Tây Ban Nha: Cây số 0 và Cổng Mặt Trời – bài 2

02 Tháng Tám, 2011 | Tây Ban Nha
Puerta del Sol, trung tâm của thành phố Madrid. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh – bút ký du lịch

***

Ở trong Liên Âu ngoại trừ vài quốc gia như Anh, Ái Nhĩ Lan, việc đi lại giữa các nước không đòi hỏi visa nhờ hiệp ước gọi là Schengen Agreement được ký vào năm 1985 và đến nay đã được 25 quốc gia chấp thuận. Trong những chuyến đi Âu Châu đầu tiên, tôi hơi ngạc nhiên tại sao người ta không hỏi passport khi từ nước này qua nước kia, nhưng nay đã bắt đầu quen.

Từ Rome (Ý) bay sang Lisbon (Bồ) giống như từ Melbourne lên Sydney; từ Lisbon bay sang Madrid (Tây Ban Nha) cũng như ta đi từ Sydney lên Brisbane, máy bay đáp, ta cứ việc vào terminal rồi ung dung lấy vali đi ra, chẳng cần trình giấy tờ gì ráo trọi, cho các nhân viên di trú hay quan thuế.

Chúng tôi mua vé máy bay online từ Lisbon đi Madrid bằng hãng Air Europa lúc đó  giá $158.50 Úc kim/ người.

3.20 PM máy bay rời Lisbon. Tuy chỉ mất một giờ bay nhưng đến nơi đã 5.20PM vì giờ ở Madrid đi sớm hơn một tiếng. Đến phi trường, thấy trời vẫn còn sáng, chúng tôi xin bản đồ, hỏi nơi mua vé xe điện ngầm để hưởng cái “thú đau thương” của một du khách tự lần mò đường từ phi trường về trung tâm thành phố và khách sạn trong ngày đầu tiên.

Không biết đi taxi sẽ tốn bao nhiêu, nhưng vé metro  2 Euro mỗi người là quá dễ chịu, chỉ còn chịu khó hỏi han và kéo vali. Thấy người ta lên xe thì mình lên nhưng rồi giựt mình không biết xe chạy về hướng nào vì chưa kịp xem bản đồ, bởi tên đường và tên trạm còn xa lạ. Sợ đi lộn, tôi hỏi một phụ nữ (bí kíp để hy vọng được trả lời: chọn phụ nữ trẻ và cần nhìn  mặt để đoán họ có biết tiếng Anh không!)  cô nói đi đúng xe metro nhưng từ phi trường tới khách sạn phải đổi 2 trạm. Cô chỉ cho trạm thứ nhất, nhưng sau đó cô nói vì đi tiện đường nên cô dẫn tới trạm thứ hai.

Thật ra, sau khi cô chỉ cho trạm đầu là tôi đã biết cách đổi trạm, nhưng được dẫn đi thì sẽ đỡ thì giờ tìm tòi, nên chỉ mất một tiếng đi metro như  nhân viên ở trạm information của phi trường nói.

Cổng Mặt Trời luôn có sự hiện diện của cảnh sát. Hình TVTS

Ra khỏi trạm metro, xách vali lên các bậc cấp, một người đàn ông thấy vậy chạy giúp cả tôi lẫn vợ tôi mang hai vali khá nặng lên trên đường phố. Người đàn ông cười vui vẻ như welcome một du khách lạ, dù tôi thấy có thoáng mùi rượu nhưng chẳng có vẻ gì là người say. Mới đặt chân tới  mà đã gặp hên, chúng tôi có ấn tượng tốt về người địa phương như  lần đến Nhật Bản cách đây vài năm.

Khách sạn Hotel Cortezo nằm kề trạm metro, chỉ mất chừng 5 phút tìm ra ngay. Check-in, thấy tốt như các review nhận xét: sạch và rộng như một apartment, chỉ có điều là cánh cửa to và nặng nên mỗi lần các phòng bên cạnh đóng cửa, nghe tiếng ầm như các du khách mô tả trên mạng lưới. Tuy lại phải ở phòng 2 giường đơn, nhưng đây là khách sạn loại 3 sao ngon lành nhất trong chuyến du lịch các nước Nam Âu lần này (xài internet miễn phí ngay trong phòng ngủ của khách).

