Ai Cập: Những bí ẩn về kỳ quan thế giới cổ đại (kỳ 2)

30 Tháng Chín, 2010 | Ai Cập
Sau khi thương lượng giá cả với ông chủ, nhà tôi (Vũ Hà) lên lạc đà chuẩn bị chuyến thăm viếng các kim tự tháp bằng lạc đà. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Người hướng dẫn du lịch của công ty Captain Tours đến khách sạn đón chúng tôi đúng giờ hẹn: 9.30am. Anh tên Ekramy. Người tài xế không nói được tiếng Anh. Mất khoảng 15 phút xe chạy tới đậu một khu vực bụi bặm, đường chật hẹp, nhà cửa nhếch nhác trông như khu ổ chuột. Một công nhân ở tầng bốn căn nhà kế cạnh phá một khoảng tường, đá đổ xuống ào ào. Chẳng có hàng rào an toàn ngăn người đi qua lại. Ở dưới đường có một người ra dấu và người thợ ở trên cao cứ việc giựt cho bức tường sập.

Mấy chục năm từ ngày rời Việt Nam tôi mới được thấy lại cảnh xây cất bừa bãi và nguy hiểm như thế: không có cần cẩu, chẳng có giàn giáo. Vậy mà chúng tôi sắp đến tham quan một công trình xây cất hơn 4,000 năm về trước được xem là một kỳ quan và kỳ công của nhân loại do người Ai Cập cổ đại thực hiện, làm thế giới mãi mãi ngưỡng mộ.

 

Ai Cập huyền bí

Cho đến hôm nay người ta vẫn chưa hiểu làm thế nào mà các kiến trúc sư và thợ thầy đã có thể mang 2.5 triệu tảng đá, mỗi tảng nặng trên 2 tấn làm thành một cái tháp cao 146 mét như kim tự tháp Cheops. Những tảng đá xếp lên nhau mà không cần tô xi măng hay dán keo, mặt đá được cắt phẳng chồng khít lên nhau đến độ không thể nhét một lưỡi dao mỏng vào giữa khe. Làm sao chuyển số lượng đá đó, có những tảng nặng tới mấy chục tấn cách Giza cả ngàn cây số? Làm sao đưa chúng lên đỉnh tháp?  v.v… và v.v…

Xe hơi cùng lạc đà đi chung đường ra sa mạc. Hình: TVTS

Đã có những nghiên cứu, khám phá, kết luận nhưng cũng chỉ là những giả thuyết.  Các thợ xây kim tự tháp có phải là những nô lệ hay dân chúng ở gần đó đi làm phu?  Có từ 30,000 hay đến 600,000 ngàn người tham gia xây cất?  Kéo dài từ 20 đến 80 năm?  Các kim tự tháp ở Giza có thể đã không được xây trong thời kỳ các vua mang tên các kim tự tháp đó?

Sử gia Hy Lạp Herodotus sống vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên đã qua Ai Cập tham quan Đại kim tự tháp Cheops, cho rằng phải cần đến 100,000 nhân công làm liên tục trong 20 năm mới hoàn thành kỳ công này.

Và bởi vì cách đây cả mấy ngàn năm con người khó có thể có kỹ thuật và sự hiểu biết để xây những kim tự tháp như vậy, cho nên lại có giả thuyết cho rằng chúng được xây bởi người… ngoài hành tinh.

Thật là ngoài sức tưởng tượng của con người nên các kim tự tháp vẫn còn những bí ẩn mà người ta chưa tìm ra lời giải đáp.

Nhưng theo các tài liệu, có một số bí ẩn về các kim tự tháp đã được các nhà Ai Cập học giải mã như sau:

– Lấy chu vi của đại kim tự tháp Cheops (cạnh đáy dài 230m)  chia cho hai lần chiều cao (146m)  thì sẽ có số pi 3,1416 là điều mà nhà toán học lừng danh Hy Lạp Archimedes chỉ tìm ra 2,000 năm sau.

– Lấy chiều cao của tháp nhân với 1000 triệu thì sẽ có chiều dài khoảng cách từ trái đất lên mặt trời.

– Bình phương chiều cao của tháp sẽ có diện tích hình tam giác của một mặt tháp.

