Du lịch Áo: Vienna, cái nôi âm nhạc cổ điển (kỳ1)

07 Tháng Mười Một, 2015 | Áo
“Sông về, sông cười ròn tiếng/ Ôm mối tình bên bờ Thành Viên”… Những đôi tình nhân già trẻ trên Sông Danube nước xanh chảy qua Thành Viên dưới bầu trời xanh. Hình: NHA

10 giờ sáng xe lửa mới khởi hành và mặc dầu từ khách sạn đến ga trung ương Praha chỉ mất 10 phút, chúng tôi vẫn tới sớm trước một tiếng rưỡi đồng hồ cho chắc ăn. Bởi hôm trước khi mua vé, hỏi đi Vienna đợi xe ở cầu tàu nào, người bán vé nói cứ xem chỉ dẫn trên màn ảnh, sẽ báo cho biết trước 20 phút.

Chỉ biết trước 20 phút thôi ư?

Khác với các ga ở  Hòa Lan và Đức trong vé đã ghi sẵn giờ, số cầu tàu. Vì vậy, một ngày trước, chúng tôi đã dùng giờ rảnh tới ga tập làm quen với các tầng lầu và các cầu tàu, đi lui tới  vài lần cho quen để rủi nếu còn ít giờ, còn chạy tìm cầu tàu cho kịp xe.   Cách chỉ dẫn ở đây hơi khó hiểu cho người ngoại quốc vì  trên màn ảnh phần lớn chữ bằng tiếng Tiệp;  tên thành phố đã khó nhận diện huống gì là tên cầu tàu, loại xe, giờ giấc…

Dù chúng tôi đang đứng trước màn ảnh nhìn các chuyến xe xuất hiện theo thứ tự thời gian và chuyến xe tôi sẽ còn một tiếng nữa mới hiện lên nhưng thấy một bà Tiệp có khuôn mặt dễ làm quen, tôi cầm cái vé chỉ tay vào và hỏi bà không biết tôi nên đứng đợi ở đâu.

Bà này không nói  được chữ tiếng Anh nào, hai bên nói hai ngôn ngữ khác nhau và phụ diễn bằng tay. Bà ra hiệu tôi theo bà, lên lầu và rồi đi ra khỏi ga. Thấy đường cái trước mặt, tôi nghi bà chỉ đường về phố nên vội vàng cám ơn và trở lại chỗ cũ.

Chỉ còn 20 phút mà xe lửa chưa thấy xuất hiện, cũng hơi lo, không biết tên chuyến xe đã chạy qua khỏi rồi mà mình không thấy chăng?  Còn 18 phút, còn 15 phút… và kìa, xuất hiện tên và số xe của chúng tôi và số cầu tàu. Chúng tôi đến đúng nơi nhờ đã tập dợt xem địa hình trước. Và lần này, nhìn thấy được hạng xe first class ghi bên ngoài toa, và vào đúng ghế ngồi.

Đây là tàu  RJ (Rail Jet), một loại xe lửa cao tốc của Cục đường sắt Áo, chạy đi các thành phố Praha, Munich, Budapest…

Cũng như mọi khi, chúng tôi mua vé hạng nhất (first class/ business class, giá 66 Euro một người), đã thấy chỗ ngồi rộng, thoải mái lắm. Nhưng khi đi mua đồ ăn trưa, thấy có mấy cabin ra vẻ ngon lành hơn, thì mới biết có hạng premium, đắt hơn 25 Euro. Nhưng tôi thấy hạng second class (economy) chỗ ngồi cũng tốt, có bàn để laptop, khác các toa second class từ Berlin qua Praha.

Das Tigra đúc bảng lưu niệm treo bên ngoài và bên trong khách sạn nói Mozart đã đến đây trú ngụ năm ông 17 tuổi. Hình: NHA

Xe lửa RJ có màn ảnh chỉ giờ tàu ngừng ở trạm sắp tới để khách biết mà xuống, là loại xe tối tân có khả năng chạy tới 230 cây số giờ nhưng từ Praha đến Vienna, xe chỉ chạy từ 120, 140 đến 160 cây số là tối đa.  Đi mất 4 tiếng đồng hồ.

