Tây Ban Nha: Đi một đoạn đường đầy di tích lịch sử – bài 4

16 Tháng Tám, 2011 | Tây Ban Nha
Hàng trăm người xếp hàng dài tới cửa vào nhà thờ Santa Cruz (bên phải) trên đường Calle de Atocha: không biết để làm gì? Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh – bút ký du lịch

***

Quan sát “mặt tiền” nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Almudena xong, chúng tôi quay lưng nhìn sang sân trước của cung điện hoàng gia Palacio Real de Madrid, chỉ thấy một hai người giữa cái sân mênh mông này. Hai tòa nhà lịch sử được phân ranh giới bởi hàng rào song sắt và những cột trụ xi măng. Vài chục du khách đứng bên ngoài hàng rào nhìn vào giống như năm nào chúng tôi đứng bên ngoài nhìn vào Điện Buckingham của Nữ hoàng Anh Elizabeth II bên Luân Đôn.

Chúng tôi biết cung điện hoàng gia Madrid dành cho công chúng vào xem bởi vì vua Juan Carlos I không cư ngụ nơi này. Tuy nhiên khi vào phòng vé hỏi thì các nhân viên nói hôm nay không mở cửa, ngày mai hãy trở lại. Tôi đoán chắc có lễ lạc hay tiếp quan khách gì đó nên mới đóng cửa không cho công chúng vào.

Qua ngày thứ hai ở Madrid, chúng tôi đã hơi quen với việc đi lại trong khu trung tâm thành phố. Khách sạn chúng tôi ở kề trạm xe điện ngầm Tirso de Molina. Thay vì đi hướng bắc tới Cổng Mặt Trời như  hôm trước, chúng tôi rẽ trái đi  về hướng tây bắc để trở lại thăm cung điện hoàng gia Palacio Real de Madrid, với một đoạn đường dài khoảng gấp đôi.

 

Nhà thờ Thánh giá Santa Cruz: vẫn còn thắc mắc

Trên đoạn đường này, mang tên  Calle de Atocha, cũng có nhiều di tích để xem. Như tình cờ thấy đoàn người nối đuôi mấy lớp kéo dài hàng trăm mét trên vỉa hè tới một ngôi thánh đường cổ kính mà tôi thấy khắc giòng chữ trên vòm cửa vào “Perroquia de Santa Cruz”, bên ngoài có người ngồi ăn xin. Cũng giống Việt Nam, người ăn xin thường đứng trước cửa nhà Chúa để mong sự thương xót của tín đồ. Nhưng tại sao người ta phải xếp hàng? Hàng rất dài?

Thắc mắc, chúng tôi đi thẳng vào bên trong. Nhà thờ đang dâng thánh lễ, đầy kín ghế ngồi. Nguyên cả toàn bộ tường sau cung thánh được làm bằng tranh khảm mạ màu vàng, sáng rực một cách linh thiêng. Góc phải cuối nhà thờ có tượng các thánh, Chúa vác Thánh giá và một dàn đèn cầy được thắp sáng để cầu nguyện hay tạ ơn. Nhà tôi cũng bắt chước các tín hữu địa phương đốt một ngọn nến.

Bên ngoài hall ngay cửa vào, có nhiều bảng niêm yết. Có nhiều lễ trong ngày – sáng trưa chiều tối– mặc sức tham dự.

Thấy quầy đằng sau bức tường có người ngồi đang trao giấy gì đó như vé, rồi thấy bảng đề giá tiền, tôi cố gắng đọc nhưng khả năng tiếng Tây Ban Nha chưa cho phép hiểu hết, bèn hỏi người bán vé, họ lại nói tiếng bản xứ và đưa cho tấm vé nhưng tôi từ chối nhận vì  không muốn hỏi thêm lôi thôi, sẽ gây bế tắc giữa cảnh đông người.

