Istanbul: lịch sử và tôn giáo (kỳ 2)

04 Tháng Mười Một, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Sinh hoạt nhộn nhịp ở ngay bờ cầu Galata Bridge (thuộc khu phố cổ có nhiều di tích lịch sử) với cảnh người ngồi ngắm thiên hạ, ăn uống, mua vé tàụ Đi dọc con đường này lên hướng cầu treo sẽ đến Nhà thờ Chính tòa St George của Giáo hội Chính Thống Hy Lạp. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Khi bước chân vào trung học, môn học tôi ghét nhất và sợ không được điểm cao là môn sử bởi mình phải học sử của những nước quá xa lạ bằng ngoại ngữ trong khi mới bắt đầu học tiếng Pháp.

Tôi học sử của Pháp, của đế quốc La Mã, đế quốc Đông La Mã (Byzantine, kinh đô ở Constantinople), rồi  đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) với những trận Thánh chiến (Crusades) trong các thế kỷ thứ 11, 12 và 13. Và trong môn sử cũng có học những trận chiến trong đó có trận chiến thành Troy với con ngựa Trojan horse (được cho là ở phần đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, gần Gallipoli).

Về địa lý, ngoài của nước Pháp tôi cũng phải học sơ sơ về địa lý thế giới nên  ngoài những cái tên như Mediterranean Sea, Black Sea tôi còn biết Dardanelles Strait khi học về Đệ nhất Thế chiến.

Về tôn giáo, tôi được học rằng Chúa Giê-su lập nên giáo hội ở Do Thái và sau khi ngài chết (sống lại và lên trời) các tông đồ của ngài đi truyền đạo khắp nơi, qua Âu châu và Á châu (Tiểu Á – Asia Minor). Đạo do Chúa Giê-su Ki-tô (Jesus Christ) lập gọi là Thiên Chúa giáo (Christianity), người theo Thiên Chúa giáo gọi là Christian (Ki-tô hữu).

Và theo sự hiểu biết của tôi sau này, vì các tông đồ tiên khởi truyền đạo ở La Mã và các nước Âu châu và ở Tiểu Á (Turkey ngày nay) nên người đứng đầu giáo hội ở La Mã  gọi là Giáo hoàng (Pope) là vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo (Roman Catholic – Catholic từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là universal, toàn thể, chung, phổ biến) để phân biệt với một vài nhánh Công giáo khác như Coptic Roman (ở Ai Cập) hay Chaldean Catholic (ở Iraq) v.v…

Vũ Hà dưới chân cầu Galata Bridge, nơi đón tàu đi ngắm cảnh Eo bien Bosphorus, Vịnh Golden Horn và tàu hàng đi các nơị Dọc cầu cả hai phía đầy người câu cá. Dưới cầu cả hai phía là những quán ăn với những món đồ biển tươi và rẻ tiền. Cả hai bên cầu tấp nập sinh hoạt vì cũng là bến xe đi các nơị Hình: TVTS

Trong khi đó, Constantinople kinh đô của đế quốc Byzantine (nay là Istanbul) là thánh đô của giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp theo nghi thức phụng vụ Byzantine do thánh Andrew (tức An-rê, là anh em với thánh Peter) thành lập và người đứng đầu được gọi là Đức Thượng phụ (Patriarch). Mặc dầu ghế Thượng phụ Giáo chủ hiện vẫn đặt ở Istanbul nhưng nhưng đa số tín đồ sống ở Hy lạp hay Cộng hòa Cyprus. Cũng nên biết rằng  có những nhánh Chính Thống giáo khác như Chính Thống Nga, Chính Thống Hung Gia Lợi v.v…

Với những sự hiểu biết về nước Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus xưa và nay và nhất là muốn hành hương “thánh địa” của ANZAC (Australian and New Zealand Army Corps), tôi đã quyết định đi thăm viếng hai nước có lịch sử lâu đời cả hai ngàn năm mà nhiều di tích lịch sử vẫn còn tồn tại và được bảo quản, được cơ quan UNESCO liệt vào danh sách di sản thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay

Thổ Nhĩ Kỳ theo tiếng Anh được gọi là Turkey. Người Thổ là Turk hay Turkish, có nguồn gốc từ những bộ lạc ở Nam Âu. Trên đất liền, nước này có biên giới tiếp giáp với các nước Âu Châu và Á Châu như Hungary, Hy Lạp, Georgia, Armenia, Iran, Azerbaijan, Iraq và Syria. Ở biển, tiếp giáp với Black Sea, Marmara, Bosphorus, Dardanelles, Aegean, Mediterranean Sea.

