Ủng Hộ hay Không Ủng Hộ Dự Án Viện Bảo Tàng  

Một thành viên trong Công ty Viện Bảo Tàng giới thiệu Bộ Trưởng Đa văn Sự vu Ros Spence trong buổi họp công bố Chính phủ Lao động TB Victoria tại trợ thêm $2.3 triệu đô la diễn ra tại khu đất dự trù xây Viện Bảo Tàng, ngày 28.10.2022. Hình minh họa: TVTS

LTS: Đây là bài viết không đề tên tác giả được gởi tới một số người trong cộng đồng trong đó có TVTS. Tác giả bài này rất có thể là một người từng cộng tác hay nằm trong các Ban Chấp hành CĐNVTD-Victoria trước đây. Nhiều người trong cộng đồng người Việt (có đóng góp hay không đóng góp công sức, tiền bạc cho dự án Viện Bảo Tàng) đã nghe tên và mục tiêu của VBT nhưng không biết nó vận hành ra sao, thậm chí có thể không biết ai đứng đầu Công ty Viện Bảo Tàng  này, có bao nhiêu người trong Ban Giám đốc Cty VBT, tương quan giữa Cty VBT và CĐNVTD-Vic, sự khởi đầu dự án và nay nó đang diễn tiến ra sao. Thì đây là câu trả lời có thể mang lại phần nào hiểu biết cho những người thiếu thông tin về sự việc.

Dĩ nhiên, trong những ngày sắp tới người ta sẽ nghe nhiều chuyện hơn nữa ngoài việc Ban Chấp hành CĐNVTD-Vic ngày 30.12.2022 đã nộp caveat (đơn) ngăn chận việc mua bán miếng đất cho dự án xây VBT do Công ty VBT thực hiện.

Xem ra người viết bài (không ghi tên vì lý do gì đó) trình bày vấn đề trong tinh thần xây dựng trước khi sự việc có thể đi xa hơn nữa! Với những thông tin sau đây và những gì hai bên (Cộng đồng và Công ty) sẽ trình bày, tranh cãi, đối chất sau này,  sẽ là những lý do để các thành viên trong cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản quyết định ủng hộ hay không ủng hộ Dự Án Viện Bảo Tàng này!

Xin nhắc lại, trong cuộc bầu cử Ban Chấp hành CĐNVTD-Vic nhiệm kỳ 2022-2025, có hai liên danh tranh cử. Một liên danh tuyên bố ủng hộ dự án VBT của Công ty VBT hiện nay và một liên danh không ủng hộ dự án VBT với hiện trạng nhưng sẽ lập Ban Duyệt xét Dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa và Viện Bảo Tàng.  Liên danh Xây dựng và Phát triển do ông Nguyễn Quang Duy thụ ủy đã được các thành viên Cộng đồng NVTD-Vic tín nhiệm và thắng lớn (khoảng 70%). Nay họ đang thực thi lời hứa với cử tri khi tranh cử. Chúng ta chờ xem.

* * *

Đã là người Việt tỵ nạn CS, trốn khỏi VN bằng bất cứ con đường nào (đường biển, đường bộ, đường bảo lãnh theo diện gia đình, vợ chồng, hoặc đường du học, tay nghề hay kinh doanh) thì ai ai cũng phấn khởi, hết lòng ủng hộ Dự Án Viện Bảo Tàng Việt Nam Úc Châu (viết/gọi ngắn gọn là “Dự Án Viện Bảo Tàng (VBT)”).

Đây là một dự án có tầm vóc quan trọng nhất của CĐNVTD Úc Châu về con số kinh phí và giá trị lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Việt tỵ nạn CS và đã được thai nghén gần 2 thập niên.

