Hy Lạp: Băng núi Taigetos đến Mystras và Sparta (kỳ 7)

15 Tháng Chín, 2010 | Hy Lạp
Một đoạn đường đèo trên núi Taigetos, miền nam Hy Lạp. Hình chụp ngày 18.7.2010

Nguyễn Hồng-Anh

***

Văn minh Hy-La (Hy Lạp và La Mã) cùng song hành phát triển hàng thế kỷ trước Công Nguyên, ảnh hưởng cả Âu Châu và một phần Trung Đông do gót giày chinh chiến của những danh tướng như  Alexander Đại Đế hay Julius Cesar.  Nhưng nền văn Hy Lạp chỉ kéo dài đến năm 146 trước Công Nguyên sau khi bị La Mã chiếm đóng qua trận đánh tại Corinth, một thị quốc (state city) cách Athens 78 km về phía tây nam.

Sau ngày tàn của Đế quốc La Mã ở phương tây, Đế quốc Byzantine (330-1453) vẫn còn tiếp tục kéo dài ở phương đông. Trải qua các cuộc thập tự chiến thời trung cổ, Đế quốc Byzantine đã chấm dứt vào năm 1453 khi thành Constantinople (nay là Istanbul) bị rơi vào tay của quân đội Đế quốc Ottoman (1299-1923) do vua Mehmed II chỉ huy.

Vua Constantine I -sinh đẻ ở Serbia- thiên di trung tâm quyền lực của La Mã qua phía đông, lập thủ đô ở Byzantium, một thành phố của Hy Lạp cổ đại. Từ đây Đế quốc La Mã được gọi là Đế quốc Byzantine.  Sau này Byzantium được đổi tên thành Constantinople để kính nhớ vua Constantine I.

Vì thế Đế quốc  Byzantine còn được gọi là La Mã Thứ Hai (Second Roman) hay Đế quốc La Mã Phương Đông (Western Roman Empire).

Lịch sử của thời đại này rất rối bời và khó nhớ, chúng tôi không muốn làm bạn mệt trí khi đọc bút ký du lịch này. Xin để dành cho những người nghiên cứu sử.

* * *

Chuyến tham quan một ngày của chúng tôi bao gồm Olympia và Sparta. Từ 6.30am đến 2.30pm dành cho nơi khai sinh ra thế vận hội Olympic ngày nay. Mời bạn cùng chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình xuống phía nam của bán đảo Hy Lạp, vùng đất có tên gọi Peloponnese.

Cung điện Mystras…

Sparta, Sparti và Mystras

George –người tài xế- nói với chúng tôi trên đường đi, trước khi tới Sparta sẽ ghé qua Mystras, một thành phố cổ có nhiều di tích cách Sparta vài cây số.

Rời Olympia, xe chạy qua thành phố Kalamata gần biển, là thành phố lớn thứ hai của miền nam Hy lạp. Kalamata cách Athens chừng 240 km và Sparta chừng 60 km.

Nhưng từ đây, xe bắt đầu chạy lên đèo, ban đầu còn thấy biển, nhưng sau đó chỉ còn núi, vách đá và thung lũng.  Có lúc xe chạy giữa hai vách đá nhưng phần nhiều một bên là vách đá và bên kia thung lũng. Xe càng lên cao, vực thẳm càng sâu, nhìn xuống thấy những đoạn đường đã đi qua như rắn lượn. Có những đoạn đường hình chữ U quẹo rất gắt, nếu vô ý có thể bay xuống đèo. George vẫn lái xe nhanh với tốc độ trung bình 80 km giờ, chỉ giảm khi quẹo chỗ 180 độ. Anh cho biết đoạn đường trên đèo này đẹp nhất ở Hy Lạp và hỏi tôi có giống ở Pháp không. Tôi nói đẹp và ngợp như núi Pyrénée khi nhìn xuống thung lũng sâu.

Đèo này nằm trong dãy núi Taigetos – với chiều cao 2,344m là ngọn núi cao nhất ở bán đảo Hy Lạp–  theo tôi đoán có thể dài tới 50km. Trên đường thấy có nhiều am nhỏ, có cây thánh giá, tượng Chúa Mẹ hay ảnh người. George nói đó là nơi người ta tưởng nhớ người chết vì tai nạn. Tôi cũng hơi ớn, nhưng cho rằng con người sống chết là do số mạng, bởi nếu quá sợ thì sẽ chẳng bao giờ đi chơi xa và đi nhiều nơi.

