận, lừa đảo bằng cách làm các chứng chỉ giả bậc trung học cho các học sinh ở Việt Nam giữa các năm 1973 và 1974.

 

– Nguyên đơn phạm tội song hôn (bigamy) khi cưới bà Hà Thị Hương vào năm 1966 trong khi ông đã cưới bà Mai Thị Hường. Đây là một hành vi lừa đảo bà Hà Thị Hương, gia đình của bà ta và cộng đồng.

 

(Chú thích: Ông Trần Đình Đàm là một người bạn cũ của ông Nguyễn Thuyên đã ra làm chứng về cả hai việc: làm chứng chỉ giả để bán cho học sinh và làm chứng ông Nguyễn Thuyên đã lấy bà Hà Thị Hương trong khi chưa ly dị bà Mai Thị Hường. TVTS đưa ra các bằng chứng gồm các lá thư của ông Trần Đình Đàm gởi cho bà Mai Thị Hường và các con của bà này ở Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, ký ngày 15.9.2002).  

 

Các lá thư của con bà Mai Thị Hường gởi cho ông Trần Đình Đàm gồm thư của (Nguyễn Thị) Bạch Cúc đề ngày 20.3.2005, thư của Nguyễn Thị Bạch Cúc ký ngày 27.3.2005,  thư của Nguyễn Quang Tuyến và thư của Mai Thị Hường có ký tên nhưng không đề ngày và sau hết là thư của Nguyễn Thị Bạch Cúc ký ngày 15.4.2005.

 

Tòa được nghe TVTS có nhờ người thực hiện một cuốn DVD quay cảnh gia đình bà Mai Thị Hường và con cái của  bà này ở Việt Nam nhưng cuốn  DVD này đã không được đưa ra làm bằng chứng trước tòa.

 

Ông Trần Đình Đàm khai ông có hợp tác mua bằng giả do ông Nguyễn Thuyên bán và biết ông Nguyễn Thuyên lấy bà vợ thứ hai trong khi chưa ly hôn bà vợ trước, nhưng qua các cuộc đối chất  trước tòa, quan tòa phán ông Nguyễn Thuyên đã không tham gia vào chuyện tham nhũng (corruption) và đã không cưới bà Mai Thị Hường vì những bằng chứng đưa ra không xác minh sự tham nhũng và song hôn.

 

Tòa cho Nguyễn Thuyên thắng về mục này và trong phán quyết bồi thường, quan tòa kèm theo tố cáo này (tham nhũng và song hôn) được coi là làm cho vấn đề nặng nề hơn (aggravated) và vì thế khi phán quyết bồi thường sẽ gộp chung với những cáo buộc trong hai bài báo.

 

PHÁN QUYẾT VỀ QUY TỘI (findings on the imputations)

 

Quan tòa kết luận nguyên đơn Nguyễn Thuyên thành công trong một số kết tội (pleaded imputations) nhưng thất bại trong một số khác. Sau đây là phán quyết về một số quy kết tội (imputations):

 

1. Nguyên đơn là tay đại bịp (worst kind of fraudster).

 

Mặc dầu nguyên đơn đạo văn, làm bằng cử nhân giả và nổ có bằng cử nhân một cách sai trái, quan tòa nói quy kết này không chứng minh là đúng.

 

Ông tòa nói chuyện đạo văn và vấn đề bằng cấp  là chuyện xảy ra quá khứ, và hiện nay không thấy có bằng chứng nguyên đơn là tay bịp cũng như không có bằng chứng ông ta nhận lợi lộc tài chánh bằng cách gây thiệt hại cho kẻ khác.

 

Quan tòa cho nguyên đơn thắng.

 

2. Nguyên đơn nổ có bằng cử nhân trong khi thực tế trình độ học vấn của ông ta thấp hơn 3 cấp.

 

Nguyên văn trong bài báo: Đít-lông chưa chắc đã có mà dám tự xưng mình có bằng bắt-chó (Bachelor, tức bằng Cử Nhân), tức là nhảy ít nhất ba cấp.