Trước hết là tìm một khu đất thích hợp hợp. Cuộc hành trình đi tìm một khu đất để xây dựng Viện Bảo Tàng là một cuộc hành trình kéo dài và khó khăn. Cuộc hành trình bắt đầu từ năm 2001, khi Cộng Đồng mua 4 miếng đất tại vùng Sunshine North để xây Đền Thờ Quốc Tổ (Trung Tâm Bảo Tồn và Phát Huy Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam). Năm 2010, dự án xây dựng Viện Bảo Tàng đã được đem ra bàn thảo. Năm 2014, một bản vẽ Viện Bảo Tàng đã được phác thảo dựa trên mảnh đất của Đền Thờ Quốc Tổ. Năm 2015, Cộng Đồng bắt đầu đi tìm một khu đất thích hợp trong các vùng Miền Tây Melbourne. Đây là một công việc thực sự khó khăn vì những tiêu chuẩn đòi hỏi khi xây dựng một viện bảo tàng trong khi đó thì đất đai của các HĐTP ở các vùng Miền Tây càng ngày càng hiếm hoi. May mắn thay, vào tháng 6 năm 2018, HĐTP Maribyrnong dưới thời bà Cúc Lâm giữ chức vụ Thị Trưởng, đã chuẩn thuận cho dự án VBT một khu đất thật lý tưởng ở ngay tại trung tâm Footscray. Sau đó, HĐTP Maribyrnong đã chấp thuận bán khu đất này với giá $2 triệu.

Địa điểm khu đất dành để xây Viện Bảo Tàng nằm sau số 220 đường Barkly, Footscray

Số tiền tài trợ đầu tiên dành cho Dự Án VBT mà CĐNVTD/VIC nhận được là $750 000.00 từ Chính Phủ Victoria đã được Thủ Hiến Andrew Daniels công bố trong ngày Tết Trung Thu tổ chức tại Footscray, 06/10/2018. Số tiền đầu tiên này đã tạo nên một sự phấn khởi đầy cảm hứng cho bước khởi đầu của Dự Án VBT mà đã được chính quyền các cấp hỗ trợ mạnh mẽ niềm ước mơ và hoài bão của cộng đồng người Việt – “The Museum will serve as a dedicated space for Vietnamese Victorians, allowing them to collect, preserve, and share their culture and history, and celebrate their communities’ profound contributions to our state.” (Media Release – DELIVERING AUSTRALIA’S FIRST VIETNAMESE CULTURAL MUSEUM).

Thủ Hiến Andrew Daniels tuyên bố tài trợ $750 000.00 (số tiền đầu tiên) cho Dự Án VBT trong ngày Tết Trung Thu, 2018, tại Footscray

Và sự “hết lòng ủng hộ Dự Án Viện Bảo Tàng” của đồng bào đã được chứng minh trong ngày “Lễ Cáo Tổ Khởi Xướng Chương Trình Gây Quỹ Xây Dựng Viện Bảo Tàng“, 07/12/2019, với sự hiện diện đông đảo của đồng bào, các thân hào nhân sĩ và các quan khách Úc-Việt với số tiền hứa và hiến tặng nhận được (chỉ riêng trong ngày hôm đó) đã lên đến gần

$200 000.00 cùng với một số tặng phẩm rất quý hiếm.

Hình ảnh đồng bào đóng góp cho Dự Án VBT trong ngày “Lễ Cáo Tổ Khởi Xướng Chương Trình Gây Quỹ Xây Dựng Viện Bảo Tàng

Tính đến nay, Dự Án VBT đã nhận được những khoảng tài trợ như sau:

+  $750 000.00 (Năm 2018 từ Chính Phủ Lao Động Victoria)

+ $3 700 000.00 (Năm 2018 từ Chính Phủ Lao Động Victoria)

+ $5 000 000.00 (Năm 2019 từ Chính Phủ Liên Bang (Tự Do), dưới thời Thủ Tướng Scott Morrison)

+ $4 700 000.00 (Năm 2022 từ Chính Phủ Liên Bang (Lao Động), dưới thời Thủ Tướng Anthony Albanese)

+ $2 300 000.00 (Năm 2022 từ Chính Phủ Lao ĐộngVictoria)

Tổng cộng = $16 450 000.00.

