Ý ngày trở lại với Rome và Venice (bài 2)

16 Tháng Ba, 2011 | Ý
Một chiếc thuyền gỗ gondola đợi khách trên kênh Grand Canal ở Venice. Hình TVTS

Chuyến du lịch “mới nhất” của chúng tôi đã xảy ra cách đây 4 tháng. Khác với những lần trước, mỗi lần trở lại Melbourne tôi đã có bài ngay, thậm chí khi đang còn rong chơi ở tận đâu đâu, tôi đã gởi hình ảnh và bài viết nếu nơi chúng tôi đang du lịch có những biến cố mang tính cách thời sự.

Bút ký du lịch lần này là lần đầu tiên tôi để nhiều tháng sau mới ghi lại. Lý do là chúng tôi vừa mới làm một vòng Địa Trung Hải (Hy Lạp – Ai Cập và Do Thái)  trong tháng 7,  đến tháng 10 lại đi một vòng các nước Nam Âu (Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) mà động lực thúc đẩy là không muốn bỏ dịp ngàn năm một thuở dự lễ phong thánh Mẹ Mary MacKillop, vị thánh đầu tiên của nước Úc. Tôi cũng muốn dành một khoảng cách thời gian viết bút ký giữa hai chuyến du lịch để “dưỡng sức” sau một loạt bài về các nước ở Địa Trung Hải trong đó có Ai Cập là đất nước vừa kinh qua một cuộc “cách mạng” trong tháng Hai vừa qua.

Lần này, tôi không còn dùng tít “20 năm kể chuyện đường xa” bởi chuyến du lịch các nước Nam Âu vào tháng 10 năm 2010 đã vượt qua mốc thời gian đó. Rồi đây bạn đọc có còn nghe 30 năm hay 40 năm kể chuyện đường xa  nữa không là chuyện của tương lai. Nhưng còn đi được, tôi nghĩ vẫn đi để hưởng thú vui đi xa và hầu chuyện bạn đọc.

Sẽ có bạn đọc hỏi tôi dự tính du lịch bao nhiêu nước, tôi nghĩ trong số khoảng 200 quốc gia có mặt trên hành tinh này mà đặt chân tới được một phần tư hay một phần ba là mãn nguyện lắm rồi vì thế tôi không nghĩ sẽ du lịch một nước đến hai lần.

Thế nhưng có hai nước chúng tôi đã du lịch lần thứ hai, đó là Hoa Kỳ vào năm 2008 và Ý năm 2010.

Trở lại Ý lần thứ hai và ở lại đây trong 7 ngày, đất nước xinh đẹp có bề dày lịch sử hàng ngàn năm vẫn cuốn hút tôi như lần đầu tiên vào năm 2003 lúc đó chúng tôi đi cả gia đình và chỉ lưu lại 3 ngày ở Rome.

Lần này, ngoài Rome tráng lệ và huy hoàng –trung tâm quyền lực của đế quốc La Mã ngày xưa, thánh đô của trên 1 tỉ người Công giáo và thủ đô của nước Ý ngày nay– chúng tôi còn được dịp tận tưởng vẻ đẹp cổ kính và diễm lệ của một thành phố nằm giữa kênh đào và sông biển, có một không hai trên thế giới. Sau khi đã ở hai đêm trên thành phố đảo Venice, tôi lại xin được ví von rằng chưa đến Venice… là chưa đến nước Ý!

 

Vé máy bay, đặt khách sạn

Nếu bạn đi tour thì không nói gì nhưng nếu đi tự túc, kinh nghiệm mua vé máy bay và đặt khách sạn của chúng tôi có thể giúp bạn phần nào (bạn có thể thăm mạng www.tivituansan.com.au  và vào mục du lịch giải trí sẽ được xem lại tất cả mọi bài vở về các chuyến du lịch của chúng tôi từ năm 1990).