Đi taxi  từ ga trung ương Vienna về khách sạn tốn 18 Euro. Khách sạn  Best Western Plus Hotel Das Tigra, viết ngắn là Das Tigra là một khách sạn 4 sao giá 465 Euro cho 4 đêm (thời giá khoảng $178 Úc kim/ đêm).

Nghe vài du khách trong mục review khen khách sạn Das Tigra tuy gần phố chợ nhưng nằm trong một con đường yên tĩnh, nên tôi chọn Das Tigras, dù giá đắt hơn khách sạn Hollywood Media ở Berlin xét về mặt phòng ốc.

Sau khi check-in, thấy nhân viên khách sạn đang bận rộn tiếp khách, chúng tôi đi bộ ra bên ngoài khách sạn để kiếm tiệm cà phê hay tiệm ăn nhưng đi bộ cả 15 phút mà chỉ thấy những con đường lớn, những tòa binh đinh. Sợ đi lạc khi trong tay không có bản đồ, chúng tôi trở lại khách sạn, hỏi mới biết nếu chúng tôi quẹo trái thì chỉ hơn một trăm mét là chúng tôi đã tới khu vực mua sắm, ăn uống, thắng cảnh, đền đài nổi tiếng nhất của thành phố Vienna.

 

Địa linh nhân kiệt của thế giới âm nhạc

Tại Das Tigra, tôi thấy ở bên ngoài và bên trong có treo bảng ghi đây là nơi nhạc sĩ Mozart từng tới trú ngụ. Tôi từng nghe nói ở Vienna có hàng trăm hội trường chơi nhạc và hầu như đêm nào cũng có biểu diễn nhạc. Tôi cũng được biết Vienna là thánh địa của âm nhạc cổ điển tây phương, nơi sinh ra những tên tuổi bất tử như  Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Schubert, Joseph  Haydn, Johann Strauss… và cũng là nơi cư ngụ của những nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức như Ludwig van Beethoven, Johnnes Brahms…

Tôi hỏi tiếp viên tối nay có nơi nào trình diễn nhạc cổ điển không thì được trao ngay một tập sách mỏng Wiener Mozart Konzerte (Hòa nhạc Mozart tại Vienna)  ghi những ngày trình diễn trong tháng từ tháng 4 đến tháng 10 của ba nhà hát ca nhạc kịch và giao hưởng lớn nhất của thành phố Vienna: Musikveren Goldener Saal, Wiener Staatsoper và Konzserthaus.

Nhạc trưởng Andras Deak đang điều khiển dàn Vienna Mozart Orchestra tại Musikverein, một hội trường nghe nhạc đẳng cấp quốc tế. Hình: NHA

Hầu như tối nào cũng có trình diễn tại một trong ba nhà hát nói trên. Đúng là  “Thành Vienne”, kinh đô của âm nhạc mà tôi đã biết tên hồi còn nhỏ hay mỗi khi nghe bài The Danuble Blue của Johann Strauss với lời của Phạm Duy “Sông về, sông cười ròn tiếng/ Yêu mối tình bên bờ Thành Viên…”.

Nhìn trong tờ chương trình, tôi thấy Konzerthaus (Concert Hall, xây xong năm 1913 dưới thời Hoàng đế Franz Josef I) có tháng trình diễn tháng không (tháng 7/2015  không có buổi nào)  và tối đa một buổi;  hội trường có 1830 ghế và là nơi thường trú của Vienna Symphonic Orchestra.

Wiener Staatsoper (Vienna State Opera House) khai trương năm 1869 là một trong những nhà hát ca kịch hàng đầu thế giới với 1709 ghế ngồi. Tháng 7/2015 đã có 3 buổi trình diễn vào đầu tháng.

Musikverein Goldener Saal  (Musikverein Golden Hall) là nơi có nhiều buổi trình diễn nhất, hầu như hàng ngày, do đó tôi có thể đi xem bất cứ tối nào trong 4 tối ở đây. Nhưng tôi đã có sẵn dự tính, ngày hôm sau sẽ đi một vòng thành phố Vienna bao gồm đi trên sông cho biết Danube là cái chi chi, một ngày đi thăm Salzburg nơi sinh của nhạc sĩ thiên tài Mozart và là nơi quay phim The  Sound of Music hoăc đi thăm thành phố Budapest của nước Hung Gia Lợi láng giềng, và ngày cuối sẽ đi thăm các lâu đài, bảo tàng viện và mua sắm.