Với  địa thế như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí chiến lược quan trọng trong suốt lịch sử hai ngàn năm qua và cho đến ngày hôm nay.

Người Thổ cổ đại gốc Âu Châu sống ở đấy hàng ngàn năm trước khi bị Alexander Đại đế chinh phục. Sau đó bị đế quốc La Mã rồi Đông La Mã (tức đế quốc Byzantine) cai trị cho đến khi bị người Ottoman gốc Á Rập chinh phục từ cuối thế kỷ 13 cho đến đầu thế kỷ 20.

Đã từng có thời, đế quốc Ottoman có diện tích lớn nhất so với bất cứ đế quốc nào trước đó, trải dài từ Phi Châu đến Âu Châu. Nhưng  đế quốc Ottoman (còn gọi là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ)  đã tan rã và không tồn tại sau khi thua trận trong Đệ nhất Thế chiến. Nhưng một sĩ quan trẻ có tinh thần quốc gia và chiến đấu thắng trận Gallipoli là Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938) đã đưa một đế quốc tan rã trở thành nước cong hòa Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ký Hiệp ước Lausanne với Đồng minh năm 1923.

Tác giả bút ký du lịch trên eo biển Bosphorus chạy ra hướng Black Sea, chuyến đi ngắm cảnh 90 phút giá 20 lira/ ngườị Hình: TVTS

Trở thành vị tổng thống đầu tiên và là “cha già dân tộc Thổ”, Ataturk đã làm cuộc cách mạng toàn diện biến Thổ thành một nước thế tục. Ông đã đổi chữ cái Thổ qua mẫu tự La Mã, bắt tín đồ Hồi giáo đọc kinh bằng tiếng Thổ thay vì tiếng Á Rập, cho phụ nữ quyền bỏ phiếu đồng thời cấm phụ nữ trùm khăn đầu ở những nơi công cộng. Với bàn tay sắt, Ataturk cai trị đất nước với một đảng duy nhất, đóng cửa báo đối lập, cấm các nghiệp đoàn cánh tả và ngăn chận người Kurd đòi tự trị.

Đưa đất nước Thổ gia nhập với cộng đồng quốc tế, gần Tây phương khác với những nước Á Rập Hồi giáo bảo thủ, “cha già dân tộc Turk” (tên họ Ataturk mà ông chọn sau này cũng có nghĩa là cha của người Turk, tức người Thổ) để lại một di sản được khen lẫn bị chê bởi dân tộc của ông. Nhưng dù nói gì đi nữa, Ataturk là người co công lớn đối với đất nước của ông vì vậy tên ông, hình ảnh, tượng của ông thấy ở nhiều nơi trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay và ở một số nước khác.

Ataturk là người đã cho ghi trên bia đá lớn Gallipoli vào năm 1934 câu nói với những người Úc đã nằm xuống rằng, bây giờ họ đang an nghỉ bình yên trong lòng đất của nước ông, và sau khi đã bỏ mạng tại đây, họ cũng đã trở thành những đứa con của đất nước ông.

Thổ Nhĩ Kỳ và tôn giao

Dân số Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 80 triệu người và theo con số của chính phủ, 98.3% là người đạo Hồi và phần lớn thuộc phái Suni. Chỉ có 0.2% là người theo đạo Thiên Chúa.

Tuy là một nước Hồi giáo nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là quoc gia Hồi giáo duy nhất là thành viên của khối NATO. Trong khoảng hơn một thập viên vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm thành viên của Liên Âu nhưng đã bị chống đối và hiện nay không còn nghe nói Thổ vận động để vào Liên Âu nữa.

Vũ Hà trước tượng Đức Giáo hoàng Gioan 23 tại nhà thờ St Anthony trên đường Istiklal. Hình: TVTS

Nhưng cho dù không phải là thành viên của Liên Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được coi như một nước thuộc Âu Châu vì vị trí địa lý của nó và vai trò thành viên NATO từ năm 1952 (cùng năm với Hy Lạp) nhưng không phải là một thành viên dễ chịu vì quyền lơi của nước Thổ và tùy quan điểm cá nhân của nhà lãnh đạo như của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hiện nay.

