Tân Đảo có gì lạ? Thăm ngọn hải đăng bằng sắt đầu tiên cao nhất thế giới ở Nouméa (kỳ 6 và hết)

09 Tháng Năm, 2007 | Tân Đảo - New Caledonia
Amédée là ngọn hải đăng bằng sắt đầu tiên cao nhất thế giới ở Nouméa: Tác giả trước ngọn hải đăng Le Phare d’Amédée, ở một cù lao nhỏ cách trung tâm thành phố Nouméa khoảng 20 cây số. Hình: NHA

Tôi là người thường đi du lịch tự túc, bởi được tự do hơn trong việc đi lại và chọn nơi tham quan. Muốn đi ngoạn cảnh, muốn nằm nhà ngủ, hoặc tới nơi thấy cảnh vật vừa ý mà muốn ngồi lâu hơn, cũng chẳng sao. Đi du lịch tự túc thường tốn kém hơn đi theo đoàn (đi tour)  và cũng mất thì giờ hơn khi phải tự tìm kiếm những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của một nơi hoàn toàn xa lạ với mình.

Tuy nhiên, người đi du lịch tự túc khi đã đến địa điểm rồi (thành phố hay quốc gia)  cũng có thể sử dụng dịch vụ đi tour trong một ngày (nửa ngày hay nhiều ngày hơn tùy nơi đến gần hay xa)  do các công ty địa phương tổ chức. Chẳng hạn, bạn đang sống ở Melbourne nhưng không muốn lái xe đi núi tuyết, bãi biển 12 Thánh Tông Đồ,  xem chim cánh cụt ở Philip Island, bạn có thể lên phố hay ra các đại lý mua vé đi tour trong ngày.

Ở thành phố Nouméa cũng vậy. Muốn đi tour một ngày tới ngọn hải đăng lịch sử Le Phare d’Amédée?  Bạn hãy ra công ty Mary  D  Enterprises   nằm trên đường Rue Laroque  ở khu Anse Vata, cạnh khách sạn Nouvata Park Hotel mà tôi thường đề cập trong bài viết này và cách khách sạn Le Surf mà tôi ngụ khoảng nửa cây số.

Vé đi tour một ngày là 12,500F tương đương $190 Úc kim. Đắt thật! Nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo bởi bạn sẽ được đi tham quan một trong những cảnh đẹp nhất của thành phố Nouméa nói riêng và của Tân Đảo (New Caledonia) nói chung. Được đưa đón bằng xe bus tới bến cảng; đi tàu ra đảo có ngọn hải đăng, ăn trưa kiểu buffet (ăn uống bao nhiêu tùy sức); đưa đi xem biển san hô, coi cá mập, xem văn nghệ bản xứ (của giống người Polynesian da vàng sậm), trèo lên nóc ngọn hải đăng…

 

Hải đăng Amédée là cái chi chi?

Le Phare d’Amédée là một trong bốn chủ đề mà hãng hàng không Aircalin  của Tân Đảo giới thiệu với hàng khách của họ trên cuốn tạp chí song ngữ  Pháp-Anh màu offset giấy láng trong ấn bản tháng 3 & 4 vừa qua dành để biếu khách đi máy bay. Nhưng Le Phare d’Amédée là chủ đề chính bởi hình ngọn hải đăng được đăng ở trang bìa. Nói như vậy để bạn đọc biết rằng đã tới Nouméa thì nên đi xem thắng cảnh này. Khi tới tiệm bán vé của công ty Mary D Enterprises, một cô bán vé hỏi tôi ở nước nào đến và làm sao biết dịch vụ này, tôi nói tôi đọc trong các tờ quảng cáo ở khách sạn. Cô cho biết hiện tại công ty có chiến dịch quảng cáo về ngọn hải đăng ở bên Úc.

Vợ chồng tác giả trên bao lơn ngọn hải đăng, và từ bao lơn nhìn ra

Người Pháp nổi tiếng về xây tháp, tượng với chiều cao đáng nể như  Tháp Eiffel ở Paris, tượng Nữ Thần Tự  Do ở Nữu Ước. Và ở Tân Đảo, họ đã xây một ngọn hải đăng bằng thép đầu tiên làm tại Pháp được xem là cao nhất thế giới.

