Ông Trần Đông: người sưu tầm và giữ gìn di tích thuyền nhân

05 Tháng Mười, 2015 | Người Việt đó đây

 

Nghi Thanh

 

 

 

Nghĩa trang Galang. Bên phải là trụ xi măng trạm hình cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH, buộc phải sơn lại trắng đen bởi áp lực của nhà đương cuộc Hà Nội. Hình: N.C.B.

 

 

Ở Galang, xéo bên văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, dưới cây bồ đề rậm rạp có ba chiếc miếu nhỏ. Ba miếu thờ ba cô gái Việt Nam bị hải tặc hãm hiếp trên đường vượt biên đã mượn sợi dây để thoát nợ trần. Cành vàng lá ngọc ấy còn gởi thây tại đảo vắng.

 

Bên bờ biển Cherang Ruku, phía Bắc Mã Lai, nổi lên chiếc gò dài hơn 30 mét. Trên gò đất này là năm chiếc bia ghi danh tính 123 người. Tất cả tử nạn khi tàu Kim Hoàng MT065 đắm vì Mã Lai không cho cập bến.

 

Tại Bidong, Kuku, Bataan, Palawan, Phamat Nikhom hay ở nơi hoang vắng nào đó vẫn còn nhiều người Việt Nam xấu số gởi thân trên đường tìm tự do mà mộ bia chỉ có vài cục đá ghi dấu hay bị cỏ hoang che phủ…

 

Dầu vắn số, hàng ngàn người bất hạnh đó vẫn không bị đồng bào và đồng đội Việt Nam bỏ rơi. Suốt 10 năm qua, người Việt Nam từ khắp thế giới đã tổ chức 19 chuyến trở lại thăm các trại tị nạn cũ của thuyền nhân tại Đông Nam Á. Các chuyến đi này mang tên “về bến Tự Do” và do tổ chức vô vụ lợi Văn Khố Thuyền Nhân tổ chức.

 

 

Miếu Ba Cô tại Galang, Indonesia. Hình:  VKTN VN

 

 

Chặng đường vượt biên gian khổ

 

 

Văn Khố Thuyền Nhân chào đời năm 2004 tại Melbourne, Úc; do sáng kiến của ông Trần Đông. Ông Trần Đông nguyên là giáo sư trung học tốt nghiệp đại học sư phạm cuối năm 1973, sau 1975 bị tù cải tạo vì có làm việc cho Mỹ. Năm 1989, ông Trần Đông vượt biển đến Bidong, Mã Lai. Sau tám tháng tại Bidong, ông Trần Đông định cư tại Úc. Tại Úc, ông làm lại cuộc đời bằng cách vừa đi học vừa làm việc tay chân. Có khi làm ca ngày, có khi làm ca đêm, nhưng ông đã nuôi chí học xong chương trình cao học Điện Toán tại đại học Victoria. Sau đó, ông làm việc toàn thời cho chính phủ liên bang Úc.

 

Ông Trần Đông có lần nói: “Lý do mà tôi thực hiện Văn Khố Thuyền Nhân là vì cái chặng đường vượt biên của tôi rất là gian khổ, cho nên khi đặt chân được đến trại tị nạn thì đó là một diễm phúc rất là lớn. Năm 2003, tôi trở lại để thăm trại tị nạn và mồ mả thuyền nhân. Thấy cảnh mồ xiêu, mả lạc của thuyền nhân đã cùng cảnh ngộ với mình ra đi tìm tự do nhưng không may mắn, đã chết rồi thì ít nhất cũng được mồ yên mả đẹp, do đó tôi đã nỗ lực để làm tổ chức này. Đồng thời mục tiêu chánh là để sưu tập hình ảnh tài liệu liên quan đến thuyền nhân để làm di sản cho con cháu mai sau.”

 

Nói chuyện riêng với Nghi Thanh, ông Trần Đông cho biết thêm. Ông khởi sự vượt biên từ năm 1978 nhưng không thành công. Hơn 20 lần vượt biên thất bại liên tiếp (với bốn lần bị bắt và tổng cộng 5 năm tù) làm cho gia đình ông ly tán và chính ông phải lâm cảnh “vô gia cư”. Ông phải thường xuyên ngủ đêm tại xa cảng Miền Đông, Miền Tây, Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, vân vân.