Cất đồ xong, tôi xuống phòng tiếp tân nói với cô nhân viên rằng chúng tôi là vợ chồng, có thể cho chúng tôi cái giường đôi được không. Cô nói hiện không có, nhưng ngày mai sẽ có. Không ngờ sáng hôm sau họ đưa cho cái chìa khóa của một phòng bên cạnh, không phải là phòng standard  mà là phòng double bed deluxe, quá rộng vì ngoài phòng ngủ, còn một phòng khách riêng với sofa, 2 tivi, 2 phòng tắm, cầu tiêu riêng biệt. Tôi lại xuống hỏi cô tiếp tân có phải bù thêm tiền cho loại phòng này không, cô trả lời không. Lại một cái hên khác. (Tiền phòng khách sạn Cortezo 94.16E/ đêm, khoảng $137 Úc kim lúc đó, giá tương đương với Repubblica Hotel ở Rome, nhưng phẩm chất cao gấp đôi).

Trong khách sạn có nhà hàng nhưng chúng tôi thích ra ăn ngoài đường phố, vui hơn bởi vì đi du lịch chứ không phải nghỉ mát nên phải hưởng ngay cái sự ồn ào náo nhiệt của phố xá. Thành phố Madrid có 3.4 triệu dân (nhưng nếu tính luôn cả các vùng phụ cận thì dân số là 6.3 triệu) là thành phố đông dân thứ 3 ở Liên Âu sau Luân Đôn và Berlin.

Ở những thành phố lớn như thế này, bước ra khỏi khách sạn là có những khu phố ăn uống, mua sắm. Chúng tôi chọn tiệm ăn có bàn ngoài lối đi để nhìn người qua lại, dù trời khá lạnh vì đã giữa mùa thu.

Đĩa thịt gà chicken steak 7.5E (tương đương với giá của khách sạn) nhưng nếu ngồi ngoài trời, trên vỉa hè (terrace) thì đắt hơn ngồi bên trong (salon) 50 xu. Một ly bia 3.5E, đắt hơn ở Bồ Đào Nha rất nhiều (chỉ 2.5E/ly).

Lúc này trời đã tối, chúng tôi đi bộ tới hướng mà chúng tôi nghĩ là Puerta del Sol, cách khách sạn chúng tôi một trạm xe metro. Chỉ mất khoảng 10 phút tới nơi, được ngắm phố xá trên những con đường dành cho người đi bộ, thật là vui giữa biển người của một thành phố đông dân tương đương Sydney.

Khu Cổng Mặt Trời về đêm với người làm xiệc trước tượng vua Carlos III. Hình TVTS

Trước khi qua Tây Ban Nha, tôi có lên internet để chọn khách sạn phù hợp với nhu cầu của mình, vừa túi tiền vừa dễ đi lại. Gần trạm xe lửa là tốt nhưng cũng ồn ào và chúng tôi cũng không tính chuyện đi xa khỏi thành phố trong chuyến du lịch 5 ngày. Vả lại nhớ đến vụ khủng bố đặt bom ở 4 tuyến xe lửa năm 2004 nên cũng không muốn dùng phương tiện xe lửa.  Bởi vậy, khi lên mạng thấy Puerta del Sol (có nghĩa Cổng Mặt Trời), chúng tôi tìm xem có khách sạn nào gần đó không. Đây là nơi được giới thiệu là trung tâm của thành phố (Cây số  0) nơi mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố tỏa ra như hình rẻ quạt, là chỗ thiên hạ thường tụ họp nhiều nhất và là nơi mà người dân thủ đô chọn để đón mừng năm mới, như Times Square ở Mỹ.

