Du lịch Đức: Frankfurt trung tâm tài chánh Âu Châu (kỳ 2)

12 Tháng Chín, 2015 | Đức
Thành phố Frankfurt ở con sông Main. Tòa nhà góc phải là Commerzbank Tower, 259m, cao nhất Franfurt và nước Đức. Binh đinh có 5 tòa nhà dính sát nhau, mái hình tam giác đen mặt tiền có nhiều cửa sổ cạnh tòa nhà hình khối tròn có tháp và mái màu lục là tòa thị chính Romer. Hình NHA chụp từ Nhà thờ Chánh tòa Frankfurt. Hình: NHA

Frankfurt là cái tên không xa lạ với nhiều người. Vì đây là trung tâm tài chánh của lục địa Âu Châu, nơi đặt đại bản doanh của European Central Bank, Deutsche Bundesbank, Frankfurt Stock Exchange và là nơi sinh ra của đại văn hào Goethe.

Nếu bạn từ Melbourne sang Paris mà đi bằng máy bay của bất cứ nước nào hợp tác với hãng Lufthansa của Đức thì hầu như  sẽ dừng lại ở phi trường Frankfurt để đổi máy bay của Đức như trong chuyến Pháp du của tôi năm 2003.  Vì vậy mà tôi được biết thêm Frankfurt là nơi có phi trường lớn nhất của Đức và, theo thống kê năm 2014, bận rộn hàng thứ 12 trên thế giới, sau 8 phi trường của Mỹ, một phi trường của Trung Quốc, một của Anh và một của Pháp.

Nhìn bản đồ, trên đường từ thành phố Amsterdam tới  Frankfurt bạn sẽ đi qua hay đi gần những thành phố có tên nghe quen thuộc như Cologne hay Bonn nằm ở nửa hành trình đến Frankfurt. Cologne là thành phố lớn thứ tư của Đức, Bonn là thủ đô của Cộng hòa Liên bang Đức thời còn hai nước Đông Đức và Tây Đức.

Cũng như khi nhìn bản đồ, từ Hòa Lan đến Áo, theo hướng tây nam trước khi tới thành phố Salzburg thơ mộng của Áo nằm sát biên giới Đức nơi cuốn phim nổi tiếng The Sound of Music được quay một phần và là nơi sinh của nhạc sĩ Mozart, du khách có thể dừng chân ở Munich, nơi các lực sĩ Do Thái bị khủng bố giết tại Thế vận hội Mùa hè 1972,  nơi có lễ hội bia Oktoberfest nổi tiếng vào mỗi tháng 10,  và bây giờ là trạm dừng chân đầu tiên  của hàng chục ngàn người tầm trú Syria và người các nước Trung Đông, Trung Á vượt biên giới Áo tràn sang Đức xin tị nạn.

Còn nhiều thành phố nổi tiếng khác của Đức mà tôi biết  chút đỉnh, nhưng cuối cùng chỉ có thể tới hai nơi là Frankfurt, Berlin và thành phố không dự tính trước là Wiesbaden mà tôi đã nói trong số báo tuần qua.

Hai tòa nhà màu đỏ ở ngã tư khu phố là nơi làm việc của chị em ta tại Frankfurt, cuối đường là ga xe lửa trung ương. Hình: NHA

 

Frankfurt am Main là cái chi chi?

Lần đầu tiên đặt chân tới Đức tôi mới được thấy dòng chữ Frankfurt am Main. Tôi chẳng hiểu hai chữ cuối am Main là cái chi chi, dù chắc chắn là tôi không đi lộn chỗ, nhầm thành phố. Khi cầm cái vé xe lửa tôi thấy thành phố  có thêm hai chữ am Main hơi kỳ lạ nhưng nghĩ vé không ghi sai, bởi khi mua vé ở Hòa Lan, tôi nói tôi muốn đi Frankfurt, nói đến hai lần và hai lần người bán vé nói tiếng Anh rất rành xác nhận đây là vé đi Frankfurt.

Nhưng tại sao đến nhà ga thấy Frankfurt am Main? May  có vài nơi  bảng chỉ dẫn ghi cụt ngủn một chữ Frankfurt. Và đến khi điện thoại cho vợ chồng người bạn, họ nói cứ đợi ở ga Franfurt thì tôi yên tâm. Sau này lên mạng hỏi bác google mới biết am Main có nghĩa là on the Main, con sông Main. À ra thế! Thật cũng hơi “quê mùa” cho du khách Miệt Dưới như tôi.

Sông Main là con sông nằm trọn trong nước Đức, là phụ lưu của sông Rhine. Sông Rhine là con sông dài nhất Âu châu, phát xuất từ Thụy Sĩ và đổ ra Biển Bắc tại cảng Rotterdam ở Hòa Lan.