 

Xuất thân từ giáo sư trung học, ông phải làm thuê làm mướn để sống qua ngày và tìm đường vượt biên. Ông Trần Đông từng làm thợ xảm trét ghe tàu, làm thợ đóng đáy, lưới cá trên sông và trên biển. Cuối tháng 2 năm 1989, ông may mắn đi lọt. Lần này, ông làm tài công phụ nhưng là hoa tiêu chánh. Sau ba ngày ba đêm trên biển, thuyền vượt biên cặp bến Terengganu, Mã Lai. Thật đứng tim! lúc đó, thuyền chết máy hẳn. Và ông lên bờ đúng hai tuần lễ trước ngày bắt đầu chính sách thanh lọc (14.3.1989).

 

 

Sứ mạng của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam

 

 

Ở Bidong, người tị nạn Trần Đông đã hứa với cố vấn khối Tiếp Liệu, ông Ah Je Long: “chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi sẽ là chuyến trở về Malaysia”. Năm 2003, ông Trần Đông giữ lời hứa. Năm đó, đại đức Thích Phước Tấn hướng dẫn chuyến đi thăm Bidong. Cảnh trí tại đảo luôn ám ảnh ký ức của ông. Trở về Melbourne, ông gom góp hình ảnh và video thành một DVD về “Chuyến Cầu Siêu Bidong năm 2003”. Một số nhà thương mãi tại Little Sài Gòn, California, Mỹ sao chép lại rồi sửa tên thành “Bidong có ma hay không”. Cuốn DVD này bán chạy như tôm tươi tại Mỹ.

 

Đặc biệt, chuyến đi này khiến ông khắc khoải về những nấm mộ hoang. Ông hỏi: Thân nhân họ đâu? Bạn bè của họ đâu? Cộng đồng của họ đâu? Đồng bào ruột thịt của họ đâu? Từ đó Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam ra đời với hai sứ mạng: trùng tu di tích và sưu tập tài liệu thuyền nhân. Với Văn Khố Thuyền Nhân, các chuyến Về Bến Tự Do được tổ chức từng năm. Khi đông người cùng đi. Khi chỉ vài ba người. Có khi chỉ có nhóm tiền trạm đi để nghiên cứu, tìm hiểu và trùng tu. Hầu như chuyến đi nào cũng không đủ sở hụi, nhưng Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam vẫn kiên trì tổ chức.

 

 

Về bến Tự Do

 

 

Qua 19 chuyến “về bến Tự Do”, đã có hơn 500 thuyền nhân và thân nhân thăm các trại tị nạn tại các nước Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân và Thái Lan. Thật ra, phái đoàn “về bến Tự Do” không phải tìm về kỷ niệm in dấu chân mình trên đường tìm tự do cho bằng ra sức tìm kiếm di tích, tu sửa mồ mả và dựng tượng đài kỷ niệm tại những nơi có dấu tích của trang sử đau thương cùng cực của hơn nửa triệu người Việt Nam phải dùng thuyền bè mong manh trốn chạy Cộng Sản.

 

Cho đến nay, Văn Khố Thuyền Nhân đã tìm thấy hàng ngàn ngôi mộ mai táng gần 2,500 đồng bào Việt Nam vượt biên. Số mộ phần này quá ít ỏi so với ước tính có nửa triệu người Việt Nam bỏ thây trên đường tìm tự do. Tại nhiều hoang đảo, ai còn mang tấm lòng người Việt Nam đều không cầm được nước mắt khi đứng trước những mộ phần hoang phế: có mộ là vài cục đá; có bia ghi chữ nguyệch ngoạc: cái ngã, cái nghiêng, cái bể gãy… Trông thật thảm thương! Và đau buồn như trùm xuống khi chúng ta đứng trước những ngôi mộ tập thể hàng chục hay hàng trăm người bất hạnh. Ở Terengganu, trong nghĩa trang Besut có 2 ngôi mộ tập thể; trong nghĩa trang Phúc Kiến có hàng chục mộ từ hai ba đến trên 150 người; trong nghĩa trang Dungun 1, Dungun 2 có mộ của trên 100 người…

 

Qua các chuyến đi “về bến Tự Do”, nhiều cựu thuyền nhân lặn lội qua rừng cây um tùm để tu sửa mộ phần tại “Galang 3” hay trùng tu các “ba-rắc” trong trại Galang, Indonesia. Trại Bataan, Phi Luật Tân là nơi dừng chân của gần 400.000 thuyền nhân Việt Nam. Khi ra đi chúng ta để sau lưng 300 ngôi mộ. Trên 90% mộ phần tại Bataan chỉ được đánh dấu bằng vài hòn đá xếp vòng chung quanh. Từ năm 2005, phái đoàn “về bến Tự Do” lui tới Bataan nhiều lần và tu sửa thành nghĩa địa rộng khoảng 5,000 mét vuông.