Người xây ngọn tháp này là ông Rigolet ở vùng Butte Chaumont, thực hiện từ năm 1862. Theo hợp đồng, cái tháp bằng thép phải được lắp ráp tại công xưởng của ông. Trong vòng 2 năm, cái tháp cao 56 mét đã ngự trị trên bầu trời Paris. Sau đó, ngọn hải đăng được tháo ra từng mảnh để chở sang Tân Đảo. Tổng cộng 1,265 miếng nặng  387,953 ký lô đã được đưa xuống tàu ở sông Seine, chở ra hải cảng Le Havre và để sau đó chở đến địa điểm cuối cùng là đảo Amédée, một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Nouméa khoảng 24 cây số. Hòn đảo này có bề dài 400 mét và bề rộng 270 mét.

Người Pháp đã huy động binh sĩ và nhân công bản xứ để ráp lại ngọn hải đăng và sau 10 tháng thì hoàn tất công việc mà không có một tai nạn nào xảy ra.  Ngọn hải đăng 56 mét cao tương đương với tòa nhà 20 tầng. Muốn lên đỉnh ngọn hải đăng, phải bước tất cả 247 bậc cấp đi theo hình trôn ốc.

Theo dòng chữ khắc trước cửa vào Le Phare d’Amédée thì ngọn hải đăng đã được đốt lửa khai trương vào ngày 15.11.1865, ngày lễ bổn mạng của Hoàng hậu Eugénie, vợ của vua Nã Phá Luân  Đệ Tam  (đây là khoảng thời gian  ông Phan Thanh Giản được vua Tự Đức phong chức Khâm định Đại thần để đương đầu với quân Pháp đang tính chiếm nốt ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ).

Hai năm sau khi hoàn tất được ngọn hải đăng Amédée, người Pháp xây một ngọn hải đăng y hệt  dựng tại Roches-les-Douvres để kiểm soát sự đi lại trên vùng biển Manche. Nhưng trước đó, người ta đã đem ngọn hải đăng sinh đôi này đặt ở công trường Champ de Mars để triểm lãm và ngọn hải đăng này trở thành một công trình hấp dẫn đối với thế giới trong dịp đấu xảo tại Paris vào năm 1867.

Đường ra đảo Amédée

Xe bus sẽ đến khách sạn chở bạn ra cảng Port Moselle cách trung tâm phố xá khoảng 2 cây số. Tại đây đã có sẵn một toán  ca sĩ và nhạc sĩ đón bạn bằng những bài ca của người Polynésian (trông họ cũng chẳng khác người quần đảo Hạ Uy Di là bao). Bạn sẽ lên một trong hai chiếc tàu  của công ty Mary D  Enterprises, tùy theo khách nhiều hay ít. Tàu lớn nhất là chiếc Mary D  Dolphin. Chiếc này dài 32 mét, có 2 tầng và bong tàu để hóng gió, quầy rượu, có khả năng chở đến 200 hành khách và tốc tực tới 70 cây số giờ. Chiếc kia là Mary D  Princess, nhỏ hơn, dài 28 mét, có khả năng chở tới 150 người với tốc lực 50 cây số giờ.

Hôm đó chúng tôi đi bằng chiếc  tàu lớn Dolphin bởi đông người và đầy chỗ ngồi.  Mất khoảng nửa tiếng thì tàu tới đảo Amédée, nhưng từ xa du khách đã thấy ngọn hải đăng màu trắng hiện rõ giữa bầu trời do chiều cao đặc biệt của nó so với mặt nước biển.

Cập bến, du khách được chia làm hai nhóm để đi ngắm biển san hô  bằng tàu đáy thủy tinh (glass bottom boat) hoặc đi ngoạn  cảnh trên trên hòn đảo bởi tàu đáy thủy tinh không thể chở hết mọi người, và cũng vì thế nhóm thứ hai sẽ được luân phiên xem biển san hô sau buổi cơm trưa.

Vũ công múa lửa người Polynésian ở Tân Đảo đứng bên cạnh chúng tôi

Nước Úc tự hào có biển san hô Barrier Reef ở Queensland. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi qua Úc nghỉ mát đã chọn vùng Cairns để tắm biển và chơi snorkelling dưới bờ biển san hô (lặn mang theo ống thông hơi trồi trên mặt nước). Nhưng Tân Đảo còn tự hào là nơi có bờ biển san hô dài nhất thế giới. Bờ biển san hô bao quanh New Caledonia dài trên 1,600 cây số. Tính theo chiều dọc, biển san hô kéo dài từ bắc xuống nam dài khoảng 700 cây số  và biển có san hô trải rộng từ 200 mét đến một cây số. Độ sâu ngoài vùng san hô chừng 1,000 mét  nhưng ở bên trong vỉa đá ngầm và những cái phá (lagoon) có san hô, nước biển nông, chỉ sâu tối đa 25 mét và chính đấy là những nơi có nhiều loài cá sinh sống và là cảnh đẹp để du khách lặn và xem cá.