Frankfurt, thành phố lớn thứ năm của Đức, là thủ đô tài chánh của Đức và Liên Âu,  từ thế kỷ thứ 16 đã hình thành một hệ thống hoán chuyển các loại tiền tệ là nguồn gốc của Thị trường Chứng khoán sau này.

Người La Mã (Roman) đã hiện diện tại đây từ khoảng kỷ thứ 1 tại khu Romer ngày nay của thành phố Frankfurt.

Frankfurt là một trong những thành phố quan trọng của Đế quốc La mã Thần thánh (Holy Roman Empire, tồn tại gần 900 năm đến năm 1806), các vua Đức đăng quang ở thành phố này trong suốt hơn 200 năm kể từ giữa thế kỷ 16.

Trong Đệ nhị Thế chiến, Frankfurt bị dội bom nặng nề. Có khoảng 5,500 thường dân bị bom dội chết,  trung tâm phố cổ nổi tiếng thời trung cổ bị tàn phá hoàn toàn, ngoại trừ tòa nhà IG Farben Building được cố ý không dội bom để dành làm bản doanh cho Thống đốc Quân sự Mỹ và Cao ủy Mỹ tại Đức.

Khi Tây Đức, tức Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập năm 1949, ban đầu Frankfurt được dự tính sẽ là thủ đô tạm thời của Tây Đức. Một tòa nhà Quốc hội được xây nhưng đã không bao giờ dùng tới vì ông Konrad Adenauer, vị Thủ tướng Tây Đức đầu tiên, chọn thành phố Bonn bởi  phần nào gần thành phố quê nhà ông, phần khác vì bị các chính trị gia thời đó chống đối. Họ ngại chọn Frankfurt để làm thủ đô thì sẽ làm dân chúng Tây Đức không còn ủng hộ việc thống nhất hai miền với mộng lấy Berlin làm thủ đô như trước đây.

Một góc nhìn khác từ tháp nhà thờ chính tòa: Thành phố dựa lưng vào núi, bên tay phải là tháp truyền hình. Hình: NHA

 

Một vòng thành phố tài chánh của Đức

Thúy-Cường, vợ chồng người bạn của chúng tôi nghỉ việc thêm một ngày nữa để đưa chúng tôi tới thành phố Frankfurt. Do lên đường sau giờ người ta bắt đầu đi làm nên không bị kẹt xe và chỉ mất khoảng 25 phút để từ Wiesbaden tới Frankfurt.

Nói đến Đức người ta nghĩ đến đất nước của tài chánh và kỹ nghệ, nhưng đọc con đường dài gần 40 cây số, tôi thấy nhiều đồng cỏ. Chẳng vì thế mà trong nhiều năm Đức đứng hàng thứ ba về xuất cảng nông phẩm và thực phẩm.

Tòa nhà đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi vào thành phố tài chánh này là cái tháp đầu bút chì (hình pyramid trên đầu) có tên Messeturm (Trade Fair Tower), 63 tầng cao 257 mét, là cái tháp cao thứ nhì ở Frankfurt và thứ nhì cả nước Đức (sau tháp Commerzbank Tower cao 259 mét  cũng ở Frankfurt) và cao hàng thứ ba ở Liên Âu. Tháp hình bút chì này là một trong vài binh đinh  ở Đức có mã số bưu điện riêng (postal code): 60308. Cao ốc này là trụ sở làm việc của các công ty, không mở cửa cho công chúng lên xem. Trước mặt cao ốc này có Hammering Man, tượng điêu khắc người công nhân tay đang cầm búa đưa lên nện xuống.

Hammering Man: tượng người đàn ông đang nện búa trước cao ốc hình bút chì Messeturm (tòa nhà bệ màu nâu phía trái). Hình: NHA

Tháp Messeturm nằm bên cạnh tòa nhà Messe Frankfurt, một trong những công ty tổ chức hội chợ thương mại lớn nhất thế giới với mại lực 537 tỉ Euros hàng năm, thuê mướn 1,800 công nhân. Trước mặt tòa nhà này là  khoảng sân rộng, nơi làm  khu hội chợ thương mại với những hoạt động hội chợ và triển lãm lớn nhất thế giới về xe hơi,  sách, âm nhạc, nhân dụng, kỹ thuật,  động cơ xe hơi v.v…

Cách tháp bút chì chừng 100 mét có trung tâm thương mại Skyline Plaza shopping, xây xong vào năm 2013 là một shooping mall có khoảng 180 tiệm buôn và nhà hàng. Vào đây ăn uống, nếu muốn đi vệ sinh thì sao? Có khu vệ sinh riêng: Trẻ con qua lọt cái cửa cao chừng 80 cm thì miễn phí, ngoài ra phải mất 50 xu Euros thì mới giải quyết cái chuyện cực kỳ cần thiết đó. Tôi thấy xứ Úc mình hơn Mỹ và Âu châu về cái mục cho mọi người được thoải mái với cái đệ tứ khoái này mà không phải tốn tiền. Nói Úc giàu là giàu chỗ đó!