 

Quan tòa xác nhận tai hại trầm trọng của việc quy tội này vì nguyên đơn tuyên bố sai trái rằng có bằng cử nhân, một điều mà các bị đơn đã chứng minh được.

 

Vì vị thế của nguyên đơn trong cộng đồng Việt Nam, vì sự quan tâm của công chúng và lợi ích của công chúng (public interest and public benefit) mà vấn đề được công bố trên báo chí.

 

Quan tòa cho TVTS thắng.

 

3. Nguyên đơn là một kẻ lừa gạt (deceiver).

 

Quan tòa cho rằng bởi vì nguyên đơn coi ông ta là tác giả của một cuốn sách nguyên bản (original book) và có bằng cử nhân, ông ta đã dấn thân vào hành động có thể lừa gạt (deceive) những kẻ khác.

 

Cũng bởi vị thế và chỗ đứng của nguyên đơn trong cộng đồng, do đó vì sự quan tâm và lợi ích của cộng đồng mà vấn đề được đăng lên báo.

 

Quan tòa cho TVTS thắng.

 

4. Nguyên đơn chôm chỉa các sách của người khác cho nội dung sách mình.

 

Quan tòa nói những quy tội của các bị đơn có cơ sở  và vì sự quan tâm và lợi ích của công chúng mà những tác giả của sách đạo văn phải được vạch mặt chỉ tên (exposed).

 

Quan tòa cho TVTS thắng.

 

5. Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa.

 

Các bị đơn quy kết nguyên đơn là tay cơ hội chủ nghĩa, công khai hỗ trợ Chính nghĩa Lý Tống không phải vì lòng yêu nước của một người Việt Nam, mà vì kiếm lợi lộc cho bản thân. Quan tòa phán các bị đơn không thành công trong việc chứng  minh sự thật của các quy kết tội này.

 

Quan tòa cho nguyên đơn thắng.

 

6. Bán sách $40.

 

Các bị đơn quy kết  nguyên đơn khi bán cuốn sách với giá $40 một cuốn, đề nghị cho Chính nghĩa Lý Tống một nửa số tiền bán sách, không phải vì nguyên đơn thật sự vì chính nghĩa, mà bởi ông ta biết rằng, không đề nghị như thế, không ai mua dù có bán $5 hay $10 một cuốn.

 

Quan tòa phán các bị đơn không thành công trong việc chứng  minh sự thật của các quy kết tội này.

 

Quan tòa cho nguyên đơn thắng.

 

SỰ THẬT TRONG MẠCH VĂN (contextual truth)

 

Quan tòa phán rằng chỉ có  quy tội theo mạch văn (contextual imputation) nguyên đơn là tay đạo văn liên hệ đến vấn đề quan tâm của quần chúng (public interest) và vấn đề này khác với quy tội liên quan đến Lý Tống, những chuyện ông ta làm liên quan đến cộng đồng Việt Nam.

 

Vì thế quan tòa cho rằng quy kết như vậy sẽ gây tai hại cho danh tiếng của nguyên đơn vượt xa tai hại gây ra bởi việc đạo văn của ông ta.

 

BÌNH LUẬN, BÀO CHỮA VÀ THIỆT HẠI

 

TVTS tranh luận rằng các quy tội đối với ông Nguyễn Thuyên là vấn đề ý kiến,  phê bình.

 

Tuy nhiên quan tòa nói chuyện Lý Tống có thể được đưa ra tranh luận, nhưng đã không được dựa trên tài liệu đứng đắn (proper material) để phê bình (comment) và những dữ kiện đưa ra đã không được chứng minh là sự thật.

 

Quan tòa cho rằng qui tội nguyên đơn là tay bịp đã có dựa trên tài liệu đứng đắn để phê bình, bởi vì nó dựa một phần vào việc nguyên đơn xưng một cách sai trái ông ta có bằng cử nhân.

 

Tuy nhiên đã không có bằng chứng cho thấy các bị đơn thật sự tin vào sự thật khi bình luận. Và cũng vì phiên tòa diễn ra theo cung cách để trình bày nguyên đơn một cách tệ hại nhất, quan tòa cho rằng những lời bình đó bị ảnh hưởng bởi sự mạ lỵ, có  chủ đích gây tai hại cho nguyên đơn.