– Đường kinh tuyến đi qua tháp vừa đúng là đường phân chia hai nửa bằng nhau giữa lục địa và hải dương của trái đất.

– Kéo dài đường góc đối hình vuông góc đáy tháp thì vừa đúng bao gồm vùng tam giác châu thổ sông Nile, và kéo dài đường chia đôi hướng dọc từ điểm đỉnh tam giác sẽ đi qua đường chia đôi của châu thổ này.

Đợi thủ tục ở trạm cảnh sát du lịch (Tourism Police) ở Gisa trước khi ra sa mạc Hình: TVTS

Ngoài các thiết kế với các số liệu chính xác vừa nói trên, người ta nói rằng bên trong còn có những lực thần bí khác:

– Kim tự tháp được coi như một tủ lạnh, cất trái cây, thịt tươi trong đó vài ngày vẫn còn tươi tốt.

– Gieo mầm bên trong kim tự tháp, thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với bên ngoài nhưng sản lượng cao và hạt chắc.

– Các đồ kim loại bị đốm, rỉ đặt bên trong kim tự tháp một thồi gian sẽ sáng bóng lên.

– Bên trong tháp có hiệu ứng gây tê và chống thối rữa. Gỗ trong tháp nhờ thoát nước tự nhiên và diệt vi khuẩn nên có thể tồn tại hàng ngàn năm.

– Những người cảm thấy thân thể khó chịu, đau răng, phong thấp v.v… khi vào bên trong tháp thì mọi đau đớn sẽ tiêu tan và tinh thần sảng khoái.

– Và còn nhiều giả thuyết khác về việc xây kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại để tồn trữ điện năng và sóng vũ trụ khiến ngày nay nhiều nước xây những kiến trúc hình kim tự tháp để thử nghiệm hay bảo quản lương thực lâu dài.

Ngoài bộ 3 kim tự tháp ở vùng Giza, tại Ai Cập còn có khoảng 80 kim tự tháp lớn nhỏ khác trong đó có ba kim tự tháp nổi tiếng khác như  kim tự tháp đỏ (red pyramid) và kim tự tháp gãy (bent pyramid) ở Dashur và kim tự tháp bậc thang (step pyramid) ở Saqqara.

Người ta nói rằng, đến Ai Cập mà chưa đi xem các kim tự tháp là coi như chưa đến đất nước này. Được tận mắt nhìn và sờ mó kỳ quan cổ đại duy nhất còn lại là ước mơ một đời người mà không dễ ai cũng có được.

Một cuốn phim có tựa “The Bucket List” do Jack Nicholson và Morgan Freeman đóng vào năm 2007 kể chuyện hai bệnh nhân được cho biết họ sẽ không còn sống được bao lâu nên trước khi chết họ đưa ra một danh sách những ước mơ phải thực hiện là chu du vòng quanh thế giới trong đó có tới Ai Cập và trèo lên kim tự tháp. Trong hai bệnh nhân có một người là tỉ phú (Nicholson) nên ông ta chu cấp mọi phương tiện để cả hai thỏa giấc mơ.

Chúng tôi cũng có giấc mơ đó từ lâu và may mắn đã thực hiện. Mời bạn theo dõi để cùng rút kinh nghiệm.

Những trò dành cho du khách chụp hình với đường chân trời là những kim tự tháp. Photo courtesy: TVTS

 

Kinh nghiệm bị chủ lạc đà chặt đẹp

Nếu bạn ở khách sạn trong vùng Giza, có thể thuê taxi tới kim tự tháp. Nhưng người ta nói mấy ông taxi láu cá lắm, chuyên bắt chẹt du khách ngoại quốc. Tôi chỉ đi taxi hai lần  lên xuống giữa Giza và Cairo và cả hai lần đều bị các ông đòi thêm khoảng 50% so với số tiền đã thỏa thuận trước.

Tôi không nghe nói đến phương tiện công cộng ở Cairo dành cho du khách. Bạn cứ tưởng tượng một du khách ngoại quốc vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và tìm cách sử dụng xe bus hay xe lửa đi Đầm Sen, Thủ Đức, Thủ Thiêm v.v… Làm sao đi được đây?