Tuy nhiên du khách không phải người Hồi giáo vẫn sẽ thấy thoải mái khi du lịch Istanbul, thành phố lớn nhất nước có khoảng 15 triệu dân.

Tôi đến Istanbul 5 ngày và cư ngụ 5 đêm ở Richmond Hotel, một khách sạn nằm trên đường Istiklal nổi tiếng nhất thành phố, một khách sạn cùng vách với đồn cảnh sát, cách tòa lãnh sự Nga vài căn và cách các lãnh sự quán  khác như Thụy Điển, Hòa Lan v.v… chừng một hai trăm mét. Vì nằm sát trên con đường đi bộ nghe nói có cả ba triệu người đi qua vào một ngày đông người nhất cuối tuần, cổng sắt các tòa lãnh sự luôn đóng kín. Thỉnh thoảng tôi chứng kiến xe hơi của tòa lãnh sự Nga đi ra đường, cửa kính xe đen tối om chẳng nhìn mặt người ngồi bên trong.

Mà đừng nói chi các tòa lãnh sự, các nhà thờ Công giáo như Saint Anthony và Santa Maria cạnh đó chừng trăm mét có cửa sắt luôn đóng kín, trừ phi có người có liên hệ với nhà thờ ra vào hoặc nhà thờ mở cổng trong các giờ lễ như ngày Chủ Nhật. Không thể tưởng tượng các cơ sở ngoại giao và tôn giáo nằm sát trên con đường có nhiều người đi bộ qua lại như vậy. Cũng không thể nghĩ rằng đây là con đường chính của một thành phố Hồi giáo mà hầu như chẳng thấy ai đội khăn che đầu chứ nói gì đến che mặt. Và họ ăn mặc với y phục thoải mái như bất cứ thành phố tây phương cấp tiến nào.

Trong thời gian ở Istanbul, tôi có đi dự lễ hai lần. Một lần với tính cách của một người Công giáo và lần kia là của một du khách tò mò.

Nhà thờ Chính tòa của Chính Thống giáo Hung Gia Lợị Hình: TVTS

Chủ Nhật 13.10.2019, sau một ngày đi ngắm phố, mua sắm và du ngoạn trên eo biển Bosphoros, đến chiều vợ chồng chúng tôi ghé nhà thờ Santa Maria cạnh Richmond Hotel, nhưng các nữ tu nói lễ bằng tiếng Anh vừa xong.

Chúng tôi rảo bộ đến nhà thờ St Anthony of Padua cũng trên đường Istiklal cạnh khách sạn, gặp một phụ nữ đồng hương gốc Huế trạc tuổi 40 ngồi trước bậc cấp nhà thờ cho biết phải nửa tiếng nữa mới có lễ nhưng bằng tiếng Thổ.

Tôi hỏi chị ấy làm sao chị biết thì chị nói có chồng người Mỹ gốc Thổ, đang được phái sang làm việc một thời gian ở Thổ. Hỏi chị người Thổ đa số đạo Hồi thì việc giữ đạo Công giáo có gặp khó khăn gì không,  chị nói một cách tự tin rằng điều kiện để lấy chị thì chồng phải theo đạo của chị khiến tôi buộc miệng khen chị “có uy” với chồng. Chị cũng ngạc nhiên khi biết chúng tôi không phải từ Việt Nam sang Thổ du lịch theo đoàn.

St Anthony Church là là thờ Công giáo lớn nhất và có cộng đoàn Công giáo lớn nhất ở thành phố Istanbul. Ngoài lễ bằng tiếng Thổ, cũng có những lễ bằng tiếng Anh, Ba Lan và tiếng Ý. Nhà thờ được xây vào đầu thế kỷ 18 dành cho cộng đồng người Ý ở đây, đặt theo tên của vị thánh linh mục St Anthony of Padua người Bồ Đào Nha nguyên là môn đệ của St Francis of Assisi. Nhưng nhà thờ với kiến trúc Neo-gothic và Tuscan-Lombard hiện nay được xây vào năm 1912 cũng là một kiến trúc đáng cho du khách đến xem.

