50 kiều bào đại diện cho 5,3 triệu Việt kiều? Cận tết Quý Mão, vài chuyện “Việt kiều” về quê ăn tết, đóng góp cho…

Ông Trần Bá Phúc: “bản thân rất hãnh diện khi sử dụng hộ chiếu Việt Nam trong các giao dịch tại Úc”. Screenshot, Thanh Niên

Liên quan đến dịp Việt kiều và người gốc Việt có quốc tịch ngoại quốc về nước ăn tết Quý Mão, Lê Huyền Ái Mỹ, một Facebooker nổi tiếng vừa có bài viết với tựa “Việt kiều” liên quan đến những vụ vòi tiền gần đây của cán bộ hải quan. Trích một đoạn:

Việt kiều

Một Việt kiều mang một số kem dưỡng da về để làm quà cho người thân nhưng nữ cán bộ hải quan Tân Sơn Nhất vẫn nghi ngờ, không giám định đúng quy cách mà cho rằng số hàng trên quy ra phải trên 10 triệu – là mức cho phép. Lời qua tiếng lại, theo như băng ghi âm đưa lên mạng thì có cả “chị đòi tôi 500 đô”. Ngay sau đó, đại diện bộ phận hành lý nhập đã xác nhận số mỹ phẩm kia chỉ 600 đô la Úc, đúng mức quy định. Giờ thì nữ quan kia bảo không vòi tiền, chỉ là “đùa giỡn cho vui trong lúc xử lý công việc”!

Chị thật biết đùa, như đồng nghiệp chị hôm rồi cũng “đùa” với khách ngoại kiều Singapore, mà đùa nhẹ hơn chị nhiều. Hay đám đồng nghiệp ở Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An) cũng say sưa “cắn” của hối lộ.

Không phải Việt kiều nào cũng giàu có, cũng nhẫn nhịn mà đòi “típ”, có khi họ xem đấy là mối nhục quốc thể không thể nhẫn nên mới lên tiếng. Chuyện vòi ở cửa khẩu sân bay vốn không lạ, là thứ tệ nạn đã nhẵn từ lâu. Những tưởng sau bao phen dọn dẹp, chấn chỉnh mà vẫn cứ bầy hầy ăn mảnh. Như thể công cuộc đốt lò vĩ đại chỉ phần phật lửa phía trên cao, còn một bầy sâu mọt vẫn lúc nhúc mà rỉa rói ở trong từng ngóc ngách, tận xương tủy.

Không phải Việt kiều nào cũng lấp lánh, chói lòa đầy ngực huy chương, huân chương cao quý, cao cả, cao cấp như ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Chừng ấy huân huy chương, “ông vua hàng hiệu” hẳn phải đóng góp khổng lồ lắm, chứ như hôm kia, chú xe ôm quen kể, có mấy chị em Việt kiều bên Úc về chơi, rồi trở về, hỏi sao không ở lại ăn Tết, mấy bả nói, về để né… lì xì, chịu hông nổi.

Chú xe ôm ngậm ngùi, năm nào, mấy ngày này tui cũng chở ông Y đi khắp Sài Gòn, ổng dồn tiền để cuối năm lại được về quê hương ăn Tết. Năm nay ổng không về, mà cũng chẳng bao giờ về được nữa. Ổng mất vì Covid hồi năm ngoái. Nhưng con trai ông về, đi thăm hỏi một vòng hết bà con lối xóm, gửi mỗi người một chút quà như lời bái biệt của cha anh.

Và báo chí nước nhà hân hoan dòng tin: nguồn kiều hối đổ về cho đất mẹ Saigon vẫn tiếp tục tăng, 6,8 tỉ USD (so với 6,6 tỉ năm trước)!

***

Tết cũng là dịp để nhà nước CSVN “không đánh người chạy lại”, đón tiếp những người từng chạy trốn cộng sản, tị nạn cộng sản hay đơn giản là Việt kiều trở về vui xuân, gặp gỡ lãnh đạo cộng sản, kiến nghị, báo cáo những đóng góp đối với nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đó là quyền của họ, nhưng nói “50 kiều bào tiêu biểu đại diện cho hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài” là hoàn toàn sai. Thói quen “thấy sang bắt quàng làm họ” nằm trong DNA của đảng CSVN như trong trường hợp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến Úc du cuối năm vừa qua “hãnh diện” về những đại biểu gốc Việt trong quốc hội  tiểu bang và liên bang Úc.

Sau đây là bản tin và hình ảnh trên báo Thanh Niên ngày 8.1.2023.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: “Đi đâu tôi cũng đưa hộ chiếu Việt Nam hết”. Hình: Báo Thanh Niên ngày 8.1.2023

Kiều bào kiến nghị gỡ vướng về quốc tịch, đầu tư

Nhiều kiều bào cho biết họ tự hào khi có hộ chiếu Việt Nam. Họ cũng nêu ra những kiến nghị để các thủ tục cấp hộ chiếu cho những người như họ được thuận lợi hơn.

