Vụ kiện đã kết thúc: Dàn xếp trước tòa sẽ chấm dứt việc chống báo Người Việt?

28 Tháng Năm, 2009 | Người Việt đó đây

 

 

Đây là một cảnh biểu tình trước trụ sở báo Người Việt: hai người đứng giữa là Ngô Kỷ và Đoàn Trọng

 

Cái gọi là cuộc “biểu tình tự phát” trước tòa soạn nhật báo Người Việt ở Quận Cam, Hoa Kỳ, kéo dài trong 15 tháng qua sẽ chấm dứt theo thỏa thuận giữa hai bên trong phiên xử tại Tòa Thượng thẩm Sata Anna vào giữa tuần này. Ba người cầm đầu cuộc  biểu tình đồng ý ngưng biểu tình để kết thúc vụ kiện tụng.

 

Như TVTS Online đã đưa tin ngày hôm trước, phiên xử đã có lợi cho báo Người Việt khi Bồi Thẩm đoàn phán quyết các ông Ngô Kỷ, Đoàn Trọng và Trần Thế Cung đã có lỗi khi cản trở công việc, quấy nhiễu người khác trong lúc biểu tình.

 

Tuy không nói rõ ra, nhưng theo bản tin sau đây từ báo Người Việt, người ta co thể phỏng đoán hai bên đã đi đến một thỏa thuận là báo Người Việt sẽ không đòi bồi thường thiệt hại về tài chánh như trước đây, bù lại các ông biểu tình đồng ý ngưng việc biểu tình hàng ngày trước tòa soạn, nhưng nếu họ không giữ lời hứa mà tiếp tục biểu tình thì có thể sẽ bồi thường thiệt lại lên tới $50,000 đô la.

 

Sau đây là nguyên văn bản tin của báo Người Việt Online về nội vụ:

 

Kết thúc vụ kiện của Nhật báo Người Việt, chấm dứt việc biểu tình
Wednesday, May 27, 2009

 

Santa Ana (NV)- Ba người chủ xướng các cuộc tập họp trước cửa nhật báo Người Việt kéo dài trong năm qua đã thỏa thuận chấm dứt hành động này để kết thúc vụ kiện của tờ báo, trong phiên tòa thượng thẩm ở Santa Ana ngày Thứ Tư 27 Tháng Năm 2009.

Việc thỏa thuận chấm dứt biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố cả ba ông Ngô Kỷ, Ðoàn Trọng và Trần Thế Cung phạm vào tội xâm nhập bất hợp pháp và xúi giục người khác xâm nhập vào trụ sở là tài sản của tờ báo (trespassing) cộng với tội gây phiền nhiễu cho nguyên đơn trong việc sử dụng trụ sở của họ (nuisance). Hai ông Ðoàn Trọng và Ngô Kỷ còn bị phán về tội cản trở công việc kinh doanh của nguyên đơn (interference with its prospective business relations).

Ðơn kiện của Nhật Báo Người Việt cho biết sau khi các cuộc biểu tình phản đối số Xuân Người Việt 2008 đã chấm dứt vì ban giám đốc tờ báo có những hành động và lên tiếng công khai xin lỗi đồng bào tị nạn và độc giả, một số nhỏ vẫn tiếp tục tập họp trước cửa tòa báo cố tình gây thiệt hại.

Nhật Báo Người Việt đã nộp đơn kiện tại Tòa Thượng Thẩm thành phố Santa Ana vào đầuTháng Ba năm 2008. Ba người bị kiện đích danh là các ông Ðoàn Trọng, Ngô Kỷ và Trần Thế Cung, với một số người đồng lõa không nêu tên, lý do vì những người này sách nhiễu, xúc phạm và đe dọa thân chủ cùng nhân viên của tờ báo, và nhiều lần tìm cách ngăn cản, phá phách sinh hoạt bình thường của họ. Gần đây các hành động gây phiền nhiễu này đã dần dần giảm bớt và số người tụ họp thưa thớt nhiều, tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt cho tới khi tòa án Santa Ana đem ra xét xử.