Nhà thờ Santa Cruz đầy người khi đang có thánh lễ và hình nhỏ: giáo dân chen chúc cầu nguyện trước các tượng góc phải cuối nhà thờ. Hình TVTS

Tôi không hiểu tại sao có hàng trăm người (có thể cả ngàn nếu tính nguyên ngày) cứ xếp hàng ở nơi đây mà cảnh tượng này ngày nào cũng thấy, sáng cũng như chiều. Tôi nói với vợ rằng người Tây Ban Nha rất sùng đạo, nhưng không lẽ việc sùng đạo đi kèm với việc (cầu nguyện khi) chơi xổ số, dù vé số làm phước?

Trên bản đồ dành cho du khách, nhà thờ được ghi là một di tích lịch sử. Khi trở về khách sạn, lên mạng xem, mới biết  Santa Cruz là một nhà thờ có nguồn gốc từ thời Tái Chinh phục (Reconquest) từ tay người Á Rập và được xây khoảng thế kỷ thứ 13 nhưng bị cháy nhiều lần và tòa nhà hiện nay được xây lần chót vào năm 1902 trong đó có một cái bảo tàng viện nho nhỏ,  có Thánh giá Chúa (Holy Cross, Lignum Crucis). À ra thế!

Bởi vậy nhà thờ mới có tên  Santa Cruz (Thánh Giá). Có phải là do thành kiến nên tôi mới nghĩ người Tây Ban Nha mê cờ bạc như phe ta,  liên tưởng việc nhà thờ với đi Casino. Phải đấm ngực 3 lần để nhận tội!

Nhưng nếu chưa có người có thẩm quyền hay am tường giải thích, tôi vẫn chưa chắc đoàn người sắp hàng nơi đây để  viếng các di tích lịch sử tôn giáo, vào mua vé số hay chỉ sắp hàng đi dự thánh lễ và cầu nguyện nơi được coi là linh thiêng?

 

Quảng trường Plaza Mayor: nơi lui tới của du khách

Đi thêm chừng trăm mét, bạn sẽ vào một trong những cổng rất cổ kính của quảng trường Plaza Mayor, trông giống như quảng trường San Marco ở thành phố Venice, chỉ khác là không có thủy triều tràn lên sân và những ban nhạc sống chơi nhạc cổ điển ở các hành lang.

Đây là khu du lịch nổi tiếng của Madrid với các tiệm bán đồ tiêu dùng và nhất là các quán ăn đủ loại.  Chúng tôi ăn sáng nơi đây trước khi quan sát và tìm hiểu về lai lịch của tòa nhà đồ sộ này.

Một phần ăn sáng gồm đĩa oeuf plat, bánh mì, cam tươi, cà phê giá 6.70 Euro. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những dùi thịt jambon và cá salmon trong tủ hay treo đầy trên quầy cũng như những quảng cáo màu đỏ sặc sỡ của hai thức ăn mà người Tây Ban Nha thường dùng vào buổi sáng. Chúng tôi thấy người bản xứ uống cả rượu đỏ khi ăn sáng. Điều này chứng tỏ họ có cuộc sống nhàn hạ, như người miền nam Việt Nam nửa thế kỷ trước.

Quảng trường Plaza Mayor hình chữ nhật, dài 129m, rộng 94m được bao bọc tứ phía bởi những tòa nhà chung cư  bốn tầng gồm 237 ban-công và 9 cổng vào theo kiểu mái xây. Xưa kia nơi đây cũng đã có một quảng trường tên Plaza del Arrabal, nhưng cái hiện nay được vua Philip III ủy thác cho kiến trúc sư Juan Gomez de Mora thiết kế, xây xong năm 1619. Kiến trúc sư này cũng là người xây tòa nhà Casa de la Villa kế cận.

Ở giữa có bức tượng vua Philip III cỡi  ngựa, được đúc vào năm 1616, nhưng chỉ được dựng vào năm 1848. Tòa nhà bên trái của bức tượng có tên Casa de la Panaderia (Bakery House) với hai tháp và huy hiệu hoàng gia ở giữa, nguyên thủy  dùng làm lò bánh mì và trải qua nhiều sử dụng khác, nay là Trung tâm Du lịch Madrid.