Bây giờ, mời bạn cùng chúng tôi sang khu phố buôn bán có tên Zeil Pedestrian Mall  là khu giống Bourke St Mall ở phố Melbourne nhưng không có xe tram, là một con đường dài dành cho người đi bộ với các binh đinh cửa tiệm hai bên  và đoạn vui nhất là nơi có những hàng cây có ghế ngồi hình vòng tròn bọc quanh cột cây và lều ăn uống giữa đường. Kiến trúc bắt mắt nhất có lẽ là Fassade (mặt tiền)  MyZeil  có hình ống thông hơi làm bằng kính được khánh thành năm 2009.

Mặt tiền MyZeil ở khu phố đi bộ Zeil Pedestrian Mall của Frankfurt. Hình: NHA

Mời bạn cùng tôi đi bộ sang khu Romer, là một trong những địa danh quan trọng nhất của thành phố Frankfurt.

Gia đình thương gia Romer bán tòa nhà cho Hội đồng Thành phố  năm 1405 và người ta biến thành tòa thị chính trong 600 năm qua. Với thời gian, tòa nhà được nới rộng nhờ mua thêm các tòa nhà bên cạnh, từ ba thành 11 cho nên ở bên ngoài kiến trúc xem đã rối mắt, bên trong lại càng lộn xộn hơn, nhưng đó là nét đặc sắc của Romer với kiến trúc thời trung cổ, thu hút du khách.

Dưới thời Đế quốc La mã Thần thánh,  các lễ tiệc đăng quang được tổ chức tại đây. Trong Đệ nhị Thế chiến, tòa nhà bị Đồng minh dội bom hư hại nặng nề. Sau chiến tranh được tái thiết và ngày nay dùng cho nhiều mục đích. Hội chợ sách đầu tiên của thành phố Frankfurt được tổ chức tại đây.

Tôi nói với anh bạn Cường hãy lái xe xuống bờ sông để xem con sông Main nó đẹp như thế nào mà tên thành phố  được đặt là Frankfurt am Main (Frankfurt tại Main).

Sông Main là phụ lưu hữu ngạn của sông Rhine. Với chiều dài 527 cây số, đây là con sông dài nhất nằm gọn trong lãnh thổ nước Đức, đóng vai trò quan trọng trong sự giao thông đường thủy nội địa nối liền Biển Bắc với Biển Đen. Frankfurt là thành phố lớn nhất nằm trên sông Main với nhiều cảng nội địa. Có 34 con đê xây trên sông này, với những nhà máy phát điện là nguồn thủy điện cho khu vực.

Nhìn thoáng qua, khung cảnh sông Main với những cây cầu bắc ngang sông trông giống như sông Seine, bề ngang có vẻ rộng hơn nhưng không đẹp, cổ kính hay thơ mộng như sông Seine.

 

Khổ vì cái bầu tâm sự

Đi dọc bờ sông, vài người trong chúng tôi đã cảm thấy muốn tìm phòng vệ sinh, nhưng nhìn ở đâu cũng chẳng thấy có nơi để làm “việc cần”. Hai người bạn là dân địa phương nói chỉ còn cách trở ngược lên phố tìm  tiệm  để ăn hay uống và luôn tiện đi vệ sinh. Tôi là người  quen đi du lịch nhiều nơi, thấy vừa ăn uống xong, cần dùng thì giờ ngắm cảnh hơn là vào tiệm, do đó một mình tôi đi tới một chân cầu xa để hy vọng có cầu tiêu công cộng. Và thấy có hai cái toilet lưu động cho nam và nữ. Nhưng không thể tưởng tượng người ta xài bừa bãi và hội đồng thành phố để dơ đến như vậy, có thể cả tuần hay cả tháng không chùi dọn nên phân đầy và tràn ra ngoài trông kinh hoàng, còn tệ hơn mấy cái cầu tiêu công cộng ở thành phố biển Alexandria bên Ai Cập. Đành bịt mũi và nhắm mắt chịu trận!