Tuy nhiên tôi cũng nói ám chỉ với George rằng ở Úc lái xe trên xa lộ chỉ được phép tối đa 100 km, còn ở thành phố chỉ 60 km mà thôi, nhưng George vẫn giữ tốc độ cũ. Sau này, một người Hy Lạp ở Melbourne gốc Sparti nói với tôi đèo đó nguy hiểm lắm và thường xảy ra tai nạn.

Và Thánh đường St Sophia trên núi

Chạy được một hồi, xe ngừng lại giữa một quán ăn giữa rừng, che phủ bởi những cây cổ thụ và tàn lá xum xuê,  tiếng nước róc rách chảy từ vách đá trên cao. Nhà tôi nói khung cảnh này hơi giống ở núi Dandenong. Chúng tôi dự tính ăn bữa thay tối, nhưng thấy cách làm ăn của chủ quán có vẻ nhàn nhã, sợ kéo dài nên gọi 3 ly cà phê và một đĩa dưa hấu, tổng cộng 5 Euro. Tôi không hiểu tại sao ở chỗ rừng vắng mà giá cả lại rẻ như thế. Tôi không quen với cà phê Hy Lạp, đựng trong tách nhỏ như tách trà, đen và đặc hơi khó uống.

Tiếp tục lên đường, đến một đoạn nào đó, George đậu xe lại ở bãi vọng cảnh cho chúng tôi nghỉ một lát và ngắm cảnh. Tôi thấy có hình một nhân viên chữa lửa và dù không hiểu tiếng Hy Lạp, cũng đoán là người này đã chết trong một trận cháy rừng với ngày tháng ghi 23.7.2000.

Quả vậy, George cho biết trận cháy rừng cách đây 10 năm đã gây thiệt hại kinh khủng cho vùng này. Chúng tôi còn thấy nhiều xác cây khô  nằm dọc hai bên đường.

Ở bãi look-out này, nhìn xuống là thung lũng, nhưng nhìn lên bên kia đường là vách núi với vài hang động nằm trên cao hàng trăm thước, có những người đang du dây tòng teng giữa miệng hang, có lẽ đó một lối thể thao của những người mạo hiểm. Những du khách lớn tuổi đứng nhìn chỉ chỏ lên núi trong khi thanh niên nam nữ trẻ lấy ba-lô và nệm ra khỏi xe, có lẽ chuẩn bị leo núi hay cắm trại.

Tôi thử trèo lên vài thước, nhưng trượt chân té ngay, chỉ trầy cùi chỏ. George chỉ cho tôi những bụi cây cỏ cao chừng một mét mọc rất nhiều dọc đường, nói đó là cây có tên Sparti, loại cây có thể dùng làm y phục thời xa xưa và vì thế mà thành phố dưới chân đồi ở phía bên kia có tên là Sparti hay Sparta như chúng ta thường nghe.

George giải thích cho tôi đây là dãy núi cao và hiểm trở, nhờ thế mà người Sparta thời xưa có thể bảo vệ họ khỏi sự tấn công của dân thành Athens. Vua Leonidas đã trở thành bất tử trong lịch sử Hy Lạp qua một trận chiến chống lại quân Ba Tư xâm lăng.

Như bạn có thể biết hay đã xem cuốn phim có tên 300  được đóng vào năm 2007 kể lại việc vua Leonidas dẫn một đạo binh chỉ với 300 binh sĩ mà có thể chống lại hàng chục ngàn binh sĩ Ba Tư do vua Xerxes lãnh đạo. Ban đầu quân Sparta thắng, nhưng do bị nội phản vua đã tử trận vào năm 480 trước CN.  Nhưng nhờ cái chết kiêu hùng của vua Leonidas và 300 binh sĩ  Sparta mà dân Hy Lạp ở các thị quốc khác sau đó đã liên kết với nhau đánh bại quân Ba Tư.

Người Sparta nổi tiếng dữ tợn và kỷ luật, trẻ con sinh ra tật nguyền là bị giết ngay, chỉ duy trì giống tốt, huấn luyện trẻ khắt khe từ nhỏ vì vậy họ trở thành những chiến binh giỏi, gan dạ.

Lúc này khoảng 6 giờ 45 phút chiều, xe đậu trước một dãy lâu đài cũ nằm vắt ngang lưng núi, bên dưới là nhà cửa. George nói đấy là thành phố Mystras và kia là pháo đài, hãy vào xem.