Cho nên đi tour do công ty Captain Tours phục vụ có lẽ là tốt nhất. Họ chở bạn đi một buổi giá 250 EGP (Egypt Pound, từ nay sẽ gọi tắt là Pounds) hay 50 Úc kim. 1 Úc kim ăn khoảng 5 pounds.

Hướng dẫn viên du lịch Ekramy dắt chúng tôi vào một căn nhà giới thiệu chủ nhân lo các chuyến đi tour ra các kim tự tháp. Tôi hỏi đi bộ được không, Ekramy nói xa lắm và trời nóng, khuyên tôi nên đi lạc đà để đỡ mệt và có thêm một kinh nghiệm khác. Anh ta bảo tôi trực tiếp thương lượng với ông chủ lạc đà này.

Kinh nghiệm: lạc đà đứng lên bằng 2 chân sau trước, và nằm xuống bằng 2 chân trước đầu tiên, do đó sẽ đẩy bạn chúi mạnh về phía trước. Ngồi lạc đà đi trên sa mạc cảm thấy rất mát mẻ. Hình: TVTS

Chủ tour lạc đà là một chàng thanh niên mặt mày trông hơi dữ và ăn nói không nhẹ nhàng, giọng có vẻ bắt nạt. Anh ta cho biết có 3 loại  giá:

Big tour: 105 Mỹ kim hay 580 Pounds/ người. Big Tour đi vòng quanh các kim tự tháp, đi giữa sa mạc, lên trên đồi cát để ngắm toàn cảnh, thời gian dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Medium Tour: 85 Mỹ kim.

Small Tour: 65 Mỹ kim.

Ít tiền thì đi ngắn đường. Tôi hỏi có bớt không, anh ta lắc đầu, nói đi xe ngựa kéo rẻ hơn một chút nhưng sẽ không thú vị bằng ngồi lạc đà.

Tôi nói với nhà tôi ông chủ này cắt cổ du khách bởi ở một nước đang phát triển như Ai Cập cho một người ngồi trên lạc đà hay ngựa mà lấy 105 Mỹ kim là quá đáng.  Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Thế giới năm 2009, lợi tức đầu người (GDP) của Ai cập là 6,123 Mỹ kim (đứng thứ 101 trên thế giới), Việt Nam 2,942 (thứ 127) và Úc 38,911 Mỹ kim (đứng thứ 10).

Chủ phục vụ (hay cho thuê) 2 con lạc đà trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ mà lấy 210 Mỹ kim là quá quắt tại một xứ nghèo như Ai cập.

Tôi muốn tìm Ekramy để hỏi nhưng anh ta đi mất đâu rồi. Thấy chúng tôi còn ngập ngừng chưa dứt khoát, ông chủ lạc đà bảo mà như hét hãy quyết định nhanh lên kẻo nắng đã lên, lát nữa đi nóng lắm. Mùi và phân của súc vật cộng cái nóng ở khu ổ chuột này làm chúng tôi quyết định chấp nhận giá cắt cổ này, nhưng bảo anh ta hãy cho cái biên nhận. Anh ta bảo lát nữa khi trở về sẽ đưa, nhưng họ thả chúng tôi xuống lạc đà ở một địa điểm khác. Tôi thấy mặt ông chủ này không thành thật nhưng đành chấp nhận.

Tôi đưa cho anh ta 1,160 Pounds, chúng tôi ra đường đứng đợi. Rồi tôi thấy hướng dẫn viên du lịch Ekramy tới nói gì đó với anh ta và sau đó đến đưa cho tôi 200 Pounds (khoảng 40 Úc kim), nói là giảm giá. Điều này chứng tỏ ông chủ lạc đà chém du khách.

Sau đó Ekramy mua vé vào cổng cho chúng tôi và vé xem tháp vua con (Kephren) giá tổng cộng 90 Pounds một người.

Bức hình kỷ niệm chuyến du lịch Ai Cập  mà tôi để trong máy computer cá nhân mỗi khi mở ra. Hình: TVTS

Chúng tôi vừa mới du lịch Hy Lạp, rất thích thú với con người và cuộc sống ở đó (lợi tức đầu người 29,882 Mỹ kim, đứng hàng thứ 25 trên thế giới). Qua Ai Cập thấy người ta sống chụp giựt làm mình không tránh mất hứng phần nào.