Đọc trên mạng lưới về Puerta del Sol, tôi thấy người ta đăng các hình ảnh và nói ở đây có 3 cái nổi bật: Tượng vua Charles III, (tiếng Tây Ban Nha: Carlos III), tượng con Gấu và cây Dâu tây (ở phía sau tượng vua cỡi ngựa) và tháp Đồng hồ.

Nhưng khi đến nơi, ngoài tượng ông vua và đồng hồ, tôi không thấy tượng con gấu và cây dâu tây mà chỉ thấy một hồ phun  nước lớn hình tròn đầy hoa chung quanh, là nơi để khách ngồi. Người ta đã dẹp tượng con gấu rồi chăng, hay tôi quáng gà không thấy suốt 5 ngày ở Madrid? Một kiến trúc nổi bật khác ở đây là mái vòm bằng kính dành cho khách xuống ga xe điện ngầm.

Đêm đầu tiên ở (quảng trường) Puerta del Sol, chúng tôi nhập bọn cùng đám đông người địa phương xem những trò chơi như hóa trang hài, xiệc. Thế là đã vui lắm rồi.

 

Madrid và Puerta del Sol

Có nhiều truyền thuyết nói về xuất xứ tên Madrid trong đó nói tên khởi đầu của thành phố là “Ursaria” tiếng La Tinh có nghĩa là “đất của loài gấu” vì gấu sống nhiều ở những cánh rừng lân cận, cộng với cây dâu tây (madrono) là biểu hiệu của  Madrid thời trung cổ.

Tuy nhiên, phần đông người ta tin rằng Madrid xuất phát từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên thời La Mã khi họ dựng một ngôi làng cạnh sông Manzanares đặt tên là “Matrice” có nghĩa con sông xuyên qua khu định cư.  Đến thế kỷ thứ 8 khi bị người Hồi giáo xâm chiếm, tên “Matrice” bị biến thành “Mayrit” theo lối nói của người Á Rập cũng có nghĩa là nguồn nước, sự sống. Và dần dần  Mayrit được phát âm thành Madrid của ngày nay.

Trong Thế kỷ Vàng (Siglo de Oro) tức thế kỷ 16-17, Madrid trở thành một trung tâm văn hóa của Âu Châu, thu hút nhiều nhà văn, họa sĩ và kiến trúc sư lừng danh của thời Phục Hưng như nhà văn Miguel de Cervantes (truyện Don Quixote de la Mancha), họa sĩ Tirso de Molina, kiến trúc sư Juan de Herrera (vẽ kiểu quảng trường Plaza Mayor). Cung điện hoàng gia Palacio Real de Madrid được xây dưới thời vua Philip V (vua này sinh ra ở trong Điện Versailles bên Pháp).

Nhưng Madrid chỉ trở thành một thành phố hiện đại dưới thời vua Charles III (1716-1788), một vị vua được kính trọng nhất trong lịch sử Madrid với câu nói trong dân gian “người thị trưởng tốt nhất, là ông vua”. Vì vậy tượng vua Charles III cỡi ngựa được đặt ở cổng (quảng trường) Puerta del Sol, có biệt danh là “el rey alcalde (ông vua thị trưởng).

Cổng Puerta de Sol có nguồn gốc là một trong những cổng thành bọc quanh Madrid từ thế kỷ 15. Tên của cổng lấy từ hình mặt trời dùng trang trí cho cổng vào thành vì cổng này hướng về phía mặt trời mọc.

Ở trong khu Cổng Mặt Trời có một số cơ sở nổi tiếng như Bưu điện cũ nay trở thành văn phòng của Predident of Madrid, người lãnh đạo cao nhất của chính quyền tự trị Madrid (regional government of the Autonomous Community of Madrid, khác với Madrid City Council).

Trước Cổng Mặt Trời có con đường mang tên  Calle de Alca, con đường dài nhất ở Madrid, dài 10.5  cây số khởi đầu từ đây chạy ra các ngoại ô đông bắc tới thành phố Alcala de Henares. Đây cũng là một trong những con đường cổ nhất của thành phố.