Plaza Mayor…

…và một cổng vào quảng trường. Hình TVTS

Quảng trường từng là nơi họp chợ, đấu bò, đá banh, và cả dùng vào việc hành hình tử tội dưới thời Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha. Lễ kính Thánh Quan thầy Thánh Isidro của thành phố cũng được tổ chức ở đây.  Ngày nay trong quảng trường có nhiều cửa tiệm, quán cafe dọc các cột hành lang, là một trong những nơi thu hút du khách nhiều nhất của thành phố Madrid. Cổng Mặt Trời chỉ là nơi để vui chơi, rửa mắt hay mua sắm, nhưng Quảng trường Mayor là nơi để ăn uống và… mua tranh của những họa sĩ vỉa hè.

Mua bức tranh sơn dầu của một họa sĩ vô danh vẽ một trong những cái cổng của Quảng trường Mayor chỉ 40 Euro với chữ ký của họ, mang về nhà đóng khung trang trọng quả là một kỷ niệm đẹp đối với chúng tôi.

 

Tòa Thị chính Casa de la Villa: lịch sử “chính trị học nhập môn”

Tiếp tục hành trình, đi ngang qua một tòa nhà cổ, thấy cảnh sát và an ninh bên ngoài lẫn trong sân, có  đoàn quân nhạc, cả chục kỵ binh áo mũ chỉnh tề với đao kiếm như hàng quân danh dự để đón ai đó nên chúng tôi tò mò đứng lại xem. Du lịch mà!

Ở một góc đường, những người biểu tình giăng biểu ngữ thổi còi để gây sự chú ý. Họ có vẻ là các công nhân ngành chữa lửa. Nhìn từ xa, tôi thấy ở cửa vào  tòa nhà có hai người mặc y phục trông giống lính La Mã đứng bên cạnh một người ra vẻ đang đợi quan khách.

Đứng cạnh một bà xôn xồn, không cần bà ta có biết tiếng Anh không, tôi hỏi bà chuyện gì vậy, bà trả lời bằng vài chữ tiếng bản xứ mà tôi chỉ bắt được hai chữ “Presidente” và “Mexico”, nên tôi nói với vợ họ sắp đón tiếp Tổng thống Mễ Tây Cơ và tôi nói người đứng đợi trước cửa là ông Jose Zapatero vì ông này có khuôn mặt giống ông thủ tướng Tây Ban Nha, nhưng sau đó mới biết mình lầm.

Cuối cùng thì vị khách đã đến, đi xe hơi kính đậm và được hai chiếc mô tô hộ tống dẫn vào sân đằng sau có xe bảo vệ.

Trong tiếng kèn và trống, vị thượng khách ngoại quốc được chủ nhà dẫn di trên thảm xanh và thảm đỏ bọc quanh sân để duyệt dàn nhạc, toán kỵ binh và một đội ngũ cảnh sát, sau đó dừng trước bốn người mặc quân phục kiểu ngự lâm quân bồng kiếm chào trước khi rút vào bên trong.

Việc cảnh sát và an ninh bảo vệ yếu nhân này chứng tỏ ông là một quan chức lớn, nhưng chắc chắn cả hai không phải là  Tổng thống Mễ Tây Cơ và Thủ tướng Tây Ban Nha, bởi sau này so chiếu lại hình ảnh của họ thì tôi thấy rằng đấy là ông thị trưởng của thành phố Mễ Tây Cơ và thị trưởng  của thành phố Madrid.

Mỗi quốc gia có một thể chế và cách gọi các nhà lãnh đạo từ cấp thành phố, tỉnh/tiểu bang đến cấp chính quyền liên bang như thị trưởng,  tỉnh trưởng/ thủ hiến/ thống đốc,  bộ trưởng, thủ tướng và tổng thống v.v…

Nếu căn cứ vào tự điển tiếng Anh mà dịch thì đôi khi sai bét, nghe chướng tai hoặc hiểu lầm như một vài trường hợp đã xảy ra trên báo chí Việt ngữ  trong cũng như ngoài nước.

