Ai Cập: Một ngày ở thủ đô Cairo (kỳ 6)

10 Tháng Mười Một, 2010 | Ai Cập
Bảo tàng viện Cairo. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Với 5 ngày 4 đêm ở Ai Cập để tham quan một đất nước có một nền văn minh thuộc hàng lâu đời nhất trên trái đất này, chúng tôi phải tính toán để thăm thú di tích thắng cảnh nhiều chừng nào hay chừng đó cho bõ công một chuyến đi, bởi vì hầu như sẽ không trở lại lần thứ hai dù hướng dẫn viên Ekramy gởi điện thư bảo lần sau sẽ mời chúng tôi đến nhà của anh.

Trọn hai ngày đầu chúng tôi dành cho khu kim tự tháp Giza và thành phố cảng Alexandria. Trọn ngày thứ ba, chúng tôi dành để thăm những di tích ở thủ đô Cairo.

Cũng như mọi ngày trước, chúng tôi lên đường trễ, bắt đầu từ 11 giờ trưa sau khi đã ăn sáng thật đầy bụng tại khách sạn để nếu bận rộn thì khỏi cần ăn trưa như thường lệ. Bởi trong các chuyến du lịch chúng tôi luôn dành buổi tối để tận hưởng cái thú đệ nhất khoái.

Nhìn vào tập hướng dẫn du lịch EGYPT: Cairo – Giza (ngoại ô phía nam Cairo), chúng tôi thấy có nhiều nơi ở Old Cairo (Cổ thành Cairo) để xem. Nào là những di tích lịch sử của Thiên chúa giáo như Al Moallaqa (Suspended Church hay Hanging Church) xây trên vết tích còn lại của pháo đài La Mã của Babylon vào thế kỷ thứ 4; Abu Serga Church xây cũng vào thế kỷ thứ 4 nơi Thánh gia tạm trú khi chạy sang Ai Cập tránh sự bách hại của vua Herode; Saint Barbara Church của đạo Coptic; Mari Guirgis Church của đạo Chính thống Hy Lạp; các đền thờ của Hồi giáo như Amr ibn El Aas, Ibn Tulun, El-Hussain v.v…

Chúng tôi đề nghị hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến xem Bảo tàng viện Cairo, nhà thờ treo Al Moallaqa, nguyện đường Hồi giáo Amr ibn Al Aas xưa nhất ở Ai Cập và Phi Châu và phải có một chuyến đi thuyền trên sông Nile, con sông danh tiếng và duy nhất của Ai Cập. Quả là một sự ham hố cho một chuyến đi trong ngày.

Từ khách sạn ở khu Giza lên trung tâm Cairo mất khoảng 30 phút bằng xe van của công ty Captain Tour. Vé vào cửa 60 Pounds tiền Ai Cập (1 Úc kim bằng khoảng 5 pounds). Du khách được yêu cầu phải gởi máy chụp ảnh ở trạm ngoài cổng.

 

Cả trăm ngàn di vật lịch sử

Cairo Museum còn được gọi là The Egyptian Museum hay Cairo and Giza Museums. Đây là một trong những bảo tàng viện danh tiếng nhất thế giới, nơi có trên 100,000 di vật, tạo tác thời xa xưa của các pharaohs (tập hướng dẫn nói có tới 250,000 antique pieces). Ekramy nói với chúng tôi muốn xem cho hết từng món, phải mất đến 6 năm do đó anh đề nghị chúng tôi chỉ nên xem trong vòng 3 tiếng đồng hồ, và sẽ dẫn chúng tôi đi xem những thứ gì đáng coi mà thôi.

Bảo tàng viện được xây vào năm 1897 và khánh thành năm 1902, gồm tòa nhà 2 tầng có 107 phòng (halls), chia thành những khu vực tượng trưng cho một thời đại hay vua chúa.

Hòm (sarcophagus) và một xác ướp Ai Cập trưng bày ở Bảo tàng viện Vatican (Trái. Hình TVTS) và hình Mặt nạ mai táng bằng vàng của vua Tutankhamun (Hình touregypt.net)

Từ cửa vào, chúng tôi quẹo trái qua khu chứa quan tài bằng đá (sarcophagus) của vua chúa, thầy cả, giới quý tộc và những xác ướp (mummy). Có những quan tài lớn có niên đại hàng ngàn năm làm bằng đá cứng hay cẩm thạch. Người hướng dẫn nói với chúng tôi không hiểu làm thế nào mà người ta có thể cắt, đẽo những quan tài dài cả hai mét bằng một khối đá nguyên như thế với những con dao còn để lại bên cạnh cũng bằng đá.

