YES or NO to RECALL: cuộc bầu cử ngày 3.3.09 sẽ để lại nhiều hệ lụy cho cộng đồng VN ở San Jose

02 Tháng Ba, 2009 | Người Việt đó đây

 

Madison Nguyễn phát biểu chống bãi nhiệm bà tại câu lạc bộ Cảnh sát San Jose

 

Ngày Thứ Ba ngày 3.3.09 ngày giờ Hoa Kỳ (Thứ Tư ở Úc) cử tri đơn vị 7 của Thành phố San Jose sẽ đi bỏ phiếu Recall do Ủy ban Bãi nhiệm của cộng đồng Việt Nam ở thành phố San Jose vận động gần một năm qua nhằm bãi nhiệm Madison Nguyễn, nghị viên gốc Việt đầu tiên của thành phố thung lũng điện tử.

 

Cuộc vận động đòi truất phế cô nghị viên người Việt  đã có đủ chữ ký cửa cử tri trong vùng  để có cuộc bỏ phiếu gọi là Recall hôm nay.

 

Phe đòi truất phế (Yes to Recall) mấy tháng qua vận động rất mạnh, ra vẻ áp đảo phe ủng hộ Madison Nguyễn. Nhưng trong những ngày còn lại, phe của Madison Nguyễn ngoài được hai ông thị trưởng người Mỹ của hai thành phố San Jose và Milpitas đi vận động, nay được phe chống bãi nhiệm của người Việt (No to Recall) tích cực vận động không kém, đặc biệt là đài phát thanh Viên Thao của ông Đỗ Vẫn Trọn.

 

Đài Viên Thao bị cáo buộc là đã cho một bà tên là Nga Nguyễn nói trên làn sóng phát thanh của chương trình Viên Thao Radio “với những lời lẽ rất hằn học nhắm thẳng vào những cư dân người Mỹ gốc Việt tại đơn vị 7, chỉ vì những người này đã dám tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc làm của nữ nghị viên Madison.

 

Tin cho hay ông Lê Lộc, Thủ quỹ của Ủy ban Bãi nhiệm (UBBN) đã đến Biện Lý Cuộc quận hạt Santa Clara để chính thức nộp đơn khiếu nại đến cơ quan này để yêu cầu bà Dolores Carr, Chánh Biện Lý, tức khắc mở cuộc điều tra về việc một phụ nữ tự xưng là Nga Nguyễn đó.

 

Những người thuộc phe UBBN nhất quyết hạ cho được Madison Nguyễn nhưng họ cũng lo ngại có thể kết quả sẽ không như ý muốn, có nghĩa là thất bại vì còn phiếu của người Mễ và Mỹ da trắng nữa. Ngoài ra, Madison Nguyễn tuyên bố nếu bị bãi nhiệm trong kỳ bầu cử hôm nay, cô sẽ ra tranh cử vào kỳ tới.

 

Chuyện  cái tên “Little Saigon” trở thành một chuyện loại nhân dân tự vệ không biết bao giờ mới chấm dứt.

 

Nhà báo Giao Chỉ (tức cựu  đại tá Vũ Văn Lộc) vào giờ thứ 25 (cuối tuần rồi) đã gởi đăng bài sau đây trên một số báo ở California như  tuần báo Viet Tribune hay báo điện tử CaliToday, vì thế đã gây nên sự phản đối và bôi nhọ ông, dù ông ra vẻ không đứng về phía nào cả.

 

Như báo TVTS hồi năm ngoái đã từng có bài bình luận về vụ này, cho rằng nếu cứ tiếp tục đánh nhau thì phe nào cũng thua, nhà báo Giao Chỉ cũng có nhận xét như vậy, trong bài viết sau đây:

 

San Jose đất bằng nổi sóng

 

“Khi anh chưa 20 tuổi, chưa biết cuộc đời, nghĩ mà không dám nói ra, anh là thằng hèn.

 

Khi bác ngoài 70 tuổi, trải qua chuyện đời, nghĩ mà không dám nói ra, bác cũng hơi hèn”.

 

Vì vậy tôi viết bài này cho tỉnh nhà, San Jose, my home town.

 

Đêm xuống đã thật lâu, trước khi ngồi viết, canh khuya vắng lặng, tôi mở máy điện toán đọc thư bạn.