Với số ngân khoản tài trợ của tiểu bang và liên bang gần $16.5 triệu cộng với số tiền đóng góp của đồng bào đã lên đến trên $800 000.00 thì Dự Án VBT đã có thể khởi công xây dựng cho giai đoạn đầu với kinh phí ước tính là 17 triệu.

(CĐNVTD/VIC đã có nhiều công sức trong số tiền quyên góp được ở thời gian đầu)
https://www.vietnamesemuseum.com.au/

Nhưng sự việc không đơn giản như một số người đã nghỉ vì số tiền tài trợ của Chính Phủ Liên Bang và Tiểu Bang Victoria chỉ được sử dụng vào việc xây cất chứ không phải để mua đất. Do đó VMA cần phải đi qua nhiều giai đoạn để xin Chính Phủ Liên Bang/Tiểu Bang cho phép dùng hoặc cho mượn trước $2 triệu trong khoảng tiền tài trợ để trả tiền đất.

Theo nguyên tắc “1/3” được nêu ra lúc khởi đầu Dự Án thì Chính Phủ Liên Bang tài trợ 1/3 cho tổng số kinh phí xây dựng VBT, Chính Phủ Tiểu Bang (Victoria) tài trợ 1/3 và 1/3 còn lại là trách nhiệm quyên góp của VMA, công thêm $2 triệu tiền mua đất. Tuy nhiên, khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn mà VMA đã trải qua, hy vọng là Chính Phủ Liên

Bang & Tiểu Bang thông cảm, du di phần nào và nguyên tắc “1/3” không còn được áp dụng một cách cứng ngắc.

Dự Án đã dường như dậm chân tại chỗ trong suốt 2 năm Covid và, theo sự quan sát và nhận xét của người viết, đang gặp trở ngại vì đã có những phản ứng mạnh mẽ của đồng bào khi mà VMA chưa/không có câu trả lời thỏa đáng cho 3 câu hỏi (vấn đề) chính sau đây:

  • Ai là chủ nhân của Viện Bảo Tàng?
  • Tại sao không công bố danh sách của những người đóng góp?
  • Ngân sách điều hành (running cost) lấy từ đâu ra?

1.Ai là chủ nhân của Viện Bảo Tàng?

Chính xác mà nói, trong suốt thời gian “thai nghén” Dự Án VBT gần 2 thập niên và cho mãi đến khi Dự Án được chính thức “ra đời” vào ngày “Lễ Cáo Tổ Khởi Xướng Chương Trình Gây Quỹ Xây Dựng Viện Bảo Tàng“, 07/12/2019, thì cái công ty Vietnamese Museum Australia Limited (VMA) hoàn toàn không hiện hữu và không có một ai biết đến.

Chính xác hơn nữa, sự ủng hộ của đồng bào cũng như mọi sự tài trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp, lúc bấy giờ, tất cả đều dành cho Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria – CĐNVTD/VIC (Vietnamese Community in Australia, Victoria Chapter – VCA-VIC), và chỉ có CĐNVTD/VIC mà thôi, trong việc thực hiện Dự Án VBT. Có nghĩa là CĐNVTD/VIC chính là “người” (pháp nhân) nhận được sự hỗ trợ và có trách nhiệm đứng ra xây dựng và làm chủ Viện Bảo Tàng.

Đùng một cái, vào cuối nhiệm kỳ 2016-2019 của BCH CĐNVTD/VIC, từ một “Ủy ban xây dựng Viện Bảo Tàng”, lúc ban đầu, trực thuộc CĐNVTD/VIC bỗng nhiên trở thành một công ty trách nhiệm hữu hạn, Vietnamese Museum Australia Limited (VMA), hoàn toàn độc lập với CĐNVTD/VIC.

