Basilica Cistern “thánh đường” hồ nước dưới lòng đất Istanbul, TNK: di tích lịch sử không thể bỏ qua (kỳ 6)

30 Tháng Mười Một, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Basilica Cistern chụp từ cầu thang trước khi bước xuống dưới hầm hồ nước ngầm. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 6

Có những lúc bản đồ chẳng giúp gì cho tôi như trường hợp đi tới Basilica Cistern, vì chữ trên bản đồ thành phố do khách sạn cho quá nhỏ, lại cũng đã đi bộ nhiều từ sáng, nên tôi hỏi bất cứ ai mình nghĩ họ biết nói tiếng Anh. Với những người đi du lịch tự túc không ai hướng dẫn, theo tôi, bí kíp tìm đường và nơi đến là cứ hỏi. Có khi còn nhanh hơn xem bản đồ.

Thấy mấy ông cảnh sát trẻ có bộ mặt dễ chịu, tôi hỏi họ nhưng họ chẳng giúp gì được, có lẽ ho không hiểu tiếng Anh hay tôi dùng từ không thông dụng như Cistern Cathedral mà tôi thấy đâu đó trên các quảng cáo.  Basilica Cistern dễ đọc và dễ nghe hơn Cistern Cathedral.  Cũng có thể gọi là Cisterna Basilica còn dễ nghe hơn nữa.

Chúng tôi đi tới chỗ xe tram ngừng vào hồi trưa, gặp  một bảng chỉ đường ghi Basilica Cistern với mũi tên, và thấy gần đó có đoàn người đang đứng nối đuôi, một cảnh mà tôi cũng đã thấy trước đó nhưng không biết là gì. Té ra, chỉ cách Viện bảo tàng Hagia Sophia khoảng 150 mét.

Eureka!!! Hồ nước hay bể ngầm là đây rồi!!!

Vẻ huyền bí của ánh đèn từ dưới chân cột trụ:  Một số trong 336 cột trụ của hồ nước ngầm chụp từ cuối hồ, nơi du khách sẽ tới khu vực khác, sử dụng ánh đèn màu trắng nhưng không sáng như bình thường để tạo không khí của hang động. Hình: TVTS

Bán vé chợ đen

Đứng xếp hàng chốc lát, một ông chạy đến tôi hỏi ông có muốn đi nhanh, khỏi xếp hàng không, và dĩ nhiên là tôi muốn, như một phản xạ tự nhiên. “Như con nai vàng ngơ ngác”, tôi hỏi làm thế nào để được đi nhanh. Ông ta biểu sẽ giúp mua vé cho chúng tôi.  Tôi hỏi vé bao nhiêu và nghe 15 lira thì OK, dù tôi không biết vé là bao nhiêu.  Ông kéo tôi ra khỏi hàng biểu đợi, rồi ông đi tới gần chỗ bán vé, vào bên trong phòng vé và trong nháy mắt trở ra đưa cho tôi 2 vé. Một phụ nữ đứng xếp hàng trước chúng tôi cũng được đề nghị “giúp” mua nhanh như vậy.

Khi anh ta sắp trao vé cho tôi, tôi hỏi lại lần nữa cho chắc ăn, “bao nhiêu”, tôi vẫn nghe fifteen. Tôi hỏi one and five, ông ta nói five zero. Tôi lắc đầu.

Ông ta nói fifty quá rẻ thay vì trả tweenty thì phải đợi. Tôi nói quá cao, tôi cứ đợi không sao cả. Bây giờ tôi mới biết vé vào cửa là 20 lira bởi đến là sắp hàng ngay nên không có thì giờ quan sát để biết giá vé và giờ đóng cửa.

Cô gái đứng cạnh tôi cũng lắc đầu từ chối khi nghe 50 lira. Nhưng tôi thấy ông này và dăm ông khác đi tìm du khách đứng gần đó để dụ mua vé chợ đen.

Tôi nói với nhà tôi, ở nơi đây e cũng giống nhiều nơi khác, tệ nạn bán vé chợ đen xảy ra trước mat mọi người (tôi nghĩ cảnh sát cũng có thể thấy hay biết).  Bây giờ tôi trở lại chỗ cũ nối đuôi. Với  cái hàng xếp hai lớp, dài chừng ba bốn mươi mét, tôi nghĩ chờ mua vé không lâu lắm. Và đúng như vậy.

Những cột trụ được chụp từ sàn đến trần, ánh sáng bên trái là nơi có dịch vụ cho du khách chụp hình kỷ niệm mặc áo vua và hoàng hậu có trả tiền. Hình: TVTS

Basilica Cistern là cái chi chi?