 

Với những lý do vừa nêu ở trên, quan tòa cho phép Nguyễn Thuyên được hưởng sự bồi thường thiệt hại về các mục 1, 5 và 6  nói ở trên (tay đại bịp, cơ hội chủ nghĩa, không ai mua sách nếu không đề nghị  chia một nửa cho Lý Tống).

 

Ông quan tòa không chấp nhận việc Nguyễn Thuyên nói có  “hàng trăm người”  liên lạc với Nguyễn Thuyên khi hai bài báo phát hành.

 

Ông tòa nói mặc đầu tên nguyên đơn không được viết trong bài báo nhưng ai quen biết ông ta, có sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam cũng có thể nhận diện danh tính Cử Bịp, và nhóm người này bao gồm nhiều người trong cộng đồng.

 

Quan tòa cũng nói rằng dù các bằng chứng về sự thiệt hại về danh tiếng của nguyên đơn không được thỏa đáng và đa số những người ra làm chứng đều không tin vào các cáo buộc, quy tội (imputations), nhưng tiếng tốt của nguyên đơn trong cộng đồng cũng bị giảm đi.

 

Quan tòa cũng ghi nhận sự tức giận, đau khổ (upset, distress) nguyên đơn đã phải chịu khi ra làm chứng, cũng như việc hai đứa con của Nguyễn Thuyên là Bác sĩ Nguyễn ChươngChuyên gia vi sinh học Nguyễn Chúc ra làm chứng, nói rằng cha họ đã đau khổ và tức giận như thế nào nên Bác sĩ Nguyễn Chương đã cấp toa thuốc ngủ cho cha mình.

 

Nói về sự đau khổ về tinh thần tình cảm (hurt to his feeling), quan tòa nói ông chấp nhận bằng chứng của nguyên đơn.

 

Nguyễn Thuyên đòi bồi thường thiệt hại gia trọng và thiệt hại làm gương (aggravated damages and exemplary damages).

 

Ông quan tòa cho bồi thường thiệt hại gia trọng, căn cứ và sự sai lạc (falsity)  trong các quy tội (nguyên đơn) lừa bịp và cách hành xử của các bị đơn khi đưa ra vấn đề tham nhũng và song hôn nhưng đã không chứng minh được.

 

Quan tòa không phán quyết bồi thường để nêu gương vì việc xuất bản các bài báo không đáng khiển trách (reprehensible) đủ để phải cho loại bồi thường như thế.

 

Với những sự việc vừa nói trên, tòa ra phán quyết:

 

Nguyễn Thuyên được bồi thường $60,000 cộng thêm tiền lời 5% trong bốn năm, tổng cộng $72,000.

 

Quan tòa chưa tuyên bố về chi phí  luật pháp và hẹn sẽ nghe hai bên trình bày trong vòng 2 tuần sau khi ông ngồi nghe hai bên (các luật sư) tranh luận và sẽ ra phán quyết.

 

Sau đó, tòa phán bên bị (TVTS) phải trả 2/3  chi phí luật pháp cho ông Nguyễn Thuyên.

 

TVTS chấp nhận phán quyết đó của tòa. TVTS đã không kháng án lên tòa trên bởi hai lý do:

 

– TVTS  nghĩ rằng không cần thiết phải tốn kém thêm nữa.

 

– Thứ đến, cũng lo ngại rằng nếu tòa trên cho thắng thì cũng chưa chắc sẽ đòi được tiền chi phí luật sư của mình, bởi qua kinh nghiệm này:   vào năm 2004 Chánh án Nicolas của Tòa Trung thẩm (District Court) phán ông Thuyên phải trả các chi phí luật sư cho TVTS  từ thời gian 3.3.2004  đến 11.5.2204  số tiền được định là $21,026.84 trong đó 2/3 chi phí (tức khoảng $14,000) PHẢI TRẢ NGAY cho TVTS.

