Cộng đồng tị nạn cộng sản trước lợi thế của nhà nước Cộng sản Việt Nam

22 Tháng Ba, 2024 | BÌNH LUẬN
Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt đội danh dự quân đội Úc. Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay khác với 50 năm về trước. Thời đó, cùng với làn sóng thuyền nhân vượt biển tìm tự do đến các trại tị nạn ở Đông Nam Á, người tị nạn chúng ta được thế giới dân chủ Tây phương mở rộng vòng tay và nhận định cư ở nước họ. Nhân quyền là lá bài chủ để Hoa Kỳ và nhiều nước Tây phương dùng để trừng phạt chế độ độ tài CSVN bằng cấm vận hay không viện trợ cho nhà nước CSVN dù dân VN phải ăn bo bo, thực phẩm của ngựa, là một trong 10 quốc gia nghèo đói nhất thế giới.

Thời đó, chính phủ Malcolm Fraser, Bob Hawke, Paul Keating và sau này cả John Howard (1975-2007) luôn ủng hộ. Và nguyện vọng của họ được chính phủ cầm quyền cũng như đảng đối lập lắng nghe. Nếu vị thủ tướng tiếp các phái đoàn CSVN trong Quốc hội chỉ đặt vấn đề nhân quyền, dân chủ, yêu cầu trả tự do cho các nhà tranh đấu trở về VN bị bắt như ông Võ Đại Tôn trong chốn riêng tư thì ở bên ngoài  Quốc hội, các lãnh đạo đối lập nhận thỉnh nguyện thư của người Việt tị nạn, công khai lên án sự đàn áp của nhà cầm quyền CSVN trước ống kính truyền hình và báo chí.

Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một số lãnh tụ CSVN đã bị vài ngàn người Việt tị nạn kéo đến tận Canberra biểu tình khiến họ luôn luôn phải đi cửa hậu để vào Quốc hội. CSVN phản đối chính phủ Úc không cấm người biểu tình chờ sẵn hai bên đường để ném cà chua vào xe chở họ. Bởi biểu tình là quyền của công dân trừ khi có bạo động thì sẽ bị ngăn chận hay bị bắt giữ. Nhưng kể từ khi Hoa Kỳ chính thức bang giao với CSVN, tình hình đã thay đổi. Biểu tình lên án CSVN mỗi khi phái đoàn của họ qua Úc không còn nhiều người tham dự như trước, vì nhiều lý do. Chủ tịch Quốc hội CSVN Vương Đình Huệ qua Úc vào cuối năm ngoái trở thành chuyện “bình thường”.

Người tị nạn cần duy trì tinh thần chống cộng sản độc tài, không thỏa hiệp với họ, không thể để bị xem là khúc ruột ngàn dặm hay máu thịt Việt Nam đối với cộng sản độc tài. Nhưng không thể hễ mỗi lần có quan chức CSVN qua Úc là đi biểu tình. Những cuộc biểu tình chống đài truyền hình SBS phát hình chương trình truyền CSVN thu hút khoảng 12,000 người ở Sydney và khoảng 3,000 người ở Melbourne vào cuối năm 2003 khiến SBS phải hủy bỏ chương trình này là điều hợp tình hợp lý để SBS nhượng bộ, là một thắng lợi và là biến cố mang tính cách lịch sử của người Việt tị nạn.

Nhưng kể từ ngày đó đến nay, biết bao nhiêu phái đoàn CSVN đã qua Úc “như đi chợ”?  Tuần qua, Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính qua Úc với cả phái đoàn 100 người, được Thủ tướng Anthony Albanese đón ở Dinh Toàn quyền Tiểu bang Victoria trong dịp Thượng đỉnh ASEAN-Úc, rồi sau đó được tiếp đón trọng thể bằng 19 phát đại bác trước tiền đình Quốc hội Liên bang và được Toàn quyền Liên bang David Hurley lái xe điện chở dạo khuôn viên Dinh toàn quyền xem kangaroo chạy nhảy. Hai lãnh đạo cao nhất của nước Úc ôm Chính “hôn thắm thiết” nhiều lần như vậy thì có tới biểu tình cũng không gây ảnh hưởng đối với chính phủ Úc, một khi hai bên nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Nói như vậy không có nghĩa người tị nạn bỏ cuộc. Đã đến lúc vận động để có nhiều người tị nạn vào trong Quốc hội và họ phải có lòng để dùng tiếng nói gây ảnh hưởng.  Có như vậy mới đóng góp phần nào cho dân chủ ở Việt Nam. Chúng ta chớ lấy lý do việc biểu tình không “đúng ngày và đúng nơi” để tấn công, bôi bẩn nhau.

(Trích xã luận tuần báo điện tử etvts số 1974 phát hành Thứ Tư 13/3/2024)