VMA đã được “khai sinh” trước sự thắc mắc và ngỡ ngàng của đồng bào, và đã được đăng bạ với ASIC vào ngày 18/09/2019 và ACNC kể từ ngày 14/10/2019. VMA được thành lập với mục đích “được phép miễn thuế, có thể nhận tài trợ cho VBT trên toàn quốc hay tổ chức những buổi gây quỹ được miễn thuế trên toàn quốc“, nhưng có lẽ quan trọng hơn hết là trở thành một cơ quan độc lập, không bị CĐNVTD/VIC chi phối qua những sự thay đổi nhân sự hay đường lối của BCH CĐNVTD/VIC.

https://connectonline.asic.gov.au/RegistrySearch/faces/landing/panelSear
ch.jspx?searchText=635162088&searchType=OrgAndBusNm&_adf.ctrl-  state=3nlxdq4mv_15

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

https://www.abr.business.gov.au/ABN/View/87635162088  https://www.acnc.gov.au/charity/charities/b50f4c92-af01-ea11-a811-  000d3ad1f497/profile

Điều này được xác nhận (confirmed) và thấy rõ qua việc “không hợp tác” của VMA với BCH CĐNVTD/VIC nhiệm kỳ 2019-2022. Và cũng có nghĩa là những gì được ghi trong Bản Nội Quy 2019 (không hợp lệ) của CĐNVTD/VIC và Bản Nội Quy của VMA về quyền hành của một “thành viên sáng lập” (founding member) không có giá trị thực tế vì CĐNVTD/VIC và CĐNVTD Liên Bang Úc Châu tuy được ghi là “thành viên sáng lập” nhưng “thành viên sáng lập” ở đây chỉ có nghĩa là đứng đơn để lập công ty với ASIC chứ không có quyền sở hữu chủ như đã được định nghĩa ở Điều 75 trong Bản Nội Quy của VBT (đính kèm bên dưới) –

Việc thành lập công ty VMA đã không có sự tham khảo sâu rộng với đồng bào cũng như không cho đồng bào (đa số không rành về luật pháp) có cơ hội tìm hiểu về cơ chế, cơ cấu tổ chức, nhân sự của VMA cũng như những lợi ích và rủi ro (risk and benefits) đối với Dự Án VBT đã gây nên một sự bất mãn. Có thể nói VMA là “đứa con ngoài hôn thú” vì không có sự chấp thuận của gia đình.

Kế đến là những vụ chuyển tiền trái phép, tắc trách từ trương mục của CĐNVTD/VIC sang VMA thực hiện vào cuối nhiệm kỳ 2016-2019 của BCH CĐNVTD/VIC đã làm cho ông Nguyễn văn Bon, khi vừa mới chân ướt chân ráo trở lại nhận lãnh trách nhiệm lèo lái con thuyền CĐNVTD/VIC, nhiệm kỳ 2019-2022, đã bị Chính Phủ Victoria khiển trách nặng nề. Điều này, một lần nữa, đã chứng minh là sự tài trợ của Chính Phủ, từ lúc ban đầu, chính thức dành cho CĐNVTD/VIC để xây dựng VBT chứ không phải VMA.

Sau khi tìm hiểu, làm việc với VMA và được sự cho phép cùng văn thư “Chuyển dự án viện bảo tàng sang cho công ty hữu hạn VMA (Vietnamese museum Australia LTD)” (?!) của Chính Phủ Victoria để thực hiện những công việc cần phải làm, ông Nguyễn văn Bon đã ra một thông báo vào ngày 19/06/2021, “V/v: Trách Nhiệm Của Viện Bảo Tàng“, với những lời lẽ nói lên sự thất vọng của ông đối với những việc làm trái phép, tắc trách, và có thể kèm theo cả sự bất mãn về sự kiện Dự Án VBT đã bị VMA “phổng tay trên”.

Dưới đây là đoạn cuối của thông báo nói trên –

Nay chúng tôi xin trân trọng thông báo đến toàn thể đồng bào:

  1. Kể từ 22 tháng 2 năm 2021 Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria không còn trách nhiệm gì đối với chính phủ về việc thành lập Viện bảo tàng.
  2. Kể từ ngày 17 tháng 7 năm 2020, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về số tiền do chính phủ cung cấp (funding) cho

Nội dung của đoạn thông báo này đã cho chúng ta thấy rõ là CĐNVTD/VIC không còn là chủ nhân của Dự Án VBT – CĐNVTD/VIC và VMA là hai tổ chức hoàn toàn biệt lập – “Thôi là hết anh đi đường  anh … em đi đường em … tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”.