 

Thế nhưng khi đòi, Nguyễn Thuyên xin được trả mỗi tháng $1,000!

 

TVTS tốn khá tiền cho luật sư của mình để đòi số tiền này nhưng khi Tòa Thượng thẩm (Supreme Court) xử xong vào năm 2006, Nguyễn Thuyên cũng đã chưa trả hết số tiền Tòa Trung thẩm phán phải trả ngay vào năm 2004. Số tiền nợ này của Nguyễn Thuyên chỉ được trừ vào chi phí luật sư của Nguyễn Thuyên khi có sự thanh toán lần cuối cùng.

 

Tuy không hài lòng hoàn toàn với kết quả của phiên tòa, nhưng TVTS cũng thỏa mãn phần nào vì đã chứng minh được những điều TVTS nghĩ là quan trọng đối với văn hóa của người Việt Nam xưa và nay: bằng cấp và chữ nghĩa.

 

Trong 6 quy kết (phần findings on the imputations) xuất phát trong 2 bài báo năm 2002 để  khiến Nguyễn Thuyên kiện,  TVTS đã thắng được 3:

 

Số 2. Nguyên đơn nổ có Bằng Cử Nhân trong khi trên thực tế trình độ học vấn thấp hơn 3  bậc.

 

Số 3. Nguyên đơn là một kẻ lừa gạt (a deceiver)

 

Số 4. Nguyên đơn đã chôm chỉa chi tiết từ các sách của người khác để làm nội dung cho sách của mình (TVTS biện hộ rằng nguyên đơn là tay đạo văn).

 

* * *

Luật sư  Lê Đình Hồ của Nguyễn Thuyên gởi cái hóa đơn chi phí 2/3 của thân chủ ông là  $341,902.27. Điều này có nghĩa ông Nguyễn Thuyên phải tự trả khoảng $170,000.

 

TVTS đã tranh luận về cái hóa đơn đó và mất một thời gian để nhờ các chuyên gia định giá (costs assessment) và cuối cùng đã không trả với giá cao như cái hóa đơn đầu tiên của ông Lê Đình Hồ.

 

Đưa bản tin này, TVTS muốn cho độc giả biết sự thật của một vụ kiện mà nói như ông bà mình nói “vô phúc đáo tụng đình”.

 

Về phán quyết của tòa, ai ai cũng có thể lên internet hay đến tòa xin. Đọc phán quyết này sẽ biết thêm nhiều chi tiết liên quan vụ kiện mà trong bản tin này TVTS không thể tường thuật hết.

 

Thế nhưng, trong cuốn sách “Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh” đề năm xuất bản là 2008 và mới được ông Nguyễn Thuyên cho ra mắt khá ầm ĩ ở các thành phố trên nước Úc thời gian gần đây, trong bản tiểu sử ở trang 837, tác giả ghi:

 

“Tên thật Nguyễn Thuyên, bút hiệu Nguyễn Thành Nhân, sinh quán tại Huế, Việt Nam. Tốt nghiệp Đại Học Khoa Học”.

 

Lại tốt nghiệp Đại Học Khoa Học nào nữa đây? Giống tiểu sử (về bằng cấp) in trong cuốn Bộ Mặt Thật của HCM! 

 

Xin ông Nguyễn Thuyên trả lời cho độc giả TVTS và các thành viên trong cộng đồng, tại sao sau khi tòa đã phán cái bằng ông trình trước tòa là bằng giả, rằng ông không tốt nghiệp đại học, nhưng trong cuốn sách ông vừa xuất bản lại ghi tốt nghiệp Đại Học Khoa Học?

 

Bởi ông là nhân vật của cộng đồng.

 

Bởi ông tác giả cuốn “Bộ Mặt Thật Hồ Chí Minh”.

 

Bởi ông vừa phát hành cuốn sách “Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh”.

 

TVTS và các thành viên trong cộng đồng có quyền thắc mắc về việc ông tự cho là “tốt nghiệp Đại Học Khoa Học” trong cuốn sách mới nhất của ông!