Trên đỉnh pháo đài Mystras, bên này thị trấn…

Archeological Site of Mystras: Vé vào cửa 5 Euro một người, mở cửa mỗi ngày từ 8am đến 8pm. George nói chúng tôi có chừng 45 phút trở lại xe để tiếp tục tới thành phố Sparti.

Chúng tôi bắt đầu leo lên pháo đài này, dự trù chỉ đi trong 25 phút, lên tới đỉnh hay không cũng phải xuống. Nhìn những bảng chỉ dẫn, chúng tôi được biết pháo đài này đã được UNESCO đưa vào di sản thế giới.

Sau cuộc Thập Tự Chiến lần thứ 4 (1202-1204)  và khi thành phố Constantinople rơi vào tay Đế quốc La Tinh (Latin Empire 1204-1261),  Mystras trở thành thủ đô của đế quốc Byzantine, thịnh vượng cho đến thời Đế quốc Ottoman.

Nhiều người Tây phương cứ ngỡ đấy là thành phố Sparta của thời vua Leonidas. Đến giữa thế kỷ thứ 19,thành phố này bị bỏ hoang sau khi một thành phố gần đó được lập và đặt tên là Sparti. Hiện tại dân số Mystras chỉ còn khoảng 4,000 người.

… bên kia núi rừng

Chúng tôi leo lên những bậc cấp bằng đá chạy dài quanh những bức tường đá không còn nguyên vẹn với thời gian, ngắm  cảnh hoàng hôn giữa lưng trời. Chẳng có ai ngoài hai chúng tôi. Lên tận đỉnh pháo đài, núi trùng điệp, con đường đèo màu trắng uốn khúc giữa rừng cây xanh mà chúng tôi đã đi hay sẽ đi qua. Xa xa giữa đồng bằng có lẽ là thị trấn của những người còn bám trụ với quê hương và tổ tiên họ, gần dưới chân núi là cung điện Mystras Palace đang được trùng tu với những mái ngói đỏ chói.

Pháo đài Mystras như hàng trăm pháo đài ở Âu Châu thời trung cổ là công sự để chống lại kẻ thù bên ngoài. Mystras được xây dựng theo ba vòng đai. Ở trên chóp đồi gọi là Upper City là nơi dành cho các quan chức, quý tộc. Vòng đai thứ hai có tên Lower City gồm nhà thờ, tu viện, nhà của các nhân viên có tên tuổi. Sau này nông dân tụ họp sống quanh đồi tạo thành vòng đai thứ ba gọi là City Outside the Walls.

Chúng tôi lần lượt xem những di tích như nhà thờ Thánh Sophia, nghĩa trang. Những di tích ở đây hầu như còn nguyên vẹn.  Tiếp tục bước lên đỉnh, các bức tường thành vòng đai bị đổ nát phần nào. Và cuối cùng chúng tôi đứng ở đỉnh cao nhất của miền nam Hy Lạp. Thành quách bọc quanh đỉnh bị hư hại nhưng bạn không sợ bị té ở khoảng không gian này. Chúng tôi ước gì được ngắm hoàng hôn trên di tích lịch sử xa xôi này, nhưng rồi cũng phải trở về xe tiếp tục hành trình.

Sparti chỉ cách Mystras vài cây số. Ra khỏi núi đồi, bên trái con đường dẫn vào thành phố thấy một công viên nhỏ có tượng đài cắm cờ vàng, hình một vị tướng cầm gươm. George bảo đó là vua Constantine XI, vị vua cuối cùng của Đế quốc Byzantine sau khi thành Constantinople rơi vào tay người Thổ. Tôi thấy ghi trên bia đá ngày chết của ông vua này: 29.5.1453. Lịch sử đã sang trang: Đế quốc La Mã (Phương Đông) và Đế quốc Byzantine chấm dứt từ đây.

Dĩ nhiên George phải đưa chúng tôi tới bức tượng của vua Leonidas để chụp một tấm làm kỷ niệm, như là một “chứng nhận” mình đã tới một địa điểm lừng danh trong lịch sử Hy Lạp nhưng nghe nói chẳng còn lại dấu vết gì đáng kể.

Nói về vua Leonidas, George nói truyền thuyết kể rằng vua Leonidas đã không chết trận khi đánh nhau với quân Ba Tư, ngài biến mất và sẽ trở lại một ngày nào đó để lãnh đạo Hy Lạp!