Nhưng khi đã ngồi trên lưng lạc đà và khởi hành, mọi sự bực mình vì bị chém không còn nữa. Chúng tôi ngồi trên hai con lạc đà được một cậu bé khoảng 12, 13 tuổi cầm dây dắt trong khi một thanh niên khác cỡi ngựa đi kèm.

Xe hơi, xe ngựa, lạc đà và người cỡi ngựa cùng chia con đường đất, chen nhau, ngược xuôi vô trật tự trông lạ mắt và vui. Bên phải là nhà cư dân, bên trái chỉ thấy cây cối. Hết đoạn cây cối là tường thành cao một nửa bằng xi măng nửa phía trên lưới thép. Chúng tôi đã bắt đầu thấy những kim tự tháp.

Cuối tường thành là trạm cảnh sát đề tên  Tourism Police. Ở Ai Cập có cảnh sát gọi là cảnh sát du lịch. Ngay khách sạn chúng tôi cũng thấy những ông cảnh sát du lịch mặc đồng phục màu trắng. Đúng là nhà nước có chính sách lo cho du khách như  chúng tôi được thông báo khi xuống phi trường, nhưng phục vụ như thế nào thì còn tùy.

Đường sa mạc dẫn tới 3 kim tự tháp cha, con và cháu: từ phải: kim tự tháp Cheops (the great pyramid), Kephren (the scond pyramid) và Mycerinus (the third pyramid). Hình: TVTS

Anh hướng dẫn viên cỡi ngựa trình giấy và sau đó chúng tôi vào khu sa mạc. Lúc này chúng tôi mới thấy tội nghiệp cho cậu bé phải đi bộ trên cát sa mạc giữa trời nắng. Khi không còn thấy nhà cửa và phố xá sau lưng, qua khỏi những cồn cát ngổn ngang đất đá và dụng cụ xây dựng chưa dọn dẹp, chúng tôi bắt đầu thấy toàn bộ kim tự tháp của Giza, gồm 3 tháp lớn và 3 tháp nhỏ, những hình ảnh tôi đã thấy trong phim hay trên báo chí sách vở, nhưng nay mới tận mắt nhìn. Những người cỡi ngựa  mặc áo trắng chạy về hướng các kim tự tháp trông như những con kiến trên cát vàng, đẹp như cảnh trên màn ảnh rộng ở các rạp xi-nê.

3 kim tự tháp có tên Cheops (the great pyramid), Kephren (the second pyramid) và Mycerinus (the third pyramid).

Đại kim tự tháp Cheops được vua pharaoh thứ hai  của Triều đại Thứ tư (IV Dynasty) xây khoảng năm 2650 trước Công Nguyên, là kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới. Trước đây cao 146m nhưng nay chỉ còn 137m. Kim tự tháp này còn được gọi là kim tự tháp cha.

Kim tự tháp Kephren nằm ở phía tây nam của tháp vua cha, cao 136m còn giữ lại phần nào vỏ bọc màu vàng phía trên tháp trước đây đã từng bọc cả kim tự tháp. Đứng từ xa, người ta có cảm tưởng Kephren cao nhất nhưng chỉ nhờ kim tự tháp này nằm trên đồi cao. Kim tự tháp này còn được gọi là kim tự tháp con.

Kim tự tháp Mycerinus nằm ở phía tây nam của hai tháp trước, cao chỉ 62m. Kim tự tháp này còn gọi là kim tự tháp cháu vì Mycerinus là cháu của Cheops. Sau kim tự tháp Mycerinus còn có ba kim tự tháp nhỏ hơn nhiều nằm theo chiều dọc của ba kim tự tháp lớn.

Nhìn nhỏ nhưng to nhất: kim tự tháp Cheops (nằm ở xa, phía trái) còn được gọi là the great pyramid bởi đấy là kim tự tháp cao nhất và to nhất, và một nửa hình kim tự tháp Kephren (bên phải). Hình: TVTS

Ngoài ra, còn vài kim tự tháp nhỏ nằm ở phía đông kim tự tháp Cheops dành cho những bà vợ hay các thành viên trong gia đình của ông vua này. Trên cao nguyên này còn có một số kim tự tháp nhỏ khác và hàng trăm ngôi mộ (mastabas) dành cho nhà vua và giới quý tộc.