 

Ông Nguyễn Thuyên mắc nợ các độc giả TVTS và các thành viên cộng đồng ở Úc một câu trả lời, không trên diễn đàn của TVTS thì ở những nơi khác hay trong những dịp ông đi thuyết trình, ra mắt sách, bán sách.

 

TVTS sẵn sàng đăng bài trả lời của ông Nguyễn Thuyên về vấn đề “tốt nghiệp Đại Học Khoa Học”.

 

(Đã đăng trên TVTS 1213, phát hành ngày 24.6.2009)

 

 

——————

(*) Chú thích của TVTS:

 

Để độc giả tiện tham khảo khi cần, TVTS cho trích dịch lại phán quyết (Judgement) của Quan Tòa Patten ở phần đạo văn, từ trang 25 đến trang 29, nguyên văn như sau:

 

Đạo văn:

 

67. Vấn đề căn cứ trên sự kiện (c) được nhận diện bởi ông McHugh bị cho là đạo văn. Cáo buộc được chi tiết hóa như sau:

 

B1. Vào hay khoảng năm 1990, nguyên đơn viết, biên tập, sưu tập và xuất bản cuốn sách có tên “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” (ấn bản thứ nhất). Nguyên đơn tuyên bố và mô tả cuốn sách này là tác phẩm gốc của ông ta.

 

B2. Vào hay khoảng năm 2000, nguyên đơn viết, biên tập, sưu tập và xuất bản ấn bản thứ hai sách của ông ta có tên “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” (ấn bản thứ hai). Nguyên đơn tuyên bố và mô tả cuốn sách này là tác phẩm gốc của ông ta.

 

B3. Vào hay khoảng năm 1962, ông Hoàng Văn Chí sáng tác một cuốn sách có tên “Từ Thực Dân đến Cộng Sản” (Book 2)

 

B4. Vào hay khoảng năm 1983, ông Vũ Ngự Chiêu và Giáo sư Nguyễn Thế Anh cùng sáng tác một cuốn sách có tên “Một Ngôi Trường Khác cho Nguyễn Tất Thành” (Book 3)

 

B5. Vào hay khoảng năm 1960, ông Phạm Văn Sơn sáng tác một cuốn sách có tên “Việt Sử Toàn Thư” (Book 4)

 

B6. Vào hay khoảng năm 1968, ông Thái Bạch sáng tác một cuốn sách có tên “Thi Văn Quốc Cấm Thời Pháp Thuộc” (Book 5)

 

B7. Vào hay khoảng năm 1963, ông Phạm Văn Sơn sáng tác một cuốn sách có tên “Việt Sử Tân Biên, Quyển VII” (Book 6)

 

B8. Vào hay khoảng năm 1968, Huy Phong và Yến Anh sáng tác một cuốn sách có tên “Nhận Diện Hồ Chí Minh” (Book 7)

 

B9. Vào hay khoảng năm 1959, ông Hoàng Văn Chí biên tập một cuốn sách có tên “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, được hình thành bởi một tổ chức gọi là Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa (Book 8).

 

B10. Khi nguyên đơn viết, biên tập, sưu tập và xuất bản ấn bản thứ nhất cuốn sách của ông, ông ta đã phạm những hành động đạo văn một cách trầm trọng và vi phạm bản quyền khi sao chép tài liệu trong các sách của người khác và từ các nguồn tài liệu khác mà không xin phép hay ghi nguồn từ những người này và các nguồn đó.

  

a) Các bức hình trong các trang 20, 21, 22, 44, 45, 46, 47, 54, 55 và 56 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép từ cuốn sách được viết bởi Nguyễn Khắc Ngữ có tên “Những Hình Ảnh Xưa”;

 

b) Bức hình ở trang 74 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép từ cuốn sách được viết bởi Khối Quân Sử, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH có tên “Quân Dân Việt Nam Chống Tây Xâm”;

 

c) Các bức hình trong các trang 82, 224, 225, 226, 227, 228, 229, 230, 231, 232, 234, 276, 297, 298, 299, 300, 338, 410 và 430 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép từ cuốn sách có tên “Tổng Công Kích Mậu Thân 1968” của Khối Quân Sử, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH.