Bạn có thể thuê đồ lặn có ống thở (snorkel) với giá khoảng 2 đô la để khi tàu đáy thủy tinh đưa bạn ra vùng ngắm cá, bạn có thể bơi, lặn tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại cá, lớn có nhỏ có, đủ màu sắc, đủ hình thù (trừ cá mập). Nhưng nếu bạn không mang theo đồ tắm, không biết hay không thích bơi, bạn chỉ việc ngồi trên tàu nhìn xuống đáy thủy tinh của tàu cũng thú vị, hấp dẫn hơn là ngắm hồ cá trong  các Aquarium ở Melbourne hay Sydney. Bạn sẽ dùng những ổ bánh mì baguette  người ta phát để liệng xuống biển cho các bầy cá đến ăn mà xem.

Chừng một tiếng sau, tất cả mọi người đều được mời lên tàu lớn (Dolphin hay Princess) để đi xem các vỉa san hô ngầm (barrier reef) nổi tiếng của Tân Đảo. Du khách cũng sẽ được phát các ổ bánh mì để nhử cá mập đến… ăn và xem chúng. Muốn thu hút bầy cá mập tới, các nhân viên trên tàu còn cột những miếng thịt sống vào dây thừng và quẳng xuống nước để bầy cá chạy theo tàu.  Du khách cũng được cấp phát các ổ bánh mì để cho cá mập ăn, nhử chúng lại gần xem tận mắt, ngắm chúng trồi lên mặt nước đớp mồi. Tàu cứ tiếp tục chạy tới những đoạn khác để du khách tiếp tục cho cá mập ăn. Lúc này thì du khách bị kích thích do được thấy bầy cá mập vẫy vùng tranh ăn trước mắt nên họ chạy lung tung trên hai boong tàu. Có đôi lần  du khách đứng dồn về một phía làm cho chiếc tàu nghiêng nghiêng trông thấy. Nhà tôi kiếm được chỗ đứng xem ở ngoài boong sát đuôi tàu.  Vì có khoảng 200 người trong một không gian hơi chật chội, đi lại vướng bàn ghế,  nên có lúc tôi không thấy nhà tôi bèn phải chạy đi tìm, bởi sợ vớ vẩn. Tôi thấy thành hành lang quanh tàu chỉ cao ngang ngực và có những khoảng trống, nếu ai đó vô ít mà rớt khỏi tàu thì chẳng biết  chuyện gì sẽ xảy ra. Về điểm an toàn này, tôi thấy công ty du lịch Mary D Enterprises  chưa thận trọng đủ, nhất là khi trên boong tàu có trẻ em. Có lẽ chỉ khi tai nạn xảy ra rồi thì người ta mới bắt đầu để ý!

Nhưng dầu thế nào đi nữa, đi ngắm và cho cá mập ăn là một kinh nghiệm hứng thú trong chuyến đi tour thăm ngọn hải đăng Le Phare d’Amédée này.

Trở vế bến, mọi người chuẩn bị ăn trưa theo kiểu buffet lúc 12 giờ. Có hàng chục món ăn để du khách lựa chọn trong đó có thịt, cá và tôm.  Thức uống gồm nước ngọt, rượu vang trắng và đỏ (phụ chú: trong những bài trước tôi quên cho bạn biết rằng ở Tân Đảo không có tục lệ cho tiền pourboire/ tip). Trong lúc ăn, du khách được xem trình diễn những màn vũ bụng và mông của người hải đảo Thái bình dương. Một số khách được mời ra múa với các vũ công nam nữ. Màn biểu diễn đẹp mắt nhất là múa lửa của một anh vũ công mà hình ảnh của anh ta thường thấy quảng cáo trong các tờ bươm bướm, tạp chí của hãng máy bay Aircalin.

Sau cơm trưa, du khách tự do sinh hoạt cho đến 4 giờ chiều, là lúc phải tập trung ở cầu tàu để trở về thành phố Nouméa. Có những trò giải trí khác trong thời gian này như biểu diễn trèo dừa,  bửa trái dừa, trình diễn các cách vận y phục khác nhau của các cô gái người Polynésian bằng một tấm vải lụa của người địa phương.