 

Lẫn trong hàng trăm email ứ đọng cả tuần vì cuộc chiến giữa hai phe về chuyện Recall, có thư của bạn Hà Mai Việt. Anh Việt báo tin sẽ qua San Jose dự buổi họp mặt của đồng hương Quảng Trị. Bác vốn có liên hệ bên quê ngoại với miền đất Quảng và trước năm 1975 đã từng làm tiểu khu trưởng ải địa đầu của miền Nam.

 

Tưởng nhớ Hà Mai Phương

 

Bạn Việt muốn vợ chồng tôi ngồi cùng bàn dự tiệc với anh chị vào buổi chiều chủ nhật. Đây là chuyện thường tình giữa bạn học từ thưở còn thơ ấu tìm về với nhau. Chúng tôi cùng học tiểu học ở trường Gốc Ngái, Nam Định, tên tây gọi là Prière de L’Isle. Thân phụ của anh Việt là cụ Hà Mai Anh làm hiệu trưởng.

 

E mail tiếp theo anh Việt báo tin ông em là giáo sư Hà Mai Phương qua đời. Vì vậy cuối tuần này đại tá thiết giáp Hà Mai Việt qua San Jose tưởng là vui với anh em Quảng Trị mà hóa ra đi đưa đám người em ruột thịt tài hoa.

 

Gia đình chúng tôi cũng hơi dè dặt khi tham dự các buổi họp mặt giữa lúc San Jose đang nổi trận phong ba. Nhưng khi nhận tin buồn, đã bỏ qua các nỗi ngần ngại để xin ban tổ chức dành chỗ ngồi chung với anh chị Hà Mai Việt. Gọi là cho trọn nghĩa đồng hương Nam Định, đồng ngũ Cộng Hòa và đồng trường Nguyễn Khuyến. Trước cái chết của Hà Mai Phương, nào ai biết ngày sau ra sao . Xin một lần ngồi bên nhau cho thêm ý nghĩa trong cuộc sống vô thường . Và cùng tưởng nhớ Hà Mai Phương

 

Giáo sư Phương vốn là người ở San Jose trên 30 năm có lẻ. Hai anh chị rất hiền lành nghiêm túc. Cùng đi làm và cùng nghiên cứu sáng tác về văn hóa, sử địa. Hết sức kín đáo và hết sức đôn hậu. Trong kho tàng sáng tác của giáo sư Hà Mai Phương tôi vẫn còn nhớ mãi 1 cuốn sách nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa . Đó là cuốn niên giám thương mại Việt Nam tại San Jose vào thời kỳ 70.

 

Ngày nay trải qua một phần ba thế kỷ bể dâu, San Jose có đến 5 cơ sở phát hành niên giám điện thoại. Cuốn nào cũng dày ngang bằng với trang vàng của Mỹ. Nhưng chẳng ai biết rằng người sáng tác niên giám thương mại đầu tiên của San Jose là giáo sư Hà Mai Phương. Ông là một người cầm bút suốt đời không bút chiến. Không bao giờ viết một chữ để phiền lụy đến ai.

 

Và San Jose vừa mất đi một người Việt Nam hết sức tử tế.

 

San Jose ngày xưa

 

Khi gia đình chúng tôi đến San Jose hơn 30 năm trước không phải chỉ gặp gia đình anh chị Hà Mai Phương mà còn rất nhiều người khác. Lúc đó San Jose là đất nhà quê. Phong trào điện tử mới chớm nở. Các giáo sư, sĩ quan, công chức và anh em học sinh, sinh viên Việt Nam đủ mọi thành phần của miền Nam đều đua nhau đi học điện.

 

Tất cả đều hết sức khép nép hiền lành, tử tế. Tứ hải giai huynh đệ. Mọi người đều là anh em. Dường như không ai biết quá khứ của nhau, nên chuyện nhà khép kín như bưng. Không có chào kính, không có thưa bẩm, không có ai được gọi là giáo sư hay cấp bậc nhà binh. Coi như dân ta tất cả đều là phó thường dân Hoa Kỳ, và chúng tôi có phần hơi nể Mỹ. Trong hoàn cảnh di tản buồn như vậy, chúng tôi đã nhớ Saigon quay quắt.