Khách sạn 3 sao Repubblica sát quảng trường Repubblica. Hình TVTS

Trong thời gian gần đến ngày 17 tháng 10  lễ phong thánh Mẹ MacKillop, người ta nói với hàng chục ngàn khách hành hương đến Rome, việc mua vé máy bay và đặt khách sạn cần chuẩn bị sớm bởi sẽ… không còn vé hay đến nơi phải ngủ… ngoài đường. Chúng tôi chỉ quyết định đi du lịch chừng hai tuần lễ trước lễ phong thánh và dự trù sẽ đi 3 nước Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong hơn hai tuần lễ. Nhưng lại còn muốn được đến Bồ Đào Nha vào ngày 13 tháng 10 là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima lần thứ 5 và là lần chót, là lúc lễ lạc long trọng và đông khách hành hương nhất.

Nhưng lịch trình các tuyến đường bay đã không cho phép chúng tôi chọn du lịch từ đông qua tây để đi Bồ Đào Nha, sang Tây Ban Nha và cuối cùng Ý cho tiện đường và trùng hợp với các đại lễ của người Công giáo.

Thế là chúng tôi  đi Rome trước để dự lễ phong thánh trước rồi qua Venice, sau đó qua thành phố Lisbon và Fatima của Bồ Đào Nha rồi tới thành phố Madrid của Tây Ban Nha và từ đây trở về Melbourne.

Trong những hãng hàng không mà tôi thích và cảm thấy an toàn như Qantas, Singapore Airlines, Emirate Airlines tôi thấy Qatar Airways có vé rẻ nhất và giờ bay ngắn nhất, chỉ ngừng một lần ở thủ đô Doha của họ. Lên internet, trước hết chúng tôi chọn vé đi (tới Rome) và về (từ Madrid) cho chắc ăn  vì đường dài, là “cái mốc” căn bản.  Sau đó từ từ mua vé đường ngắn từ các thành phố giữa Ý, Bồ và Tây Ban Nha bởi việc đi lại giữa các nước Liên Âu dễ dàng như ta đi trong nước Úc vậy.

Chúng tôi mua vé  qua mạng jetaboard.com, họ tính bằng Úc kim, xin ghi chi tiết giá vé một người vào thời điểm đó để bạn đọc có thể dùng so sánh khi cần.

Melbourne – Rome  và Madrid Melbourne: $1,757.75 (Qatar Airways)

Rome – Venice: $128.60 (Alitalia)

Venice – Rome: $130.00 (Alitalia) chờ một tiếng để bay sang Bồ

Rome – Lisbone: $134.80 (TAP Portugal)

Lisbone – Madrid: $158.50 (Air Europa).

Đường bay từ Rome (Ý) tới Lisbon (Bồ)  xa nhất trong các nước Liên Âu, gần 3 tiếng nhưng cũng rẻ như từ Rome tới Venice và còn rẻ hơn từ Libone tới Madrid (Tây ban Nha) là những đoạn đường chỉ một giờ bay.

Đã làm xong việc mua vé, bạn hãy theo tôi để xem chọn lựa khách sạn nào tốt nhất, có nghĩa là vừa túi tiền vừa nằm gần trung tâm thành phố và các phương tiện giao thông hay di tích lịch sử. Tôi nghĩ rằng đây là khâu quan trọng đối với một người du lịch tự túc mà nơi đến hoàn toàn xa lạ.

Tôi từng là thành viên của một tổ hợp khách sạn nhiều năm cho đến năm nay, đóng lệ phí khoảng hai trăm rưỡi đô la một năm, được hưởng một số lợi ích như một đêm ở khách sạn miễn phí (dù là khách sạn 5 sao), được bớt 15% với giá thị trường đối với bất cứ khách sạn nào nằm trong chương trình của tổ hợp, được hưởng giảm giá tại một số nhà hàng v.v… nhưng sau khi đi nhiều nơi, thay vì tiếp tục sử dụng, tôi đã chấm dứt vì một số bất tiện trong đó có việc không được nhiều lựa chọn, chẳng hạn trong thành phố đó chỉ có một hai khách sạn nằm trong hệ thống tổ hợp, lại ở địa điểm bất tiện hay mình không thích.