Sau đó chúng tôi đi vòng xem các khu trưng bày những cổ vật của 3 triều đại trong lịch sử Ai cập.

Ancient Kingdom  là thời vàng son của các pharaohs đầu tiên, khoảng 3,000 năm trước Công Nguyên.

Ở đây, Ekramy lưu ý chúng tôi hãy nhìn các bức tượng và để ý cái thần khí nơi con mắt của tượng. Quả thật, đến bây giờ tôi mới lưu ý đến ánh mắt sắc sảo nơi các bức tượng của Ai Cập.

Qua khu Middle Kingdom mà người hướng dẫn gọi thời kỳ xuống dốc của Ai Cập khi bị nước Ba Tư xâm chiếm, từ khoảng năm 2055 đến 1650 trước CN. Những bức tượng của thời kỳ này không có thần khí bởi kẻ thù Ba Tư cho đúc tượng với hình ảnh các pharaohs trông bết bát.

Khu Moderm Kingdom trưng bày những tượng và di vật của thời kỳ được coi là thịnh vượng của Ai Cập, kéo dài từ thế kỷ 16 đến 13 trước công nguyên khi các vị vua mở rộng giao thương và biên giới. Vài vị pharaohs nổi tiếng của thời kỳ này là Tutankhamun,  Ramses II (xin xem thêm các bài viết trong số báo này).

Mời các bạn tiếp tục xem khu thời kỳ Ai Cập bị Hy Lạp và sau đó La Mã chiếm đóng như chúng tôi đã nhắc qua trong bài nói về Alexander Đại Đế và Julius Caesar.

Tác giả N.H.A. trên sông Nile ở Cairo, con sông dài nhất thế giới. Hình: TVTS

Chúng ta tiếp tục lên lầu trên để xem khu trưng bày những báu vật của vua Tutankhamen, còn được gọi tắt là Tut. Khu trưng bày này rất ấn tượng, sẽ làm bạn chóa mắt vì những bệ rồng, ghế, hòm, xe và mộ bằng vàng khối, mạ vàng hay vàng ròng.

Mộ đựng xác ướp của vua Tut gồm 4 cái mộ lớn mạ vàng trong đó chứa 3 cái mộ lớn nhỏ lồng vào nhau.  Cái mộ lớn nhất tựa như một cái container dài khoảng 4m, rộng 3m và cao khoảng 2m.

Xác của vua được bọc bằng 3 lớp hòm hình người (sarcophagus) để đựng xác ướp. Lại cũng bằng vàng. Người hướng dẫn của chúng tôi nói cái (vỏ) ngoài cùng bằng gỗ không có tại bảo tàng viện Cairo và xác ướp của ông hiện đặt ở khu vực khác.

Có thể nói cách chôn xác của vua Tut như sau: sau khi ướp, xác ông được đặt trong cái hòm đặc biệt của người Ai Cập (sarcophagus). Cái sarcophagus này được bọc bằng một cái sarcophagus bằng vàng lớn hơn, rồi lại bọc thêm bằng một cái sarcophagus lớn hơn nữa trước khi được bọc bằng cái sarcophagus bằng gỗ.

Cuối cùng các hòm đó được đặt trong cái mộ trông như cái container, và sau đó được bọc bằng 3 cái mộ khác. Tất cả mộ và hòm nay được tách ra và trưng bày trong khu di tích của vua Tutankhamun.

Chúng tôi được xem cái mặt nạ (death mask) của vua Tut bằng vàng ròng nặng 11 ký lô và một cái hòm (sarcophagus) bằng vàng khối nặng 110 ký (có những tài liệu khác nhau về trọng lượng của mặt nạ và hòm).

Sau đó chúng tôi tiếp tục đi coi các đồ tạo tác, cổ vật, tranh ảnh và những ấn bản bằng tiếng Ai Cập cổ viết trên giấy cói (papyrus).

Ekramy dành cho chúng tôi nửa giờ để tự do xem khu báu vật này và hẹn chúng tôi ở một khu khác.