Đã là một công ty độc lập đối với CĐNVTD/VIC thì VMA đã tham khảo với những ai, được sự chấp thuận của những ai và lấy quyền gì mà, khi nộp đơn xin mua khu đất, đứng tên VMA, để xây dựng VBT, đã hứa với HĐTP Maribyrnong là sẽ dùng Đền Thờ Quốc Tổ làm phương tiện thế chân cho những khoản vay mượn ở ngân hàng?

Special-Council-Meeting-4-August-2020 Agenda  https://www.maribyrnong.vic.gov.au/About-us/Council-and-committee-  meetings/Agendas-and-minutes/4-August-2020-Special-Council

Tưởng cũng cần nhắc lại, trong thời gian Tết Kỷ Hợi, đầu năm 2019, CĐNVTD/VIC, qua thông báo ra ngày 15/01/2019, đã phát động một chiến dịch khẩn cấp kêu gọi ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Chính Phủ Liên Bang tài trợ công trình xây dựng Viện Bảo Tàng với điều kiện là cần phải có 5000 chữ ký trước ngày 26/01.

Với sự đồng tâm dốc sức của vô số thiện nguyện viên và sự ủng hộ nồng nhiệt của đồng bào và cư dân Úc tại Victoria cũng như trên toàn nước Úc, ngày 28/01/2019 CĐNVTD/VIC đã “trân trọng thông báo tổng số chữ ký đã hơn 10,000 chỉ trong vòng 2 tuần, gấp hai lần số chữ ký yêu cầu là 5,000“.

 

Một số hình ảnh ký thỉnh nguyện yêu cầu Chính Phủ Liên Bang tài trợ dự án VBT https://photos.app.goo.gl/TGovDTiMH419Hkts9

 

Điều này, một lần nửa, xác nhận CĐNVTD/VIC chính là tổ chức khởi xướng và đặt tất cả tâm huyết vào việc thực hiện Dự Án VBT. Và đáp lại, đồng bào và cư dân Úc đã nồng nhiệt ủng hộ lời kêu gọi ký thỉnh nguyện thư vì tin tưởng ở CĐNVTD/VIC và chỉ biết có một CĐNVTD/VIC mà thôi.

Tóm lại, đồng bào đã hết lòng ủng hộ Dự Án Viện Bảo Tàng vì tin rằng CĐNVTD/VIC là chủ nhân thực sự của VBT, tức là một chủ nhân có quyền lực như Elon Musk sau khi mua đứt Twitter đã thẳng tay cho hàng loạt nhân viên cao cấp “về nhà đuổi gà cho vợ, đi chợ nấu cơm cho chồng” vì đã làm việc thiếu tinh thần tự do dân chủ, lạm quyền, mang nặng tính cách phe phái.

Ngoài ra, nếu “bộ phận” có trách nhiệm thực hiện Dự Án VBT là một Ủy Ban trực thuộc CĐNVTD/VIC thì khi VBT rơi vào trường hợp “ngưng hoạt động” thì mọi tài sản của VBT đều thuộc về CĐNVTD/VIC chứ không bị “sang tay” cho người khác, như vậy CĐNVTD/VIC mới chính là chủ nhân thực sự của VBT. Và khi biết được CĐNVTD/VIC không phải là chủ nhân của VBT thì “lòng ủng hộ Dự Án Viện Bảo Tàng” của đồng bào đã khựng lại.

Bây giờ thì mọi người đã có câu trả lời ai là chủ nhân VBT, một câu trả lời mà VMA đã tránh né hoặc tìm cách trả lời quanh co trong suốt thời gian qua vì sợ mất đi tiềm năng ủng hộ của đồng bào.