Dưới đế của bức tượng được dựng vào năm 1968, có khắc câu nói nổi danh của vua Leonidas với binh sĩ của ông: “Chúng ta chiến đấu hay chúng ta chết”.

Tác giả cạnh tượng vua Leonidas

Sparta  của Leonidas, của cuốn phim 300 –nằm đâu đó trong vùng Mystras ngày xưa-  nay đã biến mất trong bản đồ Hy Lạp. Năm 1834, hơn mười năm sau cuộc chiến giành lại độc lập, vua Otto của Hy Lạp thời đại mới ra sắc lệnh lập thành phố có tên Sparti  trên vùng đất xưa gọi là Sparta. Ngày nay dân số của Sparti khoảng 18,000 người.

George ra vẻ là một người Hy Lạp rất ái quốc, nhìn người Thổ với sự e dè, nghi ngờ như người Việt đối với người Trung Hoa, chẳng là vì 4 thế kỷ Hy Lạp bị Đế quốc Ottoman đô hộ đó sao?

Tôi hỏi có phải Alexander Đại Đế là người Macedonia không, George nói ông là người Hy Lạp, rằng Macedonia là đất của Hy Lạp và vì vậy Hy Lạp không nhìn nhận sự chính thống của một cựu cộng hòa của Nam Tư lấy tên nước của họ là Macedonia.

Thật vậy, tuy là một thành viên của Liên hiệp quốc, nhưng vì bị Hy Lạp phản đối dùng tên Macedonia, nước này đã phải sử dụng tạm thời cái tên chính thức dài dòng là Former Yugoslav Republic of Macedonia, gọi tắc là FYROM.

Chụp hình bên tượng vua Leonidas xong,  chúng tôi dùng cơm tối tại quán ăn ngoài trời giữa khu buôn bán của thành phố mới Sparti. George chỉ cho tôi học được 2 chữ Hy Lạp về món bánh mì thịt souvlaki: pita giros (pita = bánh mì; giros đọc ziros = thịt).

Ăn chiều/tối trước khi “chạy marathon” về Athens lúc 12 giờ khuya

George ca ngợi thành phố Sparti, khen người dân và cuộc sống ở đây. Một người Hy Lạp ở Úc quê quán từ Sparti nói đấy là thành phố dễ sống, đáng sống nhất ở Hy Lạp, con người ở đây dễ thương nhất v.v… Tôi chỉ dừng lại Sparti trong vòng một tiếng đồng hồ nên không thể cảm nghiệm được điều này. Chỉ thấy các nhân viên bán thức ăn tiếp đãi khách ân cần.

Xe rời thành phố lúc 8.45pm. Đoạn đường dài 232 km. George cho biết Spari có một sự kiện thể thao có tính cách quốc tế là cuộc thi chạy marathon hàng năm từ Athens tới Sparti, có sự tham dự của các vận động viên ngoại quốc. Cuộc chạy đua có tên Spartathon, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1983, các người thắng thường chạy dưới 26 tiếng đồng hồ. Người phá kỷ lục là vận động viên Hy Lạp Yannis Kouros, chạy chỉ mất 20 giờ 25 phút.

Trước đây tôi chỉ nghe nói chạy Marathon 42 km qua câu chuyện của sử gia Herodotus kể rằng chiến binh Pheidippides (năm 490 trước CN) chạy từ thành phố Marathon tới Athens để báo tin quân Hy Lạp ở Marathon đã  chiến thắng quân Ba Tư xâm lược trong một trận đánh đẫm máu.  Nhưng nay lại nghe một truyền thuyết khác nói binh sĩ này chạy từ Athens tới Sparta để xin cầu viện. Ông ta phải mất 2 ngày để chạy quãng đường này.

Nhưng ngay cả chạy bằng xe hơi, đoạn đường  Sparta- Athens đối với tôi cũng quá dài. Muốn nhìn cảnh vật hai bên đường nhưng nhiều lúc cũng thiếp đi, cho đến khi xe trở về thành phố. Lúc này đã 12 giờ 15 khuya.  Mất đúng 3 tiếng rưỡi.  George xin lỗi đã làm tôi sợ vì anh lái quá nhanh để kịp giờ (Kỳ chót về chuyến du lịch Hy Lạp: đi vòng quanh thành phố Athens ngắm cảnh, ăn uống và mua sắm)