Khách sạn Hyatt bên bờ sông Nile. Hình: TVTS

Cuối cùng là khu xác ướp Hoàng gia Ai Cập, cũng ở trên lầu với giá vé vào phòng xem 100 Pounds/ người, đắt gần gấp đôi vào bảo tàng viện.

Trong phòng này có 11 xác ướp của vua và hoàng hậu trong đó chỉ có một người tôi từng nghe là vua Ramses II,  vị vua lớn của thời đại Modern Dynasty. Tóc của vị vua này màu vàng như râu ngô và da của ông có vẻ trắng, khác với da của nhiều xác ướp khác màu đen. Phòng hơi tối, đứng sắp hàng xem và đọc nhanh, tôi chỉ nhớ rằng tóc của vua Ramses II năm 1977 được đưa qua Paris để giảo nghiệm rồi không hiểu tại sao đem bán trên internet, nhưng chính phủ Ai Cập đã tìm cách thu hồi lại.

Tuy không được phép chụp hình, nhưng tôi thấy một số người bản xứ cứ “vô tư” dùng điện thoại cầm tay chụp khiến tôi thắc mắc hỏi Ekramy tại sao cấm mà vẫn có một số người chụp, anh hướng dẫn người Ai Cập nói nếu họ bị bắt gặp thì sẽ có vấn đề, rồi anh nói gì đó với người chụp nhưng người kia có vẻ không thèm để ý.

Tôi nghĩ phải bỏ ra tối thiểu một ngày để có thể quan sát những cái hay đẹp, kỳ lạ của Bảo tàng viện Cairo nhưng sau 3 tiếng đồng hồ phải ra về vì còn những nơi khác phải xem, như sông Nile.

Nile, con sông dài nhất hay nhì thế giới (vì có tranh cãi) chảy qua thành phố Cairo của Hy lạp. Hình: TVTS

 

Dập dềnh trên sông dài nhất thế giới

Ở bất cứ nơi đâu khi du lịch, tôi thường thích có một chuyến du ngoạn trên nước. Ở thủ đô Ai Cập, nhất định phải làm một chuyến đi trên sông Nile.

Tôi thấy có quảng cáo những chuyến du ngoạn bằng tàu nhiều ngày trên sông Nile, đi từ Cairo đến Luxor, một thành phố cách thủ đô chừng sáu, bảy trăm cây số về phía nam nơi có Thung lũng các vì Vua và Thung lũng các Hoàng hậu,  một nơi đáng đi tham quan sau Cairo.

Chúng tôi không có thời gian để hưởng cái thú đó, nên ra bờ sông gần Garden City cách bảo tàng viện không bao xa,  thuê một chiếc thuyền buồm đi trong một tiếng với giá 300 Pounds (khoảng 60 Úc kim).

Sông Nile dài 6,650km bắt nguồn từ  từ hai nhánh ở Phi Châu–  Nile trắng (White Nile) và Nile Xanh (Blue Nile). Nile trắng bắt nguồn từ Đại Hồ ở Trung Phi, chảy qua Tanzania, Lake Victoria, Uganda và Sudan.

Nile Xanh bắt nguồn từ Lake Tana ở Ethopia và chảy vào Sudan từ đông nam. Cả hai nhánh sông nhập vào nhau gần thành phố Khartoum của Sudan. Phần lớn nguồn nước và đất phù sa mang lại cho khu vực đến từ Nile Xanh. Đoạn phía bắc từ Sudan vào Ai Cập, nơi sông chảy qua hầu hết là vùng sa mạc của một đất nước mà nền văn minh tùy thuộc hoàn toàn vào con sông này gần chục ngàn năm trước (94% diện tích Ai Cập là sa mạc).

Qua khỏi hồ Lake Nasser, nền văn minh của Ai Cập bắt đầu nở rộ ở vùng Aswan, tiếp tục lên phía bắc ở vùng Luxor và rồi tới Giza, Cairo tạo thành một vùng đồng bằng (Nile Delta) trước khi đổ ra biển Địa Trung Hải.

Sông Nile có những đoạn rộng tới 8 cây số. Thuyền buồm một lá của chúng tôi do người bản xứ lái chạy từ khu khách sạn Hyatt, Four Seasons – khu vực được xem là đẹp nhất ở thành phố– hướng tới một hòn đảo lớn giữa sông là Zamalek nơi có tháp Cairo Tower và là nơi mà Ekramy nói có nhà ở của con trai tổng thống Ai Cập.