 

Cùng với sự phát triển của điện tử, hầu hết anh em ta làm thợ điện và thợ ráp. Nếu có chút hoa tay thì học nghề thợ vẽ. Những mái đầu cúi xuống, những mạch điện mờ mịt, chiếc radio bên cạnh rỉ rả lời ca Nam Lộc “Saigon ơi, ta nhớ người…” trên đài radio Đông Thành của nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt. Lời giới thiệu tiếp theo: “Đêm nhớ trăng Saigon, thơ Du Tử Lê nhạc Phạm Đình Chương”.

 

Lúc đó radio Đông Thành là chương trình Việt ngữ đầu tiên trên toàn quốc Hoa Kỳ, thính giả San Jose đa số còn một nửa gia đình tại Việt Nam. Họ là những người di tản buồn 75, là thuyền nhân tỵ nạn của thập niên 80. Đa số vẫn còn chân ướt chân ráo. Từ 2,000 người lên đến 20 ngàn người. Cộng đồng San Jose ngày càng đông đảo. Trên con đường số 1 đi lên phía Bắc có hai tòa cao ốc.

 

Thời đó dân Việt chỉ biết đến County mà không cần biết đến City. Quận Santa Clara là nơi để lãnh welfare, foodstamp. Chưa có chuyện gì phải giao dịch làm ăn với City. Không ai biết rằng 20 năm sau sẽ có cuộc tranh đấu làm điên đảo cả tòa thị xã vì hai chữ Saigon.

 

Một cộng đồng không bình yên

 

Từ câu chuyện của người tử tế Hà Mai Phương ra đi, tản mạn qua lịch sử của người Việt tại thung lũng điện tử, giờ đây là chuyện thời sự nổi sóng của San Jose. Biết bao nhiêu trang báo, giấy bút, lời nói và hình ảnh từ năm 2008 kéo qua 2009 vì câu chuyện yêu thương 2 chữ Saigon. Saigon nhỏ bé, Saigon yêu dấu, Little Saigon.

 

Bây giờ trận chiến sẽ kết thúc trong một vài ngày vào đầu tháng 3-2009.

 

Xin được tóm tắt như sau:

 

Trong số 10 khu vực của thành phố San Jose, khu vực 7 tại vùng Senter, Tully và Story là nơi có 25% người Việt và có triển vọng dành cho một nghị viên gốc Việt trúng cử.

 

Tháng 11-2002 nghị viên da đen Terry trúng cử chung kết khu 7.  Nhưng hai năm sau vì hạnh kiểm xấu phải từ chức. Theo luật định chưa hết nhiệm kỳ 4 năm nên phải tổ chức bầu lại.

 

Tháng 6/2005 bầu sơ bộ có 8 ứng cử viên, trong đó có hai cô gái họ Nguyễn: Madison và Linda. Ai cũng nói là người Việt không nhường nhau sẽ bị chia phiếu. Kết quả hết sức ngoạn mục. Cả hai cô vào chung kết. Kỳ đó có 7,490 cử tri đi bầu. Trận chung kết tháng 9/2005 cô Madison chiến thắng.

 

Kỳ này con số đi bầu rất cao lên đến gần 9,000 cử tri tại khu 7. Và cô nghị Madison ngồi ghế tạm thời đi nốt nhiệm kỳ của ông Mỹ đen Terry cho đến tháng 6/2006 tranh cử chính thức. Và cô đã thắng cử dễ dàng cho nhiệm kỳ chính thức 4 năm từ 2007 đến 2010.

 

Từ khi bước vào nhiệm kỳ chính thức, trong cộng đồng Việt Nam đã có 2 phe cùng yểm trợ cô Madison nhưng đã có những quan điểm khác biệt.

 

Những phức tạp ngày càng tạo thêm chia rẽ. Sáng kiến của Madison đặt tên cho một khu thương mại Story trở nên đề tài tranh chấp ngày càng mãnh liệt.

 

Trong lịch sử của San Jose chưa bao giờ có cuộc tranh đấu chống một nghị viên cùng sắc tộc và lan qua chống cả thị trưởng và phần lớn các nghị viên khác mãnh liệt và lâu dài như vậy.

Cuộc vận động hết sức mạnh mẽ của phe tranh đấu đã làm thành phố phải nhượng bộ, tuy nhiên nội dung thỏa hiệp thì rất giới hạn và khe khắt.

 

Những người đấu tranh cho Little Saigon ghi nhận ngay được rằng họ chỉ mới thắng được một bước đầu với kết quả dưới hình thức rất mơ hồ. Họ quyết định mở mặt trận Recall, vì cho rằng chính là cô nghị viên Madison là thủ phạm.