Ra giữa sa mạc, chúng tôi không còn thấy cảnh nóng nực và bụi bặm như trên đường đất. Ngược lại thấy mát mẻ và hứng thú. Đó là kinh nghiệm đầu tiên đi giữa sa mạc và tôi muốn chia sẻ với bạn đọc: sự mát mẻ giữa nắng sa mạc!

Người hướng dẫn cỡi ngựa đưa chúng tôi lên một đồi cát nghỉ ngơi và chụp hình. Đứng trên đồi nhìn bộ ba kim tự tháp nổi bật giữa sa mạc trông như ba miếng bìa carton dựng trên cát. Tôi phỏng đoán khoảng cách chừng ba bốn cây số. Chúng tôi chỉ thấy sự vĩ đại của chúng khi chúng tôi tiến gần và sự khâm phục cứ gia tăng trước những kỳ quan này.

Vượt qua kim tự tháp thứ ba, tức Mycerinus, bây giờ chúng tôi mới biết rằng từ nãy giờ chúng tôi đi vòng từ phía trái của các kim tự tháp, tức đi bọc hậu. Song song với ba kim tự tháp là con đường nhựa chạy giữa kim tự tháp thứ hai (Kephren) và kim tự tháp thứ nhất (Cheops). Trên đường có người cỡi ngựa, xe ngựa kéo, xe du lịch, xe van, xe bus và thậm chí có những người đi bộ. Đối diện với kim tự tháp Kephren là bãi đậu xe, có nhiều xe bus chở du khách đi tour.

Cỡi lạc đà trên sa mạc là một trải nghiệm thú vị, khó quên đối với chúng tôi. Hình: TVTS

Chúng tôi xuống lạc đà và hướng dẫn viên du lịch Ekramy đã đợi sẵn chúng tôi ở đây. Chuyến đi kéo dài đúng 1 tiếng rưỡi. Tôi đưa cho hướng dẫn viên cỡi ngựa 20 Pounds nói cho cậu bé và anh ta 20 Pounds bởi nghĩ ông chủ của anh đã chém chúng tôi quá sá, nhưng anh ta lắc đầu không nhận, nói ít quá. Tôi đưa cho anh 50 (10 Úc kim) Pounds thì anh mới chịu cầm. Ekramy nhìn và không có ý kiến, chỉ hỏi chúng tôi đi lạc đà có vui không. Vui thì vui thật, nhưng bạn đọc nào muốn đi lạc đà hãy xét lại và nhất định phải trả giá. Bằng không, đón taxi ra ngay mặt tiền của các kim tự tháp, tức tháp Kephren nơi có tượng Sphinx, từ đây bạn có thể thong thả đi bộ xem cả ba kim tự tháp và những di tích khác trong khu Giza.

Hướng dẫn viên Ekramy đưa chúng tôi đến kim tự tháp Kephren có chóp vỏ bọc màu vàng, tức kim tự tháp con và đưa cho chúng tôi cái vé vào cửa 30 Pounds/ người mà anh đã mua trước đây. Chúng tôi không được mang theo máy chụp, phải giao cho hướng dẫn viên của chúng tôi giữ.

Đường vào hầm hẹp, trần cao chừng 1.2 mét nên phải khom lưng đi, thỉnh thoảng cái ba-lô sau lưng tôi cứ đụng thành đá phía trên. Nếu có người đi ngược chiều thì một người phải ngừng để nhường người kia. Đường dốc nhưng có đóng nẹp gỗ và thành vịn nên bước không té, chỉ mỏi lưng và chân với thế đi lom khom như bò. Không khí trong đường hầm ẩm, nóng pha trộn mùi đá và cát. “Đoạn đường chiến binh” này dài khoảng vài chục mét.