Trong khoảng thời gian này, tôi và nhà tôi mua vé để trèo lên đỉnh ngọn hải đăng này (vé 150F, hơn $2 đô la). Đây chính là tâm điểm của chuyến du ngoạn Le Phare d’Amédée, nhưng không vì vậy mà có nhiều người mua vé lên tận đỉnh tháp để quan sát ngọn hải đăng và ngắm cảnh. Lý do: phải bước đến 247 bậc thang.  Tôi tưởng rằng sẽ chóng mặt (bước vòng trôn ốc) hay phải ngừng lấy sức, nhưng đã đi một mạch lên tận đỉnh, không phải thở dốc.

Ra khỏi cầu thang bạn có thể đi  quanh cái bao lơn vòng tròn có khả năng chứa vài chục người. Từ đây bạn có thể quan sát hết hòn đảo nhỏ phía dưới, chỉ rộng bằng khoảng mươi lần chiếc tàu khách Spirit of Tasmania thường đậu ở Port Melbourne. Trong thành phố, đứng trên lầu vọng  cảnh ở tầng 55 của cao ốc Rialto ở Melbourne ngắm cảnh, bạn còn bị các cao ốc chung quanh án ngữ tầm nhìn, như  tòa nhà chọc trời Eureka mới xây (tuần tới lầu vọng cảnh Skydeck  ở tầng 88 của Eureka bắt đầu mở cửa cho du khách lên thưởng lãm) hay dãy núi Dandenong. Nhưng  ở biển Tân Đảo, ngọn hải đăng Amédée đứng một mình ên, nổi lên giữa mặt biển san hô của Thái bình dương gây cho du khách một cảm giác khác biệt.  Đèn của hải đăng có sức tỏa ánh sáng tới 25 cây số để hướng dẫn tàu bè đi lại.  Đó là chuyện ngày xưa, khi người ta còn dùng dầu hôi để đốt lửa ngọn đèn lồng có công suất bằng 30,000 ngọn nến. Ngọn đèn dầu đã được thay thế bằng điện vào năm 1985 nhưng qua năm 1994, lại được thay thế bằng năng lượng mặt trời.

Nhưng leo lên cho biết, chứ đứng chừng mươi phút  cũng chán bởi không gian chật hẹp của bao lơn hải đăng.  Chúng tôi dùng thì giờ còn lại để tắm biển, biển của một hòn đảo nhỏ xinh xắn với bờ cát trắng, sạch nơi có  loài rắn 3 màu (tricot rayé) sinh sống đầy nhóc ở các hóc đá trong bờ. Đây là loài rắn biển lưỡng cư, sống trên cạn và dưới nước. Bạn sẽ gặp chúng ở mọi nơi khi đi bộ hoặc khi đang tắm. Người ta nói loài rắn này rất hiền và không nguy hiểm nếu chúng không bị tấn công. Chúng là một động vật bò sát  làm cảnh cho hòn đảo có ngọn hải đăng nổi tiếng của nước Pháp ở phía bên này đại dương.

Tàu chở du khách ra ngọng hải đăng Armédée. Hình: TVTS

Ngày đi tham quan ngọn hải đăng là ngày cuối cùng của chúng tôi tại thành phố Nouméa thuộc lãnh thổ  New Caledonia. Thật là một tuần lễ thú vị. Ngoài những buổi đi xem thắng cảnh, chúng tôi chỉ cần vài bước là ra bãi biển. Hết tắm biển lại trở vào hồ bơi. Không có lối nghỉ xả hơi nào thư giãn hơn!

Từ nhỏ, tôi có ước mơ biết được vài ngoại ngữ, đi du lịch nhiều nước để hiểu thêm về văn hóa của người khác. Tôi đã may mắn thực hiện được phần nào ước mơ đó. Nhưng tôi còn ước muốn đi nhiều nơi khác trên thế giới, trước khi không còn có thể đi vì…  tuổi đời.

Mục kể Chuyện Đường Xa  sẽ trở lại với bạn đọc trong một dịp khác. Hy vọng những hướng dẫn và những câu chuyện vui bên lề trong chuyến nghỉ mát của chúng tôi ở Tân Đảo sẽ giúp độc giả đỡ mất thì giờ tìm hiểu khi đi du lịch lần đầu tiên ở xứ này.

Nguyễn Hồng Anh – TVTS 9.5.2007