Đây là dịp để lãnh đạo TP.HCM lắng nghe những câu chuyện của bà con kiều bào, những tâm huyết, trăn trở về sự phát triển, đóng góp cho quê hương đất nước, trong đó có TP.HCM.

Trao đổi với 50 kiều bào tiêu biểu đại diện cho hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu gửi lời cảm ơn đến kiều bào vì đã tích cực đóng góp, ủng hộ giúp TP.HCM vượt qua đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Ông Hiếu thông tin kinh tế TP.HCM năm 2022 tăng trưởng 9,03%, cao hơn bình quân cả nước; thu ngân sách đạt 472.000 tỉ đồng, đóng góp hơn 26% tổng thu ngân sách cả nước. Với lượng kiều hối gửi về năm 2022 khoảng 6,8 tỉ USD, ông Hiếu đánh giá đây là nguồn lực rất quan trọng để phát triển TP.HCM.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt ở Úc, nhìn nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 5,3 triệu người nhưng chỉ khoảng 10.000 người được cấp hộ chiếu quốc tịch Việt Nam là quá ít.

Chia sẻ bản thân là một trong những người vừa có quốc tịch Úc, vừa có quốc tịch Việt Nam, ông Phúc nói rằng bản thân rất hãnh diện khi sử dụng hộ chiếu Việt Nam trong các giao dịch tại Úc.

Tương tự, TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật Bản) thì đề xuất TP.HCM nên kiến nghị Trung ương giao thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính của Việt kiều để tránh tình trạng hồ sơ “chạy lòng vòng”.

“Tôi xin giấy xác nhận hai đứa con gái của tôi mãi mà không được”, ông Dũng nêu khi hồ sơ của ông bị đẩy qua đẩy lại giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và TP.HCM.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thì mong mỏi các quy định, chính sách cởi mở theo hướng kiều bào có 2 quốc tịch được đầu tư vào bất cứ ngành nghề nào như các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nói rằng khi về Việt Nam, bản thân chỉ làm những việc mà doanh nghiệp Việt Nam chưa làm, hoặc chính quyền muốn phát triển nhưng gặp khó như vui chơi giải trí.

Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào Singapore xúc động khi nhắc lại thời điểm quay trở lại TP.HCM vào tháng 6.2021, là những ngày tháng giãn cách xã hội, đường phố không bóng người. Nhưng năm 2022 đã thấy được sự chuyển mình, thấy được sự dẻo dai, linh hoạt của con người và đất nước khi Việt Nam là nước tăng trưởng GDP cao nhất châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước có bề dày về văn hoá, lịch sử. Nữ kiều bào chia sẻ cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam thời khắc vàng” vừa xuất bản, và nhấn mạnh cần phải kể câu chuyện này rõ ràng hơn cho tất cả người dân của Việt Nam ở nước ngoài, khách du lịch, nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Úc, đề cập sâu đến câu chuyện thương hiệu quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Cách đây 10 năm, ông Luận đi đến một số vùng miền của đất nước, và đặt câu hỏi tại sao không tận dụng những điều kiện, những sản phẩm có lợi thế mà phải phụ thuộc vào một vài xưởng sản xuất nào đó. Với trăn trở đó, ông nghiên cứu ra đời nhiều sản phẩm cà phê trái cây, vươn tới 12 quốc gia, bao gồm những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Mỹ, Úc…

Ông Lâm Việt Tùng, kiều bào Hà Lan quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số ở TP.HCM, và góp ý thành phố cần có kiến trúc sư trưởng, người chịu trách nhiệm kết nối các hệ thống công nghệ thông tin.

“Sắp tới TP.HCM hướng tới văn phòng không giấy, tôi ủng hộ cho vấn đề chuyển đổi số của thành phố, tiến tới dịch vụ công không cửa”, ông Tùng nói.

Ông Steve Bùi nói rằng bản thân và nhiều người bạn may mắn được đi đến nhiều quốc gia học hỏi rồi về đóng góp cho đất nước, hướng về những nơi còn khó khăn.

“Chúng tôi có Quỹ Steve Bùi và những người bạn. Vừa rồi đi Tây Bắc xúc tiến đầu tư, thấy bà con nghèo quá nên nhóm quyết định xây 3 cây cầu, làm hệ thống điện, đường, bồn chứa nước. Qua đó, bà con thấy sự quan tâm của tình người Việt Nam và chính quyền”, ông Steve Bùi chia sẻ

Cuối buổi gặp mặt, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đồng tình với kiến nghị tổ chức các buổi gặp gỡ thường xuyên để kiều bào đi sâu góp ý, hiến kế những việc cụ thể. Ông Hoan nhìn nhận còn nhiều việc phải hoàn thiện, đặc biệt hoàn thiện về pháp lý, quốc tịch, đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến của kiều bào để kiến nghị Trung ương tháo gỡ.

(Nguồn: Nguyễn Anh/ Thanh Niên)