Và nay CĐNVTD/VIC, nhiệm kỳ 2022-2025, “thành lập một Tiểu Ban độc lập để duyệt xét việc thực hiện Dự Án Xây Dựng Trung Tâm Văn Hóa Việt-Úc” và “xác định rõ đối tượng của Tiểu Ban là Dự Án chứ không phải VMA” thì cho dù kết quả có như thế nào đi chăng nửa, dưới con mắt của Chính Phủ Tiểu Bang và Liên Bang, sự “không hợp tác” giữa CĐNVTD/VIC và VMA, nếu tiếp tục xảy ra, chỉ là chuyện nội bộ, Chính Phủ không muốn can dự vào, vì dù muốn dù không, VMA cũng là “con đẻ” của CĐNVTD/VIC.

CĐVNTD/VIC và VMA cần phải đóng cửa, ngồi lại nói chuyện với nhau và tham khảo sâu rộng với đồng bào để giải quyết vấn đề, đi đến một giải pháp hài hòa có lợi chung cho cộng đồng người Việt chứ không cho riêng một nhóm hay một số cá nhân nào.

2. Tại sao không công bố danh sách của những người đóng góp?

Đã nhiều lần đồng bào yêu cầu VMA đưa ra danh sách của những cá nhân, hội đoàn đã đóng góp tài chánh cho công trình xây dựng VBT với những chi tiết như sau – số biên nhận, tên họ, số tiền đóng góp, ngày tháng đóng góp – một yêu cầu rất đơn giản nhưng không được VMA đáp ứng.

Lúc đầu VMA viện lý do là vì có nhiều người không muốn đưa những chi tiết có tính cách riêng tư ra ngoài công chúng, ngay sau đó đồng bào đã yêu cầu là ghi “ẩn danh” cho những người muốn giữ kín tên họ của mình, rồi sau cùng thì đồng bào lại yêu cầu là chỉ cần “số biên nhận” và “số tiền đóng góp” là được rồi. Nhưng cũng vẫn không được VMA đáp ứng mặc dầu đã có hứa hẹn.

Với danh sách này, nếu có “tên họ”, thì những người đóng góp sẽ có dịp hãnh diện khoe với bạn bè, người thân về sự đóng góp có ý nghĩa của mình và cũng là một dịp để quảng bá, lôi cuốn đồng bào (những người chưa biết hoặc còn do dự) hăng hái đóng góp cho Dự Án VBT. Nếu danh sách chỉ có “số biên nhận” và “số tiền đóng góp” thì ít ra những người đóng góp cũng còn có thể kiểm tra và sẽ yêu cầu VMA điều chỉnh lại những sai sót, nếu có.

Đồng bào được mời gọi, khuyến khích đóng góp, đóng góp bao nhiêu cũng được, đóng góp càng nhiều càng tốt nhưng tiếng nói lại không được tôn trọng, yêu cầu không được đáp ứng.

Do đó, sự không minh bạch trong việc không công bố danh sách những người đóng góp đã làm cho sự ủng hộ của đồng bào khựng lại và thắc mắc – Phải chăng có một điều gì đó khó hiểu và không trong sáng?!

VMA đã để một việc rất nhỏ ảnh hưởng đến một việc rất lớn.

3.Ngân sách điều hành (running cost) lấy từ đâu ra?

Không như là một “vật thể bất động” như Tượng Đài Thuyền Nhân tại Footscray hay tượng đài Chiến Sĩ Úc-Việt tại Dandenong hay Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt tại Sunshine, VBT (sau khi đã xây dựng xong) là một “vật thể sống” nên cần phải được “nuôi dưỡng” tức là phải cần có một số ngân khoản cần thiết, (theo ước tính) trung bình trên dưới 2 triệu mỗi năm, để điều hành VBT (running cost).

Vậy thì ngân sách điều hành VBT lấy từ đâu ra?

VMA cho biết là đã có một bản nghiên cứu về nguồn tài chánh khả thi (feasibility study) và “nếu cần thiết những nhân viên chuyên môn có thể làm trả lương ít (low prono) hay thiện nguyện“.