Phần lớn các du khách ra thăm các kim tự tháp giữa sa mạc đi bằng xe ngựa kéo, xe hơi hay xe bus nếu đi theo phái đoàn đông người. Hình TVTS

Cuối đường là ngôi mộ rộng trông như một cái hall, trần cao. Mái hall này hình chữ V ngược (như mái nhà), phòng không nhiều ánh sáng. Sát góc tường là một cái hòm đá dài khoảng 3m và rộng khoảng 1.2m, với  nắp mộ là tảng đá nguyên mở ra, bên trong không có gì nhưng nghe nói đấy là mộ của vua Keprhen. Trên tường thấy con số 1810, tôi đoán có lẽ là năm khám phá ra mộ này, bởi tôi không biết hỏi ai. Chẳng còn gì để xem. Vài du khách trẻ Tây phương tỏ sự thất vọng vì có lẽ họ nghĩ vào đây sẽ được thấy những gì ghê gớm, bí ẩn mà người ta thường truyền miệng. Hay còn những chỗ khác mà du khách không biết hay không được phép đi xem chăng?

Ra khỏi kim tự tháp Kephren, tôi hỏi Ekramy nghe nói du khách có thể trèo lên tường bên ngoài nhưng Ekramy cho biết chính phủ cấm vì đã có những du khách chết khi trèo.

Ekramy hỏi tôi có muốn xem thuyền của vua Cheops không. Thuyền này được trưng bày ở một bảo tàng viện đặc biệt sát phía nam kim tự tháp Cheops. Người ta gọi thuyền này bằng nhiều tên như Khufu Ship (gọi Cheops là gọi theo tiếng Hy lạp, chứ tên vua này theo tiếng Ai cập là Khufu), solar boat hay funerary boat of Cheops.

Vé vào cửa 50 Pounds/ người. Hướng dẫn viên du lịch như Ekramy khi vào các nơi tham quan không phải mua vé. Được phép chụp hình nhưng không được dùng flash và phải mang giày vải bọc trùm giày của mình khi vào bên trong bảo tàng viện.

Đây là chiếc thuyền gỗ xưa nhất thế giới, dài 43.5m  được phát hiện vào năm 1954  còn khá nguyên vẹn nằm dưới một cái hầm (pit) dù những miếng gỗ đóng thuyền đã bị sút ra.

Đến dưới chân một kim tự tháp: Vũ Hà và Ekramy đứng cạnh những tảng đá lớn dùng để xây (chồng lên nhau) kim tự tháp, muốn trèo nhưng chính phủ cấm vì có những du khách trợt chân té chết. Hình: TVTS

Người ta đã bỏ ra 10 năm để hoàn tất việc lắp ráp lại chiếc thuyền này từ 1,244 miếng gỗ nằm dưới hầm và như người hướng dẫn viên nói, chi phí làm lại chiếc thuyền Cheops hiện đang trưng bày, trông rất đẹp mắt và như mới đó lên tới 10 triệu (không rõ pounds hay dollars). Vật liệu để làm chiếc thuyền cho vua Cheops (hay vua Khufu) bằng gỗ tùng (cedar wood) lấy từ xứ Li Băng.

Người ta còn phát hiện trong khu Giza này vài hầm chứa loại thuyền du hành cõi âm ti kiểu này.  Nhưng cái hầm dài 30m trong viện bảo tàng mà chúng tôi đang xem không còn gì bên dưới. Trên mặt hầm có khoảng 10  tảng đá lớn nguyên khối dùng để che lấp thuyền chôn ở dưới. Những tảng dài khoảng 2m này được xếp lại một góc để du khách có thể thấy đáy hầm.

Trong bảo tàng viện này ngoài trưng bày một số cổ vật như gỗ, dây cót buộc thuyền, còn triển lãm hình ảnh việc các công nhân Ai Cập làm lại chiếc thuyền mới theo mô hình chiếc thuyền xưa.

Nhìn chiếc thuyền tái tạo dù dài gấp 3 chiếc thuyền vượt biên chở 154 người của chuyến tôi đi  từ bến Chương Dương Sài Gòn tới đảo Galang cách đây 30 năm, tôi nói dứt khoát thuyền này không thể dùng để đi trên nước và Ekramy đồng ý.  Các vua pharaoh đóng loại thuyền gỗ này để… chôn dưới lòng đất, để khi chết họ dùng đi về thế giới bên kia, bởi vậy mới có tên solar boat hay funerary boat. Đó là sự tin tưởng của các pharaoh.

Kỳ lạ: không cần xi măng hay keo, nhưng các tảng đá chồng lên nhau khít đến độ không thể nhét lưỡi dao mỏng vào giữa khe. Hình: TVTS

Cũng vậy, các vua Ai Cập đã xây các kim tự tháp ở phía tây sông Nile là nơi mặt trời lặn, có nghĩa là nơi dành cho họ khi chết.