Với những bằng cớ đưa ra trước tòa, trong đó có các đoạn phim quay video và các nhân chứng, phiên tòa bắt đầu ngày Thứ Hai 18 Tháng Năm một tuần sau đã đưa tới kết luận của bồi thẩm đoàn là ba bị cáo vi phạm các tội mà tờ báo đã thưa.

Với sự thỏa thuận được tòa án chấp nhận để kết thúc vụ kiện này, các bị can đồng ý ngưng hoàn toàn các cuộc tập họp kể trên, kèm theo một số tiền bồi thường thiệt hại có thể lên 50,000 đô la nếu họ không thực hiện đúng lời hứa này.

Trong thời gian hơn một năm qua, Nhật báo Người Việt luôn luôn minh định chủ trương tôn trọng quyền tự do phát biểu của tất cả mọi người bất đồng ý kiến. Vụ kiện vừa qua chỉ nhằm bảo vệ quyền sinh hoạt của một cơ sở truyền thông tư nhân và chấm dứt những hành động gây thiệt hại mà pháp luật không cho phép. (ngưng trích).

* * *

Tuy nhiên, mọi người có thể biết rằng sự đồng ý tại tòa trong vụ kiện là như thế nhưng các ông biểu tình chuyên nghiệp như Ngô Kỷ, Đoàn Trọng không dễ gì ngưng việc quấy phá báo Người Việt, bởi nhiều lý do—cá nhân cũng như phe nhóm.

Cách đây hơn một tuần, báo Việt Weekly có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Trọng. TVTS Online xin trích lại bài viết này để cho thấy cuộc chiến biểu tình ở xứ Bôn-xa vẫn chưa thể chấm dứt được.

 

Vụ Biểu Tình Chống Báo Người Việt Đi Qua Một Bước Ngoặc Mới

ETCETERA

LTS: Vào ngày thứ Tư, 6 tháng 5, 2009, sau buổi hòa giải đôi bên giữa đại diện báo Người Việt và 3 ông biểu tình bị kiện là Ngô Kỷ, Trần Thế Cung và Đoàn Trọng với các luật sư đôi bên đã đi đến được những thỏa thuận căn bản để giải quyết vấn đề kiện tụng, liên quan đến chuyện biểu tình kéo dài hơn 15 tháng qua. Việc hoà giải xảy ra thế nào? Kết quả ra sao? Những gì đã xảy ra, sắp sửa diễn biến…

Mời độc giả theo dõi cuộc trò chuyện với ông Đoàn Trọng sau đây. Xin lưu ý, câu chuyện với ông Đoàn Trọng vào thời điểm vừa xong buổi hòa giải, do đó, các thông tin, biến chuyển sau đó có thể sẽ khác hơn. Tuy nhiên, để tôn trọng tính cách chân thực của câu chuyện, Việt Weekly xin giữ nguyên tinh thần của cuộc trò chuyện.

Việt Weekly với chủ trương diễn đàn đa chiều, không bênh vực hay cổ vũ cho bất kỳ một phe phái nào, chỉ muốn làm vai trò thông tin và dành phần quyết định cho độc giả. Do đó, Việt Weekly xin dành diễn đàn cho bất kỳ phe nhóm nào có nhu cầu lên tiếng, trình bày quan điểm của mình trong tinh thần tương kính và tôn trọng.

VW: Ông Đoàn Trọng cho biết kết quả sau khi ra tòa như thế nào?

ĐT: Cuộc tranh đấu trước báo Người Việt là cuộc tranh đấu chung của toàn thể cộng đồng người Việt chứ không phải của riêng một cá nhân nào. Ba người tôi là những người tiêu biểu nên họ thưa chúng tôi.


