Hagia Sophia, di tích lịch sử kỳ lạ: một đền thờ của hai tôn giáo lớn (Turkey kỳ 5)

23 Tháng Mười Một, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Lối đi vào bên hơng của Hagia Sophia,  nay trở thành một viện bảo tàng. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 5

Đi một vòng trên quảng trường này, chúng tôi ghé tạt Blue Mosque (tức Sultan Ahmet) nhưng ngoài cổng treo bảng đóng cửa đến 2.30pm. Tôi đã được nghe nói rằng vào đền thờ Hồi giáo này phải lưu ý 5 buổi cầu nguyện trong ngày của họ, vì người không phải Hồi giáo không được vào đền trong giơ cầu nguyện. Nhưng với tôi, gặp dịp vào xem, không thì xem chỗ khác.

Chúng tôi đi thẳng tới  ngôi đền hình dáng trông cũng giống như đền Hồi giáo mà tôi biết chắc đấy là bảo tàng viện Hagia Sophia Museum. Vé vào cổng 72 lira một người (1 Úc kim ăn khoảng 3.60 đến 3.87 tùy nơi và tùy ngày).

Hagia Sophia theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là Holy Wisdom (Khôn ngoan Thần thánh), không phải Chúa Thánh thần Ngôi ba, mà theo Chính Thống giáo Holy Wisdom  là God the Son, tức Jesus ngôi hai.  Hagia Sophia được xây lần đầu vào năm 360.

Hành lang đầu tiên trước khi vào chánh điện của Hagia Sophia bằng 3 cánh cửa lớn bên trái. Hình: TVTS

Còn Hagia Sophia đang tồn tại hiện nay trước mắt du khách được Hoàng đế Justinian I của Byzantine cho xây từ năm 532 đến 537.

Với kiến trúc Byzantine, tòa nhà này được xem đã làm thay đổi lịch sử của ngành kiến trúc, là thánh đường lớn nhất trong vòng 1000 năm, là một kiến trúc Byzantine vĩ đại chưa bao giờ có.

Có một thời kỳ Hagia Sophia trở thành Nhà thờ Chính tòa Cong giáo (Roman Catholic Cathedral) trong một thời gian ngắn (1204-1261) trong Chiến tranh Thập tự lần thứ tư (Fourth Crusades)  dưới Đế chế Latin Empire, còn gọi là Latin Empire of Constantinople khi các lãnh đạo Đệ tứ Thập tự Giá được kêu gọi đi chiếm lại đất thánh Jerusalem bị Hồi giáo chiếm đóng.

Tôn giáo hòa hợp: Tranh khảm Đức Mẹ bồng Chúa Con (Hagia Sophia tiếng Hy lạp có nghĩa  là Holy Wisdom, God the Son) của Chính Thống giáo trên vòm trần nhà thờ nhìn  xuống bục giảng của Hồi giáo và những biểu tượng của đạo này. Hình: TVTS

Lịch sử chính trị và tôn giáo mấy trăm năm ở khu vực này rất phức tạp, có lẽ tôi không nên làm bận đầu óc độc giả thêm nữa.

Hagia Sophia (gọi Ayasofya, theo tiếng Thổ) là Nhà thờ Chính tòa của Thượng phụ  Giáo chủ Chính Thống giáo Hy Lạp, nơi đăng quang của các hoàng đế Đông La Mã cho đến khi bị Đế quốc Ottoman (Sultan Mehmet II) chiếm và trở thành Đền thờ Hồi giáo (1453) cho đến năm 1935 khi nó trở thành viện bảo tàng.

Bước vào cửa, du khách sẽ choáng ngộp với mái vòng khổng lồ nhiều màu sắc đan xen với những cửa sổ, hoa văn, tranh khảm trên tường và nhất là những cột trụ cẩm thạch lo lớn chống đỡ ngôi thánh đường Chính Thống giáo biến thành đền Hồi giáo.

Lối lên lầu của đền thờ, không  phải bằng bậc cấp hay cầu thang mà là đường dốc trải đá, bóng loáng và mịn theo thời gian gần 1500 năm (các hoàng hậu có chỗ ngồi riêng ở trên lầu). Hình: TVTS

Mặc dầu Hagia Sophia trở thành Đền thờ Hồi giáo trong vòng 500 năm nhưng vẫn còn những dấu tích của Thiên Chúa giáo trên tường cao của chính điện. Đó là những bức tranh khảm (mosaic) trên tường với hình ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Con hay hình Chúa Giê-su ngồi giữa Hoàng đế Constanstine IX Monomachos và Hoàng hậu Zoe, cả hai người đang dâng tiền cho Hagia Sophia (tức Holy Wisdom, Chúa Giê-su). Hoặc bức khảm Đức Mẹ bồng Chúa Con hai bên có Hoàng đế John II Komnenos và Hoàng hậu Eiren dâng tiền cho Chúa Con.