Trong chuyến du lịch Rome năm 2003, chúng tôi đặt khách sạn Hotel Dolomiti, là loại khách sạn 2 sao, cách trạm xe lửa trung ương Stazione Termini chừng 600 mét. Lần này, không còn chỗ vì gặp lễ phong thánh và book cận ngày. Chúng tôi tiếp tục lần mò trên internet và chọn Repubblica Hotel, khách sạn 3 sao lệ phí 134.20 Euro mỗi đêm bao luôn ăn sáng.

Trước đó, cũng trên internet, trong mục nhận xét (review) các khách sạn, một khách hàng đề nghị nên chọn khách sạn Augusta thay vì Repubblica nhưng tôi chẳng biết lý do. Chỉ khi đến nơi, có thấy rằng hai khách sạn này cùng có reception nằm cùng một tầng lầu, cách nhau chỉ một cánh cửa. Tuy nhiên khách sạn Repubblica có vẻ đông khách hơn dù các receptionists phần lớn là người Hoa trong khi Augusta các nhân viên tiếp tân luôn là người Ý.

Luôn tiện đây thiết nghĩ cũng nên “giới thiệu” với bạn đọc khách sạn Repubblica này. Trước khách sạn có dấu hiệu 3 sao. Hình như chủ nhân là người Hoa. Trong 4 đêm ở đây, chúng tôi chỉ thấy có một buổi người receptionist (nhận điện thoại và thu tiền khách tới đặt phòng) là người Ý. Các tiếp viên bồi bàn ăn sáng là người Ý. Cô receptionist người Hoa khoảng 30 tuổi có vẻ là chủ hay quản lý trông rất hắc ám.  Tôi chưa bao giờ gặp một receptionist khó chịu như vậy trong các chuyến du lịch. Hỏi cô ta đón xe bus số nào trước khách sạn để tới quảng trường Thánh Phê-rô cô ta trả lời không biết, hỏi giúp vào internet cô ta cũng lắc đầu.

Bởi tôi không biết cách sử dụng tủ sắt an toàn của khách sạn này, nên tôi phải nhờ ông receptionist người Ý gọi nhân viên chỉ dùm. Ông thợ người Hoa này hoàn toàn không nói tiếng Anh, chỉ giải thích cho tôi bằng tiếng Ý rồi đi. Tôi không làm được nên lại xuống lobby nhờ, anh thợ người Hoa lại lên chỉ chỏ nói toàn tiếng Ý, mặt mày nhăn nhó. Nhưng tôi vẫn không làm được và nói với anh ta tôi không cần nữa.

Xuống lobby ông người Ý hỏi, tôi nói vẫn không làm được xin chính ông hãy chỉ dùm. Ông nói mở cái hộp sắt bỏ giấy tờ tiền bạc ở khách sạn là việc mà một đứa trẻ 2 tuổi cũng làm được nhưng tôi không tức giận với cái lối ăn nói đó của nhân viên khách sạn, mà cho ông biết rằng tôi đã đi du lịch cả mấy chục nơi và đã sử dụng loại safe deposit box này qua các chỉ dẫn bằng tiếng Anh dán ở hộp sắt, nhưng tôi nghĩ hộp sắt của khách sạn có vấn đề và tôi vẫn sẵn sàng để học hỏi.

Ông người Ý kêu anh thợ người Hoa lên bảo anh ta giúp tôi. Anh người Hoa này hét một tràng tiếng Ý với thái độ giận dữ và rồi chụp cánh tay tôi kéo đi. Tôi bảo ông tiếp viên người Ý hãy coi thái độ của anh này, đấy không phải là cách  khách sạn đối xử với khách hàng. Tôi bảo ông tôi không cần dùng tới safe deposit box nữa. Ông người Ý giải thích “he is good boy, but simple man”. Người tốt bụng nhưng chất phác?  Sỗ sàng và vũ phu thì đúng hơn.

Giống hầu hết khách sạn từ 2 đến 3 sao (hay có thể 4 sao) ở  Rome, thang máy là vấn đề.