Cầu tiêu miễn phí ngoài trời giữa lòng thành phố Amsterdam Hòa Lan, người qua đường thấy được đầu và chân của các ông đứng tè. Hình: NHA

Người Đức được tiếng rất kỷ luật trong công việc làm, nhưng giữ vệ sinh có lẽ thua xa người Nhật và cả người Tân Gia Ba. Thà bắt du khách trả 50 xu Euro như khu Skyline Plaza shopping mà chúng tôi vừa đi thăm, còn dễ chịu hơn phải nín tè nhiều giờ làm chuyến du ngoạn mất vui hay phải gần ngất xỉu để giải quyết cái bầu tâm sự.

Về cái mục phục vụ vệ sinh công cộng, tôi nghĩ Melbourne ăn đứt nhiều thành phố lớn như Nữu Ước, Paris, Rome.

Tôi thấy ở các trung tâm thương mại, thắng cảnh tại  Singapore, Hán  Thành (Seoul) cầu tiêu công cộng thật sạch và miễn phí. Tôi nhớ hồi nhỏ, ông thầy tôi nói rằng vào nhà ai, cứ nhìn vào cái cầu tiêu để đánh giá chủ nhà. Rất chí lý! Nên chăng, các nước muốn thu hút du khách cần quảng cáo nước họ có cầu tiêu sạch, miễn phí hay lệ phí rẻ?

 

Leo lầu… ngôi thánh đường cao nhất Franfurt

Nhà thờ Chính tòa Frankfurt vẫn đang còn được tu bổ. Hình: NHA

Đi xem thắng cảnh Frankfurt mà không định trước, từ bờ sông Main nhìn lên dốc, thấy tháp nhà thờ màu gạch đỏ sậm, tôi đề nghị tới xem. Nhiều du khách, học sinh cũng đang thăm viếng như chúng tôi, đứng đầy sân và vào bên trong thánh đường.

Nhà thờ  Công giáo này có tên Cathedral Tower hay Frankfurt Cathedral (tiếng Đức Frankfurter Dom) có nghĩa là Nhà thờ Chánh tòa, là nơi vị tổng giám mục trụ trì, nhưng  trên thực tế vị tổng giám mục của Frankfurt không ở đây. Vì được thánh hiến cho thánh Bertholomew, nên cũng còn được biết với tên St Bartholomew Cathedral.

Nhà thờ xây vào đầu thế kỷ 15 theo kiến trúc gothic, trang trí bằng những bích họa thời phục hưng, là nơi các hoàng đế dưới thời Đế quốc La mã Thần thánh đăng quang, là biểu tượng của đế quốc này và biểu tượng thống nhất của nước Đức vào thế kỷ 19.

Khảo cổ cho thấy từ thế kỷ thứ 7, tại nơi đây đã có nhiều lần xây cất nhà thờ nhưng bị hủy hoại vì hỏa hoạn. Cái tháp nhọn hiện nay cũng mới được làm lại sau  trận hỏa hoạn năm 1867. Trong Đệ nhị Thế chiến, nhà thờ lớn nhất của thành phố này cùng chịu số phận bị Đồng minh dội bom tàn khốc vào ngày 22.3.1944 nhưng may mắn hơn mọi binh đinh và cao ốc khác, nhà thờ bị cháy hoàn toàn bên trong, nhưng bên ngoài bị hư không trầm trọng.

Năm 1950, Nhà thờ Chính tòa được xây lại với cái tháp nhọn cao 95 mét. Khi chúng tôi đến thăm, công tác xây cất một cánh của ngôi thánh đường vẫn còn đang tiến hành.

Các nhà thờ lớn ở Âu châu thường mở cửa cho người lên tháp xem với một chi phí tượng trưng để giúp tu bổ tòa nhà, ở đây lệ phí là 3 Euros. Chỗ ngắm cảnh chỉ cao tới 66 mét nhưng phải bước 328 bậc cấp thì cũng bở hơi tai. Nhưng cả bốn chúng tôi cùng đi và gặp đám học sinh  nghịch ngợm vừa bước các bậc cấp vừa đọc “Kinh Cầu Các Thánh” dài và  rất quen thuộc của người Công giáo.

Tháp Messeturm nhìn từ sân thượng của Skyline Plaza Shopping. Hình: NHA

Một em xướng “Thánh Phao-lô”, các em còn lại đồng thanh đáp “Cầu cho chúng tôi”.   Để đỡ thấy mệt, tôi cũng phụ họa, dĩ nhiên bằng tiếng Việt để chỉ chúng tôi cùng hiểu, “Thánh Lucifer” và tự đáp lại  “Cầu cho chúng tôi”.