 

d) Các bản dịch ở các trang 94 và 95 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép một cách đáng kể (substantially copied) từ các bản dịch được soạn bởi ông Vũ Ngự Chiêu và phát hành trong Book 3.

 

e) Các lá thư ở các trang 96, 97, 98, 99 và 100 của ấn bản thứ nhất (những lá thư viết bởi Hồ Chí Minh và nhà cầm quyền Pháp) đã được sao chép một cách đáng kể từ những lá thư được phát hiện đầu tiên và được xuất bản bởi ông Vũ Ngự Chiêu và được xuất bản trong Book 3.

 

f) Ba bức hình trong các trang 101 và 121 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép từ Nhật Báo Nhân Dân của Cộng Hòa XHCN Việt Nam;

 

g) Bức hình ở trang 122 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép từ tạp chí Con Ong xuất bản ở Pháp;

 

h) Bức hình ở trang 123 của ấn bản thứ nhất đã được sao chép từ tạp chí Con Ong xuất bản ở Pháp;

 

i) Bức hình ở trang 124  của ấn bản thứ nhất được sao chép từ cuốn sách có tên “Việt Nam Hải Ngoại”.

 

B11. Khi nguyên đơn viết, biên tập, sưu tập và xuất bản ấn bản thứ hai cuốn sách của ông, ông ta đã phạm các hành động đạo văn một cách trầm trọng và vi phạm bản quyền khi sao chép tài liệu từ các cuốn sách của người khác mà không xin phép hay ghi chú nguồn từ các người khác và các tài liệu đó.

  

a) Bản văn ở các trang 69, 70, 71, 72, 126, 151, 152, 153, 154, 160, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175, 176, 177, 178, 179, 182, 183, 184, 185, 186, 187, 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 197, 198, 199, 200, 201, 202, 204, 229, 230, 231, 232 của ấn bản thứ hai của nguyên đơn  đã sao chép một cách đáng kể (substantially copied) từ Book 2;

 

b) Bản văn ở các trang 134, 135, 138 và 139 của ấn bản thứ hai đã được sao chép một cách đáng kể từ các trang 33, 37, 38 và 40 của Book 3;

 

c) Bản văn ở các trang 25, 26, 27, 28, 29, 30  và 35 của ấn bản thứ hai đã được sao chép một cách đáng kể từ Book 4;

 

d) Bản văn ở các trang 48 và 49 của ấn bản thứ hai đã được sao chép một cách đáng kể từ Book 5; tức là trang 68;

 

e) Bản văn ở các trang 57, 58, 59, 60, 61, 62 và 63 của ấn bản thứ hai đã được sao chép một cách đáng kể từ Book 6; các trang 21, 22

 

f) Bản văn ở các trang 115 và 116 của ấn bản thứ hai đã được sao chép một cách đáng kể từ Book 7; các trang 134-135;

 

g) Bản văn ở các trang 381, 382, 383, 384, 385 và 386  của ấn bản thứ hai đã được sao chép một cách đáng kể từ Book 8.

 

68. Cuốn sách màu đỏ xuất bản năm 1990 có thư mục trong đó ghi đến 40 cuốn sách. Tuy nhiên, đã không có sự đề cập về xuất xứ bất cứ trong phần nào của bản văn rằng tác giả, tức là nguyên đơn, đã sao lại tài liệu từ các nguồn khác. Tương tự, nhưng có lẽ ít quan trọng hơn, chẳng có bức hình nào trong số rất nhiều bức hình trong cuốn sách được thừa nhận rằng chúng đã được sao chép từ các cuốn sách khác.

 

69. Cuốn sách màu trắng xuất bản năm 2000 chứa danh sách thư mục hơi dài hơn một chút, nhưng lại vẫn vậy, đã không có một sự thừa nhận nào nói rằng có bất cứ phần nào trong bản văn đã được sao chép từ một tác phẩm khác. Tuy nhiên trong cuốn sách màu trắng có sự thừa nhận về nguồn của các bức hình.