Nói về tính chất “khả thi” thì rút kinh nghiệm từ bản nghiên cứu khả thi trong việc gây quỹ $5-7 triệu cho công trình xây dựng đã cho thấy tính chất khả thi chỉ dựa trên những con số thống kê chứ không đi sát với thực tế.

Theo nguyên tắc “1/3”, số tiền ước tính lúc ban đầu mà VMA có trách nhiệm gây quỹ để góp vào kinh phí xây dựng VBT và trả tiền mua đất là $7 triệu nhưng tính đến nay VMA chỉ mới quyên góp được chưa tới $1 triệu thì đào ở đâu ra trên dưới $2 triệu mỗi năm để nuôi sống VBT – điều này cho thấy “khả thi” và thực tế rất khác xa nhau.

Còn về thiện nguyên thì công việc của VBT đòi hỏi những thiện nguyện viện phải có một sự cam kết, làm việc đều đặn và lâu dài (commitment, regularly and long term) chứ không phải làm việc tùy hứng, muốn làm thì làm, muốn nghĩ thì nghĩ, làm mất đi tính cách chuyên nghiệp (professional) có ảnh hưởng đến uy tín và sự điều hành của VBT.

Cần phải nói thêm, ít nhiều gì thì VBT cũng sẽ nhận được một khoảng tài trợ từ Chính Phủ cho công việc điều hành hàng năm, nếu hoạt động hữu hiệu, có hiệu quả. Tuy nhiên sống nhờ vào những khoảng tài trợ của Chính Phủ cũng rất hồi hộp – khi nhiều khi ít, khi có khi không. Ví dụ như sự tài trợ của Chính Phủ Victoria dành cho Chương Trình Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đã bị cắt từ khóa học 2022.

Nếu không có ngân sách để “nuôi dưỡng” VBT thì, chiếu theo luật lệ áp dụng cho các cơ quan vô vụ lợi, VBT sẽ bị “sang tay” cho một tổ chức khác, cũng có nghĩa là tất cả mọi đóng góp của đồng bào (tiền tài, vật phẩm) đều bị “cuốn theo chiều gió”.

Chẳng lẽ, lúc cần ngân sách điều hành, lại dùng phương cách “hù dọa” (blackmail) để thúc đẩy những người đã đóng góp lại phải tiếp tục đóng góp thêm để nuôi sống VBT vì tiếc cái VBT và tiếc những gì mình đã đóng góp.

Quan trọng hơn hết, nếu mọi khả năng tài chánh của đồng bào đều dồn vào việc nuôi sống VBT hàng năm thì điều này sẽ “nuốt” mất những khả năng đóng góp cho những chương trình phục vụ cộng đồng (xã hội, văn hóa, phát triển,…), những việc làm có ý nghĩa như sự trợ giúp Bệnh Viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Good Friday Appeal), những nạn nhân cháy rừng, lụt lội, hạn hán,… hay bị cô lập vì Covid như trong thời gian gần đây.

Trong bao năm qua, chính những đóng góp lớn lao này đã tạo nên uy tín cho CĐNVTD và tạo nhiều thiện cảm trong cộng đồng rộng lớn Úc (wider community) đối với cộng đồng người Việt. Như thế, việc “nuôi sống” VBT có thể “nhận chìm” tiếng tăm của cộng đồng người Việt vì sự thiếu vắng đóng góp cho xã hội, bày tỏ sự đền đáp cho đất nước Úc.

Chẳng lẽ lúc bấy giờ lại “nằm vạ” với CĐNVTD/VIC vì CĐNVTD/VIC là một “thành viên sáng lập” (founding member), là một “người” tuy không có quyền hạn (“hữu danh vô thực”) nhưng lại có trách nhiệm đối với VMA vì đã có tên ghi trên giấy trắng mực đen và có tài sản (không như CĐNVTD Liên Bang Úc Châu) – “nắm thằng có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”.