Lucifer  không phải là thánh mà là quỷ satan hàng đầu. Đùa cho vui và để nhớ lại tuổi học trò. Cũng như bọn trẻ này đọc loại kinh cầu đòi hỏi thuộc tên rất nhiều vị thánh như vậy là dân “đạo dòng” nhưng có tính nghịch ngợm, đọc kinh để quên mệt khi bước hàng trăm bậc cấp.

Tới chỗ ngắm cảnh, du khách đi vòng quanh hành lang bọc lưới để ngắm.  Đây là dịp duy nhất tôi được đứng trên cao để nhìn cảnh của thành phố và con sông Main như ngày nào đứng ở tháp Eiffel nhìn sông Seine và Paris.

Thành phố  Frankfurt trước đây có dân số đạo Tin lành cao hơn Công giáo, nhưng ngày nay người Công giáo đông hơn (22.7%), có lẽ do những đợt di cư khắp nơi tới đây. Vì Cường và Thúy là người Công giáo, tôi hỏi về tình hình tôn giáo ở đây, Cường nói trên thực tế người Công giáo hay người có đạo nhiều nhưng vì khai có đạo phải đóng thuế nên có những người có đạo mà không khai để lương khỏi bị trừ thuế. Tôi rất lấy làm lạ về chuyện này vì Đức là một nước thế quyền.  Sau này cố tìm hiểu và nhờ vậy được biết là tại Đức, những nhà thờ lớn như Frankfurt Cathedral  không phải là sở hữu của tôn giáo mà là của nhà nước, chính xác hơn là của thành phố. Lý do vì có cuộc tái  cấu trúc tài sản vào năm 1802 khi Đế quốc La mã Thần thánh gần chấm dứt (1806) gọi là German mediatization.

Với sự tái cấu trúc này của Đức, thành phố sở hữu và bảo trì nhà thờ chánh tòa nhưng các cộng đồng Công giáo hay Tin lành (Lutheran) có thể sử dụng.

Bởi vậy, khi đứng trước nhà thờ Markkirche (Market Church) rất đẹp ở thành phố Wiesbaden quê nhà của Cường, anh nói nhà thờ này ngày xưa của Tin lành, bây giờ họ không dùng nữa, nhà nước cho người Công giáo sử dụng thì tôi không hiểu tại sao một ngôi thánh đường mà đạo nào cũng sử dụng được, thì ai là người sở hữu?

Những món đề biển làm sẵn ở trong Skyline Plaza Shopping. Hình: NHA

Lên lầu… phố chị em ta tham quan

Đi dạo đã gần nửa ngày, trên đường về tôi nói Cường hãy lái xe qua khu đèn đỏ cho tôi “tham quan” để xem danh tiếng lưu truyền lâu nay có đúng như trên thực tế không?  Chạy một vòng mới kiếm chỗ đậu xe trước các tòa nhà màu hồng. Khu đèn đỏ của Frankfurt nằm sát ga xe lửa trung ương, thật là tiện lợi. Đúng là đắc địa, và nói theo các đại lý địa ốc: Location, location, location!

Tôi nói với các bà tôi muốn “lên lầu” để tận mắt xem. Các bà được yêu cầu ngồi trong xe, vì không như khu đèn đỏ ở Amsterdam, phụ nữ hay du khách không lên các tầng lầu của các building 7 tầng này để ngoạn cảnh mà chỉ có những ông có nhu cầu tình dục mới lên, trừ… hai anh em chúng tôi.

Tòa nhà lớn, yên lặng, bên trong chỉ có ánh đèn đỏ. Chúng tôi lên tầng một, đi dọc hành lang gặp vài khách làng chơi đi lui tới ngắm nghía như chúng tôi nhưng chắc không hưởn để “tham quan” mà  “đi thực tế”.

Có phòng đóng  cửa, có phòng đề tên ngoài cửa “Maria” nhưng cửa khép kín, có phòng cô gái chỉ mặc hai mảnh nhỏ như ở  Amsterdam  đưa tay mời chúng tôi vào bên trong có cái giường đôi trống.

Màu đèn đỏ trong căn phòng tranh tối tranh sáng không thể hấp dẫn người chỉ đi  “tham quan” như chúng tôi, nên chúng tôi mau lẹ xuống lầu, kẻo các bà vợ ngồi ở dưới xe trông ngóng.

Nói đến tham quan, tôi nhớ vợ của Cường hỏi tại sao tôi viết bài mà không trả ít tiền xin các cô gái cho chụp hình để minh họa cho câu chuyện, hấp dẫn người đọc. Các bạn nghĩ sao? Vào bên trong phòng của các cô gái điếm mà chỉ trả tiền chụp hình thôi ư? Thì có phải là…  thánh không?

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 12.9.2015