Những bức khảm này được làm từ thế kỷ 11 và 12. Cũng ở trên tầng hai bên cánh phải của ngôi đền, có hình Chúa Giê-su ở giữa, hai bên là Đức Mẹ và Thánh Gioan; hình Thánh Gioan mất đi cánh tay phải, Đức Mẹ chỉ còn mặt và vai trái.

Những chi tiết của vài bức khảm này bị tróc mà tôi không biết là do thời gian làm tàn phai hay do binh sĩ Hồi giáo cạo phá đi khi họ chiếm ngôi thánh đường này vào năm 1453. Tôi nghĩ bị cạo đi thì đúng hơn, nhưng dẫu sao, còn vẫn hơn không.

Vòng tròn trên sàn có hàng rào chắn là nơi các hoàng đế Đông La Mã đăng quang. Đối diện là phòng dành cho các vua Hồi giáo và tín đồ cầu nguyện, nơi các du khách đang ngồi nghỉ ngơi. Hình:  TVTS

Chúng tôi dành đúng một tiếng để chỉ đi xem bên trong ngôi thánh đường Thiên Chúa giáo kiêm đền Hồi giáo gồm thời gian lên lầu và đi gần một vòng hành lang (gallery) bao quanh chính điện ở dưới vì có vài khu vực bị chận lại, để tu bổ.

Có nhiều chữ viết và biểu tượng Hồi giáo trong đền này mà tôi không hiểu, nhưng ra vẻ biểu tượng Hồi giáo lấn áp Thiên Chúa giáo bởi đạo Hồi là tôn giáo cuối cùng  ngự trị trong tòa kiến trúc độc đáo này. Như vậy Bảo tàng viện Hagia Sophia đúng là một di san văn hóa tuyệt vời nói lên sự đa dạng của hai tôn giáo độc thần lớn của nhân loại và cũng là biểu tượng của sự khoan dung về tôn giáo.

Nhưng gần đây tôi nghe rằng hiện đang có sự vận động để biến Viện Bảo tàng Hagia Sophia trở thành Đền thờ Hồi giáo. Nếu vậy, thì du khách sẽ ít có cơ hội thăm viếng tự do và thoải mái như ngày nay.

Những cột trụ chống đỡ ngôi thánh đường xây cách đây 15 thế kỷ. Hình: TVTS

Chính người sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Đế quốc Ottoman bị sụp là Tổng thống Kemal Ataturk (1881-1938) đã biến ngôi đền Hồi giáo Hagia Sophia thành một viện bảo tàng vì ông muốn chế độ cộng hòa của nước ông là một cộng hòa thế tục (khác với Cộng hòa Hồi giáo).

Nếu bạn đi tour, chắc chắn khó có được nguyên một tiếng đồng hồ đi thăm viếng bên trong tòa nhà này như chúng tôi. Ra ngoài, tôi thấy một tòa nhà nằm sát bên, cũng có mái vòm với bảng hướng dẫn đề đây là mồ của các vị sultan (vua Á Rập) từ Mehmed III, Selim II đến Ibrahim, vào xem miễn phí nhưng chúng tôi không vào, vì còn phải trở lại bên kia đường để  thăm viếng Sultan Ahmet nằm đối diện. Đền này còn được gọi là Blue Mosque vì tường màu xanh, nghe nói không được lớn bằng Hagia Sophia, nhưng đẹp về kiến trúc.

Không có duyên với đền Blue Mosque

Chúng tôi trở  lại đền Sultan Ahmet. Vì đây là ngày Thứ Sáu nghe nói có 5 lần cầu nguyện trong ngày, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách tới gần cổng vào để may ra vào được bên trong xem đền thờ Hồi giáo nổi tiếng này có khác gì những đền mà chúng tôi đã có dịp vào xem ở những nước Hồi giáo khác không.