Đầu tiên, đề nghị của báo Người Việt là cuộc nói chuyện riêng, sau đó chấm dứt cuộc biểu tình trước báo Người Việt, không được trở lại. Chúng tôi không chịu điều kiện đó, vì chúng tôi muốn báo Người Việt phải có buổi họp khoáng đại với đồng bào. Ông tòa đề nghị là tìm một người nổi tiếng trong cộng đồng để làm trung gian đứng ra hòa giải. Chúng tôi đã đồng ý chọn ông chánh án Nguyễn Trọng Nho ngồi xuống để làm vai trò này.

Đó là tất cả những chi tiết đôi bên nêu ra trong cuộc hòa giải giữa đôi bên. Nguyện vọng của chúng tôi là muốn nghe lời xin lỗi, giải thích của báo Người Việt là tại sao họ lại nhục mạ lá cờ vàng ba sọc đỏ trên trang 194 của báo xuân?


VW: Sau hơn 15 tháng biểu tình của đoàn biểu tình, nếu như báo Người Việt chấp nhận sự đòi hỏi của đoàn biểu tình là mở ra buổi họp, anh là một người trong số biểu tình, có thỏa mãn với việc đấu tranh của mình?


ĐT: Đâu có gì gọi là thỏa mãn. Chúng tôi tranh đấu để đòi hỏi chính nghĩa cho những ai từng phục vụ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đó là trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi. Không sớm thì muộn, thì báo Người Việt phải chấp nhận đòi hỏi chính đáng của chúng tôi thôi, nếu báo Người Việt cho rằng họ là tiếng nói của người tị nạn ở đây.


VW: Dù muốn dù không, cuộc biểu tình chống báo Người Việt đã đạt được một kỷ lục về thời gian kéo dài ở hải ngoại. Cá nhân anh rút ra được bài học gì ở việc tranh đấu này?


ĐT: Tranh đấu hơn một năm, chắc chắn có nhiều gian khổ, tuy nhiên, thành quả của chúng tôi là hôm nay, khi tới tòa soạn báo Người Việt, mọi người có thể nhìn thấy lá cờ vàng được chính họ phải cắm lên để ai cũng nhìn thấy, mặc dù việc treo, cách treo cũng không được mọi người đồng ý 100%. Đồng thời, chúng ta cũng thấy lá cờ vàng VNCH xuất hiện nhiều hơn trên báo Người Việt. Điều cần làm là phải kiên nhẫn, để tự do của mọi phía được bảo vệ.


VW: Trong vòng hai năm qua, một số cá nhân và hội đoàn cũng như các thế lực chính trị, các cơ quan truyền thông xử dụng phương thức xúi giục hay tổ chức biểu tình, chụp mũ qua lại, mạ lỵ cá nhân dưới chiêu bài Quốc-Cộng, anh nhận định thế nào về tình trạng này?


ĐT: Biểu tình là quyền được hiến pháp bảo vệ, tuy nhiên, đúng như anh nói, sau một thời gian qua, cộng đồng chúng ta cũng học được một bài học là phải tôn trọng sự thật, tôn trọng chính nghĩa chứ không thể bịa đặt, vu khống, chụp mũ, mạ lỵ vì động cơ tranh thương, cá nhân hay chính trị.


VW: Cá nhân anh là người từng tham gia vào các cuộc biểu tình, chống đối, nhưng thời gian sau này, anh đã chuyển hướng trở thành phóng viên, người làm truyền thông, như vậy có bao giờ anh cảm thấy bị mâu thuẫn trong công việc của mình hay không, vì tranh đấu nặng về cảm tính, còn làm truyền thông phải nắm vững dữ kiện, tôn trọng sự thật là trên hết?


ĐT: Tôi không dám đi vào chức năng của người khác, nhưng cá nhân tôi, trong vai trò nào cũng cần phải nói lên sự trung thực. Trong vai trò làm báo, tôi cần phải tôn trọng tất cả các tiếng nói, cho dù là phe bênh hay chống. Không nên nghe một phía để rồi có những kết luận quá sớm.