Tại sao người ta gọi hầm, bể, hồ chứa nước nay là basilica hay cathedral? Bác google giải thích rằng bởi vì nó lớn bằng cái nhà thờ chính tòa và cũng có thể cái hồ nước này nó nằm bên dưới Nhà thờ Chính tòa Stoa Basilica.

Thổ là một quốc gia có nền văn minh huy hoàng và lâu đời, trải dài từ thời Byzantine, Constantinople cho đến Ottoman nên bạn sẽ không lạ, thành phố này (hay cả nước Thổ) có những di tích, kiến trúc chẳng thua gì La Mã (Ý), Athens (Hy Lạp) và những nước Âu Châu khác, từ Anh đến Nga.

Basilica Cistern được Hoàng đế Justinian cho xây vào năm 532, là bể nước ngầm lâu đời và lớn nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Bể xây để chứa 80,000 mét khối nước, được cung cấp từ một hồ nước lớn ở Biển Đen bằng cống nước chạy dài 20 cây số.

Khi các hoàng đế Byzantine dời cung điện đi chỗ khác, bể nước này bị bỏ quên ngay cả sau khi Constantinople bị đế chế Ottoman chiếm vào năm 1453. Nhưng gần một thế kỷ sau, một học giả người Pháp, ông Petrus Gyllius đến Constantinople để tìm kiếm đồ cổ thời Byzantine và đã phát hiện hồ nước ngầm vào năm 1545. Số là trong thời gian nay, ông được những người ở trong vùng cho biết họ có thể dùng những cái xô để múc nước dưới hầm nhà (basement) của họ. Thậm chí vài người còn nói họ bắt được cá dưới hầm. Thế là ông lần mò  tìm cách đến hồ nước ngam bằng con đường hầm dưới nhà của một trong những người kể chuyện với ông.

Nhưng với sự tái phát hiện một ngàn năm sau cái hồ nước ngầm vĩ đại này,  các vua Ottoman cũng chẳng buồn để tâm và hồ ngầm này trở thành nơi chứa rác, thậm chí cả xác chết nữa.

Những đồng tiền du khách dục xuống hồ nước ngầm Basilica Cistern (khu vực có đèn sáng màu trắng). Hình: TVTS

Mãi  đến năm 1985  hội đồng thành phố Istanbul tái thiết và mở cửa cho công chúng chừng hai năm sau. Bây giờ Basilica Cistern trở thành một nơi du khách đến ngắm như vợ chồng chúng toi từ Melbourne.

Gọi hồ nước ngầm này là vương cung thánh đường (basilica) hay nhà thờ chính tòa (cathedral) cũng đúng vì diện tích và kiến trúc của nó.  Vào cửa, bước những bậc cấp để xuống bên  dưới, bạn sẽ thấy một không gian tối, mờ mờ ảo ảo  với một ít đèn điện dưới chân các cột trụ, không rõ ràng giống những gì bạn thấy trên các hình chụp. Bạn lại nghe tiếng nước róc rách giống như đang ở một con suối ngầm nào đó trong hang động. Ánh sáng và âm thanh chỉ là do người ta tạo nên, chứ nếu không có đèn thì tối om.

Đi thêm một vài đoạn kể từ những hàng cột đầu tiên, bạn mới biết  rằng mình đang đi chung quanh thành của bể nước vĩ đại nhưng chỉ có một ít nước dưới đáy hồ đủ để ướt và để tạo cảm giác dễ chịu và ảo giác huyền bí cho du khách.

Bạn có thể thấy nhiều cột trụ chống đỡ  trần và những tòa nhà ở trên mặt đất phía trên. Có tất cả 336 cột bằng đá cẩm thạch cao 9 mét. Những cột trụ này xếp thành 12 hàng (mỗi hàng có 28 cột) chạy song song, trải dài trước mặt mà khu khách không biết sẽ dừng ở đâu vì bóng đèn vàng và đỏ gắn từ dưới đế chiếu lên các cột trụ chỉ đủ cho mình thấy những vật cách khoảng bốn, năm mét (Tài liệu ghi hầm dài 140 mét, rộng 70 mét, thành hầm làm bằng gạch dày đến 4 mét và vữa/hồ đặc biệt không thấm nước).