Cho nên đêm đầu tiên phải là đêm đến với thế giới âm nhạc của Thành Viên, của Dòng Sông Xanh, và biết đâu sẽ được nghe dàn nhạc hàng đầu của Thành Viên trình diễn ca khúc này. Tôi tưởng  tượng chẳng có cái thú nào hơn nghe nhạc của đứa con Thành Viên chơi tại Thành Viên ở một hội trường hàng đầu của Áo quốc.

Tôi nhờ khách sạn đặt vé để có thể đi xem ngay trong vòng một tiếng đồng hồ sau. Có đến 5 hạng vé: 49, 65, 75, 95 Euro và vé VIP với 280 Euro. Chúng tôi chọn mua vé hạng trung bình, loại 75 Euro.

Wiener Musikverein (gọi tắt Musikverein)  là phòng nghe nhạc hình chữ nhật (shoebox) dài 49 mét, rộng 19 mét và cao 18 mét, được gọi là  Goldener Saal  vì toàn bộ hội trường màu vàng.

Hội trường có 1,745 ghế ngồi này là nơi thường trú của Vienna Philharmonic Orchestra. Cũng chính tại Misikverein là nơi mà dàn nhạc Vienna Philharmonic Orchestra biểu diễn trong ngày tết dương lịch hàng năm được trực tiếp truyền hình cho hàng triệu khán thính giả trên thế giới.  Đây là một trong vài hội trường nghe nhạc tuyệt vời nhất thế giới mà tôi không ngờ tình cờ được đến nghe.

Khán thính giả ra về sau buổi hòa nhạc ở Musikverein. Hình: NHA

Tôi còn nhớ đầu năm 2009 khi chính phủ Tiểu bang Victoria mở cửa (open day) cho công chúng vào xem và nghe nhạc tại  Elisabeth Murdoch Hall trong trung tâm Melbourne Recital Centre ở vùng Southbank, tôi có viết Elisabeth Murdoch Hall là thính phòng đẳng cấp quốc tế đầu tiên ở Úc mà người ta sử dụng mẫu điện toán để thiết kế và thử nghiệm âm thanh, những kỹ thuật âm thanh giống hai trung tâm nghe nhạc hàng đầu thế giới là Vienna’s Musikverein và  London’s Wignore Hall.

Tôi viết về các phòng nghe nhạc tuyệt vời (finest concert halls) là  vì nghề nghiệp của một ký giả, thế mà  ngày đầu tiên đặt chân tới thành phố Vienna, chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau tôi lại được ngồi trong hội trường nghe nhạc có âm thanh hay nhất thế giới mà tôi đã viết. Một sự  may mắn đầy thú vị!

Nhưng còn thú vị hơn nữa khi tôi bất ngờ và may mắn chọn được nơi nghe nhạc đẳng cấp quốc tế (world-class) như Melbourne Recital Centre để trình diễn vào ngày 12.3.2016  những ca khúc tôi đã viết hơn 30 năm về trước và đã tưởng bị bỏ quên.

Với vé hạng trung bình 75 Euro, chúng tôi ngồi trong những dãy ghế đầu của tầng lầu.  Xem thì không thấy rõ mặt các nhạc sĩ và ca sĩ, nhưng âm thanh quả tuyệt vời. Tôi không thấy các ca sĩ opera có được hỗ trợ với micro gắn trong người không, chứ nghe họ hát rất rõ, dù chúng tôi ngồi gần cuối thính phòng.

Tôi có nghe người ta nói ở Vienna, đi nghe nhạc cổ điển người ta vận y phục trịnh trọng như mặc vét, nhưng khi hỏi tiếp viên khách sạn, họ nói chỉ cần ăn mặc bình thường. Hội trường gần đầy và tôi nghĩ phần lớn người nghe nhạc là du khách vì họ mặc quần sọt đi giày xăn- đang và có rất đông người Á Châu.

Một hội trường quá lộng lẫy, uy nghi nhưng không khí rất bình dân, là điều tôi thích, miễn đừng dung tục, bát nháo.