Đứng trên lầu một của bảo tàng viện này, bạn có thể chụp cảnh  con đường và bến xe trước mặt kim tự tháp hùng vĩ Kephren. Bạn cũng có thể chụp cận ảnh những phiến đá xếp chồng tạo nên đại kim tự tháp Cheops và những kim tự tháp con con của các bà vợ nằm bên cạnh kim tự tháp vua cha.  Thấy những phiến đá chồng lên nhau từ đáy lên đỉnh có mặt bằng nhô bên ngoài bằng một bàn chân khiến tôi nghĩ tại sao có những tay mạo hiểm dám trèo.

Chúng tôi ra bãi xe và đi một đoạn ngắn tới trước tượng nhân sư Sphinx, là tượng người thân sư tử. Tượng được đục từ khối đá vôi, dài 57m, rộng 6m và cao 20m là một tượng đá nguyên một khối lớn nhất trên trái đất. Bức tượng mà chúng tôi thấy hiện nay đã được tu bổ lại. Nhìn thẳng vào mặt  tượng Sphinx, bạn sẽ thấy hậu cảnh là kim tự tháp Kephren, bên phải là Cheops và bên trái là Mycerinus. Trước khu vực tượng nhân sư là khu chợ trời, bán các đồ lưu niệm.

Viện bảo tàng có thuyền của vua Cheops. Hình: TVTS

Đi xem Sphinx miễn phí, nhưng bạn sẽ bị một đám người bán đồ lưu niệm bám như đỉa. Tốt nhất là không nên hỏi giá bất cứ một món hàng nào vì họ sẽ bám theo bạn. Nhưng một anh bán hàng cứ đi theo chúng tôi mời mọc bức tượng mà anh ta quảng cáo làm bằng gỗ quý,  cho giá 20 đô la, rồi hạ xuống 15 đô. Tôi lắc đầu. Ekramy là người Ai Cập, lấy tay khoát, nói với anh ta chúng tôi không muốn mua, nhưng anh bán hàng cứ lẽo đẽo chạy theo, hạ giá còn 1 đô lại nói tặng cho cái túi đựng nữa, nhưng do bước tránh một tảng đá, bức tượng vuột khỏi tay anh rớt xuống vỡ tan tành. May cho chúng tôi có người địa phương đi theo chứ không cũng bị anh này ăn vạ.

Tôi nghĩ cảnh này cũng giống như báo chí ở Việt Nam tường thuật với hình ảnh những người bán hàng ở Hà Nội đi theo quấy nhiễu du khách Tây phương.

Rời khu kim tự tháp, Ekramy dẫn chúng tôi tới một khu buôn bán kế cận, giới thiệu một cửa hàng chuyên bán những loại dầu thơm đặc biệt cất từ hoa của Ai Cập, có thể dùng như các loại nước hoa Tây phương. Chúng tôi mua vài lọ kể cả một loại dầu nhỏ vào nước sôi để hít cho thông mũi và bớt nhức đầu. Vừa làm đẹp vừa chữa bệnh.

Tượng nhân sư Sphinx, là tượng người thân sư tử. Tượng được đục từ khối đá vôi, dài 57m, rộng 6m và cao 20m là một tượng đá nguyên một khối lớn nhất trên trái đất. Bức tượng mà chúng tôi thấy hiện nay đã được tu bổ lại. Hình dưới là lưng của Sphinx nhìn ra khu phố. Hình: TVTS

 

Anh hướng dẫn viên tiếp tục đưa chúng tôi đến một nơi sản xuất giấy mà người Ai Cập thời xưa dùng, gọi là papyrus, tức cây cói giấy.