Như quốc trưởng: Thị trưởng Mễ Tây Cơ (cà vạt vàng) đang đi trên thảm xanh với thị trưởng Madrid bên cạnh ngự lâm quân đi theo hầu. Hình TVTS

Vài thí dụ không thể dịch căn cứ trên tự điển mà phải căn cứ vào thể chế nước đó như:  US Secretary of State (dịch Ngoại trưởng Mỹ), Australia Attorney General (Tổng trưởng Tư pháp Úc);  Germany Chancellor (Thủ tướng Đức), Vietnam President (Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, không thể dịch/ gọi Tổng thống Nguyễn Tấn Sang được) v.v…

Lên mạng tham khảo tài liệu, mới biết rằng thủ tướng Tây Ban Nha được người bản xứ gọi là Presidente (tiếng Anh: President). Nhưng người đứng đầu hành pháp của nước này là thủ tướng và quốc trưởng là ông vua, không có tổng thống.

Nước Tây Ban Nha căn cứ vào hiến pháp 1978 có  3 cấp hành chánh từ nhỏ đến lớn gồm: municipality (thị xã), province (tỉnh) và autonomous communities (khu/vùng tự trị).  Có tất cả 17 khu tự trị  có chính phủ riêng trong đó Madrid là một. Người đứng đầu khu tự trị Madrid được người Tây Ban Nha gọi là Presidente, có thể dịch là thủ hiến, thống đốc hay tỉnh trưởng.

Nhưng Presidente de Madrid hiện nay là bà Esperanza Aguirre. Trụ sở của chính phủ tự trị Madrid đặt ở tòa bưu điện cũ ở  Cổng Mặt Trời, nơi có cái đồng hồ nổi tiếng mà tôi đã nói trong những bài trước.

Người đàn ông mà tôi chụp hình hôm đó, chiếu theo hình chụp của tôi và tài liệu trên mạng đích thị là thị trưởng của Madrid (mayor, tiếng TBN: alcades), có tên là Alberto Ruiz-Gallardon và người đàn ông đối tác chính là thị trưởng thành phố Mexico,  ông Marcelo Ebrarb. Mễ Tây Cơ nguyên là thuộc địa của Tây Ban Nha.

Cũng nhờ lên mạng mới biết tòa nhà này có tên là Casa de la Villa (Tòa Thị chính) nằm trong Plaza de la Villa (Công trường Tòa Thị chính), một công trường nhỏ khá đẹp ở giữa lòng thủ đô.

Casa de la Villa là Tòa Thị chính cũ, phải mất nửa thế kỷ mới xây xong vào năm 1696, vừa dùng làm tòa thị chính vừa làm nhà tù. Trụ sở của Hội đồng Thành phố Madrid ngày nay là Palacio de Comunicaciones, tòa nhà viễn thông ấn tượng nhất thế giới đối diện với bùng binh của quảng trường Plaza de Cibeles nơi Đức Giáo hoàng gặp giới trẻ khi vừa tới chủ tọa World Youth Day 2011 tuần qua.

Người đàn bà Tây Ban Nha được tôi hỏi, gọi người khách Mễ Tây Cơ là Presidente đã khiến tôi mất công truy tìm tài liệu để viết cho (tương đối) chính xác.

Casa de la Villa: tòa thị chính cũ nay dùng làm nơi đón tiếp VIP, như thị trưởng thành phố Mễ Tây Cơ. Hình TVTS

Khác với nước Úc, một thị trưởng của nước Mễ Tây Cơ thăm một thị trưởng Tây Ban Nha đã được tiếp đón như một thủ tướng hay thủ hiến/ thống đốc. Khổ vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng khi đi du lịch tôi  đã (tự) học thêm một chút lịch sử và thể chế chính trị của họ, cũng tốt thôi.

Và cuối cùng, cũng trên con đường có tên Calla de Atocha này, chúng tôi đã tới đường Calle de Bailen và vào thăm cung điện hoàng gia, một nơi du khách đến Madrid không thể bỏ qua.

Hẹn bạn đọc số báo tới.