Hy vọng là CĐNVTD/VIC sẽ không bị “áp lực” đi đến con đường phải có một quyết định tối hậu – hoặc bán Đền Thờ Quốc Tổ để nuôi sống VBT (nhưng nuôi được bao lâu?) hoặc giữ Đền Thờ Quốc Tổ và để mất VBT (xin nói rõ “mất” ở đây là “mất” đối với những người đã đóng góp chứ không phải “mất” đối với CĐNVTD/VIC vì VBT không thuộc về CĐNVTD/VIC).

Kết luận:

Dự Án VBT là một dự án có tầm vóc quan trọng nhất của CĐNVTD Úc Châu, là tâm huyết và công sức đóng góp của bao đời BCH CĐNVTD/VIC và những thiện nguyện viên (kể cả những người không nằm trong VMA hoặc đã rời bỏ VMA) cùng với sự hỗ trợ của một số CĐNVTD tiểu bang/lãnh thổ, là một cơ hội ngàn vàng, “phúc bất trùng lai” (với con số tài trợ trên 16 triệu) nếu để vuột mất thì thật là đáng tiếc vô cùng (mặc dầu bây giờ “người yêu” Dự Án VBT đã không còn nằm trong vòng tay của CĐNVTD/VIC).

Tuy nhiên khi có Dự Án trong tay, VMA đã tỏ ra – thiếu “tế nhị” với CĐNVTD/VIC, thiếu sự trong sáng, thiếu sự mở rộng (exclusive), thiếu sự quan tâm, chú trọng đến quyền lợi chung và lâu dài của cộng đồng người Việt nên đã làm cho Dự Án thiếu sự hỗ trợ rộng rãi của các CĐNVTD tiểu bang và lãnh thổ, thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của đồng bào, cho nên Dự Án VBT đã trở thành một khúc gân gà khó nuốt.

Sau cùng, xin nhấn mạnh một lần nữa – VMA là một công ty độc lập đối với CĐNVTD/VIC, là công ty có trách nhiệm điều hành Dự Án VBT (không còn thuộc về CĐNVTD/VIC). Riêng câu hỏi, ai là chủ nhân của VBT và VBT sẽ đi về đâu nếu chẳng may phải ngưng hoạt động đều đã có câu trả lời. Do đó ủng hộ hay không ủng hộ Dự Án VBT là tùy vào sự tìm hiểu, suy sét, tầm nhìn và quyết định hay cảm tính của từng cá nhân, là quyền tự do và sự tự nguyện của mỗi người.

Melbourne

06/01/2023

Tin cập nhật: TVTS đã được biết người viết bài nói trên là ông Nhân Nguyễn, qua một email ngày 14.1.2023 dài trên 3,300 chữ của bà Nguyễn Phượng Vỹ, cựu chủ tịch CĐNVTD-Victoria gởi cho ông Nhân Nguyễn và được phổ biến trên mạng,  qua đó bà trả lời và phê bình bài viết của ông Nhân Nguyễn, cho rằng việc thành lập Viện Bảo Tàng và Công ty Viện Bảo Tàng là hợp với nguyện vọng của các thành viên của CDNVTD-Vic và hợp pháp. Bà Phượng Vỹ kết luận: “PV xin tiếp lời của anh về “đứa con ngoài hôn thú”. Ai ai cũng nói, kể cả anh, rằng có 1 VBT là ước mơ đã được “thai nghén” hơn hai thập niên. Thì khi đứa con được sinh ra chúng ta phải vui mừng mới đúng chứ. Cho dù đứa con đó có khuyết tật, hay ngoài hôn thú (xin ghi chú PV không chia sẻ nhận xét của anh v/v ngoài hôn thú) thì cha mẹ hay ông bà cũng tìm cách hỗ trợ đứa con đó có được cơ hội thành nhân chứ. Ai lại khi phát giác ra nó có khuyết điểm này hay sơ sót nọ, thì lại bỏ rơi nó (eg không có đại diện trong BQT, duyệt xét độc lập, chưa cho con bú đã đòi nó phụng dưỡng v.v.), hay “bóp mũi” nó cho chết như vậy anh? Luân lý, đạo nghĩa ở đâu rồi?”