 

Đến đây thì cuộc chiến xoay chiều. Phe Recall tiếp tục hoạt động hữu hiệu nhưng đã có những người Việt tổ chức thành nhóm chống Recall. Mặt khác hầu hết các giới chức dân cử Hoa Kỳ từ liên bang đến tiểu bang, cảnh sát, cứu hỏa, nghiệp đoàn và báo chí Mỹ không đồng ý Recall.

 

Hàng ngàn người Việt tham dự vào phong trào Recall nhiệt tình và căm thù. Phong trào đã kêu gọi được sự yểm trợ vô điều kiện về tinh thần của hầu hết các tổ chức cộng đồng người Việt khắp Hoa Kỳ.

 

Tuy nhiên cũng có hàng trăm người Việt khác can đảm đứng lên phát biểu ý kiến công khai chống Recall. Cả hai phe đều đưa ra các lý lẽ rất chính đáng nhưng hoàn toàn một chiều và chủ quan.

 

Những người Việt còn lại không lên tiếng nhưng phần lớn có thân hữu, bạn bè ở cả hai phía. Chúng tôi là người Việt cố đứng bên ngoài cuộc chiến, không có khả năng hòa giải. Cộng đồng Việt Nam đứng bên lề hoàn toàn bất lực không thể can ngăn nhưng sẽ cùng chia sẻ hậu quả đáng tiếc giữa cuộc tranh chấp tương tàn trong anh em và giữa cộng đồng Việt đối với người Hoa Kỳ tại địa phương.

 

Ông Pete McHugh, nguyên chủ tịch giám sát viên quận Santa Clara và hiện là phó thị trưởng Milpitas có hỏi tôi rằng ý kiến ra sao. Chúng tôi trả lời, bất cứ kết quả ra sao thì cả hai phía đều là người thua cuộc. Cả hai phe thành phố với ông thị trưởng, cô nghị viên Madison và phe tranh đấu cùng với cả cộng đồng Việt Nam đều thua cuộc. Phải mất một thời gian dài để hàn gắn. Bên nào cũng đồng ý là có thương tổn nhưng hai bên vẫn chỉ lỗi cho đối phương. Riêng chúng tôi xin có ý kiến rằng lỗi lầm ở cả hai phía.

 

Trước hết với tư cách là một cư dân thành phố tôi cho rằng cả ông thị trưởng, cả hội đồng và cô nghị viên gốc Việt đều thiếu khả năng lãnh đạo.

 

Không có khả năng cầm quyền. Hoặc là quí vị phải dùng luật lệ đứng đắn và mạnh mẽ, hoặc là hòa giải mềm dẻo để giải quyết từ bước đầu. Cứng không ra cứng, mềm không ra mềm.

 

Cứ để ngày qua ngày, từ sơ hở này qua sơ hở khác. Có lúc như khích lệ cuộc đấu tranh. Luôn luôn tính toán sai lầm khả năng vận động của phong trào. Sau cùng lãnh hậu quả bất hạnh rất phiền phức và tốn kém cho thành phố. Phê bình công việc của ông thị trưởng trong năm 2008, dư luận báo chí Mỹ cho điểm xấu về vai trò lãnh đạo trong vụ Little Saigon.

 

Với tư cách một thành viên của cộng đồng Việt, chúng tôi nghĩ rằng quí vị phe tranh đấu đã đưa phong trào lên cao mãnh liệt, nhưng không có đủ khả năng lãnh đạo để thống nhất chỉ huy và dừng bước ở đúng lúc cần thiết.

 

Tất cả các vị dân cử từ liên bang, tiểu bang và thành phố đều cho rằng khi đấu tranh cho một danh hiệu, họ không có ý kiến. Nhưng vì lý do này mà tiến tới recall, thì dù thành công, họ vẫn cho rằng lạm dụng dân chủ để giải mối hận thù.

 

Vì vậy ba mươi năm xây dựng mối giao tình với toàn bộ cộng đồng địa phương từ hành pháp, tư pháp qua lập pháp tại địa phương này có thể trở thành đổ vỡ. Liệu chúng ta có nên hy sinh tất cả tình nghĩa lâu dài như vậy chỉ vì oán thù đối với cô nghị viên gốc Việt thiếu tinh thần thỏa hiệp. Cô nghị viên mà chính quý vị đã ủng hộ qua hai lần bầu cử. Cuộc tranh đấu đã thiếu một cái thắng khi cần thiết.