Đi thuyền buồm trên sông Nile, một trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Hình: TVTS

Lúc này khoảng hơn 2 giờ trưa, trời quang đãng, chúng tôi được tận hưởng cảnh lênh đênh nhè nhẹ trên sóng nước, ở một nơi mà người ta nói màu xanh trên bầu trời hòa hợp với màu xanh biếc của nước sông. Đó là điều kỳ lạ của Nile River, một con sông được coi là dài nhất thế giới (nhưng có tranh cãi cho rằng Amazon dài 6,405 km ở Nam Mỹ là sông dài nhất).

Giòng sông ở đoạn này rộng nhất, tôi phỏng đoán dễ chừng cả hai cây số nhưng nó thu hẹp lại khi tới hòn đảo  Zamalek. Chạy đến một cây cầu ở nhánh phải (tôi nghĩ gần khu vực Viện bảo tàng Cairo), tài công kéo buồm cho tàu chạy trở về.

Là người mê sông nước (và cả biển nữa), tôi ghi nhận hình ảnh của phố xá hai bên sông bằng máy ảnh và vào bộ nhớ trong đầu để không những hài lòng với những gì mình thấy mà còn kể lại cho bạn đọc.

 

Viếng đền thờ Hồi giáo đầu tiên ở Ai Cập

Hơn 3 giờ chiều. Chẳng ai trong bốn người chúng tôi kể cả ông tài xế nói đến chuyện ăn uống. Lại tiếp tục lên xe. Tôi hỏi Ekramy có phải địa điểm sắp đến là nhà thờ treo Al Moallaqa không, nhưng anh hướng dẫn viên nói đã gần 4 giờ, nơi này sắp đóng cửa nên anh sẽ đưa chúng tôi đến giáo đường Hồi giáo Amr ibn El Aas.

Giáo đường Hồi giáo Amr ibn El Aas đầu tiên ở Ai Cập và Phi Châu. Hình: TVTS

Đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi đặt chân tới một giáo đường của đạo Hồi.

Đền thờ này được đặt theo tên của một nhà chỉ huy quân sự Á Rập (sinh ở Mecca) nổi tiếng đã đưa người Hồi giáo đến chinh phục nước Ai Cập vào năm 640 sau Công Nguyên. Ông là người cùng thời với tiên tri Muhammad, đã nhanh chóng lên chức trong hàng ngũ lãnh đạo Hồi giáo sau khi ông cải qua đạo này.

Amr ibn El Aas xây dựng thành phố Fustat, thủ đô đầu tiên của Ai Cập hiện đại. Thủ đô này tồn tại trong vòng 5 thế kỷ.  Năm 642, ông cho xây nguyện đường Amr ibn El Aas, là nguyện đường Hồi giáo đầu tiên của Ai Cập và của cả lục địa Phi Châu. Đó là những lý do làm chúng tôi muốn đến thăm nguyện đường này.

Vào cửa chính, chúng tôi để giày dép bên ngoài. Nhà tôi đi theo tôi vào trong sân nhưng Ekramy chận lại, bảo hãy qua bên cánh trái là nơi dành cho phụ nữ vì  phụ nữ không được đứng chung với đàn ông trong nguyện đường Hồi giáo. Anh ta bảo qua bên đó hãy mặc áo người ta đưa cho và sau đó qua bên này.

Nguyện đường hôm nay vắng vẻ, không thấy người ra vào. Ông tài xế người đạo Coptic (một nhánh Thiên chúa giáo) ngồi ngoài xe. Nhà tôi nói bên cánh trái của nguyện đường có vài phụ nữ ngồi đọc kinh, họ mặc áo choàng đen bình thường như ở ngoài đường phố. Nhà tôi được ông gác cửa đưa cho bộ áo choàng đặc biệt, màu xanh lá cây, có mũ giống như áo đi mưa.