 

Ở Bidong nghĩa trang lớn nhất nằm tại khu F. Năm 2012 phái đoàn “về bến Tự Do” đã cắm trại một tuần lễ tại Bidong, dọn dẹp cỏ, tu sửa mộ phần. Phái đoàn việc giữa trời nóng bức và thiếu thốn phương tiện dù đã huy động ba chuyến tàu chở vật liệu và máy móc. Cả đoàn phải dầm mưa dãi nắng. Anh Đặng Trung Chính nói: “Tui trên 60 tuổi rồi, bây giờ mới hiểu ông bà nói mồ hôi mẹ mồ hôi con nghĩa là cái gì”. Dược sĩ Bảng từ Hoa Kỳ, nghị viên Trần Nhân, người lính già Trần Đức Nhuận, thi sĩ Lâm Hạo Khôi, ba chị Tâm, Hà, Kim Anh, và cả chục người khác quần quật cả ngày lo cho mồ mả của đồng bào.

 

Hiện nay, Văn Khố Thuyền Nhân ráo riết tổ chức ba chuyến đi “về bến Tự Do” để thăm viếng và cầu nguyện lần chót. Sau đó, Văn Khố Thuyền Nhân Nhân bước vào giai đoạn hoạt động thứ nhì. Đó tiến đến thành lập một bảo tàng viện thuyền nhân.

 

 

Ông Trần Đông đang thuyết trình tại Houston

 

 

Bảo tàng viện Thuyền nhân Việt Nam

 

 

Vào năm 2005 Văn Khố Thuyền Nhân đã dựng hai tượng đài tưởng niệm và tri ân tại Bidong và Galang. Nhưng sau đó ông Trần Đông đã phải “khóc mà thưa” với đồng bào rằng Hà Nội gây áp lực mạnh khiến bia tưởng niệm tại Galang đã bị đục lỗ nham nhở và bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Bidong bị đập phá. Ngoài phá bỏ tượng đài thuyền nhân tại Bidong và Galang, Hà Nội còn khăng khăng không cho vẽ lá cờ Việt Nam Cộng Hoà tại nghĩa trang Galang và phản đối Indonesia biến Galang thành bảo tàng viện thuyền nhân Việt Nam.

 

Trong khi Hà Nội gâp áp lực bôi xóa lịch sử thuyền nhân Việt Nam thì tại gần hết quốc gia có người Việt Nam tị nạn Cộng Sản đã mọc lên những tượng đài tưởng niệm và tri ân khác. Chúng ta có thể kể đến tượng đài thuyền nhân được dựng lên tại Melbourne, Perth, Brisbane, Sydney, Hambourg, Paris, Ottawa và Westminster.

 

Ngoài ra, tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân còn tìm kiếm và sưu tập di tích của trang sử bi thương này. Theo lời ông Trần Đông, hiện nay Văn Khố Thuyền Nhân đã sưu tầm hàng ngàn tấm hình và hiện vật cùng với hàng trăm băng thu âm và video. Với kho tài liệu to lớn trong tay, Văn Khố Thuyền Nhân đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm di tích thuyền nhân. Tại Úc, Văn Khố Thuyền Nhân tổ chức triển lãm tại Melbourne các dịp hội chợ Tết và lễ kỷ niệm Định Cư.  Tại ngoại quốc, Văn Khố Thuyền Nhân đã tổ chức triển lãm tại Westminster (Calfornina), Houston (Texas), Atlanta (Georgia), Philadephia, Virginia, Orlando (Florida), và Toronto (Canada). Ngoài ra Văn Khố Thuyền Nhân đã giúp nhiều sinh viên, học sinh cùng nhiều nhà nghiên cứu có thêm tài liệu làm luận án hay viết sách báo.

 

Ông Trần Đông cho biết dự định này như sau: “Văn Khố Thuyền Nhân sẽ thực hiện “Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân Online” (Vietnamese Boat People E-Museum) theo mô thức thư viện mở (Open Library) của Wikipedia.Văn Khố Thuyền Nhân rất mong có cơ hội làm việc chung với các tổ chức Thuyền Nhân khác tại các nơi trên thế giới để chúng ta có một bảo tàng viện Online lưu trữ tài liệu của khúc ngoặc quan trọng trong dòng lịch sử cận đại Việt Nam.”

 

Bạn đọc TVTS có thể tìm hiểu thêm về Văn Khố Thuyền Nhân tại trang web www.vktnvn.com

 

Nghi Thanh

 

(TVTS số 1523, ngày 3.6.2015)