Trước sân nhà thờ bên tay phải có tượng của một vị giáo hoàng tôi thấy quen mặt, tưởng là Giáo hoàng Phao Lô Đệ Nhị, nhưng xem kỹ mới nhận ra đó là Giáo hoàng Gioan XXIII, để đánh dấu có lần vị giáo hoàng bình dân và thánh thiện này đã dâng thánh lễ tại nơi đây, một ngôi thánh đường mà ai cũng có thể vào một cách dễ dàng, không phân biệt tôn giáo. Trong thánh lễ, tôi thấy có một phụ nữ đầu quấn khăn như người Hồi giáo.

Vào Nhà thờ Chính tòa Chính Thống giáo Hy Lạp (màu trắng) ở Istanbul phải qua cổng an ninh có máy dò vũ khí. Hình: TVTS

Tôi dự lễ ngày Chủ Nhật ở nhiều nước khi đi du lịch và nhận thấy rằng, cũng như ở Warsaw ở Ba Lan, tại Istanbul không có phụ nữ tham gia những công việc thừa tác viên hay phụ giúp lễ trên khu vực cung thánh. Và khi rước lễ, linh mục đưa bánh lễ vào miệng giáo dân chứ không trao trên tay giáo dân như đại đa số các nhà thờ ở các nước Úc và Mỹ. Bảo thủ? Có lẽ!

Thứ Hai 14.10.2019, ngày cuối cùng ở thanh phố Istanbul, sau khi đi bộ một lần chót từ cầu Galata Bridge leo dốc và vô số bậc cấp, rồi vào con đường Istiklal đến quảng trường nổi tiếng Taksim (tôi nghĩ cũng dài đến 3km nhưng có bóng mát nhờ phố xá hai bên đường),  chúng tôi gọi taxi từ khu vực gần khách sạn (ban ngày, xe taxi không thể vào con  đường Istiklal) đến nhà thờ chính tòa của Giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp nơi cho đến  năm 1453 vẫn còn là kinh đô của Đến quốc Byzantine (Đông La Mã) và hiện nay vẫn còn là nơi vị  Thượng phụ Giáo chủ của đạo này đặt tòa giáo chủ, nằm bên kia Vịnh Golden Horn thuộc khu phố cổ Fener nơi có nhiều di tích lịch sử.

Nhà thờ có tên chính thức là St George’s Patriarchal Cathedral of Constantinople, từ thế kỷ thứ 17 trở đi là Tòa Thượng phụ của Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương, lãnh tụ tinh thần của khoảng người Thiên Chúa giáo Chính thống trên toàn thế giới.

Vì phần lớn người Tho và cả những người lái taxi không nói tiếng Anh, tôi nhờ nhân viên khách sạn ghi tên của nhà thờ chính tòa vào miếng giấy để đưa cho người lái taxi. Tôi biết đoạn đường đến đó dài khoảng 3 cây số nếu đi con đường ngắn nhất bằng một cây cầu nào đó, và có thể đi bộ để ngắm cảnh nhưng trời nắng, vả lại đã đi bộ đã quá nhiều, nên lần này gọi taxi.

Nhân viên khách sạn nói giá chuyến đi khoảng 40 lira (tiền Thổ, 1 Úc kim khoảng từ 3 đến 3.7 lira, tùy nơi và cách đổi tiền). Hỏi bao nhiêu, anh taxi nói 50 lira, tôi cũng đồng ý để đi cho nhanh. Nhưng thay vì đưa tôi đến nhà thờ chính tòa Chính Thống giáo Hy Lạp, anh ta chở chúng tôi đến gần một ngôi thánh đường và bảo chúng tôi nhảy xuống. Khi đến nơi, tôi thấy nhà thờ không giống như mình đã thấy trên mạng, mới nói với nhà tôi anh taxi này ra vẻ không biết nhà thờ chính tòa của Chính Thống giáo Hy Lạp vì trước đó anh ta lái vào một con đường gần đó rồi lái đi chỗ khác.