Ekramy tập cho chúng tôi thế đứng cầu nguyện bên trong ngôi đền Hồi giáo xây cách đây khoảng 14 thế kỷ. Hình: TVTS

Sau khi mặc bộ đồ phủ kín người chỉ còn chừa mặt, Ekramy ngoắc tay gọi vợ tôi. Anh ta giúp vợ tôi choàng áo cho đúng cách và nói hãy đi theo chúng tôi. Tôi bảo tại sao đàn bà lại có thể qua bên chỗ dành cho đàn ông, Ekramy nói với áo choàng này, nhà tôi lúc này có thể coi như đàn ông. À ra thế! Chúng tôi không thể không cười. Ekramy cũng cười theo.

Sau đó anh dẫn chúng tôi đi ra giữa sân nơi có tòa nhà mái hình bát giác mà chúng tôi  thấy trong tập chỉ dẫn, giữa có những vòi nước. Anh uống nước nhưng tôi không hiểu vì khát hay còn ý nghĩa gì khác.

Rồi anh đưa chúng tôi vào bên trong nguyện đường, quan sát các cột trụ thẳng tấp của ngôi đền, giải thích cấu trúc, cách thức cầu nguyện, chỉ cho chúng tôi cách đứng trong các khung hình (giống mái cửa sổ hay mái nhà) dành cho mỗi người khi cầu nguyện, chụp hình với vợ tôi trong tư thế đứng cầu nguyện và nói mai mốt khi về Úc gởi cho anh tấm hình chụp chung với nhà tôi ở trong nguyện đường này.

Chúng tôi thấy một người đàn ông nằm ngủ cạnh một cột trụ, tư thế ngay ngắn với  một khung hình. Đến gần bục giảng, Ekramy nói với nhà tôi đấy là nơi các giáo sĩ giảng đạo vào ngày Thứ Sáu (chúng tôi đang ở đây vào ngày Thứ Năm) và lát nữa sẽ đến giờ đọc kinh.

Bây giờ nhà tôi thắc mắc hỏi tại sao trên truyền hình khi chiếu cảnh cầu nguyện người ta chỉ thấy đàn ông mà thôi, Ekramy giải thích các phóng viên (nam) không được qua bên khu vực dành cho phụ nữ. Và ngay cả khi phóng viên là đàn bà, người ta không cho phép chụp mặt phụ nữ đưa lên truyền hình.  Đến bây giờ chính tôi cũng mới hiểu. Phải đi cả vạn dặm, đến tận Ai Cập mới hiểu chút đỉnh về phong tục của người Hồi giáo.

Đi ra cửa, nhà tôi bỏ một Pound vào cái giỏ mà ông gác cửa cầm, nhưng thấy trong tay nhà tôi còn 50 xu, ông làm dấu hiệu bảo hãy bỏ vào luôn.

Buổi chiều ở khách sạn Le Meridien Pyramics với món salmon, tôm nướng, bia lạnh, một khách sạn 5 sao trả tiền 3 sao (bởi ở xa trung tâm thành phố!). Hình: TVTS

Đã 5 giờ chiều mà chẳng ăn uống gì, tôi đề nghị mời người hướng dẫn và tài xế đi ăn chung lần chót vì ngày mai chúng tôi sẽ lên đường đi Do Thái, nhưng Ekramy bảo thay vì mời ăn, hãy cho tiền để họ đi ăn (Lệ phí đưa đón bằng xe trong thành phố và cung cấp 2 nhân viên, công ty Captain Tour vẫn tính 50 Úc kim như lần trước). Tôi thấy cũng tiện, bởi đã hai lần đi ăn với Ekramy đều không được uống rượu. Thôi thì hãy về khách sạn 5 sao Le Meredien Pyramids (trả tiền 3 sao) hưởng đôi chút thoải mái sau một ngày đi đứng như bay, không kịp thở.

Hồ bơi rộng rãi, sang trọng. Tắm ở một nơi mà nhiệt độ trung bình từ 35 đến 40 độ thì chẳng còn gì thú bằng, lại được ngắm chóp của hai kim tự tháp ngay trong hồ!

Chúng tôi kêu một đĩa cá salmon nướng, một đĩa tôm nướng, hai ly cối bia hơi. Giá tiền ăn uống ở hồ bơi đắt hơn nhà hàng bên trong khách sạn, nhưng một bữa ăn tối như thế cũng chỉ 230 Pounds, tức khoảng 46 Úc kim. Ăn uống ở Cairo giá cả dễ chịu thật (còn 1 kỳ về chuyến du lịch Ai Cập).