Tôi nghe nói về những căn nhà xây trong hang động (ở Thổ Nhĩ Kỳ hay các nơi khác), tôi cũng đã vào xem bên trong kim thự tháp Giza ở Ai Cập nhưng không thể tưởng tượng người ta có thể xây một cái hồ nước lớn trông uy nghi như một vương cung thánh đường dưới lòng đất.

Đế cột trụ với đầu nữ thần Medusa nằm ngang. Hình: TVTS

Đi sâu vào bên trong, đụng bức tường, bạn sẽ rẽ phải để qua một khu vực khác của hồ nước ngầm, nơi lnày sử dụng đèn màu trắng nên thấy rõ hơn. Trong hồ nước ở khu vực này vài nơi có vòi nước rỉ đủ ướt đáy hồ để du khách có thể thấy rằng đây là nơi ngày xưa người ta chứa nước cho cung điện nhà vua và những dinh thự chung quanh dùng. Cũng như nhiều nơi khác, người ta thấy  ở đáy hồ nước những đồng tiền du khách quăng xuống. Quăng xuống để làm gì, tôi không buồn tìm hiểu vì không tin dị doan.

Cuối hầm nước, từ xa tôi thấy nhiều người đứng quanh  hai cột trụ chụp hình và lúc đó tôi mới nhớ ra rằng đó là một trong những nét đẹp của nghệ thuật điêu khắc thời Byzantine: một đầu người đàn bà lộn ngược dùng làm chân đế cho cột trụ, tóc dính ít nước vì đầu đụng đáy bể.  Đế trụ  bên cạnh là đầu một người đàn bà mặt nằm ngang.

Đó là khuôn mặt nữ yêu quái Medusa lộn ngược mà trong thần thoại Hy Lạp nữ quái của thế giới ngầm Medusa thường có cánh và dĩ nhiên có rắn quấn quanh đầu như Medusa ở Basilica Cistern.

Rất nhiều người đặt ra các giả thuyết khác nhau tại sao đầu nữ quái lại cho nằm ngược và nằm ngang dưới đáy bể như vậy.

Cũng nên biết rằng hồ nước ngầm dưới mặt đất, rộng bằng hai sân banh football được xây cách đây khoảng 1,500 năm đã từng được các nhà làm phim chọn dùng làm cảnh như trong cuốn phim điệp viên James Bond có tên “From Russia with Love”.

Vũ Hà bên cạnh tượng Medusa đầu dựng ngược, huyền thoại về đầu nữ thần ma quái nằm ngược hay nằm ngang được giải thích một cách khác nhau. Hình: TVTS

Xem các phim điệp viên, phiêu lưu mạo hiểm thấy Istanbul trên màn ảnh, nay  thong dong ngắm thành phố này quả là một cái thú. Một nhân viên khách sạn khi nghe tôi nói thích thành phố này, hỏi tôi có trở lại không và nếu trở lại anh ta mời tôi tới ở nhà anh, giống như một nhân viên lái xe du lịch tôi thuê bao ở Cairo (và Alexandria), Ai Cập đã từng nói với tôi trước đây. Tôi cám ơn và nói hầu như khó trở lại vì còn nhiều thành phố khác tôi chưa đi.

Một cú lừa không đáng kể, nhưng thêm một bài học

Đi du lịch bị lừa lặt vặt là chuyện bình thường, nhưng chưa tệ hại bằng bị móc túi hay bị mất tiền trong tủ sắt an toàn (safe) như mới đây tôi được nghe một du khách trong đoàn đi tour  ở Venice (Ý) kể người bạn cất vài ngàn đô la trong cái hộp safe bị lấy mất mà chẳng có thể khiếu nại gì được với khách sạn.

Như đã nói ở tren, nhìn thấy cảnh những người đàn ông bán vé chợ đen vào cửa Basilica Cistern  nhưng tôi vẫn chưa cảnh giác đủ, để bị gạt làm bực mình.

Số là khi xem Basilica Cistern xong, chúng tôi trở về trạm xe lửa trước Hagia Sophia. Đang loay hoay đọc cách mua vé giữa đám đông chen chúc trước vài cái máy bán vé bên vệ đường, thấy một ông trung niên chạy tới giúp, tôi nhớ đến ông nhân viên đã giúp tôi mua vé vào buổi trưa, rồi tự nghĩ sao người địa phương ở Istanbul tử tế như những người ở các nước Bắc Âu tôi từng gặp.