Thang máy của Repubblica bắt đầu từ lầu 1, rất xưa, chỉ đủ chứa 1 người và 1 vali. Vì thế mang vali tới thang máy cũng đừ người. Hàng ngày, chúng tôi thấy có nhiều khách hàng đi bộ lên lầu 5.  Đôi khi chúng tôi cũng cuốc bộ lên lầu 3 để khỏi mất công chờ đợi. Đó là tình hình chung của các khách sạn trung bình ở Âu Châu.

Ngoài sự khó chịu, không thân thiện của các  receptionist, nói chung khách sạn Repubblica ở được và rất tiện lợi cho việc đi lại. Internet ở Repubblica miễn phí nhưng phải mang máy xuống lobby ở khu reception mới có thể sử dụng được.

Nói dài giòng về một kinh nghiệm của bản thân với khách sạn này, bạn đọc có thể hiểu tại sao một du khách trong phần review ở internet đã đề nghị nên thuê khách sạn Augusta chỉ cách đó một cánh cửa.

Cảnh sát đứng đối diện với đoàn biểu tình ngày chúng tôi đặt chân tới Rome: Quảng trường Republica nơi thường xảy ra cuộc biểu tình. Hình TVTS

 

Từ Melbourne tới Rome

Máy bay rời phi trường Tullamarine  lúc 11.30PM (tối Thứ Tư). Bay 14 tiếng đến thành phố Doha  của nước Qatar. Tới đây, phải vặn đồng hồ lùi 7 tiếng.

Máy bay Boeing 777-200 rất tối tân, chuyến bay hôm ấy ít người nên chúng tôi được nằm dài trên 3 ghế để ngủ.  Nghỉ 2 tiếng ở phi trường Doha,  chúng tôi xem duty free để giết thì giờ. Mặt hàng không nhiều, phần lớn bán máy chụp ảnh, computer, nước hoa và một số túi xách và đồ trang sức bằng vàng 18k và 22k, nhưng xem ra tất cả đều đắt. Máy ảnh Canon EOS D7: $2,400 Mỹ kim.

Lancome: đắt hơn ở Úc cả 20 đô. Nhân viên làm việc tại duty free phần lớn  là người Ấn Độ và Á Châu.

Chuyển sang Airbus 330-200 bay thêm 6 tiếng tới phi trường Fiumicino (Leonard Da Vinci) ở Rome. Lúc này là 1.30PM giờ địa phương (trưa Thứ Năm). Chúng tôi ngồi trên máy bay cả thảy 20 tiếng cộng thêm 2 tiếng chờ và đổi máy bay. Đây là chuyến bay có thể được coi là ngắn nhất từ Melbourne đi Rome.

Tới  phi trường quốc tế Fiumicino, bạn chỉ  trình sổ thông hành, thế thôi, chẳng cần điền một mẫu đơn hay khai báo gì.

3.00PM chúng tôi mua vé xe lửa về thành phố: 14 Euro mỗi người. Chạy 35 phút đến ga trung ương Termini. Từ đây chúng tôi cầm bản đồ in ra từ internet, kéo vali  lần mò về khách sạn  Repubblica nằm ngay mép bùng binh  của công trường Republica  nơi đang có văn nghệ, hát hò rất rộn ràng của di dân phần lớn  Ấn Độ và Tây Á chống cái gọi là chính sách kỳ thị của chính phủ Ý. Mất hơn nửa tiếng cho việc dò đường tới một địa điểm xa lạ trong đoạn gần một cây số.

Thay vì thuê taxi về phi trường có thể tốn từ 60 Euro tới 100 Euro, chúng tôi chỉ tốn 28 Euro cho hai người, hơi mất công để tìm đường từ ga xe lửa về khách sạn nhưng đấy là cách để  quan sát phong cảnh, con người, tìm hiểu cuộc sống của người địa phương một cách sâu sắc và lý thú nhất.

Hẹn bạn đọc kỳ tới.

Nguyễn Hồng Anh

(TVTS  1303 – 16.3.2011)