Đọc trên mạng, tôi được biết ngôi đền Sultan Ahmet (có người viết Ahmed), là một ngôi đền được xây từ năm 1609 đến 1616 lấy tên của ông vua này., Ahmed I khi ông đang tại vị. Hình ảnh bên trong đền xuất hiện trên mạng trông rất đẹp, được xem là một trong những di tích lịch sử và tôn giáo du khách nên đến xem khi thăm viếng Istanbul.

Ngôi đền Hagia Sophia nhìn từ trên lầu ra hướng đi vào, phía bên phải (không thấy trong hình) là khu vực đang được sửa chữa. Hình: TVTS

Từ xa tôi thấy nhiều người bước bên các bậc cấp, có nhân viên mặc sắc phục an ninh canh gác. Chúng tôi xem vài bảng hướng dẫn nói về lịch sử ngôi đền, y phục và cung cách cần tuân giữ khi vào ngôi đền, vì nhập gia phải tùy tục. Nhưng đến gần, chúng tôi thấy những người nào bận thường phục, y phục tây phương đều bị khoác tay, bảo trở xuống, trừ những người mặc y phục Hồi giáo.

Tôi thấy cái bang lớn ghi sẽ mở cửa vào xem tự do sau, từ  4.45pm đến 6pm.  Tôi tìm cách nhìn vào bên trong, chỉ thấy qua cửa vào cái sân giữa rộng bên trong màu trắng rất đẹp. Những người đến cầu nguyện trễ được an ninh đưa tay mời vào bên trong sân.

Tôi ghi ra giờ mở cửa cho du khách (visitors) vào xem: lúc 8.30; 13.45; 16.45. Ngày Thứ Sáu mở thêm lúc 14.15, hy vọng giúp ích gì cho độc giả chăng.

Du khách ngồi trước đền Sultan Ahmet. Hình: TVTS

Đứng nơi đây, chúng tôi chỉ thấy bức tường của ngôi đền. Vai người có vẻ là Hồi giáo cứ nhìn tôi đang chụp hình và quay phim bên ngoài khiến tôi cũng hơi ngại,  nên chúng tôi tìm cách ra hẳn bên ngoài đường, xem những bảng thông tin giới thiệu về Hồi giáo, một tôn giáo của hòa bình,  và nghe tiếng cầu nguyện (như hát) của một giọng nam phát ra từ  các loa gắn trên tháp của Blue Mosque và những tháp khác xa hàng trăm mét.

Cũng nhờ vậy mà tôi biết thêm đôi chút về Hồi giáo qua những thông tin thức thức tại đây “Jesus and May in Islam”: Đức Mẹ và Chúa Giê-su cũng được Hồi giáo tôn kính qua các tên Maryam (Mary) và Isa (Jesus) nhưng cách giải thích về cuộc đời của Chúa (được xem là một tiên tri– prophet) và Đức Mẹ khác với người Thiên Chúa giáo.

Trong bảng hướng dẫn “Articles of faith”, tín đồ Hồi giáo tin vào đấng Allah (God); tin các thiên thần, kinh thánh được Thượng đế truyền dạy; tin vào các tiên tri và ngôn sứ Thượng đế sai đến như Ibraheem (Abraham), Musa (Moses), Dawood (David), Isa (Jesus) và Muhammad, vị tiên tri cuối cùng; tin vào ngày phán xét và tin vào sự sống đời sau.

Đền thờ Hồi giáo Sultan Ahmet (Blue Mosque) đang trong giờ cầu nguyện nên du khách không được vào. Hình: TVTS

Thế là tôi được học “khóa giáo lý cấp tốc” và thấy ba tôn giáo Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo có nhiều điểm giống nhau mà quan trọng nhất là độc thần, một Thượng đế và cùng một “tổ phụ” là Abraham nhưng ra vẻ khó chấp nhận nhau?

Chúng tôi đi ra quảng trường Sultan Ahmet nơi có mấy tru tháp, thấy có một tòa nhà to có mái vòm đề là “Mộ của Sultan Ahmed” và xem miễn phí, nhưng chúng tôi quyết định đi về hướng gần Viện bảo tàng Hagia Sophia sát chỗ xe tram ngừng,  để xem di tích cuối cùng trong ngày trước khi trở lại khách sạn, để còn có dịp dùng phương tiện công cộng trước khi trời tối.

Mời quý bạn đọc theo dõi bút ký du lịch Thổ Nhĩ Kỳ trong kỳ tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 18.11.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1756 phát hành ngày 20.11.2019)