VW: Giả sử có cuộc họp khoáng đại, nếu phía báo Người Việt sẽ đưa ra những lời giải thích cho phía họ về vụ chậu rửa chân ngâm cờ vàng, hay hình ông cố chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến, thì dù lời giải thích đó thuận lý hay nghịch lý, thái độ của anh lúc đó sẽ như thế nào?


ĐT: Tất nhiên báo Người Việt họ có quan điểm riêng. Không ai có thể biện minh hay biện bác cho họ. Theo tôi, báo Người Việt đã tự làm hoen ố chiếc áo của họ, nhưng dù sao, nên giặt rửa đi thì vẫn tốt hơn.


VW: Có nhiều dữ kiện cho thấy rằng, đàng sau vụ biểu tình chống báo Người Việt có sự nhúng tay vào từ bên trong của nhân sự báo Người Việt, nói cách khác, việc thanh trừng, trả thù lẫn nhau vì tư lợi bên trong đã tác động trực tiếp hay gián tiếp đến chuyện biểu tình trên bề mặt, là người nắm khá nhiều những chi tiết bên trong, anh có thể có nhận định gì về mặt này?


ĐT: Cách đây một năm, nếu lãnh đạo báo Người Việt giải quyết ngay vấn đề hình ảnh lá cờ trong chậu rửa chân bằng cách họp khoáng đại, giải quyết ngay một vấn đề, thì đâu có vụ hình ông Đỗ Ngọc Yến hay những vấn đề khác. Nội bộ đấu đá nhau là chuyện không nên đi sâu vào, nhưng nếu tôi là người của báo Người Việt, tôi không để tình trạng đi đến mức tệ hại như ngày hôm nay.


VW: Còn ảnh hưởng từ các phe phái chính trị đứng đàng sau chuyện biểu tình thì sao, anh có ý kiến gì?


ĐT: Tôi nghĩ cách đây một năm, tờ báo Việt Weekly ít có người dám lên tiếng, mà nay thì mọi sự đã khác, mọi phe phái đều muốn được lên tiếng trên báo Việt Weekly đã cho thấy rằng chính nghĩa là chính nghĩa, sự thật là sự thật. Cái gì thật, nói sẽ tồn tại và đứng vững. Tôi nghĩ dù phe phái chính trị muốn đứng đàng sau chăng nữa, cũng không làm được. Giới truyền thông độc lập, có chính nghĩa, lương tâm với nghề nghiệp sẽ được độc giả, đồng hương kính trọng và ủng hộ.


VW: Về phía cộng đồng, sau thời gian 2 năm, qua nhiều biến động, cũng khá trưởng thành và học được bài học tốt về tự do ngôn luận, theo anh giá trị tốt qua các cuộc biểu tình, chống đối, chụp mũ là thế nào?


ĐT: Cái giá phải trả của mỗi bên, không ít thì nhiều rất là xứng đáng để mỗi chúng ta có một bài học, kinh nghiệm quý giá cho riêng mình. Mỗi cá nhân đều ý thức được việc làm của mình, sẽ là điều kiện tốt để cả cộng đồng cũng ý thức được theo.

Vụ biểu tình Việt Weekly, biểu tình báo Người Việt, chúng ta cũng rút ra được bài học tốt về phương thức đấu tranh, lập trường đúng đắn, chủ trương minh bạch thế nào, để độc giả có thể có niềm tin vào những gì giới truyền thông làm. Tôi muốn nói những điều tích cực, hy vọng vào tương lai, ai cũng muốn như vậy, tuy cũng còn hơi sớm để tin rằng cộng đồng chúng ta sẽ tốt đẹp hoàn toàn, nhưng ít ra nếu mỗi cá nhân đều ý thức được việc mình làm.

Cá nhân tôi, sau một thời gian tham gia vào việc biểu tình và làm truyền thông, cộng đồng của chúng ta phải tiếp tục mở mắt ra, đừng tự bịt mắt, che mắt mình và người khác. Vì làm như vậy, sẽ không tiến tới được gì hết.