Ông hỏi tôi bao nhiêu người. Tôi nói hai và đưa cho ông tờ giấy bạc 10 lira. Ông bấm bấm, máy thối lại 5 lira. Ông ta chụp lẹ 5 lira bỏ túi và đưa cho nhà tôi cái vé. Tôi hỏi vé của tôi đâu, ông ta móc trong túi đưa cho tôi cái vé. Tôi hơi nghi nhưng nhà tôi bảo hãy đi lẹ lên kẻo hụt chuyến xe tram sắp tới.

Du khách đang xem những cột trụ với đế khắc tượng các nữ thần yêu quái Medusa đầu lộn ngược hay nằm ngang, và có thể đặt câu hỏi tại sao cách đây khoảng 1,500 năm mà con người có thể làm những công trình nghệ thuật ở dưới lòng đất, rồi bị bỏ quên một thời gian mười mấy thế kỷ. Hình: TVTS

Nhà tôi quẹt vé, cổng mở và vào. Đến phiên tôi, cổng khong mở và máy hú. Tôi nói với nhà tôi mình đã bị lừa.

Tôi trở lại chỗ máy bán vé, thấy ông đã giúp tôi đang lẩn quẩn gần đó bèn gọi ông ta ra, trả cái vé và đòi ông ta trả lại 5 lira. Nhưng ông ta bảo tôi tới cổng, rồi ông ta lấy cái vé trong túi ra quẹt, cổng mở và bảo tôi vao. Nhà tôi nói hãy vào đi.  Tôi bảo vào thì được, nhưng  khi tới trạm cuối làm sao đi ra, chưa kể bị nhân viên xe tram cho rằng mình là dân đi lậu.

Biết mình bị gạt, tôi trở lại chỗ cũ tìm ông này. Nhà tôi bảo tôi hãy kêu cảnh sát nhưng tôi nói chuyện nhỏ, làm chi cho thêm phiền toái, cứ tới mua cái vé khác.

Đứng bên trong hàng rào, nhà tôi thấy tay lường gạt này trở lại chỗ cũ như muốn làm ăn thêm bèn nói lớn hãy kêu police! Nhà tôi nói bằng tiếng Việt nhưng nghe chữ police, tên này dọt ngay. Nhưng hình như đám đồng nghiệp của hắn ta vẫn lẩn quẩn quanh khu vực bán vé để gạt những con mồi du khách khác.

Khi nghe tôi to tiếng với kẻ lừa gạt,  du khách ngoại quốc, những người đứng chung quanh (có lẽ đa số người địa phương vì  tôi thấy họ mua vé rất nhanh)  chẳng một ai nói gì ngoài nhìn tôi cãi nhau với người đàn ông này.

5 lira chưa tới 2 Úc kim, nhưng cũng làm cho chúng tôi bực mình trong  giây lát. Rồi chúng tôi bảo nhau, du lịch ở một số nước xô bồ là thế, chưa bị móc túi là may, vấn đề là du khách phải thận trọng.

Trở về khách sạn, chúng tôi lại tiếp tục đi trên con đường đông người nổi tiếng Istiklal. Rồi kiếm một nhà hàng gần khách sạn để ăn tối, là thời gian thích thú nhất đối với tôi khi đi du lịch, bởi ban ngày ăn uống sao cũng được, nhưng buổi tối phải tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon ở một khung cảnh mình cảm thấy hài lòng. Thế mới gọi là du lịch và nghỉ ngơi.

Chúng tôi ghé nhà hàng  ADA đối diện với khách sạn, lại cũng kêu cá salmon nướng và thịt bò beefsteak, để có thể chia cho nhau xem ngon dở. Những lát  thịt bò đầu tiên khác với thịt bò đêm hôm qua. Tôi khen với nhà tôi miếng thịt bò cắt dày, thơm và mềm giống thịt bò Úc. Ăn ngon, nhưng đến chừng hơn một phần ba đĩa, tôi bắt đầu thấy ngấy, không ngon như  miếng thịt bò mỏng ở nhà hàng Esmer Chef tối hôm qua.

Salmon 52 lira, beefsteak 59 lira, giá  tổng cộng kể cả bia, nước ngọt và tiền service là 168 lira (khoảng 45 Úc kim), rẻ hơn bữa ăn đêm trước 13 lira (một Úc kim ăn khoảng từ 3.60 đến 3.87 lira nếu đổi ngoài phố).

Tôi ghi chi tiết, tên các nhà hàng và giá bữa ăn để bạn đọc có thể dùng làm tài liệu nếu đi du lịch tự túc.

Mời bạn đọc theo dõi tiếp bút ký du lịch Gallipoli vào số tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 18.11.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1757 phát hành ngày 27.11.2019)