Mỗi năm tưởng niệm ngày 17/2: Trung Hoa, kẻ thù truyền kiếp của VN

01 Tháng Ba, 2024 | Bình Luận
Báo Nhân dân phát hành năm 1979 với tít lớn: “Thắng lợi rất oanh liệt và toàn diện đánh bại 600 nghìn quân Trung Quốc xâm lược”

Do địa hình và bản sắc dân tộc, nước Việt Nam và nước Trung Hoa –dù là Việt Cộng (Communist Vietnam) hay Trung Cộng (Communist China)– không thể nào là bằng hữu lâu dài tuy người Việt và Hoa có thể sống chung hòa thuận với nhau trong một nước (công dân) hay yêu thương nhau trong một gia đình (hôn nhân). Và chúng ta cũng cần phân biệt nước Trung Hoa (China) với nước Đài Loan (Taiwan), một đảo quốc có chủ quyền độc lập với Hoa Lục.

Tại sao trên thế giới, những nước có hàng trăm năm xung đột, chiến tranh, đô hộ hay bị đô hộ nhưng rồi có thể chung sống hòa bình mà người Việt Nam vẫn ôm mối thù “truyền kiếp” với người láng giềng phương bắc, kể cả đại đa số người Việt Cộng (đảng viên cộng sản, xem đảng và dân tộc là một)? Vì người Hán từ 2000 năm qua vẫn luôn muốn chiếm và đồng hóa người VN và người VN  luôn chống lại sự xâm lăng của họ mà mới nhất, dài nhất và gây tổn thất nặng nề nhất cho hai bên là chiến tranh biên giới xảy ra vào ngày 17/2/1979 giữa hai “đồng chí” cộng sản Trung Hoa và cộng sản VN.

Người VN đã viết nên những trang sử oai hùng chống kẻ thù phương bắc từ cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng  chống nhà Đông Hán năm 40 đến trận đại phá quân Nhà Thanh năm 1789 của Quang Trung Nguyễn Huệ. Từ đó, VN được yên ổn không còn bị Trung Hoa đe dọa cho đến khi Bắc Kinh chiếm đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 của nước Việt Nam Cộng Hòa, rồi đưa 600 ngàn quân và 400 xe tăng vượt biên giới dạy cho người anh em đồng chí một bài học năm 1979. Đó là chưa kể một trận chiến nhỏ khác ở Trường Sa ngày 14/3/1988 do Bắc Kinh gây ra giữa hai đồng chí anh em “sông liền sông, núi liền núi, chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như Biển Đông” trong đó họ chiếm các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.

Xung đột trên biển vẫn còn tiếp diễn trong hai chục năm gần đây qua việc Bắc Kinh thăm dò và khai thác dầu hỏa, tấn công các ngư thuyền VN trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của VN mà Bắc Kinh gọi là đường lưỡi bò 9 đoạn thuộc chủ quyền của họ. Sự việc này khiến Hà Nội đã tìm cách liên kết với những nước nhỏ trong vùng có tuyên bố chủ quyền một phần chồng chéo lên nhau để chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh. Đáng kể nhất là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Joe Biden sang thăm VN hồi tháng 9 năm ngoái và ký thỏa thuận nâng quan hệ với một cựu thù lên  mức đối tác chiến lược toàn diện, ngang hàng với những đồng chí từng giúp cộng sản Việt Nam chiếm trọn Miền Nam như Nga và Trung Hoa.

Nhưng vì muốn duy trì chế độ độc tài “còn đảng còn mình” nên Trọng ngay sau đó đã mời Tập Cận Bình sang thăm VN và hai nhà lãnh đạo đảng cùng tuyên bố “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung -Việt”. Trong bài diễn văn, Tập dùng tục ngữ VN để ví von “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” và không quên nhắc lại nguyện ước ban đầu là cùng nhau đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Chính sách của người Hán –dù là cộng sản hay quốc gia—đều nhắm tới tương lai VN sẽ là một tỉnh của Trung Hoa như  Quảng Đông, Quảng Tây v.v… Sử sách Việt Cộng ghi đánh Mỹ xâm lược nhưng không ghi các cuộc xâm lăng của Trung Cộng. Tuần qua, đánh dấu 45 năm người đồng chí vĩ đại xua quân đánh 6 tỉnh biên giới VN, thế mà Hà Nội vẫn im lặng, lại còn đàn áp mỗi khi người dân tưởng niệm ngày 17/2.  Nguyễn Phú  Trọng là Lê Chiêu Thống thời nay.

(Trích báo điện tử etvts.com.au số 1971 phát hành ngày 21/2/2024)