Puerta de Sol nằm gần  Plaza Mayor, Palacio Real, Quốc hội, bảo tàng viện. Cũng có thể so sánh khu Cổng Mặt Trời ở Madrid với cổng Khải Hoàn Môn ở Paris vì nằm ở trục giao thông chính của thành phố. Nơi đây người dân thường tụ tập để để mừng lễ lạc như giao thừa, khi mà những quả chuông của đồng hồ đánh dấu truyền thống mừng năm mới bằng  cách “ăn 12 trái nho”. Các dịp kỷ niệm năm mới tại Puerta del Sol đã bắt đầu được trực tiếp truyền hình kể từ ngày 31.12.1962.

Tháp đồng hồ đánh bằng chuông. Hình TVTS

Nhưng nơi đây, Cây số 0 (Kilometro cero) cũng là nơi mà người dân tụ họp để biểu tình. Biểu tình chống chính phủ qua các cuộc nổi dậy chống nhà vua, cách mạng thành lập các nền cộng hòa, chống bọn khủng bố đặt bom ngày 11.3.2004, chống Tây Ban Nha tham chiến ở Iraq v.v…

Bởi vậy trong những ngày chúng tôi sống ở Madrid, mỗi lần ra cổng Puerta del Sol để vui chơi ngắm cảnh hay là dùng làm nơi khởi hành những chuyến đi thăm thú thành phố, chúng tôi luôn thấy cảnh sát sắc phục đầy các đường phố sát Cổng Mặt Trời. Cảnh sát đi bộ có, đi mô-tô có và những chiếc xe mang huy hiệu cảnh sát như muốn cảnh cáo những người ưa phá phách, gây rối và khủng bố  rằng họ sẵn sàng ra tay một khi có biến động. Tôi có cảm tưởng Madrid là New York và Puerto de Sol là Times Square bởi sự hiện diện của cảnh sát và an ninh.

Cảnh sát ở Madrid  không “hiền” như cảnh sát ở Melbourne, mặt mày luôn “đằng đằng sát khí” và ánh mắt như luôn theo dõi người đi đường. Tôi nói với nhà tôi có lẽ đấy là hậu quả của vụ khủng bố làm cho 191 người chết nên cảnh sát Madrid luôn đề cao cảnh giác.

Một hôm đi ngang qua cổng Puerta del Sol chúng tôi thấy có khoảng một chục thanh niên nam nữ mang kèn đủ loại đứng trước vòm nhà kính dẫn xuống hầm metro có vẻ đang chuẩn bị trình diễn hay biểu tình gì đó. Thiên hạ vây quanh. Bỗng một chiếc xe cảnh sát sà tới, lại có cảnh sát đi bộ khoát những người đứng xem chung quanh dang ra. Họ hành động thật lẹ.

Tôi không biết chuyện gì xảy ra vì không đủ sức hiểu những lời họ nói với nhau.  Hiếu kỳ, tôi tiến gần chụp hình, một bà cảnh sát lấy tay chận lại bảo “No photo”. Tôi hiểu ngay và tuân lệnh sau khi đã chụp một tấm để làm “tài liệu” cho chuyến du lịch như đã từng chụp hình biểu tình ở Nam Hàn, Ý.

Trước khi đi du lịch, tôi đã được nghe bà Thủ tướng Julia Gillard cảnh cáo các công dân Úc du lịch ở Âu Châu rằng trong lúc này hãy tránh xa những nơi đông người vì nguy cơ khủng bố.  Nhưng nếu sợ thì những chuyến du lịch sẽ mất vui.

Đến một nước lạ mà không hòa nhập vào dòng đời sống của họ thì thà ở nhà còn hơn đi xa. Bởi sẽ thiếu những chuyện vụn vặt để hầu bạn đọc trong trường thiên ký sự “kể chuyện đường xa” này.

Mời bạn đọc đón xem kỳ tới.