Tác giả trước St George Cathedral của Chính Thống giáo Hy Lạp chiều Thứ Hai  14.10.2019. Hình: TVTS

Khi vào bên trong sân của ngôi nhà thờ màu trắng rất đẹp này tôi mới biết đây là Nhà thờ Chính tòa của Chính Thống giáo Hung Gia Lợi. May thay, có vài du khách hay tín đồ trong nhà thờ này biết tiếng Anh, họ chỉ cho tôi một lối khác để tới nhà thờ của Hy Lạp.

Đi bộ vòng vo chừng vài trăm mét trong khu phố cổ, hỏi những người hai bên đường, cuối cùng bị hai cậu bé bám theo chỉ đường với muc đích xin tiền, dù tôi đã biết hướng đi.

Vào cửa tự do nhưng phải qua máy dò vũ khí vì người ta muốn bảo đảm an ninh cho ngôi nhà thờ cổ kính này và khu vực hành chánh của tòa thượng phụ, sợ bị khủng bố.

Đây là một ngoi nhà thờ màu trắng bên ngoài trông rất cũ và không có vẻ đồ sộ như những ngôi thánh đường khác. Bên trong trông cũng rất tối, linh thiêng nhưng hơi âm u. Khác với Công giáo, Chính Thống giáo trang trí tượng ảnh kín tường, sử dụng gam màu vàng quá nhiều và thờ rất nhiều ảnh Đức Mẹ và các thánh. Qua mỗi bức tượng, họ hôn và làm dấu thánh giá (ngược hướng làm dấu với Công giáo).

Chúng tôi vào đúng lúc sắp bắt đầu thánh lễ, chỉ có vài du khách và một hai tín đồ ngồi phía sau. Khác với Công giáo, nhà thờ Chính Thống giáo chỉ có ghế ngồi thật cao (không có chỗ quỳ). Chúng tôi đứng xem bốn vị linh mục và một chủ tế cử hành lễ kéo dài khoảng nửa tiếng. Họ thay nhau nhìn vào sách đặt trên bục đọc và hát, một vị chủ tế ở bàn thờ sâu bên trong (cung thánh) thỉnh thoảng cầm bình hương ra vào xông hương giống như đạo Công giáo. Khi ra bên ngoài, tôi hỏi nhân viên giữ cửa lễ hôm nay có Đức Thượng phụ không thì được trả lời không. Tôi nói với nhà tôi có lẽ hôm nay là ngày thường, vả lại Thượng phụ (cũng là một tổng giám mục- archbishop) có thể chỉ cử hành những lễ long trọng vào giờ giấc nào đó.

Kiệt tác Hagia Sophia nguyên là Nhà thờ Chính tòa của Chính Thống giáo thời Đế quốc Đông La Mã (Byzantine), sau đó trở thành Đền Hồi giáo thời Đế quốc Ottoman và nay là Bảo tàng viện Hagia Sophia dưới nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Hình: TVTS

Đây là kinh nghiệm lần đầu tiên dự lễ của Chính Thống giáo của chúng tôi.

Sau này, có thì giờ tìm hiểu thêm, tôi mới biết rằng thời huy hoàng của Đế quốc Byzantine, Tòa Thượng phụ và Nhà thờ Chính tòa Chính Thống giáo đặt ở Hagia Sophia cũng trong khu phố cổ này, cách St George Cathedral không bao xa. Nhưng kể từ khi Constantinople bị Đế quốc Hồi giáo Ottoman chiếm, Hagia Sophia trở thành Đền thờ Hồi giáo từ năm 1453 đến 1935.

Chính Thống giáo được hành đạo ở một xứ Hồi giáo, nhưng Nhà thờ Chính tòa phải nhỏ hơn các đền thờ Hồi giáo, đó là lý do tại sao St George Cathedral được dùng làm Tòa Thượng phụ của Chính Thống giáo.

Hiện nay, Hagia Sophia trở thành viện bảo tàng,  một di tích lịch sử mà hầu hết du khách đến Istanbul  đều đến xem để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính nguy nga, một trong những kiến trúc và nghệ thuật tuyệt vời của nhân loại.

Người viết sẽ mời bạn đọc cùng đi thăm những di tích lịch sử, quan sát sinh hoạt của người địa phương trong những số báo kế tiếp.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 28.10.2019

 

(Trích từ báo in TVTS số 1753 phát hành ngày 30.10.2019)