Gian nhà bày biện rất nhiều tranh cổ truyền của Ai Cập, nhờ ánh đèn nên những bức tranh sau lớp kiếng trông sặc sỡ, thu hút người xem. Bây giờ tôi mới nhận ra Ekramy dẫn tôi đi xem nơi bán tranh. Một người đàn ông cao lớn tự giới thiệu là Mahomed mời chúng tôi tới cái bàn có một chậu nước cắm những cây cói (papyrus) có hình dáng như cây khoai môn. Ông ta biểu diễn cho chúng tôi xem ngày xưa người  Ai Cập đã chế tạo giấy như thế nào. Ông thả thân cây cói vào xô nước (thông thường phải ngâm 6 ngày), rồi cắt dọc thân cây, xếp ngang dọc như đan bức phên, xong lấy đồ ép đè lên (ngày xưa dùng đá để ép), lúc này trông như một miếng vải thô và ông cầm một miếng giấy cói đã qua chu kỳ chế biến đưa cho chúng tôi xem, nói đấy là giấy mà người Ai cập ngày xưa dùng và ngày nay vẫn còn tiếp tục sử dụng trong việc thực hiện các bức tranh treo chung quanh tường.

Tranh lịch sử, chuyện thần thoại, tranh cưới hỏi, hình ảnh binh sĩ hay kim tự tháp, những thứ có trưng bày ở viện bảo tàng trên Cairo.

Du khách cũng có đi bộ từ tượng Sphinx ra xem các kim tự tháp, là cách đơn giản nhất (nhưng trời rất nóng, và dĩ nhiên sẽ mệt). Hình: TVTSCó những bức tranh nhỏ bằng tờ tạp chí nhưng cũng có tấm lớn dài 2m rộng 1m đề giá tới một ngàn đô la nhưng bạn có thể mua chừng vài trăm. Bạn nên trả giá một phần ba so với giá ghi và chỉ nên mua dưới nửa giá dù biết rằng đồ kỷ niệm mà mình thích thường vô giá, có nghĩa mắc rẻ không còn là vấn đề.

Bức tranh sẽ được cuộn tròn bỏ vào trong ống giấy trông khá đẹp mắt, tiện lợi cầm tay hay bỏ trong vali.  Du khách cũng được cấp một “giấy chứng nhận” ghi rằng giấy papyrus này được làm từ cây papyrus trồng trong nông trại của công ty, bảo đảm quá trình hình thành và phẩm chất y hệt giấy cói mà người Ai cập ngày xưa đã làm, loại giấy cói này có thể dùng để vẽ bằng bút màu, sơn nước hay đánh máy lên.

Hết mua tranh, Ekramy dẫn chúng tôi vào ăn nhà hàng buffet cạnh tiệm bán tranh, giá 60 Pounds mỗi đầu người. Anh và tài xế ăn riêng mặc dầu chúng tôi có ý mời họ. Đồ ăn, đặc biệt là cá hấp rất ngon, nhưng khi tôi hỏi bia thì người bồi bàn đưa cái menu giải khát nói trong thực đơn  không có bia rượu. Tôi bắt đầu hiểu mình đang ở đâu!

 

 

 

 

 

 

Giữa cái nắng cháy da của vùng sa mạc mà tắm hồ bơi, uống bia lạnh thì còn gì bằng. Hình: TVTS

Trở về khách sạn gần 5 giờ chiều. Thế là nhân viên hướng dẫn du lịch này đã đi với chúng tôi hơn 7 tiếng đồng hồ. Tôi cho anh ta 20 Pounds tức chưa bằng một nửa của người cỡi ngựa dẫn tôi đi trong 1 tiếng rưỡi nhưng Ekramy vẫn cười vui vẻ, hẹn sáng mai sẽ tới đón chúng tôi đi thăm thành phố Alexandria. Không biết có phải anh đã được hưởng huê hồng qua việc dẫn du khách mua sắm hay không? Nhưng tôi không thắc mắc trong những lần anh đưa đón chúng tôi trong những ngày sau.

Tại khách sạn Le MEREDIEN, chúng tôi tận hưởng mấy tiếng đồng hồ trong hồ bơi tuyệt đẹp của khách sạn 5 sao mà tiền phòng chỉ ngang khách sạn 3 sao. Dĩ nhiên ở đây tha hồ được uống bia rượu vì là… khách sạn. Vừa tắm, vừa nhâm nhi, vừa ngắm hai kim tự tháp Kephren và Mycerinus mờ mờ từ xa mà chúng tôi đã đi ngang hay vào bên trong vào buổi trưa.

Hết một ngày đầu ở xứ huyền bí. (Còn tiếp)