 

Lẽ dĩ nhiên còn có rất nhiều chi tiết không cần nhắc đến về những sai lầm và khuyết điểm của cả hai bên.  Điều đáng tiếc là các đoàn thể chính trị chống cộng nổi tiếng cũng chia làm hai phe. Các hội đồng hương tan nát vì theo hai chiến tuyến. Các vị cao niên anh em một nhà từ nhau vì chuyện Saigon. Các đoàn thể quân đội cũng không còn đứng bên nhau.

 

Hai lễ chào cờ đầu năm tại hai nơi trong một thành phố. Cả hai bên đều vì chính nghĩa quốc gia và danh dự cộng đồng. Lòng thù hận đã làm cho một cộng đồng nổi sóng và làm cho một thành phố không bình yên.

 

Sự nghịch lý trong đời sống

 

Trong số hàng ngàn đô thị tại Hoa Kỳ, San Francisco là thành phố thân Cộng số một. Tại đây có sự hiện diện của tòa lãnh sự với các buổi tiếp tân luôn luôn có mặt viên chức của quận hạt Cựu Kim Sơn. Thành phố San Francisco chính thức kết nghĩa chị em với Thành Hồ. Rõ ràng San Francisco là thành phố thân Cộng công khai và cụ thể

 

Nhưng San Francisco vẫn đươc cộng đồng Việt Nam chống Cộng bày tỏ tình nghĩa thắm thiết . Tại sao: Vấn đề giao tế nhân sự.

 

Thị xã San Jose trước sau như một, không có nhu cầu gặp gỡ hay giao tiếp với cộng sản Việt Nam. Thị trưởng và các nghị viên đều hết sức bày tỏ tinh thần sống chết với cờ Vàng.

 

Tại sao lại có các vị nhân sĩ danh tiếng Việt Nam chỉ tay vào tòa thị sảnh vô tội nói rằng đây là nơi cộng sản đã chiếm đóng. Tại sao sự thể lại xảy ra như vậy. Trả lời: Chỉ là vấn đề giao tế nhân sự.

 

Tôi ghét anh thì anh thành cộng sản. Anh ghét tôi thì tôi bị chụp mũ nằm vùng. Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau “chụp mũ” tông ty họ hàng.

 

Bài học sau cùng là chúng ta cần ăn ở với nhau cho tử tế.  Đó là nhu cầu của từng con người và là nhu cầu bắt buộc của các chính trị gia.

 

Trong hoàn cảnh của cơn sóng gió tại San Jose, người tranh đấu ở hoàn cảnh phải có những hành động quá độ, nhưng phải biết rằng họ rất cần một bộ thắng thật tốt. Phải hiểu rằng vì không kiểm soát được nội bộ nên đã làm cho dư luận Hoa Kỳ bầy tỏ thái độ qua báo chí và các vị dân cử.

 

Trong khi đó phía trách nhiệm từ thành phố cần phải chừng mực và có tinh thần hòa giải thực sự. Đó là đức độ cần thiết của các chính trị gia. Cá nhân chúng tôi đã từng là nạn nhân rất vô lý của những cuộc biểu tình chống đối. Tôi thông cảm với những hành động quá khích. Đã biểu tình thì phải ồn ào, mãnh liệt và đôi khi không hợp lý.

 

Phải chờ cho sóng gió qua đi rồi mới nói chuyện phải trái.

 

Sau trận thư hùng ngày 3 tháng 3 năm 2009. Tất cả chúng ta đều phải làm lại từ đầu. Phải làm người tử tế. Cùng giữ cho thành phố được bình yên.

 

Vì đây chính là miền đất của tự do và dân chủ.

 

Dù thắng hay bại, thì đoạn đường còn lại là phải hàn gắn sự đổ vỡ tang thương. Và trong công việc này sẽ cần có sự tham dự của tất cả mọi người. Chỉ tiếc rằng chúng ta không còn ông Hà Mai Phương để soạn cho anh em một cuốn niên giám điện thoại của những người tử tế.  Để mời ngồi lại nói chuyện tình cảm thương yêu. Tình thương đích thực dành cho Sài Gòn ngày xưa, và cũng phải công bình dành chút tình cảm cho San Jose của ngày nay.

 

San Jose, my hometown.

Giao Chỉ, San Jose