Thế giới âm nhạc: Đối diện với Musikverein là công viên Resselpark, đêm đó cũng có nhạc rock trình diễn ngoài trời với nhiều sạp bán thức ăn, thịt nướng, khói trắng quyện với ánh sáng lung linh từ sân khấu trông rất đẹp mắt. Hình: NHA

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) sinh đẻ ở Salzburg, một thành phố sát biên giới Đức, ở phía tây thủ đô Vienna. Vienna, nơi ông qua đời lúc mới 35 tuổi,  gắn liền với đời sống ngắn ngủi của một thiên tài đã cho ra đời trên 600 tuyệt tác phẩm—nhạc đạo cũng như nhạc đời, nhạc cho ca sĩ cũng như cho các nhạc sĩ sử dụng nhạc cụ. Có lẽ không có bậc thầy âm nhạc nào của thế kỷ 18  đã để lại cho nhân loại một di sản âm nhạc lớn như nhà soạn nhạc  người Áo này.

Dàn nhạc Wiener Mozart Concert  với 30 nhạc sĩ mặc y phục hoàng gia đủ màu sắc và tóc giả đã cống hiến cho trên một ngàn khán thính giả thưởng thức một chương trình dài hai tiếng với những tác phẩm của Mozart như bản mở đầu Ouverture zur Oper,  La Clemenza di Tito, KV 621 hay bản Eine Kleine Nachtmusik, KV 525 Allegro (a little night music) rất quen thuộc  và bản Rondo, Alla Turca, KV 331.  Với bản nhạc sau còn được gọi là Turkish March, nhạc trưởng Andras Deak đã làm cho không khí vui và sống động khi ông  kẹp đũa nhạc trưởng vào nách, vỗ hai tay để yêu cầu khán giả vỗ tay theo ông hoặc ngừng bất chợt theo giai điệu của ca khúc, và khán thính giả tiếp tục vỗ tay khi ông vỗ tay. Nhạc phẩm vui nhộn này chấm dứt phần đầu chương trình.

Phần hai chương trình được tiếp nối với bản Symphonie Nr 40, G Minor, KV 550, 1.Satz Molto Allegro  là một bản nhạc khá quen thuộc của Mozart.

Chương trình chấm dứt bằng ca khúc Aus der Oper, Die Zauberflote, KV 620 với hai giọng ca opera– Isabell Bringmann (soprano) và Andreas Jankowittsch (bariton).

Theo tôi, nhạc của Mozart dễ nghe và dễ cảm nhận nhất. Một đêm nhạc Mozart trên thành phố và đất nước của Mozart, ngọt lịm như các loại kẹo sô-cô-la mang hình ảnh Mozart trưng bày khắp thành phố này.

Chấm dứt chương trình, thông thường các ban nhạc sẽ chơi một bài bất ngờ mà họ nghĩ khán thính giả sẽ thích. Tôi nói với nhà tôi dàn nhạc sẽ đánh bài The Danube Blue. Và đúng như thế.

Và dĩ nhiên, không thiếu âm nhạc dạo trên đường phố Vienna, vừa bán CD vừa nhận tiền lẻ của khách qua đường. Hình: NHA

Còn gì hơn hấp dẫn khi nghe dàn nhạc hàng đầu của Vienna mang tên của Vienna Mozart Orchestra chơi một ca khúc của một người sinh sau Mozart nhưng đã để lại một tác phẩm bất hủ, quen thuộc với mọi người, cả đối với những người không rành nhạc cổ điển tây phương?  Với những người thích khiêu vũ, có thể không có bài nào dật  dìu, du dương hơn bài Dòng Sông Xanh để đưa đôi tình nhân lướt sóng trên sàn nhảy qua điệu luân vũ valse của dân tộc Áo nói chung và thành phố Vienna nói riêng (Viennese Waltz), một điệu nhạc dính liền với gia đình họ Strauss.

Để kết thúc câu chuyện âm nhạc Thành Viên, mời bạn đọc xem “Lịch sử Danube xanh”, một giai thoại âm nhạc nghe rất dễ thương, đăng trong số báo này.

Nguyễn Hồng Anh

7.11.2015